📞

Kinh tế thế giới nổi bật (23-29/12): Cái giá của cố gắng ‘hạ nhiệt’ lạm phát, châu Âu vẫn cần khí đốt Nga, đồng Ruble sẽ vững vàng

Hải An 13:29 | 29/12/2022
Toàn cầu đối mặt suy thoái trong năm 2023, đồng Ruble biến động, Nga nói châu Âu vẫn có nhu cầu khí đốt, Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế phòng chống Covid-19, Mỹ đón tin vui… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
EU có nhu cầu đối với khí đốt của Nga, vì vậy, Moscow tiếp tục coi châu Âu là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm của nước này. Ảnh: Kho lưu trữ khí đốt Reckrod ở Eiterfeld, Đức. (Nguồn: AP)

Kinh tế thế giới

Kinh tế toàn cầu đối mặt với suy thoái trong năm 2023

Theo Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR), thế giới phải đối mặt với suy thoái kinh tế vào năm 2023, khi chi phí đi vay cao hơn nhằm giải quyết lạm phát khiến một số nền kinh tế bị suy giảm,

Nền kinh tế toàn cầu lần đầu tiên vượt mốc 100.000 tỷ USD vào năm 2022 nhưng sẽ chững lại vào năm 2023 khi các nhà hoạch định chính sách tiếp tục cuộc chiến chống lại giá cả tăng vọt.

Báo cáo của CEBR viết: “Cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa thắng lợi. Chúng tôi dự báo các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023 bất chấp các chi phí kinh tế. Cái giá của việc đưa lạm phát xuống mức dễ chịu hơn là triển vọng tăng trưởng kém hơn trong những năm tới”.

Theo các chuyên gia, những phát hiện này bi quan hơn so với dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã cảnh báo vào tháng Mười rằng hơn 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm và có 25% khả năng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tăng trưởng dưới 2% vào năm 2023, được định nghĩa là suy thoái kinh tế toàn cầu.

Mặc dù vậy, đến năm 2037, GDP thế giới sẽ tăng gấp đôi khi các nền kinh tế đang phát triển bắt kịp các nền kinh tế giàu có hơn. Cán cân quyền lực đang thay đổi sẽ chứng kiến khu vực Đông Á và Thái Bình Dương chiếm hơn 1/3 sản lượng toàn cầu vào năm 2037, trong khi thị phần của châu Âu giảm xuống dưới 1/5.

CEBR lấy dữ liệu cơ sở từ Triển vọng kinh tế thế giới của IMF và sử dụng mô hình nội bộ để dự báo tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá hối đoái. (TTXVN)

Kinh tế Mỹ

* Các nhà đầu tư chứng khoán tại Mỹ có thể đang nóng lòng muốn khép lại năm 2022, một năm lao dốc của thị trường, chủ yếu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát ở mức kỷ lục 40 năm.

Chỉ số S&P 500 giảm gần 20% kể từ đầu năm, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. Mức giảm với chỉ số Nasdaq Composite thậm chí còn mạnh hơn, với gần 34%.

Lạm phát và tốc độ tăng lãi suất của Fed nhằm hạ nhiệt lạm phát có thể sẽ vẫn là yếu tố quyết định diễn biến của thị trường chứng khoán trong năm 2023. (Reuters)

* Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) đã giảm trong tháng 11 - một tin đáng mừng cho các hộ gia đình đang vật lộn với chi phí tăng cao trong khi nhu cầu tiêu dùng chậm lại.

Cụ thể, PCE của Mỹ trong tháng 11/2022 tăng 5,5%, chậm hơn mức 6,1% của tháng trước. Mặc dù số liệu trên tiếp tục thể hiện xu hướng lạm phát tăng chậm lại trong những tháng gần đây khi các quan chức cố gắng hạ nhiệt nền kinh tế lớn nhất thế giới, song mức giảm này dường như không đủ mạnh để thay đổi lập trường tăng lãi suất của Fed trong cuộc chiến dài hơi chống lạm phát. (AFP)

Kinh tế Trung Quốc

* Hoạt động du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc được cho là sẽ phục hồi khi nước này dỡ bỏ các hạn chế nhằm kiểm soát dịch Covid-19.

