Nhỏ Bình thường Lớn

Kinh tế thế giới nổi bật (2-8/8): Nga-Mỹ đổ tiền vào ‘vựa vàng đen’ Arab, ban nhạc K-pop BTS đang định hình chi tiêu tiêu dùng, Đức gây thất vọng

Trung Đông nắm giữ trữ lượng dầu mỏ lớn nhất toàn cầu, châu Âu tăng nhập khẩu khí đốt Nga, EU chuẩn bị áp thuế xe điện Trung Quốc, lĩnh dịch vụ của Mỹ đã phục hồi, Đức chệch hướng, ban nhạc BTS của Hàn Quốc đang định hình chi tiêu tiêu dùng… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Kinh tế thế giới nổi bật (2-8/8): Nga-Mỹ đổ tiền vào ‘vựa vàng đen’ Arab, ban nhạc K-pop BTS đang định hình chi tiêu tiêu dùng, Đức gây thất vọng
Nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho các nước châu Âu thông qua đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” tăng 40,5% trong 7 tháng đầu năm 2024. (Nguồn: The Moscow Times)

Kinh tế thế giới

Dòng vốn đầu tư khổng lồ đổ về "vựa vàng đen"

Theo dữ liệu vừa công bố của Tập đoàn Bảo lãnh tín dụng xuất khẩu và đầu tư Arab (Arab Investment and Export Credit Guarantee Corp. - Dhaman), các quốc gia Arab đã thu hút 406 tỷ USD đầu tư từ 356 công ty nước ngoài và khu vực vào lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt trong 22 năm qua.

Dữ liệu của Dhaman cho hay, trong giai đoạn từ tháng 1/2003-5/2024, khu vực Arab đã chứng kiến 610 dự án dầu khí được thực hiện. Mỹ nổi lên là nhà đầu tư hàng đầu với 85 dự án, chiếm khoảng 14% trong tổng số dự án dầu khí ở khu vực Arab. Về vốn đầu tư, Nga dẫn đầu trong giai đoạn này với 61,5 tỷ USD, chiếm khoảng 15,2% tổng số vốn đầu tư vào ngành dầu khí Arab.

Trung Đông vẫn là nơi nắm giữ trữ lượng dầu mỏ được kiểm chứng lớn nhất trên toàn cầu. Theo nền tảng thống kê toàn cầu Statista, tính đến năm 2023, khu vực này chiếm khoảng 55,5% tổng trữ lượng dầu mỏ được kiểm chứng của thế giới, tuy nhiên, thị phần đã giảm từ gần 63% năm 1960 xuống dưới 56% vào năm 2020.

Các dự báo cho thấy trữ lượng dầu mỏ được kiểm chứng của khu vực Arab tiếp tục sụt giảm. Đến cuối năm 2024, trữ lượng dầu mỏ được kiểm chứng của khu vực này sẽ giảm xuống còn 704 tỷ thùng, tương đương khoảng 41,3% tổng trữ lượng dầu thô được kiểm chứng của thế giới. Con số này được dự báo sẽ giảm thêm 7% xuống còn 654,5 tỷ thùng vào năm 2030.

Bên cạnh đó, trữ lượng khí đốt tự nhiên được kiểm chứng của khu vực Trung Đông dự kiến sẽ đạt khoảng 58.000 tỷ mét khối, chiếm 26,8% tổng trữ lượng toàn cầu. Con số này dự kiến sẽ giảm 7,5% xuống 53.530 tỷ mét khối vào năm 2030.

Bất chấp các kế hoạch cắt giảm sản lượng, sản lượng dầu thô, khí nén và các chất lỏng khác của các nước Arab được dự báo sẽ gia tăng. Đặc biệt, sản lượng dầu thô của các nước Arab dự kiến sẽ tăng 6,4% lên 28,7 triệu thùng/ngày trong năm 2024, trước khi tăng lên khoảng 33 triệu thùng/ngày vào năm 2030.

Mỹ

* Theo các số liệu do Viện Quản lý cung ứng (ISM) công bố ngày 5/8, lĩnh dịch vụ của Mỹ đã phục hồi trong tháng 7/2024 nhờ vào số lượng đơn đặt hàng mới phục hồi và mức tăng việc làm đầu tiên trong 6 tháng, giúp xoa dịu những lo ngại về khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái sau khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong tháng trước.

