📞

Kinh tế thế giới nổi bật (14-20/7): Thương mại Nga tăng trưởng, Ukraine cần chuẩn bị cho mùa Đông ngay lúc này, Mỹ thu hẹp sản xuất

Hải An 10:32 | 20/07/2023
Kinh tế Trung Quốc khởi sắc, thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, Ukraine nói thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có thể được vận hành mà không có sự tham gia của Nga, Moldova hoàn tất kiểm toán khoản nợ lịch sử với Gazprom… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Ukraine cho rằng, thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen phải được duy trì và có thể vận hành mà không có sự tham gia của Nga, sau khi Moscow rút khỏi thỏa thuận này vào ngày 17/7. (Nguồn: Reuters)

Kinh tế thế giới

OPEC lạc quan về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu

Ngày 13/7, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu sẽ tăng thêm 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024, tương đương mức tăng hàng năm 2,2%, nhờ tăng trưởng kinh tế toàn cầu vững chắc như dự kiến trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc khởi sắc, qua đó thúc đẩy sức tiêu thụ dầu mỏ.

Trong Báo cáo thị trường dầu mỏ hàng tháng, OPEC cho biết, sức tăng trưởng GDP của thế giới trong năm 2024 được dự báo ở mức 2,5%, thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng dự kiến 2,6% của năm nay.

Theo báo cáo trên, các quốc gia tiêu thụ dầu chủ chốt bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, cùng với một số nền kinh tế đang phát triển khác ở châu Á, sẽ tiếp tục tăng trưởng lành mạnh và đóng góp cho khoảng một nửa tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới.

Điều này dựa trên giả định rằng lạm phát chung sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2023 và 2024. Các chính sách tiền tệ thắt chặt cũng được giả định sẽ được duy trì và lãi suất chủ chốt sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2023.

OPEC đã điều chỉnh tăng nhẹ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay từ 2,35 triệu thùng/ngày lên 2,44 triệu thùng/ngày, chủ yếu là do nhu cầu cao hơn ở Trung Quốc trong quý II/2023. Tổng nhu cầu dầu mỏ của thế giới được dự báo ở mức trung bình 102 triệu thùng/ngày trong năm nay. (WAM)

Kinh tế Mỹ

* Theo số liệu được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố ngày 18/7, sản xuất tại các nhà máy của nước này bất ngờ giảm trong tháng 6/2023, song tính chung trong quý II/2023, con số này lại tăng trở lại nhờ nhu cầu về xe cơ giới sau hai quý giảm liên tiếp.

Cụ thể, sản lượng của các nhà máy đã giảm 0,3% trong tháng 6/2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sản lượng hằng năm lại tăng 1,5% trong quý II/2023, sau khi giảm 0,2% trong quý I/2023 nhờ sản lượng xe cơ giới và phụ tùng tăng 36,7%.

Chỉ số hoạt động của các nhà máy theo thước đo của Viện Quản lý cung ứng (ISM) vẫn dưới ngưỡng 50, cho thấy sự thu hẹp trong sản xuất, trong bảy tháng liên tiếp. (TTXVN)

* Ngày 14/7, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng trị giá 886 tỷ USD, mức cao chưa từng có trong lịch sử nước này.

Trước đó, hôm 12/7, Hạ viện Mỹ bắt đầu tranh luận về Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2024, trong đó bao gồm khoản tiền 876,8 tỷ USD chi cho Bộ Quốc phòng. Sau ba ngày cân nhắc, Hạ viện đã thông qua dự luật với tỷ lệ sít sao là 219 phiếu thuận và 210 phiếu chống. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Ngày 17/7, "gã khổng lồ" bất động sản Trung Quốc Evergrande công bố khoản lỗ ròng hơn 81 tỷ USD của năm 2021 và 2022, cùng với gần 340 tỷ USD nợ phải trả trong bản báo cáo tài chính quá hạn của doanh nghiệp.

Cụ thể, trong năm 2021, Evergrande lỗ 476 tỷ NDT (66,36 tỷ USD) và năm 2022 là 105,9 tỷ NDT (14,76 tỷ USD). Công ty cho biết phần lớn tổn thất đến từ chi phí trả lại đất đai, ghi giảm tài sản, tổn thất tài sản tài chính và chi phí tài chính.