Ngày 26/12, Bắc Kinh thông báo sẽ mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng Covid-19 từ ngày 8/1/2023.

Theo số liệu của công ty cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến Trip.com Group, số lượt tìm kiếm vé máy bay đi nước ngoài và các khách sạn ở nước ngoài đạt mức cao ba năm chỉ nửa giờ sau thông báo trên. Số lượng đặt mua vé máy bay đi nước ngoài tăng 254% trong buổi sáng 27/12 so với cùng thời điểm ngày hôm trước. (THX)

* Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và tư nhân trong lĩnh vực ăn uống và du lịch, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.

Trong một tuyên bố, Ủy ban Điều tiết bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) cho biết, việc phục hồi và mở rộng tiêu dùng sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Theo CBIRC, việc mua các mặt hàng có giá trị lớn như xe chạy năng lượng mới và thiết bị gia dụng “thân thiện với môi trường” sẽ được khuyến khích. CBIRC khẳng định Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho đầu tư tư nhân và doanh nghiệp tư nhân. (Reuters)

Kinh tế châu Âu

* Theo Cơ sở hạ tầng Khí đốt châu Âu (GIE), tính đến ngày 25/12 vừa qua, lượng khí đốt rút ra từ các cơ sở lưu trữ ngầm tại các nước châu Âu chỉ là 89 m3, mức thấp nhất kể từ năm 2011 khi cơ quan này bắt đầu theo dõi, trong khi lượng khí đốt bơm vào là 222 triệu m3.

Lượng khí đốt bơm vào các cơ sở lưu trữ ngầm vẫn cao hơn 2 lần so với lượng khí đốt rút ra. Lượng khí đốt tiêu thụ tại châu Âu giảm đáng kể và giá khí đốt hạ nhanh do nhiệt độ cao hơn so với bình thường.

Hiện các cơ sở lưu trữ ngầm ở châu Âu đã được lấp đầy tới 83,1%, cao hơn 11,55 điểm phần trăm so với mức trung bình của ngày này 5 năm trước, đạt 89,94 tỷ m3 khí đốt. (TTXVN)

* Ngày 26/12, hãng tin TASS của Nga dẫn phát biểu mới đây của Phó Thủ tướng Alexander Novak cho hay, thị trường Liên minh châu Âu (EU) vẫn mở cửa cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, đồng thời cho biết thêm, trong 11 tháng của năm 2022 nguồn cung LNG đã tăng lên mức 19,4 tỷ m3.

Phó Thủ tướng Nga cũng lưu ý rằng, vẫn còn tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu, vì vậy, Nga sẵn sàng nối lại nguồn cung cấp qua đường ống Yamal-châu Âu. Ông Novak khẳng định, EU có nhu cầu đối với khí đốt của Nga, vì vậy, Moscow tiếp tục coi châu Âu là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm của nước này. (TTXVN)

* Đồng Ruble của Nga suy yếu trong phiên ngày 28/12, trượt qua mức 71 Ruble đổi 1 USD, do các lệnh trừng phạt lên dầu Nga và những tác động của nó đối với doanh thu xuất khẩu gây sức ép lên đồng nội tệ Nga.

Đồng Ruble đã mất khoảng 8% giá trị so với đồng USD trong tuần trước và đang trên đà giảm mạnh tính theo tháng sau khi lệnh cấm vận dầu mỏ và mức giá trần có hiệu lực.