Tin liên quan
Đầu tư vào các dự án năng lượng ở Bắc Cực, Nga thắt chặt ‘mối thâm tình’ với Trung Quốc, cùng ‘chơi nước cờ’ hạ bệ đồng USD Đầu tư vào các dự án năng lượng ở Bắc Cực, Nga thắt chặt ‘mối thâm tình’ với Trung Quốc, cùng ‘chơi nước cờ’ hạ bệ đồng USD

Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực dịch vụ đã tăng lên mức 51,4 trong tháng 7/2024, từ 48,8 của tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Chỉ số PMI trên 50 cho thấy sự tăng trưởng của ngành dịch vụ, vốn chiếm hơn 66% nền kinh tế Mỹ.

Lạm phát dịch vụ đã tăng nhẹ nhưng nhiều khả năng không đủ để thay đổi bức tranh về áp lực giá đang giảm dần. Chỉ số giá đầu vào lĩnh vực dịch vụ tăng từ mức 56,3 của tháng 6 lên mức 57,0 trong tháng 7.

* Bộ Thương mại Mỹ sẽ đề xuất cấm phần mềm có liên quan đến Trung Quốc trong xe tự hành và xe kết nối trong những tuần tới.

Theo đó, chính phủ Mỹ có kế hoạch ban hành một quy định cấm phần mềm Trung Quốc trong các loại xe tại Mỹ có mức tự động hóa cấp độ 3 trở lên và cấm thử nghiệm các xe tự hành do các công ty Trung Quốc sản xuất trên đường bộ Mỹ. Nhà Trắng cũng có kế hoạch cấm các loại xe sử dụng công nghệ kết nối không dây tiên tiến do Bắc Kinh phát triển trên các tuyến đường của Mỹ.

Trung Quốc

* Số liệu hải quan công bố ngày 7/8 cho thấy, trong tháng 7/2024, lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 8,6% của tháng 6 và cũng thấp hơn con số dự báo tăng 9,7%. Số liệu làm gia tăng lo ngại về triển vọng của ngành sản xuất.

Các nhà phân tích nhận định các nhà máy tại Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với sức ép lớn trong những tháng tới, do hàng rào thuế quan của các nước và nhu cầu sụt giảm.

* Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh số bán lẻ sản phẩm đồ uống đạt 156,4 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 21,87 tỷ USD), tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 3,7% tốc độ tăng trưởng của tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng xã hội.

40 năm trước, Trung Quốc chỉ có một loại đồ uống duy nhất và soda đồng nghĩa với đồ uống giải khát. Sau hơn 40 năm, các loại đồ uống đã phát triển đến 11 loại lớn và 65 loại nhỏ.

Châu Âu

* Thuế quan áp lên xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào Liên minh châu Âu (EU) có thể có hiệu lực vào tháng 11 sau cuộc bỏ phiếu của các nước thành viên vào cuối tháng 10 năm nay.

Ủy viên thương mại châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết, các quốc gia thành viên EU hiểu rõ sự cần thiết phải bảo vệ ngành công nghiệp ô tô nội khối vì rủi ro thương mại hiện hữu. Ông chỉ ra rằng thị phần xe điện chạy bằng pin của Trung Quốc đang tăng rất nhanh tại châu Âu. Tính đến tháng 6/2024, các thương hiệu xe điện Trung Quốc đã chiếm 11% thị phần trên thị trường xe điện lục địa già.

* Số liệu thống kê do Cơ quan thống kê Đức (Destatis) công bố ngày 6/8 cho thấy, trong khi các số liệu kinh tế chính không khả quan, lần đầu tiên, số đơn đặt hàng công nghiệp trong tháng 6 lại tăng 3,9% so với tháng trước. Các nhà phân tích trước đó đã dự đoán mức tăng 0,5%, thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, tính chung cả quý II, lượng đặt hàng giảm 1,4% so với quý trước.

Chuyên gia kinh tế Jupp Zenzen ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức nhận xét: "Thật không may là không có lý do nào để nói lượng đơn đặt hàng trong tháng Sáu tăng cho thấy tình hình ổn thoả“. Ông gọi nửa đầu năm 2024 là "sự thất vọng" nói chung.

* Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga vừa tổng kết tình hình nông nghiệp trong nước sau 10 năm thực thi lệnh cấm nhập khẩu hàng nông nghiệp từ các nước áp đặt trừng phạt liên quan đến việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea. Đó là các nước Na Uy, Canada, Australia, Mỹ, EU, Albania, Montenegro, Iceland, Liechtenstein, Ukraine và Vương quốc Anh.

Theo đó, trong 10 năm từ 2014-2024, nền nông nghiệp Nga tăng trưởng 33,2%, riêng khu vực hàng thực phẩm tăng 42,9%, hiện nước này xuất khẩu nông sản tới 160 quốc gia và dẫn đầu thế giới về xuất khẩu lúa mỳ, đậu, lúa mạch, dầu lanh, cá đông lạnh.

