Iran và Nga ký 10 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ. (Nguồn: Press TV) |
Kinh tế thế giới
Cảnh báo nguy cơ tăng trưởng toàn cầu thấp kéo dài
Một báo cáo công bố ngày 16/5 của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định, nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng thấp kéo dài do hậu quả của đại dịch Covid-19, khủng hoảng Ukraine, biến đổi khí hậu và các điều kiện kinh tế vĩ mô thay đổi, dù đã xuất hiện một số dấu hiệu cải thiện phần nào.
Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng toàn cầu vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 3,1% trong hai thập niên trước đại dịch.
Đối với Mỹ, chi tiêu hộ gia đình ổn định đã thúc đẩy LHQ điều chỉnh tăng dự báo cho nước này từ mức 0,4% lên 1,1% cho năm nay. Tương tự, dự báo cho Liên minh châu Âu (EU) cũng được tăng lên 0,9% thay vì 0,2%. Ước tính tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay được điều chỉnh từ 4,8% lên 5,3%.
Đối với các nền kinh tế lớn khác, tăng trưởng của Nhật Bản hiện được dự báo ở mức 1,2%, thấp hơn con số trước đó là 1,5%. Nền kinh tế của Anh dự kiến sẽ suy giảm ít hơn ước tính đầu tiên, giảm 0,1% thay vì 0,8%.
Nga, quốc gia đang chịu các lệnh trừng phạt nặng nề của phương Tây, sẽ chứng kiến nền kinh tế suy giảm 0,6%, một kịch bản tốt hơn nhiều so với dự báo hồi tháng Một về mức giảm 2,9%. Dự báo cho tăng trưởng kinh tế Ấn Độ vẫn được giữ nguyên ở mức 5,8%.
Thương mại toàn cầu dự kiến sẽ vẫn chịu áp lực. Kịch bản cơ sở dự đoán rằng khối lượng thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu sẽ tăng 2,3% vào năm 2023, cao hơn so với dự báo trước đây về mức tăng trưởng gần như bằng không.
Tuy nhiên, những tác động kéo dài của Covid-19, căng thẳng địa chính trị gia tăng và thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục kìm hãm thương mại toàn cầu, mặc dù những hạn chế về chuỗi cung ứng và chi phí vận chuyển đã giảm bớt.
Lạm phát trung bình toàn cầu ước vào khoảng 5,2% trong năm 2023, giảm từ mức cao nhất trong hai thập kỷ là 7,5% hồi năm 2022. Báo cáo lưu ý trong khi áp lực tăng giá dự kiến sẽ “hạ nhiệt” dần, lạm phát ở nhiều quốc gia sẽ vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu của các ngân hàng trung ương. (THX)
Tin liên quan |
Né lệnh trừng phạt Nga, không muốn bị Mỹ áp luật chơi, nhiều quốc gia quay lưng với USD, NDT Trung Quốc có thể là ‘bức tường thành’? |
Kinh tế Mỹ
* Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa ngày 16/5 đã bày tỏ hy vọng về một thỏa thuận có thể tránh nguy cơ vỡ nợ cho nước này.
Sau khi các cuộc đàm phán mới nhất không tạo được bước đột phá, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trong phát biểu với báo giới đã nói, còn nhiều việc phải làm để phá vỡ bế tắc với Tổng thống về vấn đề trần nợ. Ông nhận định, một thỏa thuận có thể sẽ đạt được vào cuối tuần, dù đến nay các vấn đề chưa được giải quyết.
Đảng Dân chủ không lạc quan về khả năng nhanh chóng đạt thỏa thuận, nhưng Nhà Trắng cho rằng, các cuộc thương lượng mang tính xây dựng. Ông Biden lạc quan về khả năng đạt một thỏa thuận ngân sách có trách nhiệm giữa hai đảng nếu hai bên thương lượng một cách thiện chí. (TTXVN)
* Theo Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phụ trách giám sát Michael Barr, Fed sẽ công bố kế hoạch thắt chặt các quy định về vốn đối với các ngân hàng trong mùa Hè và sẽ tăng cường giám sát các ngân hàng sau khi một số ngân hàng khu vực phá sản gần đây.
