Đèn cảnh báo kinh tế toàn cầu đang nhấp nháy đỏ. (Nguồn: KT) |
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%, bằng một nửa mức tăng trưởng 6% của năm 2021; hạ dự báo năm 2023 xuống 2,7% (hồi tháng Bảy là 2,9%) trong bối cảnh các nước đang chịu tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh. IMF đồng thời cảnh báo, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm tới.
Polycrisis - Đa khủng hoảng
Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre - Olivier Gourinchas cảnh báo, triển vọng đối với các nền kinh tế lớn nhất - Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Trung Quốc đều bị đánh giá ảm đạm. Nói một cách ngắn gọn là “điều xấu nhất vẫn chưa tới và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như năm suy thoái”.
Trong báo cáo phân tích, IMF nhấn mạnh, nhiều đám mây - bao gồm cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu, lãi suất tăng nhanh và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc - đã tập hợp, “điểm danh” trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.
Vấn đề tưởng như các cuộc khủng hoảng riêng biệt, xuất hiện từ nhiều khu vực và thị trường khác nhau hiện đang liên kết lại. Chúng ta có thể đang phải đối diện với một cuộc đa khủng hoảng (Polycrisis) trên quy mô toàn cầu.
Theo nhận định của IMF, hiếm khi nhiều động cơ của nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ cùng một lúc như vậy.
Các quốc gia chiếm khoảng một phần ba nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ suy thoái trong năm nay hoặc năm sau. Trong khi tỷ lệ lạm phát toàn cầu chạm mức cao nhất trong 40 năm, các ngân hàng trung ương đã đồng loạt tăng lãi suất chóng vánh chưa từng thấy trong năm thập kỷ qua. Đồng USD cũng được đẩy lên cao, chạm mức mạnh nhất kể từ đầu những năm 2000.
Đáng lo lắng là tất cả những vấn đề trên cùng tồn tại, khiến các dự báo thêm ảm đạm và tạo ra sức ép mới cho toàn thế giới.
Trong đó, các nền kinh tế mới nổi phải oằn lưng gánh nợ bằng đồng USD ngày càng phình to - với tỷ giá và lãi suất cùng tăng cao. Các dòng vốn đang chảy mạnh ra khỏi khu vực này. Trong khi đó, lãi suất thế chấp và chi phí vay của doanh nghiệp đã tăng mạnh trên toàn thế giới.
Nhiều thước đo về căng thẳng thị trường tài chính đã phát tín hiệu khẩn, khi tỷ lệ lãi suất “nhảy vọt” từ mức thấp kỷ lục trong đại dịch Covid-19, bộc lộ các lỗ hổng. Trong đó, động lực bán tháo tài sản là một rủi ro lớn, như nó đã xảy ra đối với các quỹ hưu trí của nước Anh thời gian qua.
Nguyên nhân chính gây ra những bất ổn toàn cầu nói trên liên quan hai cú sốc lịch sử, giáng liên tiếp vào nền kinh tế toàn cầu, khi chưa kịp hồi phục hậu Covid-19, đã bị bồi thêm “cú đánh knock-out” bởi xung đột địa chính trị tại Đông Âu.
Các cú sốc đa dạng và tăng cường lẫn nhau đã khiến các nhà hoạch định chính sách gặp khó khăn trong việc cân bằng. Chẳng hạn, đối với các ngân hàng trung ương, chính sách tiền tệ không được thắt chặt ở mức đủ có thể khiến lạm phát tăng cao, nhưng nếu mạnh tay lại sinh ra một căn bệnh khác.
Để ngăn chặn siêu lạm phát - vốn bị thổi bùng bởi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo thời Covid-19 và những nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980. Và câu chuyện dài về lãi suất của Fed bắt đầu từ đây, rất nhiều hệ lụy tác động không chỉ với kinh tế Mỹ, mà là toàn cầu. Căn bệnh mới đã xuất hiện khi những vết sẹo của đại dịch còn chưa lành.
Thực tế cho thấy, không có giải pháp đơn giản nào có thể giải quyết những vấn đề trên. Những bài học từ quá khứ đôi khi cũng không thể áp dụng, trong khi những sai sót chính sách đôi khi là “sai một ly, đi một dặm”. Kinh tế Anh hiện là một ví dụ.
Nền kinh tế mong manh ngày nay cần chính sách được hiệu chỉnh tốt và phù hợp với rủi ro. Nếu không có sự lãnh đạo đúng đắn và tư duy dài hạn, nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tiếp tục chao đảo từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác.
“Đêm tối” trước “bình minh”?