Olga Yangol, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường mới nổi và chiến lược cho châu Mỹ tại Credit Agricole CIB, cho biết, đồng Ruble sẽ tương đối ổn định trong tương lai, với dự đoán căng thẳng địa chính trị sẽ thúc đẩy giá dầu, cùng với việc Tổ chức các cước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, tiếp tục cắt giảm sản lượng để đáp ứng các nguyên tắc cơ bản của thị trường. Giá dầu Brent đã giảm 0,7% xuống 83,7 USD/thùng.

Tổng thống Vladimir Putin ngày 27/12 đưa ra hành động đáp trả đối với biện pháp áp trần giá dầu của phương Tây khi ký sắc lệnh cấm bán dầu và các sản phẩm từ dầu cho các nước áp dụng mức giá trần đối với dầu Nga từ ngày 1/2/2023. (Reuters)

* Viện Kinh tế Đức (IW) ngày 27/12 công bố kết quả khảo sát cho thấy, cứ 5 hiệp hội công nghiệp tại quốc gia này thì khoảng 3 hiệp hội cho rằng hoạt động sản xuất trong năm 2023 sẽ giảm tốc do ảnh hưởng của giá năng lượng tăng cao, trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn.

Gần 40 hiệp hội cho biết tình hình đối với các công ty thành viên hiện nay thậm chí còn tồi tệ hơn so với một năm trước, thời điểm mà nhiều người cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của dịch Covid-19 gần như đã qua.

Với lạm phát ở mức cao kỷ lục, nhóm chuyên gia thực hiện khảo sát cho rằng nền kinh tế Đức vẫn u ám. Nghiên cứu được tiến hành từ giữa tháng 11/2022 đến đầu tháng 12/2022. (TTXVN)

* Ngày 26/12, phát biểu trước truyền thông, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) Siegfried Russwurm và Chủ tịch Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) Peter Adrian đều khuyến nghị rằng Đức và châu Âu không nên để xảy ra xung đột thương mại với Mỹ.

Theo ông Siegfried Russwurm, trong bối cảnh quốc tế hiện tại, sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Do đó, để đáp trả lại đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ, EU nên tìm ra một phản ứng chính sách công nghiệp thông minh, trong đó tập trung vào sự đổi mới và các công nghệ tương lai, thay vì những hành động đối đầu một cách sai lầm.

Trong khi đó, Chủ tịch DIHK Adrian cho biết, hiện tại nhu cầu tìm kiếm địa điểm đầu tư tại Mỹ của các doanh nghiệp Đức là rất lớn. Đạo luật Giảm lạm phát mà Mỹ mới ban hành gây thiệt hại cho khả năng cạnh tranh của Berlin với tư cách là một địa điểm đầu tư.

Tuy nhiên, việc đưa ra quy định bảo hộ tương tự để phản ứng với đạo luật của Mỹ là không có lợi cho nền kinh tế Đức và châu Âu. Thay vào đó châu Âu và Đức cần khẩn trương đàm phán với Mỹ về vấn đề này. (TTXVN)

Giới chuyên gia khuyến nghị rằng, châu Âu không nên để xảy ra xung đột thương mại với Mỹ. (Nguồn: Getty Images)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Các công ty thương mại và điện lực của Nhật Bản vừa đạt thỏa thuận mới với chính phủ Oman về việc nhập khẩu thêm LNG từ quốc gia vùng Vịnh này.

Ngày 27/12, ba công ty Mitsui & Co., Itochu và Jera thông báo đã cùng ký kết thỏa thuận nhập khẩu hơn 2 triệu tấn LNG mỗi năm từ Oman. Hợp đồng này có hiệu lực 10 năm, kể từ năm 2025.

Nhật Bản coi Oman là đối tác quan trọng về an ninh năng lượng. Quốc gia Đông Bắc Á hiện nhập khẩu hơn 1,9 triệu tấn LNG/năm từ Oman, tương đương 2,6% tổng năng lượng nhập khẩu của Nhật Bản. (TTXVN)

* Ngày 28/12, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) thông báo, trong tháng 11/2022, sản lượng công nghiệp của nước này giảm 0,1% so với tháng trước đó, chủ yếu do nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số này giảm.

