📞

Kinh tế Myanmar lao đao trong 'khủng hoảng kép' vì Covid-19 và bất ổn chính trị

Linh Chi 19:15 | 16/03/2021
TGVN. Chính biến tại Myanmar đã tác động nhanh chóng và đáng kể đến nền kinh tế vốn đang lao đao bởi Covid-19 của quốc gia này.
Tình trạng hỗn loạn đã cản trở sự phát triển ngành sản xuất của Myanmar. Hình ảnh công nhân các nhà máy biểu tình phản đối cuộc chính biến ở Yangon vào tháng 2/2021. (Nguồn: Reuters)

Theo Liên hợp quốc, Myanmar vẫn là một trong những nền kinh tế kém phát triển nhất thế giới. Nhưng quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ đã làm dấy lên hy vọng rằng, quốc gia này sẽ sớm trỗi dậy giống như nhiều đất nước khác tại khu vực Đông Nam Á, như Singapore, hay Nhật Bản.

Tuy nhiên, nền kinh tế vốn đang lao đao bởi đại dịch Covid-19 lại tiếp tục phải đối mặt với tương lai đầy khó khăn khi cuộc chính biến hôm 1/2 đã khiến nhiều công nhân tham gia các cuộc biểu tình chống lại chính quyền quân sự hoặc đã bỏ trốn về quê hương của họ khi chính quyền có các biện pháp mạnh mẽ đối phó với các cuộc biểu tình, làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh.

Theo trang Nikkei Asian Review, đã có 5 tín hiệu thể hiện cuộc chính biến đang tác động đáng kể đến nền kinh tế quốc gia này.

Chỉ số hoạt động của các nhà máy đạt mức thấp kỷ lục

Theo IHS Markit, chỉ số quản lý thu mua sản xuất (PMI) của Myanmar đã giảm từ 47,8 vào tháng 1 xuống 27,2 trong tháng 2/2021. Chỉ số hoạt động của các nhà máy cũng đã mất mốc 50 và chạm mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu khảo sát vào năm 2018.

Cuộc khảo sát PMI dựa trên những thay đổi trong sản lượng, đơn đặt hàng mới và các điều kiện kinh doanh khác của các doanh nghiệp so với tháng trước. Chỉ số PMI dưới 50 cho thấy, hoạt động bị thu hẹp.

Khoảng 70% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, các hoạt động của nhà máy buộc phải tạm dừng khiến sản lượng giảm trong tháng 2/2021.

Nhà kinh tế học Shreeya Patel của IHS Markit cho biết: "Sau sự sụt giảm do Covid-19 năm 2020, Myanmar đã chứng kiến các tín hiệu phục hồi trong vài tháng qua. Tuy nhiên, những diễn biến chính trị mới đây đã 'thổi bay' những tín hiệu này".

Số doanh nghiệp đăng ký mới giảm 86%

Theo Tổng cục Đầu tư và Quản lý Doanh nghiệp Myanmar, chỉ 188 doanh nghiệp được đăng ký mới vào tháng 2/2021. Con số này đã giảm 86% so với tháng trước (tháng 1/2021: 1.373 doanh nghiệp được đăng ký mới). Điều này cho thấy, doanh nghiệp không muốn đưa ra các nỗ lực mới trong bối cảnh bất ổn chính trị.

Linda Liu, chuyên gia kinh tế của Maybank Kim Eng có trụ sở tại Singapore nhận định, sự suy giảm trong hoạt động kinh doanh và chỉ số PMI, sẽ có "tác động lan tỏa đến các nền kinh tế khác trong khu vực".

Nền kinh tế Myanmar hiện chỉ chiếm khoảng 2% GDP trong khối ASEAN. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Liu, điều đó có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Myanmar hoặc kinh doanh với các công ty tại quốc gia này.

Một trong những ngành công nghiệp cốt lõi của Myanmar là sản xuất hàng may mặc. Theo Reuters, ngày 8/3, H&M của Thụy Điển cho biết, họ đã tạm dừng các đơn đặt hàng mới với các nhà cung cấp ở nước này, với lý do "những khó khăn thực tế và tình hình không thể đoán trước".

