📞

Kinh tế thế giới nổi bật (24-30/6): Mỹ vẫn vững mạnh, châu Âu khó ‘ép giá’ dầu Nga, Moscow ‘sẵn sàng hy sinh’ một phần ngân sách để làm gì?

Hải An 13:50 | 30/06/2022
Xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực toàn cầu, G7 dự tính áp giá trần với dầu Nga, hỗ trợ Ukraine xuất khẩu ngũ cốc, các nước lo đối phó lạm phát… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực toàn cầu, việc đưa ngũ cốc từ Ukraine ra thị trường thế giới là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo G7. (Nguồn: Reuters)

Kinh tế thế giới

Mỹ, G7 tài trợ để giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu

Ngày 28/6, Nhà Trắng cho biết, chính phủ Mỹ và các nước đồng minh quốc tế sẽ đóng góp 4,5 tỷ USD để giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, với hơn một nửa cam kết đó đến từ nền kinh tế số 1 thế giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố khoản tài trợ bổ sung 2,76 tỷ USD từ Mỹ để giúp bảo vệ hơn 47 quốc gia được coi là có dân số dễ bị tổn thương nhất trên thế giới và giảm thiểu tác động của xung đột ở Ukraine đối với tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng ngày càng tăng.

Theo ước tính, có tới 40 triệu người nữa có thể bị đẩy vào cảnh đói nghèo vào năm 2022 do hậu quả của xung đột. Các nhu cầu cấp thiết trước mắt nhất về vấn đề lương thực sẽ tập trung ở vùng Sừng châu Phi, nơi 20 triệu người có thể phải đối mặt với nạn đói vào cuối năm nay.

Tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tổ chức ngày 26-28/6 tại Đức, các nhà lãnh đạo đã tập trung vào các phương pháp tiếp cận để tạo điều kiện thuận lợi cho ngũ cốc của Ukraine đến các thị trường toàn cầu.

Một quan chức nói rằng, việc đưa ngũ cốc từ Ukraine ra thị trường toàn cầu là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo, nhằm giải quyết thách thức an ninh lương thực.

Trong số nguồn tài trợ bổ sung từ Mỹ, 2 tỷ USD sẽ dành cho các việc can thiệp khẩn cấp và 760 triệu USD sẽ dành cho hỗ trợ lương thực bền vững trong thời gian ngắn hạn nhằm giúp giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng gia tăng hơn nữa ở các quốc gia dễ bị tổn thương do giá lương thực, phân bón và nhiên liệu tăng cao. (TTXVN)

Nga sẵn sàng làm việc với LHQ để ngăn chặn khủng hoảng lương thực toàn cầu

Theo Reuters, ngày 29/6, Nga tuyên bố sẵn sàng làm việc cùng Liên hợp quốc (LHQ) để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, đồng thời sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ xuất khẩu lương thực và phân bón.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, những cam kết này được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra trong cuộc trao đổi với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres.

Tuy vậy, tuyên bố của bộ trên không cho biết bước đi mới và cụ thể nào. (Reuters)

Kinh tế Mỹ

* Theo một tuyên bố từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 27/6 đã nâng thuế nhập khẩu lên 35% đối với một số mặt hàng từ Nga, sau khi Washington đình chỉ quy chế thương mại “Tối huệ quốc” với Moscow liên quan tới tình hình Ukraine.

Theo đó, mức thuế 35% sẽ được áp dụng với một số mặt hàng cụ thể của Nga chưa bị cấm nhập khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bản phụ lục liệt kê các mặt hàng phải chịu mức thuế cao hơn này. (Reuters)

* Chủ tịch chi nhánh New York thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) John Williams ngày 28/6 cho rằng, kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc trong năm 2022, và dự báo Mỹ sẽ tránh được suy thoái.

Ông Williams nêu rõ: “Suy thoái không phải là dự báo của tôi hiện nay. Tôi cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh”.

Tuy nhiên, theo quan chức Fed, các nhà hoạch định chính sách cần nhanh chóng tăng lãi suất cho vay để làm giảm áp lực lạm phát và đưa lãi suất chính sách chủ chốt lên 3,0-3,5% vào cuối năm nay. (TTXVN)

Kinh tế Trung Quốc

* Các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã công bố một kế hoạch hành động về thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong công nghiệp, nêu chi tiết các mục tiêu và nhiệm vụ chủ chốt để tối ưu hóa cơ cấu năng lượng khi nước này thực hiện các bước ổn định để thúc đẩy chuyển đổi xanh.