Fed đang cân nhắc một cách thận trọng việc điều chỉnh các quy định đối với các ngân hàng khu vực có giá trị tài sản trên 100 tỷ USD. (Reuters)
Kinh tế Trung Quốc
* Giá nhà mới của Trung Quốc trong tháng 4/2023 đã tăng tháng thứ tư liên tiếp nhưng với tốc độ chậm hơn.
Theo tính toán của hãng tin Reuters dựa trên số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), giá nhà mới trong tháng 4/2023 đã tăng 0,4% so với tháng trước đó, so với mức tăng 0,5% trong tháng 3/2023.
Tốc độ tăng giá nhà chậm hơn trong tháng 4/2023 cho thấy đầu tư và doanh số bán bất động sản giảm mạnh, làm tăng thêm mối lo ngại về khả năng phục hồi lĩnh vực quan trọng đối với sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc.
So với một năm trước, giá nhà đã giảm 0,2% và là tháng giảm thứ 12 tính hàng năm. Giá nhà đã giảm 0,8% trong tháng 3/2023. (Reuters)
* Theo thống kê chính thức công bố ngày 16/5, sản lượng công nghiệp tháng 4/2023 và tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc đều thấp hơn dự báo. Số liệu này cho thấy động lực tăng trưởng của nền kinh tế số 2 thế giới đã yếu đi vào đầu quý II/2023.
Cụ thể, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng Tư đã tăng 5,6% so với cùng kỳ một năm trước đó và là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 9/2022. Con số này cũng cao hơn mức 3,9% ghi nhận hồi tháng Ba, song thấp hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 10,9% của giới phân tích.
Trong cùng kỳ báo cáo, doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã tăng 18,4%, tăng mạnh từ mức 10,6% của tháng Ba và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 3/2021. Dù vậy, con số trên vẫn không như kỳ vọng khi các nhà phân tích dự kiến doanh số bán lẻ sẽ tăng 21%. (Reuters)
Kinh tế châu Âu
* Trong một cuộc họp tại Brussels (Bỉ) ngày 16/5, các Bộ trưởng Tài chính EU đã phê duyệt bộ quy tắc toàn diện đầu tiên trên thế giới để điều chỉnh các loại tiền điện tử, gây áp lực lên các quốc gia như Anh và Mỹ phải nhanh chóng bắt kịp.
Những quy tắc trên được EU bàn thảo với Nghị viện châu Âu, cơ quan đã phê duyệt chúng vào tháng Tư. Các quy tắc dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2024. Theo quy tắc, bất cứ công ty nào muốn phát hành, giao dịch, bảo lãnh tiền điện tử, các loại hình tài sản được mã hóa và stablecoin (loại tiền điện tử được “neo” theo một loại tài sản truyền thống như vàng hay đồng USD) trong khối 27 quốc gia phải có giấy phép. (Reuters)
* Ngày 17/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova xác nhận, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được gia hạn thêm 2 tháng nhằm hỗ trợ các nước đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, người phát ngôn này khẳng định đánh, giá chung của Nga về tình hình liên quan đến thỏa thuận này vẫn không đổi.
Đưa ra tuyên bố trên mạng xã hội, Phó Thủ tướng Ukraine Oleksandr Kubrakov cũng hoan nghênh việc sáng kiến tiếp tục được duy trì.
Ngay trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thông báo Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sẽ được gia hạn thêm 2 tháng. (TASS)
* Theo hãng tin Shana trực thuộc Bộ Dầu mỏ Iran, ngày 17/5, Iran và Nga đã ký 10 văn bản hợp tác quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp dầu mỏ.