Trong báo cáo sơ bộ, METI cho biết, chỉ số sản lượng đã được điều chỉnh theo mùa vụ tại các nhà máy và hầm mỏ trong tháng 11 là 95,2 so với mức cơ sở 100 vào năm 2015. (TTXVN)

* Theo số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Hàn Quốc công bố ngày 29/12, sản lượng công nghiệp của Hàn Quốc trong tháng 11 đã hồi phục nhẹ sau 5 tháng giảm liên tiếp cho dù vẫn có rất nhiều lo ngại về triển vọng kinh tế.

Thống kê cho biết sản xuất công nghiệp của Hàn Quốc trong tháng 11 đã tăng 0,1% so với tháng trước, đảo ngược xu thế giảm 1,7% được công bố trong tháng 10. (TTXVN)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Một cuộc thăm dò do công ty phân tích và nghiên cứu thị trường Leger cho thấy, khoảng 25-33% người Canada chi tiêu cho các kỳ nghỉ năm nay thấp hơn so với năm 2021, trong đó các nguyên nhân như lạm phát tăng và suy thoái tiềm ẩn đứng đầu danh sách những lo lắng của người Canada đối với năm 2023. Khoảng 33% người Canada chi tiêu ít hơn cho du lịch trong năm nay so với năm 2021, chỉ 26% chi tiêu ở mức tương tự và 11% chi tiêu nhiều hơn.

Tuy nhiên, người Canada có xu hướng lạc quan hơn là bi quan về tương lai chung. Khoảng 34% cho biết năm 2023 sẽ tốt hơn so với năm 2022, với 40% tin rằng tình hình sẽ tương tự và 22% tin rằng tình hình sẽ tồi tệ hơn. (TTXVN)

* Chính phủ Australia chính thức ban hành mức trần giá khí đốt trong nước, thiết lập giới hạn tối đa 12 AUD (7,68 USD)/gigajoule, áp dụng trong vòng 12 tháng, tính từ ngày 22/12/2022.

Cụ thể, giá trần sẽ áp dụng cho các hợp đồng bán buôn khí đốt mới trong nước của các nhà sản xuất ở bờ biển phía đông Australia (gồm các bang New South Wales và Queensland).

Việc áp giá trần khí đốt, dự kiến sẽ làm giảm giá gas trong nước khoảng 16 điểm phần trăm, trong năm tài chính 2023-2024. (TTXVN)

* Một cuộc khảo sát của MasterCard công bố ngày 28/12 cho thấy, người tiêu dùng Thái Lan dẫn đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương về sử dụng các phương thức thanh toán số. Đây là tin tốt cho các nhà hoạch định kinh tế đang mong muốn Thái Lan trở thành một xã hội không dùng tiền mặt.

Theo Chỉ số Thanh toán Mới (NPI) hằng năm lần thứ hai của MasterCard dựa trên cuộc khảo sát hơn 35.000 người ở 40 quốc gia, người tiêu dùng ở châu Á-Thái Bình Dương cũng là những người chấp nhận thanh toán số nhiệt tình nhất trên thế giới. Hơn 88% người tiêu dùng trong khu vực này đã sử dụng các công nghệ như ví số, quét mã QR, mua ngay và thanh toán sau (BNPL), tiền điện tử và sinh trắc học. (TTXVN)

* Mới đây, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đã tăng lãi suất cơ bản với tốc độ chậm hơn so với các tháng trước, sau khi lạm phát giảm bớt tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.

BI tăng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản từ 5,25-5,50%. Như vậy, từ đầu năm đến nay, BI đã tăng lãi suất thêm 200 điểm cơ bản nhằm thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát tăng cao.

Lạm phát toàn phần tại Indonesia được ghi nhận ở mức 5,42% so với cùng kỳ trong tháng 11, thấp hơn so với ước tính trước đó của BI. (TTXVN)