📞

Kinh tế thế giới nổi bật (13-19/1): Nga hoạt động tốt hơn dự đoán, Mỹ nói về ‘nhu cầu cấp thiết’ với Trung Quốc, thêm một quốc gia đầu tư khí đốt

Hải An 13:29 | 19/01/2023
Nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023 không tăng, Nga hoạt động tốt hơn dự đoán của hầu hết các chuyên gia, Mỹ nói không nên xảy ra hiểu lầm với Trung Quốc, lạm phát Đức tăng vọt… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Kinh tế Nga vẫn hoạt động tốt hơn dự đoán của hầu hết các chuyên gia. (Nguồn: Getty Images)

Kinh tế thế giới

OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023

Theo báo The National News của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 17/1 đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay, bất chấp triển vọng kinh tế đang dần cải thiện của nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới là Trung Quốc.

Trong báo cáo hằng tháng về thị trường dầu mỏ công bố ngày 17/1, OPEC vẫn dự báo nhu cầu dầu thô của thế giới sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày trong năm 2023, thấp hơn so với ước tăng 2,5 triệu thùng/ngày của năm 2022. OPEC nêu rõ: "Mức dự báo này vẫn bị chi phối bởi các yếu tố, bao gồm triển vọng không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu, sự thay đổi trong các chính sách ngăn chặn đại dịch Covid-19 và những căng thẳng địa chính trị".

Giá dầu đã tăng hơn 8% trong tuần trước, ghi dấu mức tăng theo tuần lớn nhất kể từ tháng 10/2022, trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt và triển vọng nhu cầu đang dần cải thiện ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Giá dầu Brent đã tăng 1,59% lên 85,80 USD/thùng trong phiên chiều 17/1, trong khi giá dầu WTI tăng 0,71% lên 80,43 USD/thùng.

OPEC dự báo nhu cầu dầu thô của Trung Quốc trong năm nay sẽ không thay đổi, ở mức 29,2 triệu thùng/ngày.

Trước đó ngày 17/1, Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais nói rằng, tổ chức này rất lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc, nền kinh tế có thể thúc đẩy nhu cầu dầu thế giới tăng thêm 500.000 thùng/ngày trong năm nay. Tại cuộc họp vào tháng 12/2022, OPEC cùng các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, đã quyết định giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày, trong bối cảnh thị trường đối mặt với triển vọng không chắc chắn liên quan các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu thô của Nga. (TTXVN)

Kinh tế Mỹ

* Ngày 18/1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nói với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Zurich (Thụy Sỹ) rằng, các nền kinh tế lớn nhất thế giới chia sẻ trách nhiệm giải quyết những khúc mắc của họ và ngăn nguy cơ cạnh tranh biến thành một cuộc xung đột.

Trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với ông Lưu Hạc, bà Yellen khẳng định, trao đổi về các điều kiện kinh tế vĩ mô và tài chính là một "nhu cầu cấp thiết" đối với Mỹ và Trung Quốc.

Phát biểu trước cuộc gặp, bà Yellen nhấn mạnh: "Trong khi chúng ta tồn tại những bất đồng, chúng ta sẽ trao đổi trực tiếp về điều đó. Mỹ và Trung Quốc không nên để xảy ra hiểu lầm, đặc biệt là những vấn đề bắt nguồn từ việc thiếu trao đổi thông tin, làm xấu đi một cách không cần thiết mối quan hệ kinh tế và tài chính song phương". (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Theo số liệu công bố ngày 17/1 của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, kinh tế nước này tăng trưởng 3% trong năm 2022, một trong những mức thấp nhất trong 40 năm do đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.

Trong quý IV/2022, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, so với mức tăng 3,9% trong quý III.

Mức tăng trưởng của năm 2022 là thấp nhất kể từ năm 1976, khi GDP giảm 1,6% và không tính đến con số của năm 2020, sau khi đại dịch bùng phát tại Vũ Hán vào cuối năm 2019. (Reuters)

* Theo dữ liệu chính thức mới được Trung Quốc công bố, trao đổi thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc năm 2022 đã khôi phục 37% so với trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2019.

Theo đó, tổng giá trị trao đổi thương mại giữa nước này và Triều Tiên năm 2022 tăng 3,2 lần so với năm 2021, lên mức hơn 1 tỷ USD. Năm 2021, thương mại song phương giảm khoảng 90% so với năm 2019, xuống mức thấp nhất kể từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên cầm quyền năm 2011. (TTXVN)

Kinh tế châu Âu

* Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 17/1 cho biết kinh tế nước này ước tính suy giảm 2,5% trong năm 2022, nhưng nền kinh tế vẫn đang hoạt động tốt hơn so với dự đoán của hầu hết các chuyên gia.