Tập đoàn Sembcorp Industries của Singapore có kế hoạch phát triển một khu công nghiệp ở Yangon, nhưng cuộc chính biến với bất ổn kéo dài có thể "xóa sổ" nhu cầu về cơ sở vật chất của các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong một cuộc họp báo ngày 23/2, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Sembcorp Wong Kim Yin cho rằng, công ty của ông sẽ "đợi cho đến khi tình hình ổn định", đồng thời, họ cũng cần xem phản ứng của khách hàng như thế nào.

Tình hình cũng khiến triển vọng của Đặc khu Kinh tế Thilawa, một dự án do Nhật Bản hậu thuẫn ở phía Nam Yangon, được cho là sẽ thu hút các khoản đầu tư FDI vào đất nước, trở nên mong manh.

Đầu tư cạn kiệt

Theo cơ sở dữ liệu khởi nghiệp Crunchbase của Mỹ, kể từ đầu tháng 3/2021, các công ty khởi nghiệp ở Myanmar đã không huy động được dòng vốn mới trong năm nay.

Năm ngoái, Crunchbase đã ghi nhận 4 giao dịch vào tháng 1, 1 giao dịch vào tháng 2 và 2 giao dịch vào tháng 3, huy động được tổng cộng 1 triệu USD.

Theo dữ liệu của DealStreetAsia, vào năm 2020, các công ty khởi nghiệp Myanmar chiếm 2,6% tổng giá trị gây quỹ của Đông Nam Á. Nền kinh tế chỉ mới bắt đầu phát triển các dự án kinh doanh nhằm đuổi theo những doanh nghiệp ở Singapore, Indonesia và Việt Nam.

Cuộc chính biến cũng có nguy cơ bóp nghẹt khoản đầu tư và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số.

Các nhà phân tích của Moody's nhận định, sự bất ổn chính trị có khả năng hạn chế các khoản FDI mới. Nhiều nhà đầu tư thậm chí có khả năng rút lại các khoản đầu tư hiện có, nhất là ở những nơi có liên hệ với quân đội.

"Bất ổn càng kéo dài, thiệt hại đầu tư càng lớn", các chuyên gia nhấn mạnh.

Khối lượng giao dịch trên sàn chứng khoán Yangon giảm 60%

Thị trường chứng khoán non trẻ của Myanmar - nơi chỉ có 6 cổ phiếu được niêm yết - cũng đang chịu thiệt hại nặng nề. Sàn giao dịch phải dừng đột ngột hôm 1/2 và 2/2. Trong 23 ngày giao dịch kể từ ngày 3/2-9/3, tổng khối lượng giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Yangon là 85.436 cổ phiếu, giảm 62% so với 223.475 cổ phiếu cùng kỳ năm trước.

Thị trường chứng khoán Myanmar được mở cửa năm 2015, với kỳ vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển của thị trường vốn nước này. Năm ngoái, sàn giao dịch Yangon bắt đầu cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia giao dịch.

Chỉ số chứng khoán MYANPIX lao dốc ngay sau sự kiện hôm 1/2. Hiện tại, chỉ số hiện dao động quanh mức 425, so với 443,72 vào cuối tháng 1/2021.

Năng lực giải quyết khủng hoảng Covid-19 giảm 90%

Tính đến ngày 16/3, Myanmar đã có 142.000 ca nhiễm Covid-19 và 3.200 ca tử vong. Việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 và thúc đẩy tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 sẽ là chìa khóa quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế. Nhưng cuộc chính biến dường như đã làm tổn hại đến năng lực của chính quyền trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng y tế.

Dữ liệu từ Bộ Y tế và Thể thao Myanmar cho thấy, trong 7 ngày đầu tháng 3/2021, số lượt xét nghiệm Covid-19 hàng ngày tại quốc gia này khoảng 1.600 lượt, ít hơn 1/10 so với mức trung bình khoảng 17.000 lượt trước khi diễn ra cuộc chính biến.

Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc quan ngại rằng, năng lực xét nghiệm Covid-19 và kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của Myanmar đã bị "ảnh hưởng nghiêm trọng".

(theo Nikkei Asian Review)