Ngày 21/2, Nga tuyên bố hoàn thành sáng kiến vận chuyển 200.000 tấn ngũ cốc miễn phí tới 6 nước châu Phi. (Nguồn: Reuters) |
Kinh tế thế giới
WTO nỗ lực vì mục tiêu thúc đẩy trữ lượng cá bền vững trên toàn cầu
Ngày 20/2, Đại sứ Iceland Einar Gunnarsson, người chủ trì các cuộc đàm phán về nghề cá tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã kêu gọi các nước cần dàn xếp và thỏa hiệp nhằm hoàn tất một thỏa thuận toàn diện về vấn đề trợ cấp nghề cá. Đây là nỗ lực tiếp theo nhằm thúc đẩy trữ lượng cá bền vững trên toàn cầu, sau khi WTO đạt được một thỏa thuận lịch sử về trợ cấp đánh bắt cá tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 diễn ra tháng 6/2022.
WTO hy vọng các nước thành viên sớm đạt được đồng thuận về những quy định cấm các khoản trợ cấp dẫn đến tình trạng dư thừa sản lượng đánh bắt và tình trạng đánh bắt quá mức.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Đại sứ Gunnarsson công bố bản dự thảo thỏa thuận mới, sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng tại trụ sở của WTO ở Geneva (Thụy Sỹ). Văn bản dự thảo này liệt kê danh sách các khoản trợ cấp gây ra tình trạng dư thừa sản lượng đánh bắt cá và đánh bắt cá quá mức.
Ông Gunnarsson cho biết một số điểm trong dự thảo mới này vẫn đang trong quá trình thảo luận, đặc biệt là những quy định liên quan đến trợ cấp nhiên liệu và sử dụng lao động bị cưỡng ép trong hoạt động đánh bắt cá.
Bên cạnh đó, các cuộc thảo luận vẫn chưa đi đến hồi kết liên quan đến định nghĩa về cơ chế ưu đãi đối với các nước đang phát triển và các quốc gia nghèo nhất.
Ngoài ra, văn bản dự thảo phân chia các nước thành viên thành 3 nhóm dựa theo mức độ trợ cấp đối với nghề cá, trong đó nhóm các nước trợ cấp ở quy mô lớn nhất sẽ chịu giám sát chặt chẽ hơn.
Kinh tế Mỹ
* Theo biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố ngày 21/2, các quan chức ngân hàng này đưa ra quan điểm trái chiều về thời điểm cắt giảm lãi suất, nhưng phần lớn thành viên đều bày tỏ lo ngại về việc hạ lãi suất sớm.
Hầu hết các nhà phân tích dự kiến sẽ không có bất kỳ thay đổi nào về lãi suất trong tháng 3 và thậm chí là tại cuộc họp tháng 5. Theo cuộc khảo sát do hãng tin Reuters (Anh) tiến hành, phần lớn các nhà kinh tế dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6.
* Theo tờ Financial Times ngày 19/2, các quan chức Mỹ đã khuyến nghị về những ảnh hưởng nếu Trung Quốc cố gắng giảm bớt vấn đề dư thừa công suất công nghiệp bằng cách bán phá giá hàng hóa trên thị trường quốc tế.
Hai quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, một phái đoàn Mỹ đã bày tỏ mối quan ngại của mình trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, bao gồm cả cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong.
Mỹ quan ngại nhất về lĩnh vực sản xuất tiên tiến và đặc biệt là các lĩnh vực năng lượng sạch như xe điện, tấm pin Mặt trời và pin lithium-ion.
Kinh tế Trung Quốc
* Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương), ngày 19/2 đã hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm 25 điểm cơ bản, từ 4,2% xuống 3,95%. Mức cắt giảm này là mạnh chưa từng có, vượt kỳ vọng của thị trường.
Động thái trên diễn ra sau khi 1.000 tỷ Nhân dân tệ (139 tỷ USD) được giải phóng cho hoạt động cho vay vào ngày 5/2, thông qua việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại 0,5 điểm phần trăm.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 12/2021 mà cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất cho vay cơ bản được hạ trong cùng một tháng.
* Đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc trong năm 2023 tăng trưởng ở mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1990. Tình trạng này đã nhấn mạnh thêm những thách thức trong quá trình thu hút FDI để hỗ trợ nền kinh tế mà Bắc Kinh đang nỗ lực triển khai.
Theo dữ liệu từ Cục Quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc (SAFE), công bố ngày 18/2, tài khoản nợ FDI trong bảng cán cân thanh toán quốc gia đã tăng thêm 33 tỷ USD trong năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn 82% so với năm 2022.
Thước đo vốn FDI mới chảy vào nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1993.
