📞

Kinh tế sáng tạo - Quyền lực mềm của Kazakhstan

Xuân Sơn 06:42 | 28/03/2024
Là nước dẫn đầu về chỉ số quyền lực mềm khu vực Trung Á, Kazakhstan có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo để phát triển kinh tế và nâng cao hình ảnh quốc gia trên toàn cầu.
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Kazakhstan, phối hợp với Bộ Văn hóa và Thông tin Kazakhstan tổ chức hội nghị về phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, tháng 12/2023. (Nguồn: UNDP)

Theo Chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2024 do công ty Brand Finance đánh giá, Kazakhstan xếp thứ 80, vượt trội đáng kể về sức mạnh mềm so với các nước Trung Á, vốn xếp hạng thấp hơn (Uzbekistan - thứ 101, Tajikistan - thứ 145, Turkmenistan - 138, Kyrgyzstan - 148). Thực tế này cho thấy Kazakhstan đang nổi lên như quốc gia có thành tích nổi bật trong khu vực nhờ nỗ lực khuyếch trương ảnh hưởng, đặc biệt thông qua nền kinh tế sáng tạo.

Ngành công nghiệp sáng tạo trong nước, bao gồm điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, thiết kế, nghệ thuật thị giác và thời trang, giúp làm phong phú nền văn hóa và quảng bá bản sắc quốc gia trên toàn cầu. Lĩnh vực này chứng kiến đà tăng trưởng tích cực và ổn định, chiếm khoảng 2,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 và hứa hẹn là mũi nhọn tương lai của kinh tế Kazakhstan.

Nền tảng vững chắc

Bản sắc xã hội đa dạng của Kazakhstan là động lực thúc đẩy sự bùng nổ của ngành công nghiệp sáng tạo. Các thành phố lớn như Almaty, Astana và Shymkent, có cơ sở hạ tầng tương đối tốt và cởi mở với sáng kiến phát triển, điều này đóng vai trò then chốt trong phát triển văn hóa sáng tạo.

Kazakhstan xếp thứ 63/170 trong Chỉ số tiến bộ xã hội năm 2024 của tổ chức The Social Progress Imperative, đạt 69,73/100 điểm, cao hơn mức trung bình thế giới là 63,44 điểm. Số điểm của Kazakhstan cao so với các nước láng giềng như Nga (thứ 76) và Trung Quốc (thứ 77).

Trong Chỉ số phát triển con người giai đoạn 2023-2024 của Liên hợp quốc, Kazakhstan xếp thứ 67, cách biệt với quốc gia cùng khu vực, vốn loanh quanh ở vị trí từ 106-126.

Bên cạnh đó, nhờ thuần thục tiếng Nga, người Kazakhstan có thể khéo léo tiếp thị sản phẩm sáng tạo và mở rộng đối tượng khách hàng sang các nước láng giềng Trung Á và Nga, đặc biệt thông qua phim ảnh, chương trình giải trí, âm nhạc và các sản phẩm truyền thông.

Hơn nữa, sự phát triển của các ngành sáng tạo hiện đại gắn liền với công nghệ kỹ thuật số. Vì vậy, khả năng tiếp cận công nghệ của người dân là yếu tố quyết định sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo. Theo đó, Kazakhstan có cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và Internet tương đối tốt, là quốc gia duy nhất trong khu vực Trung Á có quyền truy cập vào tính năng kiếm tiền trên YouTube.

Trong Chỉ số toàn cầu Speedtest về Internet di động tốc độ cao của tổ chức Speedtest by Ookla, Astana đứng thứ 69, trong khi các nước Trung Á khác xếp hạng thấp hơn (Uzbekistan - 91, Kyrgyzstan - 94, Tajikistan - 140).

Ngành công nghiệp điện ảnh của Kazakhstan đang trên đà phát triển và đây là quốc gia Trung Á duy nhất nhận đề cử ở hạng mục Oscar dành cho phim nước ngoài với bộ phim Mongol năm 2007 của đạo diễn Sergi Bodrov.

Ngoài ra, nước này còn hai lần lọt danh sách rút gọn của giải thưởng điện ảnh quốc tế danh giá Oscar, lần lượt là hai bộ phim Kelin năm 2009 và Ayka năm 2018.

Nỗ lực bền bỉ

Dù trước đây chính quyền Kazakhstan ít lưu tâm tới kinh tế sáng tạo, song những năm gần đây chứng kiến sự thay đổi trong chính sách của Astana. Chính phủ tiến tới thừa nhận tiềm năng của ngành công nghiệp sáng tạo trong thúc đẩy kinh tế và nâng cao uy tín đất nước.

Trong bài phát biểu năm 2021, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev nhấn mạnh tầm quan trọng của những thành tựu trong ngành sáng tạo, giúp tăng cường sự công nhận toàn cầu với văn hóa Kazakhstan. Ông Tokayev cũng nêu mục tiêu xây dựng kế hoạch toàn diện nhằm mở rộng nền kinh tế sáng tạo.

Kazahstan đang xây dựng, sửa đổi hành lang pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ, mở rộng trung tâm công nghiệp sáng tạo, thương mại hóa sản phẩm và phát triển gói hỗ trợ cho các bên liên quan trong ngành.

Quốc gia này đặt mục tiêu nâng mức đóng góp của ngành công nghiệp sáng tạo vào kinh tế vĩ mô lên 5% vào năm 2025, đồng thời tăng tỷ lệ việc làm trong ngành này lên 4%.

Các chuyên gia nhấn mạnh, Kazakhstan có tiềm năng kinh tế và văn hóa để thúc đẩy công nghiệp sáng tạo, song cần cải thiện khả năng tiếp cận tài chính, cải cách giáo dục và thiết lập nhiều trung tâm khởi nghiệp sáng tạo hơn để đáp ứng thị hiếu của công chúng toàn cầu.

Thủ đô Astana là một trong những thành phố tiên phong trong phát triển nền kinh tế sáng tạo của Kazahstan. (Nguồn: Fotolia)

Hàm ý cho Uzbekistan

Uzbekistan được đánh giá là một trong số các nước Trung Á có tiềm năng sánh ngang với nền kinh tế sáng tạo của Kazakhstan, từ đó tăng cường quyền lực mềm trong khu vực. Điều này thể hiện qua đặc điểm nhân khẩu học của Uzbekistan, bởi hiện ngành công nghiệp của nước này có tỷ lệ dân số dưới 30 tuổi khá cao, ước tính khoảng 60%.

Các nhà làm phim Uzbekistan đạt được công nhận quốc tế, khi khẳng định thương hiệu tại 24 liên hoan phim trong năm 2023, mang về tổng cộng 56 giải thưởng quốc tế, gồm 15 giải thưởng cao nhất ở các hạng mục tương ứng.

Chính phủ đang thực hiện các bước để thúc đẩy ngành công nghệ thông tin, đồng thời cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống.

Theo Modern Diplomacy, Tashkent cần tập trung hơn vào các loại hình kinh tế sáng tạo như âm nhạc, chương trình giải trí, phát triển trò chơi, thúc đẩy tiềm năng đáng kể trong ngoại giao văn hóa. Ngoài ra, Uzbekistan cần tiếp cận rộng rãi các công nghệ hiện đại, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cung cấp và tăng cường chất lượng sản phẩm sáng tạo.

(theo Modern Diplomacy)