📞

Kinh tế thế giới nổi bật (21-27/1): Đồng Ruble lại suy yếu, EU bí mật bàn đòn phạt Moscow, giá năng lượng ở châu Âu có thể cao kỷ lục vì Nga

Hải An 13:50 | 27/01/2022
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2022 chậm lại, đồng Ruble suy yếu, giá khí đốt tại châu Âu có thể cao kỷ lục nếu Nga giảm nguồn cung, nhiều nước bị hạ dự báo tăng GDP… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới

IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 xuống 4,4%, giảm nửa điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2021, do những trở ngại sau đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất, (Nguồn: AP)

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022

Trong báo cáo cập nhật hằng quý về triển vọng kinh tế toàn cầu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, biến thể Omicron đang là một trở ngại đối với nền kinh tế, khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại trong năm nay, đặc biệt ở hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc.

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 xuống 4,4%, giảm nửa điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2021, do những trở ngại sau đợt bùng phát dịch mới nhất, dù những trở ngại này được cho là sẽ yếu đi trong quý II/2022.

Theo IMF, kinh tế toàn cầu bước vào năm 2022 với vị thế yếu hơn dự kiến trước đó, khi sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối tháng 11/2021 đe dọa làm thụt lùi quá trình phục hồi còn chưa vững chắc. Trong khi đó, giá năng lượng tăng cùng với những gián đoạn nguồn cung đã khiến lạm phát mạnh và ở nhiều nước hơn so với dự báo.

Sau khi kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh trong năm ngoái, với mức tăng trưởng ước đạt 5,9%, IMF hạ dự báo của gần như tất cả các nước, trừ Ấn Độ, trong đó Mỹ và Trung Quốc bị giảm mạnh nhất.

Theo đó, IMF dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 4% trong năm 2022, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trước, sau khi tăng 5,6% trong năm 2021.

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 4,8% trong năm nay, giảm 0,8 điểm phần trăm. (AFP)

OECD bắt đầu quá trình mở rộng thành viên

Ngày 25/1, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, đã bắt đầu đàm phán để các nước Brazil, Argentina, Peru, Romania, Bulgaria và Croatia gia nhập tổ chức hiện có 38 thành viên này.

Theo OECD, không có thời gian biểu cụ thể cho mỗi quốc gia gia nhập và tiến trình sẽ tùy thuộc vào việc chấp nhận các thông lệ của tổ chức này, cũng như đánh giá của hơn 20 ủy ban. Một nguồn tin ở Brazil giấu tên cho biết, thời gian trung bình để gia nhập OECD vào thời điểm này là 3-5 năm.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Kinh tế Brazil Paulo Guedes cho biết, chính phủ nước này đã đáp ứng khoảng 1/3 yêu cầu để gia nhập OECD.

Brazil đang cố gắng thực hiện các bước cuối cùng gồm chấp thuận khung tỷ giá hối đoái mới và cam kết giảm thuế đối với các giao dịch tài chính quốc tế. Ngoại trưởng Brazil Carlos Franca đã thành lập một ủy ban đặc biệt để giải quyết các yêu cầu gia nhập OECD.

Hiện ở Mỹ Latinh, chỉ có Chile, Mexico, Colombia và Costa Rica đã gia nhập OECD.

Kinh tế Mỹ

* Ngày 26/1, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên mức lãi suất cơ bản từ 0-0,25%, mức được thiết lập vào tháng 3/2020, song cho biết sẽ sớm tăng chi phí đi vay sau một năm lạm phát gia tăng.

Theo nhận định của Fed, các chỉ số về hoạt động kinh tế và việc làm tiếp tục được củng cố, đường đi của nền kinh tế Mỹ tiếp tục phụ thuộc vào diễn biến đại dịch Covid-19. Các rủi ro đối với triển vọng kinh tế vẫn còn, bao gồm cả các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19. (TTXVN)

* Ngày 21/1, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cho biết sẽ đình chỉ 44 chuyến bay từ Mỹ đến Trung Quốc của các hãng vận tải Trung Quốc nhằm đáp lại quyết định tương tự của Trung Quốc, do lo ngại về Covid-19.

Hành động của chính quyền Tổng thống Biden được đưa ra sau khi nhà chức trách Trung Quốc đình chỉ tổng số 44 chuyến bay của United Airlines, American Airlines và Delta Air Lines sau khi một số hành khách được xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Việc tạm dừng chuyến bay sẽ bắt đầu từ ngày 30/1 với chuyến bay từ Los Angeles đến Hạ Môn theo lịch trình của Xiamen Airlines. (TTXVN)

Kinh tế Trung Quốc

* Ngày 26/1 Tổng cục Thuế Trung Quốc cho biết nước này đã cắt giảm khoảng 1,1 nghìn tỷ NDT (173,9 tỷ USD) tiền thuế và phí trong năm 2021 trong bối cảnh nước này đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố sức sống của thị trường.

Năm ngoái, Trung Quốc đã ban hành một loạt chính sách ưu đãi về khấu trừ và hoãn nộp các khoản thuế, phí để thúc đẩy nền kinh tế và hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. (THX)

* Ngày 25/1, hãng tin tài chính Caixin đưa tin, công ty bất động sản Shimao Group của Trung Quốc đang muốn bán khoảng 12 tỷ USD tài sản, trong bối cảnh nhà phát triển bất động sản này tìm cách huy động vốn để giải quyết các vấn đề về thanh khoản của mình.

Theo đó, Shimao Group hiện đang muốn bán 34 dự án chung cư, văn phòng và khách sạn tại 17 thành phố, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải và Hàng Châu. Trong đó, có 15 dự án được Shimao định giá 42,2 tỷ NDT (6,65 tỷ USD), trong khi 19 dự án còn lại thuộc sở hữu một phần của công ty này hoặc mới chỉ trong giai đoạn đầu, với số vốn đầu tư 32,5 tỷ NDT. (AFP)

Kinh tế châu Âu

* Ngày 26/1, chính phủ Đức đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2022 khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt do sự lây lan mạnh của biến thể Omicron, qua đó kìm hãm đà phục hồi của cường quốc công nghiệp châu Âu này.

Theo đó, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ đạt mức 3,6% trong năm 2022, giảm so với dự báo đưa ra trước đó là 4,1%.

Sau giai đoạn đầu năm giảm tốc, sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ tăng lên một cách "đáng chú ý" khi sự lây nhiễm Covid-19 chững lại và những gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu được cải thiện trong năm 2022. (AFP)

* Báo Times đưa tin, các bộ trưởng trong chính phủ Vương quốc Anh đã tham gia một cuộc họp bàn về tác động của việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt đối với giá cả của mặt hàng này tại Anh. Các bộ trưởng cảnh báo rằng Anh có thể phải đối mặt với tình trạng giá xăng và giá khí đốt cao "kỷ lục". (Reuters)

* Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang làm việc về một gói trừng phạt tài chính và kinh tế mới có phạm vi rộng nhằm vào Nga trong trường hợp tình hình liên quan tới Ukraine leo thang.

Phát biểu với báo Die Presse, quan chức cấp cao này nêu rõ: "Hiện tại, công việc đang diễn ra bí mật để phát triển một gói trừng phạt kinh tế và tài chính mới có phạm vi rộng. Trong trường hợp leo thang, một phản ứng rất rõ ràng, dứt khoát và nhanh chóng sẽ theo sau". (TTXVN)

* Đồng Ruble của Nga đã suy yếu trở lại so với đồng USD, giao dịch ở mức khoảng 79 Ruble/USD trong ngày 26/1, sau khi có dấu hiệu phục hồi trong phiên trước đó.

Phiên chiều 26/1, đồng Ruble giảm 0,5% so với đồng USD, đứng ở mức 79,02 ruble/USD, sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 14 tháng vào ngày 24/1. So với đồng Euro, đồng nội tệ Nga cũng mất 0,5%, giao dịch ở mức 89,21 Ruble/Euro.

Bất ổn chính trị đã ảnh hưởng đến thị trường Nga trong những tuần gần đây, giữa bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang và phương Tây đe dọa sẽ trừng phạt Nga. (Reuters)

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có chủ sở hữu mới. (Nguồn: The Moscow Times)

* Theo thông báo ngày 26/1, Công ty Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), có trụ sở tại Thụy Sỹ đã chính thức tuyên bố thành lập công ty con có tên gọi Gas for Europe GmbH - công ty sẽ là chủ sở hữu và điều hành phần đường ống trên đất Đức.

Đây là quy trình thủ tục bắt buộc được thực hiện theo yêu cầu của Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức (BNetzA) nhằm giúp dự án đường ống nhanh chóng được phê duyệt và đi vào vận hành. (TTXVN)

* Tháng 12/2021, chính phủ Anh đã vay gần 17 tỷ Bảng để cân đối cán cân thu chi, trước những tác động của lạm phát cao.

Mặc dù nguồn thu thuế tăng, song nước Anh vẫn phải gánh thêm tiền lãi từ khoản nợ quốc gia do các biện pháp khẩn cấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong hai năm qua. Thống kê cho thấy, khoản lãi vay phải trả của chính phủ đã tăng lên 8,1 tỷ Bảng mức cao nhất trong 6 tháng, sau khi lạm phát tăng mạnh. (The Guardian)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 25/1 đã lần đầu tiên trong 15 tháng điều chỉnh nâng đánh giá chung về nền kinh tế, cho thấy nền kinh tế đang phục hồi sau khi sụt giảm do đại dịch Covid-19.

Báo cáo tháng 1/2022 cho thấy, nhờ sự phục hồi gần đây trong chi tiêu tiêu dùng và sản lượng ô tô, các lĩnh vực kinh tế "đang dần khởi sắc, mặc dù vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí nguyên liệu thô tăng".

Trong khi báo cáo trước đó hồi tháng 10/2021 cho biết, lĩnh vực kinh tế đang phục hồi, mặc dù với tốc độ "chậm lại" do tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu và những hạn chế trong chuỗi cung ứng. (Kyodo)

* Các thành viên Hội đồng điều hành của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho biết, lạm phát giá tiêu dùng lõi của nước này có thể sẽ tiến tới mục tiêu 2%, đồng thời cho rằng xu hướng lạm phát tăng có thể tiếp tục nếu mức lương được nâng lên.

