Khủng hoảng năng lượng kéo dài ở châu Âu cộng thêm việc các thành viên trong Liên minh không có tiếng nói chung khiến EU chưa thể áp đặt giới hạn giá khí đốt Nga ngay lập tức. (Ảnh minh họa - Nguồn: offshore-energy.biz) |
Kinh tế thế giới
Xung đột là yếu tố quan trọng nhất làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Ngày 15/10, Chủ tịch Ủy ban Tài chính và tiền tệ quốc tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Nadia Calvino nhận định rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine là "yếu tố quan trọng nhất" làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế và tạo ra bất ổn toàn cầu.
Phát biểu trên của bà Nadia Calvino được đưa ra giữa bối cảnh các bộ trưởng tài chính và người đứng đầu ngân hàng trung ương Nhóm Các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) đang tập trung tại Washington để tham dự Hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), tập trung vào các vấn đề “nóng” hiện nay như xung đột, lạm phát tăng cao và biến đổi khí hậu.
Bà Calvino, người đang kiêm chức Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha, cho biết IMF đã có một "lời kêu gọi rất quyết liệt" trong suốt tuần qua để chấm dứt cuộc xung đột.
Quan chức IMF đưa ra một tuyên bố của chủ tọa phiên họp, công nhận rằng đại dịch và xung đột Nga-Ukraine đang “đè nặng lên hoạt động kinh tế” với tác động đáng kể đến sinh kế của người dân toàn cầu. Tuyên bố cũng cho biết, các nước tham dự hoan nghênh các khoản đóng góp tự nguyện để tạo điều kiện hỗ trợ tài chính cho Ukraine. (AFP)
Kinh tế Mỹ
* Theo kênh truyền hình CNN, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo kinh tế Mỹ sẽ rơi vào cuộc suy thoái giống như năm 1990 vào mùa Xuân năm tới, khi lạm phát cao và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Theo đó, GDP của Mỹ dự kiến tăng trưởng 0,5% trong năm 2023, thay cho dự báo tăng trưởng 1,5% mà cơ quan này đưa ra hồi tháng 6/2022.
Theo các nhà kinh tế của Fitch, mức độ suy thoái của kinh tế Mỹ dự kiến ở mức vừa phải và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ tăng từ 3,5% hiện nay lên 5,2% trong năm 2024. Con số dự báo này có nghĩa Mỹ sẽ mất hàng triệu việc làm, nhưng số lượng việc làm mất đi này ít hơn hai đợt suy thoái trước. (Sputnik)
Người tiêu dùng Mỹ mua sắm tại một siêu thị Walmart ở New Jersey. (Nguồn: Reuters) |
Kinh tế Trung Quốc
* Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho biết, xuất khẩu ô tô của nước này đã tăng 55,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 2,11 triệu chiếc xe trong giai đoạn tháng 1-9/2022.
Theo CAAM, hơn 1,69 triệu xe du lịch đã được xuất khẩu trong thời gian này, tăng 60,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu xe thương mại của Trung Quốc cũng tăng 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 422.000 chiếc.
Xe sử dụng năng lượng mới đã trở thành điểm sáng trong xuất khẩu ô tô của nước này với 389.000 chiếc xe được xuất khẩu trong giai đoạn từ tháng 1-9/2022, tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm trước. (THX)
* Sáu ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc mới đây cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo hồ sơ gửi lên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải ngày 16/10, Industrial and Commercial Bank of China Ltd, ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo tài sản, cho biết ngân hàng này sẽ đóng vai trò một ngân hàng lớn trụ cột và tăng cường hỗ trợ tín dụng hơn nữa cho nền kinh tế.
Agricultural Bank of China, Bank of China và Postal Savings Bank of China cho hay các ngân hàng này đã đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh trong giai đoạn quý I-III/2022 và sẽ tiếp tục đóng góp sức mạnh tài chính cần thiết cho hoạt động ổn định và chất lượng cao của nền kinh tế.
China Construction Bank Corp và Bank of Communications cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh và cho biết sẽ đẩy mạnh hơn nữa quản lý rủi ro tín dụng để phục vụ tốt hơn nền kinh tế.
Trong quý III/2022, các ngân hàng đã tăng cường hỗ trợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. (Reuters)
Kinh tế châu Âu
* Theo đánh giá sơ bộ của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), mức lạm phát tháng 9/2022 trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên tới 9,9%, mức cao kỷ lục kể từ khi đồng Euro chính thức ra đời.