Đến năm 2025, Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được sự cải thiện toàn diện về hiệu quả năng lượng của các ngành công nghiệp chủ chốt, sự gia tăng đáng kể về hiệu quả năng lượng trong các lĩnh vực chính như các trung tâm dữ liệu và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng xanh carbon thấp.

Theo kế hoạch, hiệu quả sử dụng năng lượng trong các ngành bao gồm sắt thép, hóa dầu, kim loại màu và vật liệu xây dựng sẽ đạt đến mức tiên tiến trên thế giới. (THX)

* Trong tháng 5/2022, lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc giảm với tốc độ chậm hơn sau khi giảm mạnh trong tháng 4, khi hoạt động ở các trung tâm sản xuất lớn được nối lại. Song chính sách hạn chế do dịch Covid-19 gây ra vẫn đè nặng lên hoạt động sản xuất của nhà máy và giảm tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp.

Theo số liệu do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 27/6, lợi nhuận của các công ty công nghiệp tại nước này giảm 6,5% so với một năm trước đó, thấp hơn mức giảm 8,5% trong tháng 4. (THX)

Kinh tế châu Âu

* Mỹ và châu Âu đã cấm nhập khẩu dầu Nga nhằm chặn đứng một nguồn thu quan trọng và cô lập nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, kế hoạch này dường như không mang lại hiệu quả như các nước mong đợi.

Chính phủ Nga vẫn đang kiếm được nhiều tiền từ xuất khẩu năng lượng, như thời điểm trước khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Trong khi đó, lạm phát gia tăng buộc các nhà lãnh đạo từ các nền kinh tế hàng đầu phải cân nhắc một phương án mới là áp giá trần đối với dầu thô của Nga.

CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, mục tiêu hiện nay là chặn nguồn thu và ép giá dầu Nga giảm xuống trong bối cảnh các khách hàng châu Âu đã giảm nhập khẩu. Nhưng xuất khẩu dầu của Nga sang châu Á tăng đã giúp bù đắp một phần lớn những thiệt hại đó. (CNN)

* Ủy viên về năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson ngày 27/6 cho biết, nguồn cung khí đốt từ Nga cho EU có thể bị “gián đoạn nghiêm trọng”, đồng thời kêu gọi các nước cập nhật các kế hoạch đề phòng các cú sốc về nguồn cung và sử dụng các loại nhiên liệu khác nếu có thể để tiết kiệm khí đốt.

Theo dữ liệu từ Cơ quan quản lý cơ sở hạ tầng năng lượng châu Âu Gas Infrastructure Europe, tổng kho dự trữ khí đốt của các nước EU hiện đang đầy 57%. Mức lấp đầy kho dự trữ của các nước hiện đang chênh nhau, trong đó kho dự trữ của Đức đang đầy 57%, trong khi tỷ lệ này của Ba Lan là 97% và của Hungary là 39%. (Reuters)

* Ngày 28/6, G7 tán thành các khoản đầu tư vào khí đốt tự nhiên trong bối cảnh nhiều nước đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga.

Tuyên bố của G7 có đoạn: “Trong bối cảnh này và với mục tiêu đẩy nhanh việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, chúng tôi nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tăng cường cung cấp (khí tự nhiên hóa lỏng) và thừa nhận rằng đầu tư vào lĩnh vực này là cần thiết để đáp ứng với khủng hoảng hiện tại”.

Các quốc gia G7 nói rõ rằng, trong một số trường hợp, đầu tư của chính phủ vào lĩnh vực khí đốt có thể “thích hợp như một phản ứng tạm thời”. (TTXVN)

* Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 29/6 cho biết, chính phủ nước này có thể dùng doanh thu tăng thêm từ năng lượng để can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm kìm hãm đà tăng của đồng Ruble, hiện đã chạm mức cao nhất 7 năm qua.

Đồng Ruble mạnh không có lợi cho Chính phủ Nga với lo ngại rằng nó có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách và xuất khẩu. Chính vì vậy, ông Siluanov cho biết, Nga “sẵn sàng hy sinh” một phần ngân sách bằng cách sử dụng doanh thu tăng thêm từ dầu khí để can thiệp vào thị trường ngoại hối, và phương án cuối cùng này sẽ tác động đến tỷ giá. (AFP)

* Lạm phát của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã hạ nhiệt khi các biện pháp cứu trợ tạm thời của chính phủ làm giảm áp lực đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp vốn đang gặp nhiều khó khăn do giá tiêu dùng tăng kỷ lục.

