Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc việc gia hạn mức giá trần khí đốt được áp dụng khẩn cấp hồi tháng 2/2023. (Nguồn: Getty) |
Kinh tế thế giới
Hệ lụy của xung đột tại Trung Đông tới kinh tế toàn cầu
Ngày 24/10, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga nhận định, xung đột Israel-Hamas có thể giáng đòn "nghiêm trọng" đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu.
Tuyên bố trên của ông Banga được đưa ra trong khuôn khổ hội nghị thường niên "Sáng kiến Đầu tư tương lai", diễn ra từ ngày 24-26/10 tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia.
Theo Chủ tịch WB, những gì diễn ra gần đây tại Israel và Dải Gaza gây ra tác động nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế. Ông nhấn mạnh thế giới đang ở trong thời điểm "rất nguy hiểm".
Trong khi đó, Thống đốc Quỹ đầu tư công Saudi Arabia Yasir al-Rumayyan lại cảnh báo những thách thức khi lãi suất tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980 và điều này gây ra gián đoạn đáng kể và khó lường.
Tuy nhiên, ông al-Rumayyan nhận định, chính phủ các nước và doanh nghiệp đã có những điều chỉnh nhằm phù hợp với các chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương để kiểm soát lạm phát. Ông cũng bày tỏ lạc quan khi chứng kiến kinh tế và năng suất tăng trưởng nhanh ngay cả trong môi trường lãi suất cao.
Tình trạng xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông và tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu.
Theo các nhà phân tích, tất cả các kịch bản xung đột đều có thể đẩy giá dầu tăng kỷ lục, lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu mỏ thế giới có thể tăng lên mức 150 USD/thùng. Lạm phát toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng lên 6,7% trong năm 2024, cao hơn nhiều so với dự báo hiện tại 5,8% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Kinh tế Mỹ
* Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, có thể tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm trong quý III/2023, nhờ nhu cầu tiêu dùng ổn định.
Theo dự báo trung bình của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg, GDP của Mỹ tăng 4,3% trong quý III/2023. Mức tăng trưởng này cho thấy Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế của toàn cầu, khi kinh tế châu Âu trì trệ và châu Á đối mặt với đà phục hồi chậm của kinh tế Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc
* Trung Quốc sẽ phát hành đợt trái phiếu chính phủ bổ sung trị giá 1.000 tỷ Nhân dân tệ (137 tỷ USD) trong một động thái mà các chuyên gia đánh giá là một nỗ lực nhằm củng cố nền kinh tế sau thời kỳ phục hồi chậm sau đại dịch.
Số tiền trên sẽ được phân phối cho chính quyền địa phương để hỗ trợ phòng chống và khắc phục thảm họa quốc gia. Chính phủ sẽ phát hành đợt trái phiếu này vào quý IV năm nay.
* Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 22/10 cho biết, Trung Quốc đã nhất trí xem xét lại mức thuế quan đánh vào mặt hàng rượu vang nhập khẩu từ Australia. Động thái này đã mở đường để Canberra ngừng vụ tranh chấp với Bắc Kinh tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Thông cáo báo chí của ông Albanese nêu rõ: “Chúng tôi hoan nghênh việc Trung Quốc đồng ý nhanh chóng xem xét lại thuế quan của mình”, đồng thời cho biết thêm, quá trình này dự kiến kéo dài 5 tháng.
Kinh tế châu Âu
* Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc việc gia hạn mức giá trần khí đốt được áp dụng khẩn cấp hồi tháng 2/2023.
Các quan chức cấp cao của EU cho biết, dù giá năng lượng đã giảm xuống và lượng khí đốt dự trữ của EU đang ở mức cao kỷ lục, nhưng nguồn cung mùa Đông này có thể bị ảnh hưởng bởi xung đột Israel-Hamas, cũng như sự cố xảy ra với cơ sở hạ tầng khí đốt ở vùng biển Baltic. Các quan chức này cho rằng EU cần có một chính sách “bảo hiểm” trước những rủi ro này.
Trong bối cảnh đó, 10 nước thành viên EU, đã ký vào một bản đề nghị EC gia hạn các biện pháp pháp lý khẩn cấp đã được áp dụng trong thời gian khủng hoảng năng lượng trước đó do xung đột Nga-Ukraine gây ra. EC dự kiến sẽ đưa ra một đề xuất vào tháng 11 tới.
* Một cuộc khảo sát cho thấy, hoạt động kinh doanh tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã bất ngờ chuyển biến xấu đi trong tháng 10 do nhu cầu giảm trên toàn khu vực.
Theo đó, Chỉ số Nhà quản lý mua hàng tổng hợp (PMI) của Eurozone, do S&P Global tổng hợp và được coi là chỉ dẫn về sức khỏe nền kinh tế, đã giảm xuống 46,5 trong tháng 10/2023 so với mức 47,2 của tháng 9/2023 và là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Không tính thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, đây là mức PMI thấp nhất kể từ tháng 3/2013. PMI dưới 50 thể hiện sự sụt giảm.