Do lạm phát phi mã, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vốn đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2%, đã bắt đầu tăng lãi suất sau một thời gian dài do dự. Gần đây nhất, trong tháng 9/2022, ECB đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm lên 1,25%, lần tăng lãi suất lớn nhất kể từ khi đồng euro ra đời. (TTXVN)
* Ủy ban châu Âu (EC) hôm 18/10 đề xuất tăng cường các biện pháp để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó năng lượng là một trong những lĩnh vực trọng tâm chính sau sự cố xảy ra vào tháng trước đối với hộ thống đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream).
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen sẽ trình bày các đề xuất cụ thể trước các nhà lãnh đạo EU tại Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày ở Brussels, Bỉ, bắt đầu vào thứ Năm tuần này (20/10).
EC khuyến khích 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đẩy nhanh các bài kiểm tra sức chịu đựng căng thẳng đối với các thực thể vận hành những cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt liên quan đến năng lượng. (Reuters)
* Ngày 18/10, EC đề xuất một loạt biện pháp khẩn cấp khác để giải quyết tình trạng giá năng lượng cao, nhưng tránh việc áp đặt giới hạn giá khí đốt ngay lập tức khi các nước EU vẫn chia rẽ về ý tưởng này.
Đây là nỗ lực mới nhất của khối nhằm giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng đột biến và cuộc khủng hoảng nguồn cung nhiên liệu, vốn đã kéo dài kể từ khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt sau khi bùng phát xung đột với Ukraine. Song các đề xuất vẫn cần được các nước thành viên EU chấp thuận trước khi thành hiện thực. (Reuters)
* Phát biểu trên truyền thông ngày 17/10, bà Gita Gopinath, Phó Tổng giám đốc thứ nhất IMF, cho rằng, Đức sẽ còn phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng trong một thời gian dài.
Theo bà Gita Gopinath, nước Đức đang phải đối mặt với một mùa Đông đầy khó khăn, nhưng mùa Đông năm 2023 có thể sẽ còn tồi tệ hơn. Cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ không nhanh chóng qua đi, giá năng lượng sẽ còn cao trong thời gian dài. (TTXVN)
* Ngày 18/10, Chủ tịch Liên minh các nhà xuất khẩu ngũ cốc của Nga Eduard Zernin cho hay, dự trữ ngũ cốc xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh với Nga đang cạn kiệt và việc này có thể thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm ngũ cốc của Nga.
Ông Zernin cũng cho biết thêm, trong khuôn khổ thỏa thuận ngũ cốc được ký kết hồi tháng 7 với Ukraine, các nhà cung cấp Nga vẫn chưa thể giải quyết các vấn đề vận chuyển hàng hóa, bảo hiểm, thanh toán với người mua. (TASS)
* Ngày 18/10, bộ phận truyền thông của Tập đoàn thời trang Tây Ban Nha Inditex (chủ sở hữu các thương hiệu Zara, Massimo Dutti, Pull&Bear, Oysho, Bershka, Stradivarius) xác nhận đang đàm phán với “các bên quan tâm” về hoạt động kinh doanh của Tập đoàn ở Nga.
Trước đó, cũng trong ngày 18/10, báo Thương Gia của Nga đưa tin Inditex đang xem xét chuyển tài sản ở Nga cho một đối tác ở quốc gia “thân thiện” như Đông Nam Á hoặc Vịnh Ba Tư.
Hồi đầu tháng 3/2022, Inditex quyết định tạm dừng hoạt động tại Nga trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. (Reuters)
* Tờ Dong-a Ilbo cho biết, Hyundai Motor gần đây đã trình lên ban lãnh đạo tập đoàn một báo cáo phân tích tình hình và triển vọng tương lai ở Nga.
Theo đó, báo cáo của Hyundai bao gồm các phân tích của công ty về các kịch bản và tác động của việc bán nhà máy của họ ở Nga, với lý do môi trường khó khăn để tiến hành các hoạt động tài chính bình thường. Hyundai Motor không đưa ra bình luận ngay lập tức về thông tin trên. (Reuters)
* Công ty kinh doanh nông sản Pháp Danone cho biết, họ có kế hoạch chuyển giao quyền kiểm soát kinh doanh những sản phẩm từ thực vật và sữa thiết yếu của công ty ở Nga, chỉ giữ lại chi nhánh dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh.
Động thái chuyển giao quyền kiểm soát hiệu quả hoạt động kinh doanh sữa có thể dẫn đến giảm tới 1 tỷ Euro (980 triệu USD). Chi nhánh này chiếm 5% doanh thu ròng của Danone từ đầu năm 2022 đến nay.
Tuy nhiên, Danone sẽ giữ lại các hoạt động của chi nhánh dinh dưỡng riêng của công ty, bao gồm cả sữa dành cho trẻ sơ sinh. (AFP)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ngày 19/10, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda cho rằng, việc đồng Yen mất giá sẽ có tác động hai chiều tới nền kinh tế nước này.
