📞

Kinh tế thế giới nổi bật (22-28/3): EU nỗ lực thoát dầu khí Nga, chứng khoán Mỹ cao kỷ lục, Trung Quốc dần phục hồi bất chấp ‘cơn gió ngược’

Hải An 13:36 | 28/03/2024
Châu Âu tiếp tục hành trình giảm phụ thuộc vào dầu khí của Nga, chứng khoán Mỹ đạt mức cao kỷ lục, Trung Quốc ghi nhận dấu hiệu phục hồi bất chấp lĩnh vực bất động sản ảm đạm, Nhật Bản nỗ lực tung ra mẫu máy bay chở khách thế hệ tiếp theo… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Nỗ lực giảm phụ thuộc vào dầu khí Nga, EU thúc đẩy kế hoạch năng lượng mang tính chiến lược với châu Âu. (Nguồn: Financial Times)

Kinh tế thế giới

OPEC: Ngành dầu mỏ cần đầu tư 14.000 tỷ USD

Giám đốc Bộ phận nghiên cứu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), ông Ayed Al-Qahtani, ngày 27/3 cho rằng, khoản đầu tư 14.000 tỷ USD vào ngành năng lượng toàn cầu là cần thiết để đáp ứng nhu cầu dầu mỏ ngày càng tăng của thế giới, dự kiến tăng lên 116 triệu thùng/ngày vào năm 2045.

Theo báo Arab News của Saudi Arabia, phát biểu bên lề Hội thảo Năng lượng chung lần thứ 10 do OPEC, Diễn đàn Năng lượng quốc tế (IEF) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) phối hợp tổ chức tại thủ đô Vienna của Áo, ông Al-Qahtani cho rằng, khoản đầu tư cần thiết nói trên có nghĩa là ngành dầu mỏ thế giới cần số vốn đầu tư trung bình hằng năm 610 tỷ USD.

Hồi tháng 1/2024, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt 106,21 triệu thùng/ngày vào năm 2025, đồng thời khẳng định nhu cầu dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng trong hai thập niên tới.

Ông Al-Qahtani cho hay: "Báo cáo Triển vọng dầu mỏ thế giới mới nhất của chúng tôi chỉ ra rằng, tổng mức đầu tư tích lũy cần thiết cho ngành dầu mỏ từ nay đến năm 2045 phải ở mức xấp xỉ 14.000 tỷ USD, tương đương mức trung bình khoảng 610 tỷ USD/năm".

Quan chức trên nhấn mạnh, khoản chi tiêu khổng lồ này sẽ là cần thiết để đáp ứng nhu cầu dầu toàn cầu, dự kiến đạt 116 triệu thùng/ngày vào năm 2045.

Trong khi đó, ông Christof van Agt Ross, Giám đốc Đối thoại Năng lượng của IEF, cho rằng ngành dầu mỏ cần phải có các phân tích liên tục để đảm bảo sự ổn định của thị trường năng lượng.

Hồi đầu tháng 3/2024, Tổng thư ký OPEC Haitham Al-Ghais nêu rõ những lời kêu gọi từ bỏ hoàn toàn dầu mỏ và dựa hoàn toàn vào năng lượng tái tạo là "sai lầm" và "phi thực tế".

Kinh tế Mỹ

* Chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên 27/3 và đạt kỷ lục mới, một phần do hoạt động mua vào của các quỹ đầu tư.

Phiên này, chứng khoán Mỹ đã thoát khỏi xu hướng giao dịch mờ nhạt từ hồi đầu tuần khi S&P 500 kết thúc ngày thứ Tư ở mức cao kỷ lục mới.

Cụ thể tại thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,2% lên 39.760,08 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 0,5% và khép phiên ở mức 16.399,52 điểm.

Đáng chú ý, chỉ số tổng hợp S&P 500 kết thúc ở mức 5.248,49 điểm, tăng 0,9% và vượt mức kỷ lục được thiết lập vào tuần trước. Tính từ đầu năm tới nay, chỉ số này đã tăng hơn 10%.