* Nguồn cung dầu từ Nga đang tăng dần đều, lượng dầu được vận chuyển đi từ các cảng của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 22/10 ở mức khoảng 3,53 triệu thùng/ngày, tăng 20.000 thùng/ngày so với tuần trước đó. Con số này đã nâng mức trung bình 4 tuần lên 3,5 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 6/2023 và tăng khoảng 610.000 thùng/ngày trong hai tháng qua.
Lượng dầu xuất khẩu gia tăng đã nâng doanh thu từ thuế xuất khẩu dầu trong tuần trước của Nga lên mức cao mới trong năm nay, trong khi mức trung bình 4 tuần ghi nhận tuần tăng thứ 12 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ giữa tháng 1/2023.
* Văn kiện được đăng tải trên trang web của chính phủ LB Nga cho biết, nước này dự kiến sẽ xây dựng hai hành lang đường sắt mới tới Trung Quốc.
Trong giai đoạn đầu, Moscow muốn xây dựng tuyến Đường sắt Bắc Siberia (Sevsib). Tuyến này sẽ chạy từ Nizhnevartovsk (Khu tự trị Khanty-Mansi) đến Bely Yar (tỉnh Tomsk), cũng như từ Tashtagol (tỉnh Kemerovo) tới Urumqi (Trung Quốc).
Hành lang đường sắt thứ hai đi qua CH Tuva, tuyến Kuragino-Kyzyl. Tiếp theo, tuyến đường sắt sẽ đi qua lãnh thổ Mông Cổ. Tuyến hành lang thứ hai ở phía Tây liên quan đến việc xây dựng tuyến từ Ars-Suri qua thành phố Kobdo (Khovd) của Mông Cổ và thành phố Takesheken của Trung Quốc đến Urumqi.
* Người đứng đầu công ty năng lượng Ukrenergo của Ukraine Vladimir Kudrytsky cho biết, tổng nợ trên thị trường điện của nước này đã lên tới 60 tỷ Hryvnia (hơn 1,6 tỷ USD). Danh sách các doanh nghiệp “chủ nợ” của Ukrenergo bao gồm các doanh nghiệp truyền tải điện, điều độ hệ thống và cân bằng thị trường và Ukrenergo đang lâm vào tình trạng không thể thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ của mình.
Ông Kudrytsky cho biết công ty đang chờ một quyết định có căn cứ từ Ủy ban Điều tiết quốc gia về năng lượng và quy định năng lượng cho phép Ukrenergo duy trì tính thanh khoản của công ty.
* Ngày 24/10, Thủ tướng Ukraine (Denys Shmyhal cho rằng, vào năm tới, nước này sẽ cần khoảng 42 tỷ Euro (44,62 tỷ USD) từ các đối tác quốc tế để bù đắp thâm hụt ngân sách trong thời gian xung đột.
Ông Shmyhal nhấn mạnh, trong trung hạn, sự hỗ trợ của quốc tế dành cho Ukraine sẽ giúp nước này chi trả phần lớn ngân sách, đồng thời bày tỏ hy vọng xung đột sẽ kết thúc sớm nhất có thể.
Một ngày trước đó, Bộ Tài chính Ukraine cho biết nước này đã nhận được tổng cộng 22,2 tỷ Euro viện trợ tài chính từ EU kể từ khi xảy ra xung đột với Nga hồi tháng 2/2022. (Reuters)
* Theo nghị sĩ Đức Steffen Kotre thuộc đảng “Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức”, thành viên ủy ban Quốc hội (Bundestag) về bảo vệ năng lượng và khí hậu, nguồn cung khí đốt chủ yếu tại Đức hiện nay là khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Loại khí đốt này có giá cao hơn nhiều so với khí đốt mua của Nga trước kia. Do đó, Đức đang phải trả nhiều hơn từ ba đến bốn lần cho nguồn cung khí đốt.
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ba quan chức cho hay, chính phủ Nhật Bản đang xem xét chi khoảng 33 tỷ USD để chi trả cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và cắt giảm thuế thu nhập, như một phần trong gói biện pháp nhằm giảm bớt tác động từ chi phí sinh hoạt tăng cao cho các hộ gia đình.
Khoản chi tiêu ước tính khoảng 5.000 tỷ Yen (33,37 tỷ USD) này sẽ bao gồm một khoản cắt giảm thuế thu nhập một lần 30.000 Yen/người, cùng cắt giảm thuế cư trú đối với người ngoại quốc khoảng 10.000 Yen tương ứng. Kế hoạch này cũng bao gồm các khoản chi trả cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Kế hoạch chi tiêu sẽ được Nội các của Thủ tướng Kishida Fumio chính thức quyết định vào ngày 2/11. Chi tiết về việc cắt giảm thuế sẽ được hội đồng về thuế thảo luận vào cuối năm nay. Dự kiến, kế hoạch sẽ được thực hiện vào tháng 6/2024.