Tuy vậy, trong bản tóm tắt ý kiến các nhà hoạch định chính sách của BoJ tại cuộc họp tháng 1/2022 cho thấy, mục tiêu đảm bảo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi tăng trên 2% một cách "ổn định" và chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại nên được duy trì. Điều này làm “lu mờ” những đồn đoán về một sự thay đổi chính sách của BoJ cho phù hợp với các ngân hàng trung ướng lớn khác tại Mỹ và châu Âu, hiện đang tiến tới bình thường hóa chính sách để chống lạm phát gia tăng. (Kyodo)

* Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki ngày 25/1 dự báo môi trường kinh tế quốc tế năm 2022 sẽ “biến động, mất cân bằng và phức tạp” và các yếu tố này sẽ tác động đến nền kinh tế Hàn Quốc.

Theo đó, chiến lược kinh tế đối ngoại của Hàn Quốc sẽ tập trung vào việc giảm thiểu biến động, điều chỉnh sự mất cân bằng và giải quyết tính phức tạp của môi trường kinh tế bên ngoài.

Cũng trong cuộc họp ngày 25/1, “Chiến lược thúc đẩy chính sách kinh tế đối ngoại năm 2022” với 10 mục tiêu chủ yếu cũng được đưa ra thảo luận với các bộ liên quan. (TTXVN)

* Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Exim Bank) ngày 26/1 cho hay, hoạt động xuất khẩu của nước này có thể sẽ mất một số động lực tăng trưởng trong quý I/2022 do một loạt các yếu tố bên ngoài bất lợi.

Theo đó, số lượng hàng xuất đi nước ngoài trong giai đoạn từ tháng 1-3/2022 của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á dự kiến sẽ tăng 15-16% so với cùng kỳ năm ngoái lên 169 tỷ USD.

Exim Bank cho biết các điều kiện bên ngoài không thuận lợi bao gồm biến thể Omicron của virus gây dịch Covid-19 tiếp tục lây lan rộng và sự gián đoạn kéo dài trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cũng theo ngân hàng này, xuất khẩu của Hàn Quốc có thể mất thêm lực đẩy trong bối cảnh thị trường xuất khẩu lớn nhất của quốc gia Đông Á là Trung Quốc ghi nhận tình trạng giảm tốc tăng trưởng kinh tế. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Người tiêu dùng Australia đã chứng kiến giá tiêu dùng tăng 3,5% trong năm 2021, mức tăng nhanh nhất trong nhiều năm. Điều này cho thấy Australia đã không tránh được vấn đề lạm phát gia tăng, giống như nhiều nước và các nhà hoạch định chính sách có thể bắt đầu nâng lãi suất trong năm nay, sớm hơn dự kiến.

Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA tức ngân hàng trung ương) đã bị bất ngờ trước tốc độ tăng lạm phát trong 6tháng qua và một số nhà kinh tế cho rằng RBA có thể sẽ phải nâng lãi suất trong năm nay để kiềm chế lạm phát.

Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Westpac Bill Evans dự báo, RBA có khả năng sẽ tăng lãi suất 0,15 điểm phần trăm vào tháng 8/2022 và tiếp tục tăng thêm 0,25 điểm phần trăm nữa vào tháng 10/2022. (CNN)

* Ngày 25/1, Viện Thống kê và Điều tra Argentina - INDEC cho biết GDP của nước này trong tháng 11/2021 tăng trưởng 9,3% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 1,7% so với tháng trước đó.

Chính phủ Argentina tính toán nền kinh tế nước này trong năm 2021 tăng trưởng khoảng 10%, sau khi giảm 9,9% vào năm 2020 trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh sản xuất chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Cùng ngày, IMF dự báo kinh tế Argentina sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay và 2,5% trong năm tới, tăng so với dự báo mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 11/2021 là 2,5% và 2%. (TTXVN)

* Xuất khẩu lương thực của Thái Lan được dự báo có nhiều triển vọng tích cực trong năm nay, với mức tăng trưởng có thể đạt 8,4%, nhờ nhu cầu toàn cầu cao hơn và giá hàng hóa, năng lượng và hậu cần tăng.

Theo Giám đốc Viện Lương thực Quốc gia Anong Paijitprapaporn, kim ngạch xuất khẩu lương thực của Thái Lan dự kiến đạt 1.200 tỷ Baht (khoảng 36,31 tỷ USD) trong năm 2022 - một kỷ lục mới đối với xuất khẩu lương thực. (TTXVN)

* Ngày 26/1, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia vào năm 2022 xuống 5,6%, so với dự báo trước đó được công bố vào tháng 10/2021 là 5,9%.

Tuy nhiên, IMF đánh giá, đợt tăng giá hàng hóa toàn cầu có thể kéo dài hơn dự kiến, vì vậy nó sẽ hỗ trợ sự phục hồi kinh tế Indonesi vào năm 2022 ngay cả khi biến thể Omicron lan rộng và nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng lên 6% vào năm 2023. (TTXVN)