Các thỏa thuận bao gồm 6 biên bản ghi nhớ (MoU), 2 hợp đồng, 1 thỏa thuận và lộ trình liên quan đến hợp tác song phương trong các lĩnh vực công nghiệp, chuyển giao công nghệ và tăng cường thu hồi dầu. Ngoài ra, hai nước đã tổ chức các cuộc đàm phán về hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng và sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch song phương. (TTXVN)
* Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 16/5 cho biết, xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 4/2023 đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi xung đột giữa nước này với Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2/2022, với doanh thu tăng 1,7 tỷ USD bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trong báo cáo hàng tháng mới nhất, IEA cho biết xuất khẩu của Nga đã tăng 50.000 thùng/ngày lên 8,3 triệu thùng/ngày trong tháng trước. (AFP)
* Theo khảo sát của Viện ZEW, lòng tin của nhà đầu tư tại Đức giảm mạnh trong tháng Năm, gây thêm lo ngại về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Chỉ số kỳ vọng về nền kinh tế theo khảo sát của ZEW giảm tháng thứ ba liên tiếp, với mức giảm 14,8 điểm, xuống âm 10,7 điểm.
Con số trên thấp hơn dự báo của các nhà phân tích và lần đầu tiên quay trở lại mức âm kể từ tháng 12/2022.
Mức âm cho thấy hầu hết các nhà đầu tư bi quan về nền kinh tế. (AFP)
* Italy được dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế lớn của EU trong năm 2023.
Khi trình bày dự báo mùa Xuân của Ủy ban châu Âu (EC) ngày 15/5, Ủy viên Kinh tế của EU, cựu Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni nói: "Italy đã có mức tăng trưởng 12% trong ba năm qua, sau khi sụt giảm 9% trong đại dịch”.
Cùng ngày 15/5, EC công bố dự báo GDP của Italy sẽ tăng 1,2% trong năm nay và 1,1% vào năm 2024. Con số này cao hơn so với dự báo tăng trưởng lần lượt là 0,8% và 1% của năm 2023 và 2024, được đưa ra vào tháng Hai năm nay. (TTXVN)
Tàu MV Brave Commander chở 30 tấn lúa mỳ của Ukraine cập cảng của Djibouti, ngày 30/8/2022. (Nguồn: AFP) |
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Từ đầu năm 2023, chỉ số giá chứng khoán Tokyo (Topix) - chỉ số đo lường giá trị chứng khoán trên sàn giao dịch Tokyo - đã tăng hơn 6%, cao hơn nhiều so với các chỉ số đo lường chứng khoán chung trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt trong phiên giao dịch ngày 17/5, chỉ số này tăng kỷ lục, đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/1990.
Các chuyên gia về thị trường chứng khoán châu Á cho biết việc chỉ số Topix liên tục tăng cao là một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư ngoại đang quay trở lại Nhật Bản. (Kyodo)
* Số liệu chính thức mới công bố ngày 17/5 cho thấy, nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý I/2023, nhờ sự phục hồi của hoạt động du lịch sau khi các hạn chế biên giới trong mùa dịch được dỡ bỏ từ tháng 10/2022.
GDP của Nhật Bản trong 3 tháng đầu năm nay đã tăng 0,4%, vượt mức kỳ vọng của thị trường là 0,2% và cao hơn mức 0% ghi nhận trong quý cuối cùng của năm 2022.
So với cùng kỳ năm 2022 kinh tế Nhật Bản tăng 1,6%, đánh dấu lần tăng đầu tiên trong ba quý và vượt mức dự báo 1,1% của giới chuyên gia. Tính chung trong năm tài khóa 2022 (kết thúc vào ngày 3/3/2023), nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng 1,2%, cũng là năm tăng thứ hai liên tiếp. (TTXVN)
* Theo Bộ Đại dương và thủy sản Hàn Quốc, nước này sẽ tiến sâu hơn vào thị trường thủy sản toàn cầu với mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu thủy sản 4,5 tỷ USD vào năm 2027.
Theo bộ trên, số tiền này tăng khoảng 50% so với mức cao kỷ lục 3,15 tỷ USD trong năm 2022, nhờ sự phổ biến toàn cầu của món gim (rong biển khô) và bào ngư. (Yonhap)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Kinh tế Thái Lan đã tăng nhanh hơn dự kiến trong quý I/2023, nhờ du lịch phục hồi, trong khi các nhà đầu tư lo lắng về bất ổn chính trị sau khi phe đối lập giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua.
