TIN LIÊN QUAN | |
Tập trung xây dựng Chiến lược chuyển đổi số nhằm xây dựng Việt Nam 4.0 | |
Thúc đẩy ứng dụng Blockchain phát triển kinh tế số |
Nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng tại Đông Nam Á. |
Phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới, tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho doanh nghiệp, với sự hội tụ loạt công nghệ mới (điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo...) trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN). Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng... và góp phần tăng năng suất lao động.
Tiềm năng phát triển lớn
Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019” do Google, Temasek và Bain công bố tháng 10/2019, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: Thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.
Nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia, đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng tại Đông Nam Á, trung bình 38%/năm so với 33% của cả khu vực tính từ năm 2015. Tổng giá trị giao dịch (GMV) trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 5 tỷ USD trong năm 2019, cao gấp 12,5 lần mức 0,4 tỷ USD của năm 2015 và sẽ tăng tới 23 tỷ USD vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 49%.
Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe trực tuyến cũng có sự vươn lên mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.
Công nghệ di động đang thay đổi cách thức người dân sống và làm việc, cung cấp cho họ khả năng tiếp cận tốt hơn đến các thị trường và những cơ hội mới. Năm 2019, Việt Nam có 61 triệu người dùng Internet, trung bình người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng Internet trên thiết bị di động. Theo tỉ lệ, nhóm các ứng dụng mạng xã hội và truyền thông liên lạc (52%), ứng dụng xem video (20%) và game (11%), cùng các ứng dụng cho công việc. Giá trị giao dịch thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông tăng đều đặn hằng năm… đã tạo ra nền tảng lý tưởng để đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực phát triển kinh tế số.
Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là nền tảng, là hạt nhân của chuyển đổi số. Cùng với việc tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam sẽ ban hành các Khung về Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, Nghị định về đầu tư và thuê công nghệ thông tin; xây dựng các Nghị định quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số, định danh và xác thực điện tử, thúc đẩy Chính phủ điện tử.
Ở Việt Nam, các công ty hàng đầu nền kinh tế số đang và sẽ đi theo hướng mang đến thật nhiều dịch vụ trên cùng một ứng dụng, dù vẫn có dịch vụ kinh doanh cốt lõi để giữ chân người dùng. Một số doanh nghiệp cũng lựa chọn hình thức cộng sinh, bắt tay hợp tác để mở rộng kho sản phẩm dịch vụ.
Mục tiêu và cách thức quản lý
Theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, Việt Nam đã có các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030 và 2045.
Cụ thể, đến năm 2025, xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc ba nước dẫn đầu ASEAN; Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã; kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm; có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung...
Đến năm 2030, xếp hạng về GII thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Để Việt Nam chủ động phát triển kinh tế số và tham gia cuộc CMCN 4.0 theo các mục tiêu trên, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia. Việt Nam cũng cần thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển nguồn nhân lực các ngành và công nghệ ưu tiên; bảo đảm việc làm, ổn định thu nhập, hỗ trợ an sinh cũng như tăng cường bảo vệ môi trường sống.
Đặc biệt, tầm vóc và vị trí quan trọng của kinh tế số đang gợi mở Việt Nam cần thiết phải có một Bộ chuyên ngành để quản lý và làm bệ phóng cho kinh tế số cất cánh. Thái Lan đã thành lập Bộ Xã hội và Kinh tế số. Các quốc gia G20 thì giao cho các Bộ, ban, ngành quản lý kinh tế số, trong đó 60% giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông, 20% giao cho Bộ Thương mại, 20% còn lại giao cho Bộ Khoa học Công nghệ.
CMCN 4.0 mà nòng cốt là chuyển đổi số sẽ làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế, xã hội, quản trị quốc gia. Cần thay đổi cả về tư duy và thể chế để thể hiện rõ việc coi kinh tế số là một trụ cột và chỉ có dựa vào kinh tế số và chuyển đổi số mới đảm bảo được quá trình phát triển nhanh, bền vững và đuổi kịp các nước trong khu vực.
| Việt Nam cần làm gì để phát triển thành công nền kinh tế số Dự khai mạc Hội thảo - Triển lãm quốc tế “Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017” sáng 5/12, tại Hà ... |
| Đức ủng hộ sáng kiến áp thuế mới trong lĩnh vực kinh tế số Ngày 11/9, Chính phủ Đức thông báo ủng hộ sáng kiến cải cách cơ bản việc áp thuế đối với các doanh nghiệp trong lĩnh ... |
| Nền kinh tế số của Ấn Độ được dự báo sẽ phát triển nhanh chóng Ngày 18/7, Bộ trưởng Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ Ravi Shankar Prasad cho rằng nền kinh tế số của Ấn Độ ... |