📞
KINH TẾ HẬU COVID-19:

Kinh tế Nga 'quay cuồng' trong khủng hoảng Covid-19

Việt An 10:37 | 15/05/2020
TGVN. Cơn bão dịch bệnh Covid-19 đã đẩy Nga - một trong những nền kinh tế lớn trên thế giới đối diện nhiều thách thức.
Chuyên gia kinh tế Nga đang cảm nhận được những hậu quả to lớn tác động tới kinh tế-xã hội tại quốc gia này.(Nguồn: The Moscow Times)

Một loạt cú sốc

Giống như nhiều quốc gia khác, ban đầu, Liên bang Nga, dù có những động thái nhanh chóng, cũng không hề nghĩ đại dịch Covid-19 sẽ tác động sâu rộng như thế, cả với xứ sở bạch dương cũng như với thế giới. Giờ đây, khi Nga đã nằm trong danh sách những nước đứng đầu thế giới về số người nhiễm virus SARS-CoV-2, các chính trị gia và chuyên gia kinh tế Nga cũng cảm nhận được những hậu quả to lớn tác động tới kinh tế-xã hội tại quốc gia này.

Lấy thủ đô Moscow, nơi có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 chiếm hơn một nửa tổng số người nhiễm Covid-19 tại Nga làm ví dụ, đầu tàu kinh tế của Nga đã áp đặt các qui định tự cách ly cộng đồng trong cả tháng 4. Theo kịch bản tốt đẹp, Moscow có thể dỡ bỏ phong tỏa vào đầu tháng 5 cho người dân hưởng toàn bộ "hương vị ngọt ngào của lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng (9/5)". Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phát triển phức tạp, Moscow đã phải kéo dài thời gian cách ly đến hết tháng 5.

Toàn bộ các trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn ở Moscow đều phải đóng cửa, ngoại trừ cửa hàng cung cấp thực phẩm, thuốc và các nhu yếu phẩm. Được biết, doanh thu các doanh nghiệp kinh doanh ở thành phố này giảm từ 50-70%. Doanh số bán hàng qua mạng dù tăng vọt nhưng vẫn không đủ để khôi phục nhu cầu như mức trước dịch bệnh.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Nga là khu vực thiệt hại lớn nhất trong đại dịch Covid-19. Một đơn kêu cứu khỏi bị phá sản hàng loạt của các SME gửi Chính phủ Nga ngày 24/3 gồm hơn 300.000 chữ ký.

Theo đánh giá của Cơ quan thống kê Nga Rosstat, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nước này chiếm khoảng 20% GDP. Viện kinh tế Gaida thì cho biết, doanh thu trong khu vực SME giảm từ 50-60% có thể khiến GDP của Nga giảm khoảng 10% trong quý II/2020.

Chủ tịch VEO Nga kiêm Chủ tịch Liên minh các nhà kinh tế quốc tế Sergei Bodrunov lưu ý trong năm 2020, kinh tế Nga phải đối mặt với "một loạt cú sốc", bên cạnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, hệ thống y tế quá tải... còn có giá dầu lao dốc do nhu cầu trên thế giới giảm mạnh.

Giá dầu thấp là "cú đòn" mạnh nữa giáng vào nền kinh tế Nga vì xuất khẩu dầu chiếm tới 40% nguồn thu của Nga. Ngân sách Nga sẽ không thâm hụt nếu giá dầu thế giới ở mức 42 USD/thùng.

Tuy nhiên, do cuộc chiến giá dầu với Saudi Arabia và dù cuộc chiến này đã "tháo ngòi nổ", song hiện giá dầu thô chuẩn Ural của Nga chỉ bằng một nửa mức giá trên.

Trong bối cảnh ngân sách sụt giảm, Nga còn phải đối mặt với các khoản chi cho xã hội gia tăng khi thất nghiệp tăng đột biến do đóng cửa các cửa hàng, nhà hàng và các doanh nghiệp khác trong đại dịch.

Các chuyên gia dự đoán, Nga có thể đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong một thế hệ, với tỷ lệ thất nghiệp lên đến 15% khiến 8 triệu người không có việc làm.

Quá trình phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Nga sẽ mất hơn một năm. (Nguồn: Reuters)

Phục hồi có khó khăn?

Trong một phiên họp trực tuyến mới đây của Câu lạc bộ điều phối thuộc Hiệp hội kinh tế tự do (VEO) Nga, các chuyên gia kinh tế Nga cho rằng, quá trình phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ mất hơn một năm. Và chính phủ cần tăng cường hỗ trợ nền kinh tế cũng như hỗ trợ thu nhập cho người dân, bởi kinh tế sẽ không tăng trưởng được nếu cầu không tăng.

Thành viên hội đồng quản trị VEO Nga, nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Ngoại thương Nga, Andrey Klepach còn nhận thấy, một năm khó có thể bù đắp cho những thiệt hại hiện nay. Theo ông Klepach, khi bỏ cách ly, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với chi phí bổ sung và một số lĩnh vực khó có thể phục hồi về mức trước khủng hoảng, điển hình như các hãng hàng không. Cầu nhiều mặt hàng sẽ giảm vì thu nhập hộ gia đình không hồi phục nhanh chóng.

Phó Chủ tịch VEO Nga, Chủ tịch Viện kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế (IMEMO) trực thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga (RAN), ông Alexander Dynkin đánh giá lạc quan, nhìn chung Nga so với các nền kinh tế lớn khác, ít nhiều sẵn sàng hơn trong đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay. Điều này là nhờ vào mức nợ công tối thiểu, ngân sách cân bằng, quỹ phúc lợi quốc gia, dự trữ ngoại hối và dự trữ vàng ấn tượng. Có lẽ nhờ vậy mà trong quý đầu tiên của năm nay, tăng trưởng GDP của Nga vẫn đạt 1,8%.

"Hiện nay, điều rất cần thiết là xây dựng cầu nối tài chính cho tương lai, không vội vã sử dụng tất cả các nguồn lực, như trong cuộc khủng hoảng 2008-2009, bởi vì tình hình rất khác trước. Cần duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính và không phá hỏng bầu không khí cạnh tranh, vốn không cao ở Nga. Các doanh nghiệp cần được đối xử công bằng, ngoại trừ các ngành bị thiệt hại nghiêm trọng của nền kinh tế", Ông Dyrkin chia sẻ.

Nga đã chuẩn chi hàng nghìn tỷ rub để hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục kinh tế, song nhiều chuyên gia cho rằng con số này vẫn chưa đủ.

Cho đến nay, Nga đã công bố các biện pháp khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trị giá tới 2.000 tỷ rub (tương đương 26,9 tỷ USD). Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế của Nga tính rằng nước này có thể phải chi tới 5.000 tỷ rub (tương đương 67,3 tỷ USD), tương ứng từ 5-6% GDP, để hỗ trợ các doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng, ngăn chặn đà suy thoái.

Về tốc độ tăng trưởng kinh tế, mặc dù kinh tế Nga đã tăng trưởng 2,9% trong tháng 2/2020, song Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina dự báo, kinh tế Nga có thể giảm tới 8% trong quí II/2020 do các nỗ lực ngăn chặn tình trang bùng phát dịch Covid-19, giảm mạnh chi tiêu cũng như hoạt động kinh doanh.

Còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán, nền kinh tế Nga có thể giảm 5,5% trong năm 2020 do dịch bệnh Covid-19. Đây là mức suy thoái lớn nhất của nền kinh tế Nga kể từ năm 2009.

(theo TTXVN)