Theo Bộ Phát triển Kinh tế, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong giai đoạn từ tháng 1-11/2022 đã giảm nhưng chỉ ở mức 2,1%. Một số chuyên gia trong nước, chưa kể chuyên gia nước ngoài, dự đoán mức giảm có thể tới 10% và 15%, thậm chí 20%. Nhưng tính chung cả năm, ông Putin cho hay kinh tế Nga dự kiến sẽ chỉ giảm 2,5%.

Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh chính phủ cần phải kích thích tăng trưởng tiền lương thực tế. (Reuters)

* Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) công bố ngày 18/1, bất chấp doanh số bán ô tô gia tăng kể từ tháng 8/2022, tổng số ô tô mới đăng ký tại Liên minh châu Âu (EU) trong năm này giảm 4,6% xuống 9,3 triệu chiếc, mức thấp nhất kể từ 3 thập niên trước.

Báo cáo cho biết, Đức là thị trường lớn duy nhất ở châu Âu chứng kiến tăng trưởng trong năm 2022, với tỷ lệ 1,1%, trong khi lượng ô tô đăng ký tại Italy giảm 9,7%; tại Pháp giảm 7,8% và tại Tây Ban Nha giảm 5,4%.

Tuy nhiên, theo ACEA, doanh số tăng tại phần lớn các nước trong những tháng cuối cùng của năm 2022, với số ô tô đăng ký trong tháng 12/2022 tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2021. (TTXVN)

* Ngày 17/1, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra ở Davos, Thụy Sỹ, người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EU sẽ đưa ra các khoản trợ cấp năng lượng sạch mới để cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Theo Chủ tịch EC, kế hoạch Thỏa thuận xanh (Green Deal) trong lĩnh vực công nghiệp của EU được xây dựng nhằm biến châu Âu trở thành một trung tâm công nghệ sạch và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời ngăn chặn năng lực công nghiệp của EU chuyển sang Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác.

Bà Von der Leyen cũng cho biết EU sẽ tạm thời điều chỉnh các quy định về trợ cấp của liên minh để đẩy nhanh và đơn giản hóa việc cấp phép sản xuất năng lượng sạch. (TTXVN)

* Theo số liệu chính thức của Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) công bố ngày 17/1, lạm phát trong năm 2022 của Đức là 7,9%, mức cao nhất từng có trong lịch sử hậu chiến.

Tỷ lệ lạm phát hằng năm cao nhất trong lịch sử chủ yếu là do giá các sản phẩm năng lượng và hàng hóa tiêu dùng tăng mạnh kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột tại Ukraine. Theo Destatis, năm 2022, người tiêu dùng Đức phải đối mặt với tình trạng giá cả tăng nhanh nhất, đặc biệt là thực phẩm và nhiên liệu.

Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát đã giảm rõ rệt trong tháng 12/2022, xuống còn 8,6%, sau 3 tháng liên tiếp duy trì ở mức trên 10%, trong đó tháng 10/2022 là mức cao nhất, tăng 10,4% so với cùng tháng năm 2021. (TTXVN)

* Ngày 16/1, Vương quốc Anh và EU đã ra Tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa trưởng đoàn đàm phán EU Maros Sefcovic với Ngoại trưởng Anh James Cleverly và Bộ trưởng phụ trách vấn đề Bắc Ireland của chính phủ Anh Chris Heaton-Harris.

Tuyên bố chung khẳng định: "Hai bên đã thảo luận về một loạt thách thức hiện có trong hai năm qua và nhu cầu tìm giải pháp cùng nhau để giải quyết toàn diện các mối quan tâm thực tế của tất cả các cộng đồng ở Bắc Ireland và bảo vệ vị trí của cả Bắc Ireland trong thị trường nội bộ của Vương quốc Anh và tính toàn vẹn của thị trường chung của EU".

Cùng ngày, Bộ trưởng phụ trách Bắc Ireland thuộc Công đảng đối lập Peter Kyle đã cảnh báo về những hậu quả sâu sắc nếu Anh và EU không đạt được thỏa thuận về Nghị định thư. (Reuters)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Ngày 16/1, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã công bố báo cáo cho biết, chỉ số giá bán buôn tại nước này trong tháng 12/2022 tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021, ghi nhận tháng tăng thứ 22 liên tiếp.