* Theo các phân tích mới về dữ liệu thương mại, lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) do Nga xuất khẩu sang Pháp đã tăng gấp đôi trong nửa đầu năm 2024, vào thời điểm châu Âu cố gắng rút khỏi các giao dịch mua năng lượng từ nước này.

Châu Âu đã hạn chế nhập khẩu dầu từ Nga, nhưng khí đốt tự nhiên vẫn được phép. Và trong khi các công ty ở Pháp nhập khẩu nhiều nhất, phân tích cho thấy các nước thành viên EU trong nửa đầu năm nay đã nhập khẩu thêm 7% lượng LNG của Nga so với cùng kỳ năm ngoái.

* Báo Vedomosti dẫn số liệu từ Mạng lưới các nhà điều hành hệ thống truyền khí đốt châu Âu cho biết trong giai đoạn tháng 1-7/2024, nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho các nước châu Âu thông qua đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” đã tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt mức 9,26 tỷ m3.

Trong tháng 7/2024, xuất khẩu khí đốt từ Nga sang các nước thành viên EU qua tuyến đường ống này tăng 29% so với tháng 6/2024. So với cùng kỳ năm trước, mức tăng là 9%.

Nhật Bản và Hàn Quốc

* Doanh số tại các cửa hàng chuyên dụng của Nhật Bản trong năm tài chính 2023 đạt mức cao kỷ lục là 27.240 tỷ Yen (188 tỷ USD), tăng 5,2% so với năm trước.

Du khách đến Nhật Bản đã mua các mặt hàng và đồ lưu niệm đắt tiền, thúc đẩy các ngành công nghiệp như đồ trang sức tăng 15,7% trong năm; dược phẩm tăng 8,1%; đồng hồ và kính tăng 7,2%. Nikkei đã sử dụng kết quả khảo sát để biên soạn dữ liệu bán hàng của 313 công ty cửa hàng chuyên dụng có dữ liệu so sánh từ năm tài chính 2022 và năm tài chính 2023.

* Số liệu từ Bộ Y tế, Lao động, Phúc lợi và Tiền lương công bố ngày 6/8 cho hay, tiền lương thực tế của Nhật Bản trong tháng 6/2024 đã tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận mức tăng đầu tiên sau 26 tháng.

Tổng thu nhập tiền mặt bình quân trên một người lao động trong tháng 6, hay tiền lương danh nghĩa, đã tăng 4,5% lên mức 498.884 Yen (3.453,67 USD), tăng liên tục tháng thứ 30 liên tiếp. Trong khi đó, lạm phát tiêu dùng tăng ở mức 3,3%.

* Xuất khẩu thực phẩm của Hàn Quốc trong giai đoạn tháng 1-7/2024 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, tổng giá trị xuất khẩu thực phẩm của nước này từ tháng 1-7/2024 đạt 5,67 tỷ USD, tăng đáng kể so với mức 5,18 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu mỳ ăn liền ghi nhận mức tăng trưởng bứt phá 34% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 699 triệu USD. Bên cạnh đó, các sản phẩm đồ ăn nhẹ cũng có mức tăng trưởng tích cực 14,7%, lên 424 triệu USD.

* Những ngôi sao K-pop đình đám nhất như hiện tượng toàn cầu BTS đang định hình chi tiêu tiêu dùng và tạo ảnh hưởng đến các thị trường chứng khoán.

Ảnh hưởng về mặt kinh tế của BTS là rất lớn. Năm 2019, Viện Nghiên cứu Hyundai ước tính con số trung bình là 5.560 tỷ Won (khoảng 4 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) mỗi năm. Số tiền này không chỉ bao gồm vé các buổi hòa nhạc và việc bán các sản phẩm, mà còn từ việc xuất khẩu mỹ phẩm và trang phục gia tăng cùng với lượng khách nước ngoài đến Hàn Quốc nhiều hơn.

Một ví dụ là doanh số bán loại nước ngọt có vị kem Milkis mà các thành viên BTS sử dụng tăng mạnh cả trong vào ngoài nước, đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023.

Hybe, công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc và là công ty quản lý BTS, chứng kiến giá cổ phiếu tăng mạnh sau khi niêm yết vào tháng 10/2020, với mức đỉnh cao gấp 2,5 lần giá chào bán.

ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Phó Tổng thư ký Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) Satvinder Singh cho biết, ASEAN đang nằm trên quỹ đạo để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030 từ vị trí thứ năm ở thời điểm hiện tại, với môi trường kinh tế vĩ mô tiến bộ và quan trọng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng vọt 51% đạt 3.800 tỷ USD vào năm 2023 so với 2.500 tỷ USD vào năm 2015.