Kinh tế châu Âu
* Theo một nghiên cứu do Viện Phân tích tài chính và kinh tế năng lượng (IEEFA) công bố ngày 21/2, châu Âu đã cắt giảm 20% nhu cầu khí đốt kể từ khi bùng phát xung đột Nga-Ukraine (tháng 2/2022) và nhu cầu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ đạt đỉnh vào năm tới nhờ năng lượng tái tạo và hiệu quả sử dụng năng lượng tăng lên.
IEEFA cho biết, nhu cầu khí đốt của châu Âu đã giảm 20% kể từ khi tháng 2/2022, chủ yếu do Đức, Italy và Anh giảm lượng tiêu thụ. Sự suy giảm này là do các biện pháp quản lý nhu cầu, hiệu quả sử dụng năng lượng, tác động của giá cao đối với nhu cầu cũng như nhiệt độ mùa Đông không quá khắc nghiệt.
Theo IEEFA, LNG của Nga đã thay thế một phần khí đốt của Nga mà châu Âu đã nhập khẩu bằng đường ống, với lượng nhập khẩu LNG từ Nga tăng 11% trong giai đoạn 2021-2023. Tuy nhiên, LNG từ Mỹ vẫn chiếm ưu thế trong nhập khẩu, và điều này có nguy cơ tạo ra sự phụ thuộc mới.
* Bộ trưởng Nông nghiệp Nga ngày 21/2 cho biết, nước này đã hoàn thành sáng kiến vận chuyển 200.000 tấn ngũ cốc miễn phí tới 6 nước châu Phi, như Tổng thống Vladimir Putin đã cam kết vào tháng 7/2023.
Cụ thể, Moscow đã vận chuyển đến Somalia và CH Trung Phi, mỗi nước 50.000 tấn; đến Mali, Burkina Faso, Zimbabwe và Eritrea, mỗi nước 25.000 tấn.
* Truyền thông Ukraine ngày 21/2 dẫn lời Thứ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Michal Kolodziekczak cho biết, Warsaw đang kêu gọi áp hạn ngạch với nông sản Ukraine xuất sang Liên minh châu Âu (EU).
Thứ trưởng Kolodziekczak xác nhận ngũ cốc Ukraine không còn ở Ba Lan, nhưng đang ép nông sản Ba Lan ra khỏi thị trường các quốc gia thành viên EU khác như Đức chẳng hạn.
Ông Kolodziekczak cho rằng, tình hình có thể được giải quyết nếu hạn ngạch đối với hàng hóa Ukraine xuất sang EU được áp dụng và có thêm các mặt hàng trong số này được vận chuyển tới các quốc gia khác.
* Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 21/2 xác nhận việc Berlin điều chỉnh giảm triển vọng nền kinh tế lớn nhất châu Âu này trong năm 2024.
Nền kinh tế Đức “chông chênh” giữa tình trạng trì trệ và suy thoái trong những quý gần đây mà ông Habeck mô tả là “một cơn bão hoàn hảo”.
Nội các Đức đã thông qua việc điều chỉnh giảm mạnh mức tăng trưởng kinh tế trong năm nay từ 1,3% như dự báo trước đó xuống còn 0,2%.
Nước này cũng dự báo lạm phát sẽ giảm từ 5,9% năm 2023 xuống còn 2,8% trong năm nay. Ông Habeck khẳng định rằng lạm phát đã được "thuần hóa".
Ngày 21/2, đồng tiền Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã ở mức giá thấp lịch sử so với đồng USD của Mỹ khi lần đầu tiền một USD đổi được hơn 31 Lira. (Nguồn: CNN) |
* Số liệu giao dịch trên thị trường tiền tệ quốc tế Forex ngày 21/2 cho thấy, đồng tiền Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã ở mức giá thấp lịch sử so với đồng USD của Mỹ khi lần đầu tiền một USD đổi được hơn 31 Lira.
Trong phiên giao dịch buổi chiều, lần đầu tiên tỷ giá giữa đồng USD với đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ đã có lúc ở mức 31,0095 lira đổi 1 USD rồi sau đó giá trị của đồng lira tăng nhẹ. Tính ra, trong 12 tháng qua, tỷ giá của đồng USD so với đồng nội tệ Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gần 64%.
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ngày 21/2, chính phủ Nhật Bản đã lần đầu tiên hạ mức đánh giá về sức khỏe nền kinh tế trong bối cảnh nước này trở nên thận trọng hơn về sức tiêu dùng và sản xuất tư nhân.
Những thông tin được tiết lộ gần đây cho thấy Nhật Bản đã rơi vào suy thoái vào cuối năm 2023, dẫn đến Tokyo hạ thấp quan điểm về tiêu dùng tư nhân lần đầu tiên sau hai năm.
