📞

Kinh tế thế giới nổi bật (1-7/3): EU hết hứng thú với khí đốt Nga, người Ukraine thích tiền số nhất châu Âu, Đông Nam Á là tương lai của Australia

Hải An 13:36 | 07/03/2024
Giá nhà toàn cầu dự kiến tăng nhẹ, EU không còn “hứng thú” với khí đốt Nga, tỷ lệ sử dụng tiền điện tử ở Ukraine cao nhất châu Âu, doanh nghiệp Mỹ lạc quan về thị trường Trung Quốc, Australia tăng đầu tư vào ASEAN… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
EU có thể sẽ nhận ít khí đốt Nga hơn sau khi Ukraine ra tín hiệu nước này không có ý định gia hạn thỏa thuận trung chuyển, sẽ hết hạn vào 31/12/2024. (Nguồn: Reuters)

Kinh tế thế giới

Giá nhà toàn cầu sẽ tăng nhẹ

Theo khảo sát các chuyên gia bất động sản do hãng tin Reuters thực hiện, giá nhà tại hầu hết các thị trường bất động sản lớn sẽ tăng nhẹ trong năm nay và năm 2025. Các chuyên gia này cũng dự báo tình trạng thiếu nhà ở vừa túi tiền sẽ kéo dài trong ít nhất 2-3 năm nữa. Khảo sát này được thực hiện từ ngày 15/2-4/3 với sự tham gia của hơn 100 chuyên gia.

Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang nỗ lực kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất, song điều này đã khiến lãi suất thế chấp tăng mạnh, khiến các chủ sở hữu nhà hiện đang bị “mắc kẹt” ở mức lãi suất thấp trong giai đoạn dịch bệnh không muốn rao bán nhà.

Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở Mỹ, nơi phổ biến hình thức thế chấp 30 năm. Một phân tích nhanh về các dự báo trung bình bao gồm 9 thị trường bất động sản lớn: Mỹ, Anh, Canada, Đức, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Trung Quốc và Dubai cho thấy, hiệu suất của thị trường nhà đất có mối liên hệ chặt chẽ như thế nào với triển vọng kinh tế.

Trong số tất cả các thị trường nhà ở được khảo sát, giá nhà dự kiến sẽ chỉ giảm ở Đức và Trung Quốc trong năm nay. Cả hai nước đều đang phải đối mặt với tình trạng nền kinh tế chậm lại.

Giá nhà đã tăng ít nhất 20% và lên tới 50% trong thời kỳ đại dịch xảy ra ở nhiều thị trường này nhưng chỉ giảm một phần so với mức đỉnh năm ngoái. Điều này đã đẩy nhiều người mua nhà có tham vọng khỏi thị trường.

Bất chấp các khoản thế chấp đắt đỏ, thị trường lao động thắt chặt và tiền lương tăng ở các nền kinh tế phát triển đã khiến nhu cầu tăng mạnh. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nguồn cung, đặc biệt là nhà giá rẻ, vẫn là một vấn đề ở hầu hết các thị trường và chưa có giải pháp trước mắt.

Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường vốn toàn cầu và EMEA tại Colliers, ông Damian Harrington cho biết thách thức lớn nhất là “không có loại nhà ở phù hợp ở đúng nơi, thay vì có đủ nhà ở”. Điều này sẽ phải mất hàng thập niên để khắc phục, chứ không chỉ trong hai đến ba năm tới.

Kinh tế Mỹ

* Nền kinh tế Mỹ vững mạnh hơn kỳ vọng đang thúc đẩy đà tăng của đồng USD.

Chỉ số đồng USD, “thước đo” sức khỏe của đồng bạc xanh so với rổ các đồng tiền khác, đã tăng 2,4% từ đầu năm đến nay. Dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) cho thấy, lần đầu tiên kể từ cuối tháng 11/2023, lượng đặt cược ròng vào đồng USD trên thị trường tương lai đã tăng vào tháng trước.

Yếu tố chính thúc đẩy đồng USD là một nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ đã khiến Fed do dự trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá nhanh - điều có thể dẫn tới nguy cơ lạm phát trở lại. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2022.

* Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, các công ty năng lượng chỉ bổ sung 1,4 triệu thùng dầu thô vào kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 1/3. Con số này thấp hơn dự kiến trước đó. Trong khi lượng dự trữ sản phẩm chưng cất và xăng giảm nhiều hơn dự kiến.

Các công ty năng lượng đã rút 4,1 triệu thùng ra khỏi kho dự trữ sản phẩm chưng cất, trong đó có dầu diesel và dầu sưởi ấm. Họ cũng rút 4,5 triệu thùng ra khỏi kho dự trữ xăng vào tuần trước.

Theo nhà phân tích Phil Flynn của công ty thương mại Price Futures Group, số liệu trên là dấu hiệu về một thị trường rất eo hẹp.

* Trong cuộc phỏng vấn gần đây với THX, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) Michael Hart tại Trung Quốc nói: “Trung Quốc là thị trường rất quan trọng đối với các công ty đa quốc gia muốn cạnh tranh toàn cầu (của Mỹ)”.

Chủ tịch Hart cho biết, nhờ nền kinh tế đang phát triển và các chuyến thăm thường xuyên các của quan chức, CEO cấp cao Mỹ tới Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc ngày càng lạc quan về môi trường kinh doanh và mối quan hệ song phương giữa hai nước.

Trong Khảo sát Môi trường Kinh doanh Trung Quốc hàng năm do AmCham Trung Quốc công bố vào tháng 2/2024, 50% trong số 343 thành viên được khảo sát đã coi Trung Quốc là lựa chọn đầu tiên hoặc là một trong ba điểm đến đầu tư hàng đầu của họ trên toàn cầu, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế Trung Quốc

* Theo một báo cáo chính thức công bố ngày 5/3, Trung Quốc sẽ mở rộng canh tác hạt có dầu trong khi vẫn giữ ổn định nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi nhằm tăng cường an ninh lương thực cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nước này cũng sẽ đẩy mạnh sản xuất đậu tương và nâng cao năng suất trồng đậu tương trên quy mô lớn.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tăng giá thu mua tối thiểu đối với lúa mì và thực hiện bảo hiểm toàn bộ chi phí cũng như bảo hiểm thu nhập đối với gạo, lúa mì và ngô trên toàn quốc.

* Khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy, giá nhà mới tại Trung Quốc có thể giảm trong năm nay do các biện pháp hỗ trợ của chính phủ chỉ có tác động ở mức hạn chế. Các nhà kinh tế dự báo thị trường yếu ớt sẽ cần hơn một năm nữa để chạm đáy.

Cuộc khảo sát, được thực hiện từ ngày 20-28/2, cho thấy giá nhà mới sẽ giảm 0,9% trong năm 2024, so với mức tăng 1,1% được đưa ra trong cuộc thăm dò trước đó vào tháng 11/2023. Giá có khả năng tăng 0,5% vào năm 2025, so với dự báo 1% vào tháng 11/2023.

Kinh tế châu Âu

* Theo ước tính từ cổng thanh toán tiền kỹ thuật số TripleA, hiện có khoảng 31 triệu người dùng tiền kỹ thuật số tại châu Âu. Và độ phủ sống của loại tài sản này tại “lục địa già” còn khác nhau tùy thuộc vào từng quốc gia.

Theo Chỉ số ứng dụng tiền số toàn cầu năm 2023 của nền tảng dữ liệu chuỗi khối (blockchain) Chainalysis, các nước Đông Âu là nơi đầu tư vào tiền số nhiều nhất.

Theo đó, ba quốc gia sử dụng tiền số phổ biến nhất tại châu Âu đều ở Đông Âu, đứng đầu là Ukraine với 0,215 điểm, tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ với 0,142 điểm và Nga với 0,140 điểm. Còn ở phía Tây Âu, Anh xếp thứ tư châu Âu về độ phủ sóng của tiền số với 0,121 điểm, và Tây Ban Nha đứng thứ năm với 0,062 điểm.