Ông Singh cho rằng, nhận định nói trên càng được củng cố hơn nữa nhờ giao dịch thương mại khu vực tăng lên 3.500 tỷ USD vào năm 2023 từ mức 2.300 tỷ USD vào năm 2015, giúp tăng đáng kể thu nhập bình quân đầu người.

* Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia Arifin Tasrif ngày 2/8 cho biết, Indonesia đang hợp tác với Trung Quốc để tăng sản lượng dầu thông qua hợp tác công nghệ giữa công ty Sinopec của Trung Quốc và tập đoàn Pertamina EP của Indonesia.

Theo ông Tasrif, Pertamina EP hiện đang thăm dò và khai thác 5 mỏ dầu khí đó là Rantau, Tanjung, Pamusian, Jirak và Zulu.

Ông Tasrif nhấn mạnh, công nghệ của Trung Quốc có khả năng tăng khả năng phục hồi lên trên 50%. Do đó, mục tiêu tăng sản lượng khai thác trong thời gian tới là khả thi.

* Bộ trưởng Tài chính thứ hai của Malaysia Amir Hamzah Azizan cho biết, nền kinh tế nước này đang đi đúng hướng mặc dù phải đối mặt với nguy cơ suy thoái tại Mỹ.

Phát biểu trước báo giới ngày 6/8, Bộ trưởng Amir cho rằng, nền kinh tế thực sự là quan trọng nhất và đó là lý do Malaysia xem xét đến yếu tố GDP và hiện tại nền kinh tế Malaysia đang mạnh mẽ.

Ông Amir cho biết thêm dự báo của Cục Thống kê Malaysia (DoSM) cho hay, kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng 5% trong nửa đầu năm 2024, mức cao nhất so với kỳ vọng của Bộ Tài chính là 4-5%.

Đầu tư vào các dự án năng lượng ở Bắc Cực, Nga thắt chặt ‘mối thâm tình’ với Trung Quốc, cùng ‘chơi nước cờ’ hạ bệ đồng USD

Đầu tư vào các dự án năng lượng ở Bắc Cực, Nga thắt chặt ‘mối thâm tình’ với Trung Quốc, cùng ‘chơi nước cờ’ hạ bệ đồng USD

Việc Moscow đầu tư vào Bắc Cực được cho là nhằm phục vụ cả mục đích kinh tế và địa chính trị, bao gồm giảm ...

Kinh tế thế giới nổi bật (17-25/7): Nga sẽ xây dựng nhà máy lọc dầu tại Cuba, Ukraine thoát nguy cơ vỡ nợ, Mỹ, Đức đón tin mừng

Kinh tế thế giới nổi bật (17-25/7): Nga sẽ xây dựng nhà máy lọc dầu tại Cuba, Ukraine thoát nguy cơ vỡ nợ, Mỹ, Đức đón tin mừng

Toàn cầu gia tăng khả năng “hạ cánh mềm”, Nga có kế hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu tại Cuba, hoạt động kinh doanh ...

Kinh tế thế giới nổi bật (26/7-1/8): Nga thử nghiệm tiền số, EU ‘dọn đường’ nếu ông Trump thắng bầu cử Mỹ, sản lượng vàng Trung Quốc tăng

Kinh tế thế giới nổi bật (26/7-1/8): Nga thử nghiệm tiền số, EU ‘dọn đường’ nếu ông Trump thắng bầu cử Mỹ, sản lượng vàng Trung Quốc tăng

Nga thử nghiệm giao dịch tiền kỹ thuật số, EU chuẩn bị kế sách thương mại nếu ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc ...

Bất động sản mới nhất: Chung cư Hà Nội mất ‘phong độ’, giới hạn số lần giao dịch trong năm đối với cá nhân kinh doanh địa ốc

Bất động sản mới nhất: Chung cư Hà Nội mất ‘phong độ’, giới hạn số lần giao dịch trong năm đối với cá nhân kinh doanh địa ốc

Thị trường Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm và lượng tin đăng, khan hiếm nguồn cung nhà ở xã ...

Giá tiêu hôm nay 8/8/2024: Nối dài đà giảm, giá hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu cao nhất 7 năm

Giá tiêu hôm nay 8/8/2024: Nối dài đà giảm, giá hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu cao nhất 7 năm

Giá tiêu hôm nay 8/8/2024 tại thị trường trong nước nối dài đà giảm ở các địa phương trọng điểm, giao dịch từ 137.000 – ...