Kinh tế Trung Quốc

* Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, nước này ngày 26/3 đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về các khoản trợ cấp của Mỹ dành cho xe năng lượng mới, cáo buộc Mỹ cạnh tranh không công bằng.

Bộ trên cho biết, việc khiếu nại là để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất xe năng lượng mới của Trung Quốc, cũng như để duy trì môi trường cạnh tranh công bằng trong lĩnh vực này trên toàn cầu.

* Dữ liệu chính thức từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 27/3 cho hay, các công ty trong lĩnh vực công nghiệp nước này đã đạt lợi nhuận cao hơn trong những tháng đầu năm 2024, củng cố các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang dần phục hồi bất chấp tình trạng trì trệ kéo dài trong lĩnh vực bất động sản.

Theo NBS, lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc đã tăng 10,2% trong hai tháng đầu năm 224 so với cùng kỳ năm trước đó, sau khi lợi nhuận giảm 2,3% trong cả năm 2023.

Các công ty nhà nước ghi nhận lợi nhuận tăng 0,5% trong tháng 1-2/2024, lợi nhuận của các công ty nước ngoài đạt mức tăng 31,2%, trong khi các công ty thuộc khu vực tư nhân ghi nhận mức tăng 12,7%.

* Báo cáo từ Cục Thống kê và điều tra dân số Hong Kong (Trung Quốc) cho thấy, nhập khẩu vàng ròng từ khu vực này vào Trung Quốc đạt 39,826 tấn trong tháng 2/2024, thấp hơn nhiều so với mức 76,248 tấn ghi nhận hồi tháng Một và là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023.

Một số nhà quan sát cho rằng giá vàng cao đã tác động đến nhu cầu của thị trường này. Tuy nhiên, nhà phân tích Rhona O'Connell của công ty giao dịch kim loại quý StoneX nhận định, có vẻ hạn ngạch nhập khẩu vàng của các ngân hàng đã bị hạn chế, chủ yếu do chính phủ bảo vệ đồng nội tệ.

Ngoài ra, tình trạng suy giảm của thị trường bất động sản tại Trung Quốc cũng đang thúc đẩy người dân đầu tư vào vàng

Kinh tế châu Âu

* Người đứng đầu bộ phận hỗ trợ cải cách cơ cấu của Ủy ban châu Âu (EC), ông Mario Nava, ngày 27/3 cho biết, Italy sẽ nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ Liên minh châu Âu (EU) để thực hiện Kế hoạch Mattei với lý do đây là chiến lược trên mặt trận năng lượng cho toàn châu Âu.

Ông Nava đánh giá kế hoạch do chính phủ Thủ tướng Giorgia Meloni đưa ra, nhằm tạo ra mối quan hệ đối tác mới với các nước châu Phi để giải quyết nguyên nhân sâu xa của tình trạng di cư bất thường và biến Italy thành một trung tâm cung cấp năng lượng, "hoàn toàn mang tính chiến lược trên mặt trận năng lượng không chỉ đối với Italy mà còn đối với châu Âu".

Kế hoạch Mattei được đưa ra khi châu Âu đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu khí của Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự toàn diện tại Ukraine.

* Trên kênh Telegram của mình ngày 27/3, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) Daniil Getmantsev dẫn số liệu của Bộ Tài chính cho biết, nợ công của Ukraine bằng ngoại tệ tương đương đã tăng 50 tỷ USD trong hai năm và xu hướng này sẽ tiếp tục cho đến khi xung đột kết thúc.

Tính đến ngày 29/2, nợ chính phủ và các khoản được chính phủ Ukraine bảo lãnh lên tới 490,1 tỷ Hryvnia, tương đương 12,47 tỷ USD. Trong đó, 69,7% là nợ nước ngoài. Đồng thời, trong hai tháng đầu năm 2024, nợ bằng đồng Hryvnia giảm 0,5% và nợ bằng ngoại tệ giảm 1,1%.