* Theo dự báo của IMF, đồng Yen mất giá sẽ khiến GDP danh nghĩa tính theo USD năm 2023 của Nhật Bản sụt giảm và nước này phải nhường vị trí nền kinh tế thứ 3 thế giới cho Đức.
Dự báo của IMF cũng cho biết, Ấn Độ - quốc gia đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ người, có thể sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2026. Theo đó, trong giai đoạn 2026 - 2028, Nhật Bản sẽ tiếp tục rơi xuống vị trí thứ 5 thế giới trong khi Ấn Độ sẽ đứng thứ 4 vào năm 2026 và thứ 3 vào năm 2027.
Nền kinh tế Hàn Quốc sẽ phục hồi nhẹ khi lạm phát chậm lại, song vẫn đối mặt với nhiều bất ổn. (Nguồn: Getty) |
* Nền kinh tế Hàn Quốc có khả năng sẽ mất tốc độ tăng trưởng tiềm năng nhanh chóng, có thể giảm xuống dưới 2% lần đầu tiên trong lịch sử trong năm nay và thậm chí còn đáng quan ngại hơn vào năm tới.
Ngày 23/10, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đề cập triển vọng ảm đạm như vậy có nghĩa là quỹ đạo đi xuống của tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nước này sẽ tiếp tục trong ít nhất 12 năm sau khi đạt mức 3,5% vào năm 2013.
GDP tiềm năng được định nghĩa là mức tăng trưởng tối đa mà một quốc gia có thể duy trì trong trung hạn trong khi vẫn giữ lạm phát ổn định.
* BoK ngày 23/10 nhận định, nền kinh tế nước này sẽ phục hồi nhẹ khi lạm phát chậm lại, song vẫn đối mặt với nhiều bất ổn do căng thẳng địa chính trị leo thang và các nền kinh tế lớn tăng lãi suất.
Trong báo cáo trình Quốc hội, BoK nhận định nền kinh tế Hàn Quốc sẽ phục hồi khiêm tốn vào năm tới khi xu hướng xuất khẩu giảm sẽ có sự cải thiện, trong khi chi tiêu tư nhân vẫn tương đối yếu.
Thống đốc BoK Rhee Chang-yong đưa ra dự báo kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm 2024, song tình hình kinh tế Trung Quốc cùng với diễn biến tại khu vực Trung Đông sẽ chi phối dự báo tăng trưởng sau đó. BoK dự báo lạm phát của Hàn Quốc trong năm 2023 sẽ ở mức 3,5%.
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Malaysia và Trung Quốc đã công bố Vườn ươm doanh nghiệp (venture incubator) ở nước ngoài trong khuôn khổ Dự án Vành đai và con đường để tăng cường hợp tác kinh doanh giữa hai nước.
Việc công bố Vườn ươm doanh nghiệp đã được thực hiện tại Hội nghị chuyên đề Vành đai và con đường Malaysia 2023 diễn ra tại Kuala Lumpur ngày 25/10 nhằm vạch ra lộ trình hướng tới sự phát triển hợp tác của Madani Malaysia và Sáng kiến "Vành đai và con đường" (BRI). Hội nghị chuyên đề cũng đánh dấu lễ khánh thành Viện Vành đai và con đường Malaysia-Trung Quốc (MCBRI) nhằm thúc đẩy hợp tác học thuật giữa hai nước.
* Bộ trưởng Hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ Indonesia Teten Masduki nói rằng, chính sách thay thế nhập khẩu là một trong bốn chính sách kinh tế nhằm tăng cường các sản phẩm sản xuất trong nước, bao gồm cả những sản phẩm do các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) sản xuất.
Trao đổi với báo giới sau phiên họp Nội các ngày 24/10, ông Teten cho hay: “Tổng thống thậm chí còn khẳng định rằng 40% chi tiêu ngân sách nhà nước (APBN) sẽ được phân bổ để mua các sản phẩm nội địa từ các MSME”.
Thông qua chính sách thay thế nhập khẩu, Indonesia sẽ không cần nhập khẩu sản phẩm nếu có thể đáp ứng nhu cầu trong nước. Các sản phẩm do các công ty nước ngoài sản xuất ở Indonesia phải có mức linh kiện trong nước là 40%. Họ cũng có nghĩa vụ hợp tác với các doanh nghiệp địa phương.
* Thứ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Julapun Amornvivat ngày 24/10 cho biết, Bộ này có kế hoạch phát hành trái phiếu ở nước ngoài để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư ngoại.
Tuy nhiên, theo ông Julapun, Bộ Tài chính vẫn chưa quyết định khi nào trái phiếu sẽ được bán, với số lượng bao nhiêu và bằng loại tiền tệ nào, đồng thời khẳng định chính phủ phải xem xét chi phí và thời gian phù hợp.
Chính phủ Thái Lan gần đây đã công bố đợt phát hành trái phiếu bền vững trị giá 2 tỷ USD và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.