Báo cáo kinh tế hằng tháng của Văn phòng Nội các cũng đưa ra lập trường thận trọng về hoạt động sản xuất sau hàng loạt vụ bê bối về kiểm tra an toàn từ các công ty thuộc tập đoàn Toyota Motor Corp., Daihatsu Motor Co. và Toyota Industries Corp.
* Chính phủ Nhật Bản ngày 21/2 công bố số liệu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 1/2024 ở mức cao kỷ lục, khiến thâm hụt thương mại giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1.760 tỷ Yen (11,74 tỷ USD).
Xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 1 tăng 11,9% lên 7.330 tỷ Yen. Đây là tháng thứ hai liên tiếp xuất khẩu của Nhật Bản tăng, bất chấp lo ngại về nhu cầu toàn cầu có dấu hiệu chậm lại sau đợt tăng lãi suất mạnh ở Mỹ và châu Âu.
* Từ ngày 20-22/2 tại Seoul diễn ra vòng đàm phán thứ hai Hiệp định thương mại kỹ thuật số Hàn Quốc-EU.
Hiệp định được hai bên xúc tiến nhằm thiết lập một môi trường thương mại kỹ thuật số mở cửa, công bằng và đáng tin cậy cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia vào thương mại kỹ thuật số.
Hàn Quốc và EU đạt được nhất trí về nguyên tắc thương mại kỹ thuật số vào tháng 11/2022, hiện đang trong quá trình xác định lập trường lẫn nhau về chuẩn mực chính trong thương mại kỹ thuật số như chuyển giao dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân, an ninh mạng, hợp đồng điện tử, và thảo luận phương án hợp tác cụ thể.
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Ngày 20/2, người phát ngôn Phủ Tổng thống Argentina Manuel Adorni thông báo, chính phủ nước này sẽ ban hành nghị định tăng 30% lương tối thiểu cho người lao động, từ mức 156.000 Peso (182 USD) lên 202.800 Peso (236 USD theo tỷ giá hối đoái hiện nay). Quá trình tăng lương sẽ được tiến hành trong giai đoạn từ tháng 2-3/2024 với mức tăng 15%/tháng.
Theo đó, mức lương tối thiểu tại Argentina sẽ đạt 180.000 Peso (210 USD) trong tháng 2 và 202.800 Peso vào tháng 3/2024. Đây là lần đầu tiên chính phủ của Tổng thống Javier Milei tăng lương tối thiểu cho người lao động kể từ khi nhà lãnh đạo này nhậm chức tháng 12/2023.
* Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 20/2 cho biết đã ký Nghị định về quyền xuất bản, yêu cầu các công ty công nghệ phải trả tiền cho các hãng truyền thông về nội dung tin tức mà họ đăng trên nền tảng của họ.
Các công ty truyền thông và đài truyền hình Indonesia đã đưa vấn đề đảm bảo lợi tối thiểu khi hợp tác với các công ty công nghệ toàn cầu như Google, Meta, X (trước đây là Twitter) và TikTok. Tuy nhiên, những công ty công nghệ quốc tế chưa có phản hồi tích cực đối với việc hợp tác trong khi tiếp tục khai thác từ doanh thu quảng cáo và lượng người truy cập hàng ngày từ việc chia sẻ thông tin.
* Bộ trưởng Kỹ thuật số Malaysia Gobind Singh Deo cho biết, lĩnh vực kinh tế số hiện đóng góp 23,3% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và quốc gia Đông Nam Á đặt mục tiêu nâng lên 25,5% vào năm 2025. Để làm được điều này, chính phủ đã nỗ lực để đảm bảo lĩnh vực kinh tế số đang đi đúng hướng và sẽ đóng góp chính vào GDP của Malaysia.
Malaysia khuyến khích người dân tham gia hệ sinh thái kinh tế số. Đây là điều mà người dân nên xem xét một cách nghiêm túc vì lĩnh vực này sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai. Có hai yếu tố là cơ sở hạ tầng và khả năng kết nối là những yếu tố quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước.
* Chính phủ Singapore lạc quan một cách thận trọng về tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và kỳ vọng mức tăng trưởng GDP của nước này sẽ tăng 1-3% trong năm nay.
Bộ Thương mại Singapore công bố mức tăng trưởng năm 2023 đạt 1,1%, thấp hơn mức dự báo 1,2% của Thủ tướng Lý Hiển Long đưa ra trước đây. Đây vẫn là năm tăng trưởng thứ ba liên tiếp kể từ cuộc suy thoái năm 2020 do đại dịch Covid-19, tuy nhiên ở mức thấp hơn so với 3,8% năm 2022 và 8,9% năm 2021.