Tuy nhiên, khi xét trên phạm vi toàn cầu, châu Âu lại xếp sau các châu lục khác. Châu Á đứng đầu với 263 triệu người dùng tiền số, sau đó là Bắc Mỹ với 57 triệu người dùng và châu Phi với 38 triệu người dùng.

* Năm 2019, Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên cho các nước Liên minh châu Âu (EU) thông qua hệ thống đường ống kéo dài 5 năm. Cả hai nước vẫn tiếp tục tôn trọng thỏa thuận này bất chấp hai năm căng thẳng nổ ra ở Ukraine.

Nhưng hiện nay, EU có thể sẽ nhận ít khí đốt của Nga hơn sau khi Ukraine ra tín hiệu nước này không có ý định gia hạn thỏa thuận (hết hạn vào ngày 31/12/2024). Tuy vậy, người phụ trách năng lượng của EU Kadri Simson đã chỉ ra rằng khối này cũng không “hứng thú” với việc thúc đẩy gia hạn thỏa thuận.

EU đang cảnh báo các nước thành viên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Khí đốt của Ukraine chiếm 5% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU.

* Ngày 3/3, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, nước này sẽ giảm sản lượng và xuất khẩu dầu trong quý II/2024 xuống mức trung bình của 3 tháng là 471.000 thùng/ngày như một phần của nghĩa vụ tự nguyện của OPEC+ (gồm các nước thuộc Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ - OPEC và các đối tác). Trong quý đầu tiên của năm 2024, mức cắt giảm là 500.000 thùng/ngày.

Việc cắt giảm tự nguyện bổ sung này nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa mà các nước OPEC+ thực hiện để duy trì sự ổn định và cân bằng trên thị trường dầu mỏ.

* Sau thời gian dài chuẩn bị, Sở giao dịch chứng khoán Frankfurt (Deutsche Börse) ngày 5/3 tuyên bố ra mắt một sàn giao dịch tiền điện tử mới dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Các ngân hàng, nhà quản lý tài sản và công ty bảo hiểm giờ đây có thể mua bán các loại tiền điện tử phổ biến nhất như bitcoin và ethereum trên Sàn giao dịch kỹ thuật số Deutsche Börse (DBDX).

Với bước đi mới này, Deutsche Börse cung cấp dịch vụ mua và bán trực tiếp tiền điện tử và xử lý các giao dịch và lưu trữ tài sản tiền điện tử, dựa trên nền tảng Crypto Finance của Thụy Sỹ mà công ty đã mua phần lớn cổ phần vào năm 2021.

* Ngày 6/3, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt công bố gói ngân sách mùa Xuân của chính phủ, với nội dung trọng tâm là chương trình cắt giảm 2% tiền bảo hiểm quốc gia (thuế cá nhân) cho người lao động.

Ông Hunt tuyên bố rằng nền kinh tế Anh đã "chuyển hướng", đồng thời đề ra kế hoạch giảm thuế trị giá 10 tỷ Bảng (khoảng 12,72 tỷ USD) nói trên.

Bộ trưởng Tài chính Hunt cũng quyết định đóng băng thêm 5 tỷ Bảng Anh thuế nhiên liệu và đóng băng thuế rượu nhằm kích thích nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân.

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Nhật Bản có kế hoạch tăng hơn gấp hai lần số lao động nước ngoài đủ điều kiện cấp thị thực lao động có tay nghề trong giai đoạn 5 năm bắt đầu từ năm tài chính 2024 lên hơn 800.000 người, trong bối cảnh chính phủ tìm cách giảm bớt tình trạng thiếu lao động trong các ngành như sản xuất, xây dựng và nông nghiệp.

Kế hoạch được áp dụng cho những người tham gia chương trình Lao động đặc biệt được chỉ định, được triển khai từ năm 2019 dành cho người lao động nước ngoài có kỹ năng chuyên môn và khả năng tiếng Nhật. Tính đến tháng 11/2023, có khoảng 200.000 người đang làm việc tại Nhật Bản theo chương trình này.

