Giới kinh tế nhận định thận trọng về tăng trưởng kinh tế thế giới. (Nguồn: Bloomberg) |
Các chuyên gia nổi tiếng về kinh tế đã đưa ra cảnh báo về rắc rối dài hạn sẽ xảy ra khi các nhà đầu tư ngày càng hy vọng vào khả năng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc kìm chế lạm phát cao mà không gây ra suy thoái.
Christina Romer, Giáo sư kinh tế tại Đại học California, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) của Nhà Trắng từ năm 2009 đến 2010 nhận định, nỗ lực kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang khiến ngân hàng trung ương này khó tránh tình trạng tăng lãi suất cao hơn mức cần thiết.
Theo bà Romer, các nhà hoạch định chính sách Fed sẽ phải đối mặt với một quyết định rất khó khăn về thời điểm ngừng tăng lãi suất hoặc đảo ngược chính sách này.
Bà cho rằng, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải thay đổi chính sách lãi suất trước khi vấn đề lạm phát được giải quyết hoàn toàn nếu họ muốn giảm lạm phát mà không gây ra nhiều "đau đớn" hơn mức cần thiết.
Các quan chức Fed đã thừa nhận rất khó để đánh giá về mức tăng lãi suất và thời gian duy trì mức tăng này. Do đó, Fed đã giảm tốc độ tăng tăng lãi suất để tránh mắc sai lầm.
Người đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz cảnh báo, việc thắt chặt tín dụng sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế và không có tác dụng trong việc giảm lạm phát do những cú sốc nguồn cung bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine.
Ngược lại, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Pierre- Olivier Gourinchas, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Fed và các ngân hàng trung ương khác duy trì quyết tâm chinh phục lạm phát ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Chủ tịch chi nhánh Fed tại Atlanta Raphael Bostic cho biết, ngân hàng trung ương vẫn cần tiếp tục tăng lãi suất nhưng triển vọng không mấy chắc chắn.
Trong khi đó, Giáo sư, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Keneth Rogoff chỉ ra sự thay đổi mang tính kiến tạo khác là sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc vốn đã giúp thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong những thập kỷ gần đây.