Tỷ lệ tăng giá bán buôn tại Nhật Bản trong tháng 12/2022 đã cao hơn mức dự báo trung tâm là 9,5% được các cơ quan tư nhân đưa ra trước đó. Trong số 515 mặt hàng được khảo sát, có 454 mặt hàng tăng giá và chỉ có 50 mặt hàng giảm giá, trong đó, mặt hàng ghi nhận mức tăng đáng chú ý là sắt thép (20,9%), thực phẩm (7,7%), nông, lâm, thủy sản (6,9%). (TTXVN)

* Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 13/1 kêu gọi Mỹ tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để thiết lập một "trật tự kinh tế công bằng" vì sự thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong bài phát biểu ở Đại học Johns Hopkins sau khi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington, ông Kishida nhấn mạnh rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường khu vực, điều "sống còn là Mỹ phải quay trở lại" với hiệp định "TPP chất lượng cao" - có tên chính thức là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). (TTXVN)

Nhật Bản kêu gọi Mỹ tái gia nhập CPTPP. (Nguồn: Shutterstock)

* Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (MEF) ngày 18/1 thông báo về kế hoạch sửa đổi một loạt quy định về thuế đối với thị trường bất động sản, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính của người dân trong bối cảnh chi phí đi vay tăng cao.

Theo kế hoạch, Hàn Quốc sẽ cho phép chủ sở hữu hai ngôi nhà trả ít thuế hơn nếu họ thanh lý một trong số bất động sản trong một thời gian dài giữa lúc thị trường nội địa sụt giảm. Cụ thể, những người sở hữu hai căn nhà sẽ không bị đánh thuế nặng hơn nếu họ bán bớt một trong hai căn nhà trong vòng ba năm. Trước đó, bộ đã gia hạn thời gian từ một lên hai năm vào tháng 5/2022.

Nội dung sửa đổi luật thuế sẽ được Nội các Hàn Quốc thông qua và công bố chính thức vào cuối tháng sau. (Yonhap)

* Nguồn cung tiền của Hàn Quốc trong tháng 11/2022 tăng so với cùng kỳ năm trước đó, do lãi suất cao khuyến khích người dân gửi nhiều tiền hơn vào ngân hàng.

Cụ thể, dữ liệu được công bố ngày 17/1 của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cho thấy, M2 - thước đo chính đánh giá nguồn cung tiền của nước này, đạt trung bình 3,7853 triệu tỷ Won (3.050 tỷ USD) trong tháng 11 vừa qua, tăng 0,7% so với một tháng trước đó. So với một năm trước đó, số tiền này cũng tăng 5,4%. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) mới đây cho biết, trong năm ngoái, doanh thu từ xuất khẩu cà phê của nước này đạt 9,2 tỷ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Về khối lượng, Brazil đã xuất khẩu tổng cộng 39,35 triệu bao cà phê loại 60 kg trong năm 2022, giảm 3,1% so với năm trước đó. (TTXVN)

* Ngày 17/1, Cơ quan quản lý dầu khí thượng nguồn (SKK Migas) của Indonesia cho biết đã phê duyệt kế hoạch phát triển sửa đổi cho các mỏ khí đốt Merakes và Đông Merakes với tổng vốn đầu tư 3,35 tỷ USD.

Dự án do chi nhánh của tập đoàn dầu khí Eni (Italy) vận hành đã bắt đầu sản xuất khí đốt vào tháng 4/2021 và đang cung cấp cho nhà máy sản xuất khí đốt hóa lỏng Bontang LNG ở tỉnh Đông Kalimantan.

Tổng vốn đầu tư ban đầu cho các mỏ khí đốt Merakes và Đông Merakes ở mức 1,3 tỷ USD với sản lượng cao nhất lên tới 368 triệu feet khối tiêu chuẩn mỗi ngày (MMSCFD). (TTXVN)

* Hiệp hội các nhà kinh doanh vàng (GTA) Thái Lan dự kiến doanh số bán vàng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay (bắt đầu vào ngày 22/1 tới) sẽ chỉ tăng từ 5-10%.

Ông Pichaya Phisuthikul, Phó chủ tịch GTA, cho biết người Thái gốc Hoa năm nay có xu hướng thích mua những món đồ trang sức nhỏ, có trọng lượng chỉ 1 hoặc 2 salung (đơn vị đo lường vàng Thái, 1 salung bằng 3,81 gr) hơn là những món đồ có trọng lượng 1 baht weigh (đơn vị đo lường vàng Thái, 1 baht weigh bằng 4 salung hay 15,24 gr).

Lý do theo ông Pichaya là nhiều người tiêu dùng vàng vẫn đang phải cân đối chi tiêu của mình, vì họ chưa trả hết các khoản nợ tích tụ trong cuộc khủng hoảng Covid-19. (TTXVN)

* Theo Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, tổng số nợ của quốc gia Đông Nam Á đã lên tới 1.500 tỷ RM (khoảng 346 tỷ USD), bao gồm cả các khoản nợ phải trả, tương đương với 80% GDP của đất nước.

Phát biểu trong phiên đối thoại về Ngân sách 2023 vào sáng ngày 17/1, ông Anwar cho hay, con số này cũng cho thấy thâm hụt ngân sách của Malaysia sẽ tăng hơn so với ước tính trước đó là 5,8% GDP cho năm 2022, đồng thời nhấn mạnh vấn đề nợ quốc gia cần phải được giải quyết khẩn cấp. (TTXVN)