Chỉ số Nikkei-225 hiển thị trên bảng điện tử tại Tokyo ngày 4/3/2024. (Nguồn: Kyodo)

* Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lần đầu tiên vượt ngưỡng 40.000 điểm vào sáng sớm phiên 4/3, “nối gót” đà tăng trên phố Wall cuối tuần trước nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu công nghệ.

Sau khi thị trường mở cửa, chỉ số Nikkei 225 nhanh chóng vượt ngưỡng 40.000 điểm. Trong 15 phút đầu tiên giao dịch, chỉ số này đã tăng 237,73 điểm, tương đương 0,60%, lên 40.148,55 điểm.

Chỉ số này đã đạt được cột mốc quan trọng sau 34 năm khi ghi nhận mức đóng phiên cao nhất mọi thời đại và trong ngày vào phiên 22/2, nhờ báo cáo thu nhập doanh nghiệp tích cực trong bối cảnh đồng yen yếu thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

* Ủy ban Giám sát tài chính Hàn Quốc (FSC) ngày 6/3 đã tổ chức hội nghị tham vấn về hỗ trợ vốn chính sách lần thứ 6. Tại đây, FSC công bố chính sách hỗ trợ bổ sung, nối tiếp phương án hỗ trợ vốn doanh nghiệp quy mô vừa trên 76.000 tỷ Won (56,88 tỷ USD) được công bố vào tháng trước.

Hội nghị thảo luận về phương án huy động vốn cho các doanh nghiệp tầm trung, quy mô 5.000 tỷ Won (3,74 tỷ USD) bằng nguồn vốn góp của 5 ngân hàng lớn; và phương án huy động quỹ tăng trưởng đổi mới quy mô 15.000 tỷ Won (11,23 tỷ USD) trong vòng 5 năm tới để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp mạo hiểm đổi mới.

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Ngày 6/3, Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil cho biết, thặng dư thương mại nước này trong tháng 2/2024 đạt gần 5,45 tỷ USD, tăng tới 111,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây cũng là mức xuất siêu kỷ lục trong tháng 2 từng được ghi nhận từ trước đến nay tại nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này. Tháng trước, kim ngạch xuất khẩu của Brazil đạt mức 23,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với năm trước đó, trong khi nhập khẩu đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4%.

* Australia hôm 5/3 đã công bố kế hoạch tăng cường đầu tư vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với việc dành ra 1,3 tỷ USD để thúc đẩy hoạt động thương mại tại khu vực có nền kinh tế đang đi lên.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã công bố khoản tài trợ này tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia kéo dài ba ngày tại Melbourne. Phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh bên lề Hội nghị cấp cao, ông Albanese cho biết: “Thông điệp của chính phủ Australia là rất rõ ràng. Hơn bất kỳ khu vực nào khác, Đông Nam Á là tương lai của Australia”.

Gói tài trợ mới của Australia sẽ cung cấp tài chính cho hoạt động xuất khẩu, trong khi các khoản vay chủ yếu hướng tới dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo. Thủ tướng Albanese cho biết đây là "sự nâng cấp đáng kể nhất trong cam kết kinh tế của Australia đối với ASEAN trong một thế hệ".

* Theo số liệu do Cổng Thương mại Lào công bố, nước này đã ghi nhận mức tăng trưởng thương mại đáng kể trong năm 2023, đạt tổng giá trị hơn 15,5 tỷ USD và tăng 3,5% so với năm 2022. Thặng dư thương mại của Lào vượt 1 tỷ USD trong thương mại hằng năm, một chỉ số tích cực trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động.

* Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Perry Warjiyo ngày 5/3 nhấn mạnh, nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng hơn 5% trong năm nay, trong trường hợp cuộc bầu cử Tổng thống kết thúc mà không cần tiến hành vòng hai.

Theo ông, nền kinh tế Indonesia đang hoạt động dưới mức kỳ vọng và cần có thời gian để phục hồi tăng trưởng ổn định. Tăng trưởng kinh tế có thể đạt đỉnh vào năm 2027 và thời gian sau đó.