Hiện tại, lạm phát toàn cầu vẫn neo ở mức cao, chính phủ các nước đối diện với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi việc sử dụng công cụ chính sách tiền tệ, bao gồm việc nâng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát, chắc chắn sẽ dẫn đến mất mát trong tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán - “phong vũ biểu” của nền kinh tế, phản ánh niềm tin của người dân đối với triển vọng kinh tế, liên tục mò tìm đáy mới. Các chỉ số chứng khoán trên thế giới liên tục ghi nhận các kỷ lục “bốc hơi” mạnh mẽ.
Trái với đầu tàu kinh tế Mỹ - đang “xuất khẩu mạnh lạm phát” ra toàn cầu, Trung Quốc - đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế châu Á vẫn đang chống Covid-19 nghiêm ngặt, vì thế không thể tránh khỏi việc phải hy sinh các động lực tăng trưởng. Sự khác biệt của hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc trong cả chính trị và kinh tế cũng khiến triển vọng hợp tác khu vực và thế giới trở nên không chắc chắn.
Tuy nhiên, không ít người vẫn tin tưởng, đây có thể là thời khắc “đêm tối” trước “bình minh”.
Xung đột Nga-Ukraine rồi sẽ kết thúc. Nguyên nhân có thể đến từ việc các nguồn lực tài chính đã trở nên cạn kiệt, hoặc do xu hướng chính trị và sự ủng hộ của một bên tham gia cuộc xung đột đã thay đổi. Việc tái thiết sau xung đột, tái cấu trúc chuỗi cung ứng năng lượng và chuỗi sản xuất của châu Âu, đều sẽ mang lại cú hích mạnh mẽ cho tăng trưởng toàn cầu.
Mặt khác, lộ trình tăng lãi suất của Fed đã dần tiến sát về vùng cao của lợi tức. Bên cạnh đó, hiệu quả kiềm chế của chính sách tiền tệ đối với lạm phát thường có độ trễ, lạm phát toàn cầu dự kiến được kiểm soát trong năm 2023. Tăng trưởng kinh tế sẽ quay lại. Các nước có nền tảng chính trị và kinh tế ổn định sẽ được hưởng lợi đầu tiên trong thời kỳ hậu dịch bệnh.
Đặc biệt, trong bức tranh u ám của kinh tế thế giới, châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á vẫn được coi là điểm sáng. IMF dự báo tăng trưởng khu vực châu Á và Thái Bình Dương đạt 4% năm nay và 4,3% vào năm 2023.
Tổng quan tình hình khác với các khu vực khác, do những thay đổi hiệu quả, giúp châu Á không gặp phải những khó khăn như của châu Âu. Trong bức tranh sáng màu của châu Á, Đông Nam Á được dự báo sẽ có một năm 2023 tăng trưởng mạnh mẽ, theo IMF. Việt Nam đang mở rộng thành trung tâm chuỗi cung ứng đa dạng; Philippines, Indonesia, Malaysia có thể đạt tăng trưởng 4% đến 6%; ngành du lịch Campuchia và Thái Lan sẽ khởi sắc...
| Khủng hoảng năng lượng: Xung đột ở Ukraine làm ngạc nhiên cả thế giới, trừng phạt-trả đũa, EU vật lộn thoát khí đốt Nga, mùa Đông vẫn 'rét cóng' Châu Âu đang phải vật lộn để kiềm chế tác động tiêu cực nhất của một cuộc khủng hoảng năng lượng. Các nhà lãnh đạo ... |
| Trung Quốc tự tin là ‘mỏ neo’ giữ ổn định và động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu Đó là phát biểu của ông Tôn Nghiệp Lễ, người phát ngôn Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản ... |
| Cảnh báo nguy cơ 'ngày tận thế' với lời đe dọa sử dụng hạt nhân từ Nga, Tổng thống Mỹ hồi tưởng khủng hoảng tên lửa Cuba Ngày 6/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân đang ở mức cao nhất kể từ cuộc ... |
| Khủng hoảng năng lượng: Anh đối mặt 'tình trạng khẩn cấp' về khí đốt, EU nỗ lực kiềm chế giá Ngày 3/10, tờ The Times dẫn tuyên bố của Cơ quan quản lý năng lượng Ofgem cho hay, nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa ... |
| Khủng hoảng năng lượng: Đức có thể mất danh hiệu thịnh vượng lâu dài; 'số phận' doanh nghiệp châu Âu bị đe dọa Việc giảm giá khí đốt hiện đang được Chính phủ Đức thảo luận có thể tiêu tốn từ 15-24 tỷ Euro, tùy thuộc vào diễn ... |