* Ngày 25/3, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy Fabio Panetta cho biết, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang hướng tới việc cắt giảm lãi suất khi lạm phát đang giảm nhanh và tiến gần đến mục tiêu 2% của ECB.

Phát biểu tại một sự kiện ở Rome, ông Panetta lưu ,ý xu hướng lạm phát đang khiến việc cắt giảm lãi suất là "có thể xảy ra". Ông nói: “Sự đồng thuận đang gia tăng - đặc biệt là trong những tuần gần đây - trong hội đồng quản trị ECB đều đi theo hướng cắt giảm lãi suất”.

* Bộ Kinh tế Đức ngày 27/3 thông báo gác lại kế hoạch trợ cấp cho ngành năng lượng Mặt trời trong nước bằng cách thưởng cho người tiêu dùng khi mua các tấm pin Mặt trời (pin quang điện) được sản xuất tại châu Âu, sau khi liên minh cầm quyền không đạt được đồng thuận về chính sách này.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Kinh tế Michael Kellner bày tỏ lấy làm tiếc khi chưa thể xem xét triển khai kế hoạch trên. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh bộ này sẽ không từ bỏ nỗ lực tìm cách hỗ trợ ngành năng lượng Mặt Trời và sẽ tìm kiếm các giải pháp tài chính thay thế khác thông qua Liên minh châu Âu (EU).

* Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) sẽ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ khoản vay dài hạn trị giá 30 triệu Euro (32,50 triệu USD) để hỗ trợ các khu vực bị ảnh hưởng do trận động đất mạnh hồi tháng 2/2023. EU sẽ là bên bảo đảm cho khoản vay này.

Khoản vay trên được dùng để hỗ trợ xây dựng hai trung tâm mua sắm ở các tỉnh phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ chịu ảnh hưởng của trận động đất có độ lớn 7,8 vào tháng 2/2023. Khoản vay cũng được dùng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh và sinh kế của người dân vùng thảm họa.

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế của Nhật Bản Masato Kanda ngày 27/3 cho biết, Bộ Tài chính nước này sẽ thực hiện “mọi biện pháp có thể” để hạn chế những diễn biến quá mức của đồng Yen, không loại trừ khả năng can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Trước đó, cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết, các nhà chức trách có thể thực hiện "các biện pháp quyết liệt".

Thống đốc BoJ Kazuo Ueda ngày 27/3 cho hay, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tiếp tục đánh giá các diễn biến trên thị trường tiền tệ, và tác động đến nền kinh tế và giá cả.

Những phát biểu trên được đưa ra sau khi đồng Yen giảm xuống mức thấp nhất 34 năm so với đồng USD trong phiên giao dịch chiều 27/3, dù BoJ tuần trước đã nâng lãi suất lần đầu tiên trong 17 năm qua.

Phiên này, đồng Yen có thời điểm giao dịch ở mức 151,97 Yen đổi 1 USD tại châu Á, yếu hơn mức 151,94 Yen đổi 1 USD vào thời điểm các nhà chức trách can thiệp vào tháng 10/2022. Đây là mức thấp nhất kể từ giữa năm 1990, gần thời điểm "bong bóng" tài sản tại Nhật Bản "xì hơi".

* Hãng tin Kyodo dẫn một nguồn tin thân cận cho hay, Nhật Bản đang nỗ lực tung ra mẫu máy bay chở khách thế hệ tiếp theo vào khoảng năm 2035. Đây là một nỗ lực khác sau thất bại của dự án do tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries Ltd. phát triển để sản xuất mẫu máy bay chở khách sản xuất trong nước đầu tiên của nước này.

Theo nguồn tin, Bộ Công nghiệp Nhật Bản sẽ kết hợp với khu vực tư nhân để phát triển mẫu máy bay chở khách mới, có thể chạy bằng năng lượng hydro nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về việc giảm lượng phát thải.