Vào năm ngoái, tổng nợ phải trả của Evergrande lên tới 2.400 tỷ NDT, tăng 23% so với năm 2020, trong khi tổng tài sản trị giá 1.800 tỷ NDT, giảm 20%. Cùng năm, doanh thu của Evergrande giảm 55% so với năm 2020, xuống còn 230,1 tỷ NDT. (Reuters)

Kinh tế châu Âu

* Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) đã kết thúc ngày 18/7 ở thủ đô Brussels của Bỉ sau hai ngày nhóm họp.

Theo các nhà lãnh đạo của hai khối, hội nghị đã thành công khi các bên đều nhất trí thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác EU-CELAC và nhiều thỏa thuận thương mại đã được hai bên ký kết trong dịp này.

Bà von der Layen nhấn mạnh, với Chương trình đầu tư Cổng Toàn cầu (Global Gateway), EU sẽ đầu tư hơn 45 tỷ Euro vào khu vực với mong muốn mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và tạo ra chuỗi giá trị tại địa phương, trong khu vực. Đây là tinh thần hợp tác của hai khối. (TTXVN)

* Ngày 16/7, Bộ trưởng Năng lượng Moldova Viktor Parlikov cho biết, nước này đã hoàn tất việc kiểm toán khoản nợ lịch sử của công ty nhà nước Moldovagaz với tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga. Dự kiến kết quả sẽ được công bố sau quá trình đánh giá kỹ lưỡng.

Theo ông Parlikov, cuộc kiểm toán đã diễn ra tốt đẹp và dựa trên kết luận kiểm toán, Moldova sẽ quyết định cách thức giải quyết tình hình với Gazprom trong tương lai. (TTXVN)

* Ngày 18/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen phải được duy trì và có thể vận hành mà không có sự tham gia của Nga, sau khi Moscow rút khỏi thỏa thuận này vào ngày 17/7. Nga cho biết nếu yêu cầu cải thiện hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này được đáp ứng, Nga có thể cân nhắc tái tham gia thỏa thuận trên.

Ông Zelensky khẳng định: "Ukraine, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỹ có thể đảm bảo việc vận hành một hành lang lương thực và kiểm tra các tàu vận chuyển. Điều này rất cần thiết với toàn thế giới”. (Reuters)

* Ngày 19/7, trong cuộc họp với Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mitshustin, quyền Giám đốc Cơ quan hải quan Liên bang Nga Ruslan Davydov cho hay, kim ngạch thương mại của Nga trong nửa đầu năm 2023 tăng 3% so với cùng kỳ năm 2019. Theo ông Davydov, nhập khẩu đang tăng với tốc độ rất tốt và điều này được phản ánh trong cơ cấu thanh toán hải quan.

Cùng ngày, bộ phận báo chí của Cơ quan Đường sắt Nga cho hay, trọng tải hàng hoá xuất khẩu theo hướng các cảng của Nga trong nửa đầu năm 2023 đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 170,9 triệu tấn. (TASS/TTXVN)

* Truyền thông Ukraine dẫn lời Giám đốc điều hành công ty DTEK - doanh nghiệp vận hành năng lượng thương mại lớn nhất của nước này cho rằng, người dân cần bắt đầu chuẩn bị cho mùa Đông ngay lúc này. Theo DTEK, mùa Đông tới sẽ tồi tệ hơn nhiều so với mùa Đông trước, khi hệ thống năng lượng của Ukraine bị phá hủy một phần mà việc khôi phục là không thể.

Theo đại diện của DTEK, tính đến cuối mùa sưởi ấm vừa qua, chỉ 25% hệ thống sưởi hoạt động, 75% còn lại đã bị phá hủy sau khi tên lửa đánh trúng các cơ sở hạ tầng quan trọng. (TTXVN)

* Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đặt kỳ vọng vào việc kêu gọi được nhiều vốn đầu tư và tài chính trong chuyến công du tới 3 quốc gia Vùng Vịnh bao gồm Saudi Arabia, Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), trong bối cảnh nền kinh tế trong nước khó khăn về ngân sách, lạm phát tăng cao và đồng nội tệ suy yếu.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có cơ hội nhận được các khoản đầu tư lớn cho lĩnh vực quốc phòng và các siêu dự án hạ tầng từ 3 quốc gia nói trên. (Reuters)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đang nỗ lực đẩy mạnh quan hệ với các nước Trung Đông, trong đó có Qatar, nhằm đảm bảo duy trì nguồn cung nhiên liệu hóa thạch ổn định cho quốc gia châu Á nghèo tài nguyên này.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu đang trở nên bấp bênh kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Nhật Bản ngày càng mong muốn thực hiện các biện pháp cần thiết để mua dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng từ Trung Đông một cách ổn định.

