📞

Kinh tế suy yếu, người tiêu dùng Trung Quốc thờ ơ với đồ xa xỉ

Diệu Linh 20:02 | 12/11/2023
Gần một năm sau khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách “không Covid”, kỳ vọng về làn sóng phục hồi mua sắm hàng hóa “xa xỉ” của các khách hàng tại thị trường lớn nhất thế giới đã không thành hiện thực. Bằng chứng là nhiều nhãn hàng cao cấp toàn cầu đã hạ dự báo doanh thu năm 2023, sau khi chứng kiến lượng bán hàng tại Trung Quốc tăng trưởng chậm.
Kỳ vọng về làn sóng phục hồi mua sắm hàng hóa xa xỉ của các khách hàng tại thị trường lớn nhất thế giới đã không thành hiện thực. (Nguồn: Jing Daily)

Hãng mỹ phẩm Estée Lauder, một trong những thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng “đắt đỏ” trên toàn cầu, vừa thông báo cắt giảm dự báo thu nhập cho cả năm 2023, sau khi nhu cầu về các sản phẩm làm đẹp cao cấp ở Trung Quốc có sự phục hồi chậm.

Trước đó, chủ sở hữu của các thương hiệu mỹ phẩm Estée Lauder, MAC và Clinique đã nhiều lần bày tỏ niềm tin lạc quan rằng hoạt động kinh doanh của họ sẽ khởi sắc, nhờ sự trở lại của các khách hàng Trung Quốc sau đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, sau những tăng trưởng ban đầu vào quý I/2023, nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc liên tục bị thu hẹp, dẫn tới doanh thu bán hàng, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ hàng cao cấp, đi xuống. Đây là một nguyên nhân khiến cổ phiếu của Estée Lauder giảm 55% giá trị trong 10 tháng của năm nay.

Tương tự, Canada Goose, nhà sản xuất áo khoác lông ngỗng cao cấp, cũng đã cắt giảm dự báo doanh số cả năm 2023. Trong báo cáo triển vọng doanh thu mới phát hành, công ty này cho biết Trung Quốc, thị trường lớn nhất của hãng bên ngoài Canada, vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Kể từ tháng 1/2023, giá cổ phiếu của công ty đã giảm tổng cộng 43%.

Một ví dụ điển hình khác là doanh số bán hàng của Apple tại Trung Quốc. Báo cáo của “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ chỉ ra rằng doanh số bán hàng ở Trung Quốc đại lục, thị trường lớn thứ ba của công ty, đã giảm 2% trong vòng 12 tháng tính đến ngày 30/9. Nguyên nhân chính là do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm.

Từ đầu năm 2023 đến nay, nền kinh tế Trung Quốc đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đang gia tăng, trong khi khủng hoảng bất động sản chưa được giải quyết triệt để, gây ra “hiệu ứng tài sản tiêu cực” khiến giá nhà giảm. Điều đó thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu ít hơn và tăng tích trữ tiền mặt.

Hơn nữa, một số nhà quan sát nhận định, căng thẳng thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đã gây ảnh hưởng đáng kể cho các doanh nghiệp Mỹ hiện đang hoạt động tại thị trường Trung Quốc. Chính phủ và người tiêu dùng Trung Quốc hiện có xu hướng ủng hộ các sản phẩm sản xuất trong nước hơn là các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.

(theo Financial Times)