* Các bệnh viện đa khoa lớn ở Seoul đang phải chịu thiệt hại kinh tế lớn do các bác sĩ tập sự nghỉ việc hàng loạt hơn một tháng qua, khiến các hoạt động y tế không thể triển khai đầy đủ và dịch vụ y tế phải cắt giảm do không thể tiếp nhận bệnh nhân.

Theo nguồn tin y tế ngày 27/3, 5 bệnh viện lớn được mệnh danh là “Big 5”, đang phải gánh chịu mức thiệt hại tài chính lên tới hơn 1 tỷ Won (khoảng 741.000 USD) mỗi ngày do việc các bác sĩ tập sự nghỉ việc hàng loạt. Do thiếu nhân lực, các bệnh viện đã tiến hành gộp các bước của quy trình chữa bệnh, sáp nhập các khoa và giảm số phòng cấp cứu.

* Hàn Quốc đã sản xuất 2.321 tấn lúa giống năng suất cao tại 6 quốc gia châu Phi như một phần trong các sáng kiến đang diễn ra nhằm thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất lương thực ở các quốc gia này.

Để hiện thực hóa cam kết hỗ trợ phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực cho châu Phi, cơ quan chủ quản của Hàn Quốc đã thành lập các tổ hợp sản xuất hạt giống lúa, trong đó có giống lúa ISRIZ-6 và ISRIZ-7, các giống lúa năng suất cao có khả năng sản xuất 5 đến 6 tấn lúa mỗi ha. Tổng cộng, các tổ hợp này đã sản xuất được 2.321 tấn lúa giống, bao gồm Guinea sản xuất 1.119 tấn, Uganda 515 tấn, Ghana 330 tấn, Gambia 180 tấn, Cameroon 111 tấn và Senegal 66 tấn.

Sản phẩm này là kết quả của Sáng kiến Vành đai gạo (K-Rice), một dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà Hàn Quốc đã triển khai năm 2023 để hỗ trợ các nước đang phát triển bằng cách cải thiện tính bền vững lương thực liên quan đến gạo.

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Bộ trưởng Bộ Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Indonesia Teten Masduki ngày 27/3 khẳng định tiếp tục nỗ lực mở rộng khả năng tiếp cận tài chính và đầu tư cho các công ty khởi nghiệp (startup) của nước này.

Các công ty khởi nghiệp ở Indonesia đã phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài chính được cung cấp bởi các “nhà đầu tư thông minh” và các nhà đầu tư mạo hiểm để kích thích nguồn tài chính mạnh mẽ cho các chiến lược phát triển doanh nghiệp ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, chính phủ cần tạo ra một cơ chế chính thống, phù hợp và lâu dài để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

* Ngày 26/3, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) cho biết Malaysia và Hàn Quốc đã nhất trí nối lại đàm phán Hiệp định thương mại tự do Malaysia - Hàn Quốc (MKFTA) sau 5 năm gián đoạn, nhằm tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư song phương.

MITI cho hay, Hiệp định MKFTA dự kiến sẽ bao trùm nhiều lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh và đảm bảo chuỗi cung ứng.

* Chính phủ Thái Lan kỳ vọng sẽ thu hút được ít nhất 15 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ba năm tới, sau khi các nỗ lực của Thủ tướng Srettha Thavisin nhằm thu hút các nhà sản xuất xe điện (EV) và các công ty công nghệ đến với Thái Lan bắt đầu mang lại kết quả.

Theo đó, ngành công nghiệp ô tô Thái Lan dự kiến sẽ nhận được 210 tỷ Baht (5,7 tỷ USD) khi các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc gấp rút thiết lập chuỗi cung ứng tại nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á. Bên cạnh đó, các công ty công nghệ có thể sẽ đầu tư thêm 250 tỷ Baht vào trung tâm dữ liệu và dịch vụ đám mây.

Ngoài ra, Thái Lan cũng kỳ vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn.