📞

Kinh tế Mỹ tiếp tục 'rung chuyển' trong năm 2023?

Linh Chi 14:27 | 03/01/2023
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, sau năm 2022 tồi tệ với giá cả leo thang và bất ổn kinh tế, nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục "rung chuyển" và người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với một năm 2023 đầy biến động.
Kinh tế Mỹ bước sang năm 2023 với nhiều vấn đề chưa chắc chắn. (Nguồn: Forbes)

Năm 2022 kết thúc với một bức tranh hỗn hợp của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tốc độ tăng giá và lạm phát tại Mỹ đã chậm lại trong tháng 11/2022, dù vẫn cao hơn bình thường. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế dự đoán, 70% khả năng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái vào năm 2023, cao hơn gấp đôi so với khả năng họ đưa ra sáu tháng trước.

Dưới đây là bốn điều cần theo dõi trong nền kinh tế Mỹ năm 2023.

Covid-19 tại Trung Quốc

Mặc dù vấn đề đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc có vẻ như là một mối quan tâm xa vời đối với hầu hết người Mỹ, nhưng những tác động lan tỏa đối với nền kinh tế dự kiến ​​sẽ có ý nghĩa lớn bởi Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Mỹ và là nước tiêu thụ dầu lớn trên toàn cầu.

Sau nhiều tháng phong tỏa nghiêm ngặt, Trung Quốc đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vì Covid-19. Giờ đây, biến thể Omicron đang nhanh chóng lây lan tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nhà kinh tế trưởng Megan Greene tại Viện nghiên cứu kinh tế Kroll cho hay: “Khi Trung Quốc vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, nhu cầu tiêu thụ dầu của quốc gia này tăng trở lại và giá toàn cầu sẽ cao hơn. Điều này ảnh hưởng đến giá xăng dầu của Mỹ”.

Động thái tiếp theo của Fed

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cố gắng kiềm chế lạm phát tại quốc gia này bằng cách tăng lãi suất kể từ tháng 3/2022. Fed hy vọng rằng, việc tạo ra chi phí vay cao hơn sẽ khiến chi tiêu chậm lại, từ đó, giá cả tăng chậm và lạm phát giảm.

Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, hành động này đã gây thiệt hại cho một số bộ phận của nền kinh tế như thị trường nhà ở và tác động đối với các lĩnh vực khác sẽ được cảm nhận sâu sắc hơn vào năm 2023.

Giáo sư kinh tế Glenn Hubbard tại Đại học Columbia cho biết: “Fed đã hoàn thành công việc của mình và sẽ còn nhiều việc phải làm, nhưng không biết chính xác khi nào hành động của ngân hàng này sẽ tác động đến nền kinh tế. Vì vậy, tôi dự đoán, một cuộc suy thoái sẽ đến vào năm 2023 và động thái tiếp theo của Fed sẽ là một rủi ro lớn cho nền kinh tế lớn nhất thế giới".

Câu hỏi quan trọng cần phải giải đáp là vào năm 2023, Fed sẽ thực hiện thêm bao nhiêu lần tăng lãi suất nữa và lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong bao lâu?

GS. Greene tin rằng, tình trạng lạm phát tồi tệ nhất đang ở phía sau và khó có thể tiến gần đến mục tiêu 2% vào cuối năm 2023 - mục tiêu mà Fed hướng tới.

Bà nhận định: "Do đó, Fed sẽ buộc phải để tiếp tục tăng lãi suất và giữ lãi suất cao ở mức cao trong suốt năm tới. Cuối cùng, tỷ lệ thất nghiệp sẽ phải tăng lên 5%, trước khi chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại đủ để gây ra một lực cản đáng kể đối với lạm phát.

Bên cạnh đó, hàng triệu người sẽ mất việc làm và điều đó sẽ có tác động thực sự đến rất nhiều cá nhân. Tôi nghĩ, khi thị trường lao động bắt đầu xấu đi cũng là lúc người tiêu dùng thực sự sẽ cắt giảm chi tiêu".

Thị trường nhà ở

Trong khi phần lớn nền kinh tế tiếp tục phát triển, bất chấp việc Fed tăng lãi suất, doanh số bán nhà đã giảm trong 10 tháng liên tiếp và giảm 35% trong tháng 11/2022 so với một năm trước đó.

Nhà kinh tế trưởng Lawrence Yun của Hiệp hội Môi giới Quốc gia Mỹ nhận định: "Hiện đã có những dấu hiệu cho thấy, thị trường nhà ở đầy sóng gió sẽ bắt đầu ổn định vào năm 2023, ngay cả khi nền kinh tế vẫn đang trên đà rung chuyển".

Bất chấp việc Fed tăng lãi suất trong năm qua, nhà kinh tế Yun kỳ vọng, lãi suất thế chấp sẽ giảm nhẹ và giá nhà sẽ giữ ổn định. Giá nhà trung bình sẽ tăng thêm 0,3% trong năm nay, do nhu cầu về nhà ở tiếp tục vượt xa nguồn cung. Giá thuê nhà sẽ tiếp tục tăng, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với năm 2022.

Ông Yun nhấn mạnh: "Thị trường nhà ở năm 2023 phần lớn sẽ phụ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế và thời gian Fed giữ lãi suất bằng hoặc cao hơn mức hiện tại".

Vấn đề chuỗi cung ứng

Tình trạng thiếu hụt sản phẩm và nguyên vật liệu đã kéo dài hơn hai năm sau đại dịch Covid-19. Điều này khiến giá cả nhiều mặt hàng tăng vọt và giữ ở mức cao một cách bền bỉ. Các ca nhiễm Covid-19 đã tiếp tục khiến các nhà máy trên khắp thế giới phải đóng cửa, chuỗi cung ứng hỗn loạn.

Bên cạnh đó, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã hạn chế việc cung cấp các nguyên liệu quan trọng được sử dụng trong sản xuất, khiến giá lương thực, năng lượng tăng vọt và lạm phát ở nhiều nền kinh tế đạt mức cao nhất trong 4 thập niên. Chiến dịch này cũng tạo ra sự không chắc chắn về nguồn cung năng lượng, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất châu Âu.

Nền kinh tế cũng phải đối mặt với các vấn đề đặc biệt nghiêm trọng trong ngành công nghiệp ô tô - vốn đã trải qua tình trạng thiếu vi mạch liên tục - cùng với một loạt tình trạng thiếu phụ tùng và vật liệu tại chỗ khác.

Năm 2022,bao gồm khoản trợ cấp hơn 50 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn - vốn được sử dụng trong mọi sản phẩm điện tử, từ ô tô và vũ khí công nghệ cao đến các thiết bị công nghệ, trò chơi điện tử.

Tuy nhiên, sẽ mất vài năm để nguồn cung chip trong nước đi vào hoạt động.

Trong khi đó, với nhu cầu vượt xa nguồn cung, giá ô tô đã tăng gần 24% trong hai năm qua. Các nhà phân tích trong ngành dự kiến, ​​lượng hàng tồn kho hạn chế sẽ tiếp tục đến năm 2023, khiến giá tương đối cao.

Câu hỏi lớn đặt ra cho năm 2023 sẽ là những gián đoạn chuỗi cung ứng nêu trên sẽ được giải quyết ở mức độ nào và điều đó sẽ có tác động ra sao đối với việc giúp giảm bớt lạm phát chung?

(theo NBC News)