Đà phục hồi của nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của Thái Lan đã tụt lại so với các nước trong khu vực do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, kinh tế “xứ chùa tháp” đã tăng trưởng khả quan trở lại trong những tháng gần đây khi du khách Trung Quốc quay trở lại. Sự hồi sinh của "ngành công nghiệp không khói", chiếm 11-12% GDP, được kỳ vọng sẽ giúp bù đắp tác động từ việc xuất khẩu giảm.
Cơ quan kế hoạch nhà nước của Thái Lan dự báo, kinh tế tăng trưởng 2,7-3,7% trong năm 2023, cao hơn so với mức 2,6% của năm ngoái, đồng thời cho biết, bầu không khí hậu bầu cử nên được duy trì tích cực để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. (Reuters)
* Theo ông Dicky Kartikoyono, Trưởng ban Quản lý chiến lược và quản trị của Ngân hàng trung ương Indonesia (BI), quốc gia này sẽ xây dựng một hệ thống thanh toán quốc gia mới thay thế cho hệ thống hiện nay vốn dựa vào các mạng thanh toán nước ngoài như Visa hoặc Mastercard.
Quá trình chuyển đổi sang hệ thống thanh toán quốc gia đang diễn ra suôn sẻ và Indonesia hy vọng hệ thống này sẽ sớm trở nên phổ biến, cả trong các doanh nghiệp nhà nước.
BI khẳng định quyết định của Indonesia tạo ra hệ thống thanh toán của riêng mình là “rất kịp thời”, đồng thời nhấn mạnh các nước Đông Nam Á cần thiết lập “một tấm đệm an toàn để bảo vệ các doanh nghiệp và công dân bình thường của mình” trước sự bất ổn tài chính ngày càng gia tăng. (TTXVN)
* Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service cảnh báo, Malaysia sẽ phải đối mặt với nguy cơ lạm phát lương thực tăng cao, do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và những bất ổn toàn cầu khác.
Trợ lý Phó Chủ tịch và cũng là nhà phân tích của Moody’s Nishad Majmudar cho biết, trên thực tế, mức lạm phát lương thực của Malaysia vẫn ở mức cao kể từ năm ngoái. Điều này có thể khiến các nhà hoạch định chính sách xem xét những biện pháp bổ sung để giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế nói chung. (TTXVN)
| Né lệnh trừng phạt Nga, không muốn bị Mỹ áp luật chơi, nhiều quốc gia quay lưng với USD, NDT Trung Quốc có thể là ‘bức tường thành’? Gần đây, nhiều khách hàng sẵn sàng thanh toán các hóa đơn bằng đồng Nhân dân tệ, bởi lý do khủng hoảng kinh tế, lệnh ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (5-11/5): ‘Soi’ tổng tiền trong Quỹ phúc lợi quốc gia Nga, EU có bước đi lịch sử với khí đốt, Trung Quốc ‘thoát’ công nghệ Mỹ EU mời đấu thầu cung cấp khí đốt, Moscow bán vàng và Nhân dân tệ dự trữ, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng ... |
| Giá tiêu hôm nay 17/5/2023, tiêu Việt có lợi thế trên thị trường toàn cầu, dự báo xu hướng giá thời gian tới Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 73.000 – 76.500 đồng/kg. |
| Giá tiêu hôm nay 18/5/2023, giá tiêu ra sao sau 1 năm thăng trầm? Thị phần tiêu Việt tại Mỹ tăng mạnh Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm nhẹ ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 73.500 – 76.500 đồng/kg. |
| Nhận tin tốt lành đầu tiên sau gần 30 tháng, lạm phát tại Đức có thể đã đạt đỉnh Theo dự báo mới nhất của chính phủ liên bang Đức, tỷ lệ lạm phát năm 2023 của nền kinh tế đầu tàu châu Âu ... |