Trong một cuộc họp báo ở Doha, ông Kishida hứa hẹn sẽ thực hiện các biện pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình chuyển đổi các quốc gia sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông thành một "trung tâm" xuất khẩu năng lượng khử cacbon và các nguyên liệu thiết yếu. (Kyodo)

ADB hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay của Hàn Quốc từ mức 1,5% đưa ra hồi tháng Tư trước đó xuống còn 1,3%. (Nguồn: Shutterstock)

* Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc ngày 19/7 cho biết, Ngân hàng ADB đã công bố báo cáo Triển vọng kinh tế bổ sung khu vực châu Á năm 2023, trong đó hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay của Hàn Quốc từ mức 1,5% đưa ra hồi tháng Tư trước đó xuống còn 1,3%.

Theo phân tích của bộ trên, ADB giảm mức triển vọng do một số ảnh hưởng như xuất khẩu trong nước giảm, tiêu dùng tư nhân và đầu tư đình trệ.

Đặc biệt, mức tăng trưởng mà ADB đưa ra thấp hơn triển vọng tăng trưởng 1,5% do Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI) cùng Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa ra. Nó cũng thấp hơn dự báo tăng trưởng 1,4% của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK).

Đối với năm 2024, ADB vẫn giữ nguyên mức dự báo 2,2% như lần trước. (TTXVN)

* Tính đến quý IV/2022, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc là 105%, cao thứ ba trong số các nước lớn, xếp sau mức 128,3% của Thụy Sỹ và Australia với 111,8%.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 17/7 cho biết, trong khi các nước lớn có tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP giảm dần hoặc giữ nguyên kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu thì ngược lại tỷ lệ này của Hàn Quốc lại liên tục tăng bất chấp nỗ lực chính sách nhằm kiểm soát nợ hộ gia đình của chính phủ. (TTXVN)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Ngày 18/7, INDEC - Viện Thống kê và điều tra quốc gia Argentina - công bố số liệu cho thấy, GDP của nước này trong tháng 5/2023 đã sụt giảm 0,1% so với tháng trước đó và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, đây là tháng thứ hai liên tiếp đà tăng trưởng GDP của Argentina thụt lùi, khi hoạt động kinh tế trong tháng 4/2023 đã giảm 1,8% so với tháng trước đó và giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo mới nhất của các công ty tư vấn tài chính do Ngân hàng Trung ương Argentina tham vấn cho thấy, GDP của nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh này có thể sẽ giảm tới 3% trong năm 2023, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng tích cực 5,2% vào năm ngoái. Trong khi đó, chính phủ Argentina vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay ở mức 2%. (TTXVN)

* Theo tập đoàn dịch vụ tài chính Nasdaq có trụ sở tại Mỹ, Malaysia được bình chọn đứng đầu danh sách 10 nơi an toàn nhất để nghỉ hưu ở châu Á.

Trong một bài báo đăng tải gần đây, tập đoàn trên cho biết, bình chọn dựa trên rất nhiều dữ liệu như GDP, chi phí sinh hoạt, Chỉ số Hòa bình toàn cầu, vốn được trích dẫn từ các tài liệu chính thức của Liên hợp quốc, Viện Kinh tế và hòa bình

Dựa trên các tiêu chí đánh giá nói trên, Malaysia đã lọt vào tốp 10, với chỉ số hòa bình toàn cầu là 1,471 và chi phí sinh hoạt trung bình hàng tháng là 1.066 USD. Với chi phí trung bình hàng tháng chỉ hơn 1.000 USD, đây là một nơi tuyệt vời để những người về hưu cân nhắc. (TTXVN)

* Bộ trưởng Doanh nghiệp nhà nước (SOEs) Indonesia Erick Thohir ngày 17/7 cho biết, tỉnh Bali có cơ hội lớn để thu hút khách du lịch trong lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khỏe và thể thao vì địa phương này có những thuận lợi về cơ sở vật chất và điều kiện thiên nhiên. Khu vực này đang trong giai đoạn hoàn thiện các cơ sở bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế và nâng cấp khách sạn Inna Grand Bali Beach do chuỗi khách sạn nhà nước PT Hotel Indonesia Natour (HIN) quản lý. (TTXVN)