Thống đốc Kuroda nói, sự suy yếu nhanh và một chiều của đồng Yen sẽ ảnh hưởng “tiêu cực” đối với nền kinh tế Nhật Bản. Nó khiến cho các công ty gặp nhiều khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ông Kuroda, nếu sự suy yếu của đồng Yen ổn định, đó là một lợi thế cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này. (TTXVN)
* Theo số liệu ước tính của chính phủ Nhật Bản, lượng du khách nước ngoài đến nước này trong tháng 9/2022 tăng 11,7 lần so với cùng kỳ năm trước lên 206.500 lượt. Con số có thể sẽ tăng cao hơn trong những tháng tới, sau khi Nhật Bản loại bỏ gần như tất cả các hạn chế nhập cảnh liên quan tới dịch Covid-19 vào đầu tháng này.
Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, trong tháng 9/2022, lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản lần đầu tiên vượt 200.000 lượt kể từ tháng 2/2020, nhưng đã giảm 90,9% so với tháng 9/2019, trước khi đại dịch bùng phát.
Đối tượng khách tới Nhật Bản trong tháng 9 chủ yếu là doanh nhân, thực tập sinh kỹ thuật và sinh viên quốc tế. (Kyodo)
Lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản trong tháng 9/2022 tăng 11,7 lần so với cùng kỳ năm trước, lên 206.500 lượt. Trong ảnh: Sân bay quốc tế Narita ở quận Chiba, Nhật Bản. (Ảnh: Mayumi Tsumita) |
* Hàn Quốc không phải đối mặt với thách thức về đảm bảo dự trữ ngoại hối như các tình huống từng xảy ra trong các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây và hiện đang duy trì vị thế thanh khoản ngoại hối (FX) "ổn định" bất chấp sự biến động mạnh của thị trường tài chính gần đây.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) Rhee Chang-yong, thị trường tài chính Hàn Quốc đang phục hồi khả quan bất chấp thị trường chứng khoán và ngoại hối trong nước đang giao dịch không ổn định khi đối mặt với lo ngại gia tăng về việc thắt chặt tiền tệ tại các nước lớn có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. (TTXVN)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Tại cuộc họp báo diễn ra sau Hội nghị lãnh đạo Australia-Singapore thường niên vào ngày 18/10 tại thủ đô Canberra, Australia, Thủ tướng nước chủ nhà Anthony Albanese thông báo, hai nước đã ký kết Thỏa thuận kinh tế xanh.
Ông Albanese nhấn mạnh, thỏa thuận mở ra một chương mới trong quan hệ Đối tác ciến lược toàn diện giữa Australia và Singapore, hỗ trợ đổi mới về năng lượng sạch, mở ra các cơ hội kinh doanh và tạo việc làm, đồng thời giúp hiện thực hóa các mục tiêu về khí thải của hai nước.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nêu rõ, đây là "thỏa thuận đầu tiên thuộc loại này” và hy vọng văn kiện sẽ trở thành “hình mẫu” cho các thỏa thuận tương tự giữa các nước trong tương lai nhằm giải quyết vấn đề giảm phát thải toàn cầu. (TTXVN)
* Theo ông Pornchai Thiraveja, Tổng giám đốc Văn phòng cính sách tài khóa (FPO), Bộ Tài chính Thái Lan đang xem xét các biện pháp mới để khuyến khích chi tiêu trong nỗ lực duy trì sự phục hồi kinh tế nước này.
Theo đó, bộ trên sẽ sớm tham vấn FPO về các biện pháp khả thi, đồng thời bày tỏ hy vọng các bộ khác sẽ công bố các biện pháp của riêng mình để khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu vào cuối năm nay. (TTXVN)
* Ngày 19/10, Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) Perry Warjiyo dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ đạt 5,2% trong năm 2022, nhờ động lực từ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Trong khi đó, GDP của nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2023 có thể tăng 4,6-5,3% hoặc cao hơn so với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 2,6%. (TTXVN)
* Ngày 19/10, Bộ Thương mại quốc tế và công nghiệp Malaysia (MITI) cho biết, kim ngạch thương mại của nước này trong tháng 9/2022 tăng 31,4% lên 256,91 tỷ Ringgit (54,43 tỷ USD) và là tháng thứ 20 liên tiếp ghi nhận mức tăng hai chữ số.
Theo MITI, xuất khẩu tăng 30,1% lên 144,31 tỷ Ringgit, đánh dấu tháng thứ 14 liên tiếp tăng hai chữ số, trong khi nhập khẩu tăng 33% lên 112,6 tỷ Ringgit, dẫn đến thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục mới 31,71 tỷ Ringgit (tăng 20,9%). (TTXVN)