Theo Văn phòng thống kê Liên bang Đức (Destatis), các biện pháp hỗ trợ như giảm thuế nhiên liệu và phí giao thông công cộng đã giúp lạm phát giảm từ mức 7,9% trong tháng 5/2022 xuống còn 7,6% trong tháng 6 và chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát trên chỉ là sơ bộ, vì chỉ dựa trên số liệu thống kê về giá tiêu dùng của 6 trong số 16 bang của Đức. Số liệu chính thức cuối cùng của tất cả 16 bang sẽ được công bố vào ngày 14/7. (TTXVN)

* Từ ngày 1/7, Pháp sẽ tăng thêm 3,5% chỉ số lương của giới công chức nước này trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Việc tăng lương này sẽ tiêu tốn ngân sách của Chính phủ Pháp khoảng 7 tỷ Euro (7,3 tỷ USD) vì mức tăng 1% chỉ số lương của 5,7 triệu công chức của Pháp sẽ là khoảng 2 tỷ Euro. Trong khi đó, các tổ chức công đoàn yêu cầu tăng chỉ số lương 3-10%. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Tổ công tác của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đang tiến hành thảo luận về việc nâng lương tối thiểu theo giờ cho người lao động trong tài khóa 2022, kết thúc vào cuối tháng 3/2023.

Hiện nay, mức lương tối thiểu bình quân trên toàn quốc ở Nhật Bản là khoảng 930 Yen/giờ. Trong tài khóa 2021, mức lương tối thiểu bình quân đã tăng thêm 28 Yen, tương đương 3,1%.

Dự kiến, tổ công tác sẽ đưa ra đề xuất về mức lương tối thiểu vào tháng tới. (Kyodo)

Trạm tiếp nhận khí đốt thuộc đường ống Nord Stream ở Mecklenburg, Đức, ngày 21/6. (Nguồn: AFP)

* Ngày thứ 2 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tuyên bố sẽ đóng góp 27 tỷ Yen (tương đương 200 triệu USD) để ứng phó với khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Với mức đóng góp này, Nhật Bản kỳ vọng sẽ giúp Ukraine cải thiện hoặc xây dựng thêm các kho dự trữ ngũ cốc trong nước vốn đang quá tải do các tuyến đường biển xuất khẩu bị phong tỏa để đảm bảo được chất lượng cho đến khi có thể xuất khẩu trở lại.

Một phần sẽ dùng để hỗ trợ lương thực cho các nước Trung Đông và châu Phi đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự khan hiếm nguồn cung lương thực. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng xem xét tiếp tục viện trợ nhân đạo bổ sung 100 triệu USD cho Ukraine. (TTXVN)

* Số liệu được công bố ngày 29/6 của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cho thấy, giá trị nhập khẩu của nước này đã ghi nhận mức tăng hai con số trong tháng trước do giá dầu thô cao.

Theo BoK, chỉ số giá trị nhập khẩu của Hàn Quốc ở mức 176,50 điểm trong tháng 5/2022, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng thứ 18 liên tiếp chỉ số này gia tăng. (Yonhap)

* Ngày 28/6, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo đã kêu gọi các bộ trưởng nước này đưa ra các biện pháp giúp ổn định lạm phát, trong bối cảnh giá cả tăng cao tác động không nhỏ đến người tiêu dùng.

Ông Han cho biết, lạm phát ở Hàn Quốc dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao trong thời gian tới do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài, bao gồm cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá dầu thô, hàng hóa tăng lên và áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu. (TTXVN)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Cơ quan nghiên cứu KKP Research nhận định, với việc lãi suất dự kiến tăng trong nửa cuối năm 2022, gánh nặng nợ gia đình có thể "giáng một đòn nặng" vào nền kinh tế Thái Lan, làm suy yếu sức mua của người tiêu dùng và giảm tốc độ phát triển kinh tế.

Theo KKP Research, nợ hộ gia đình hiện đã vượt 90% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan và đưa nước này trở thành nước có tỷ lệ nợ hộ gia đình cao thứ 11 thế giới. (TTXVN)

* Tại cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thảo luận về nỗ lực tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thực phẩm.

Trong một thông cáo báo chí ngày 27/6, Tổng thống Jokowi cho biết: “Về hợp tác trong lĩnh vực thương mại lương thực giữa hai nước, tôi sẽ yêu cầu Bộ trưởng Thương mại liên lạc ngay với người đồng cấp Ấn Độ”. (TTXVN)

* Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết, Nội các đã đồng ý thành lập Lực lượng đặc nhiệm về chống lạm phát nhằm giúp gia đình Malaysia đối mặt với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao.

Vai trò chính của lực lượng đặc nhiệm là thu thập tất cả thông tin từ các bộ, ngành và thị trường để xây dựng chiến lược và phối hợp hành động cùng giải quyết các vấn đề liên quan đến lạm phát, đặc biệt là kiểm soát việc tăng giá một cách hiệu quả hơn. (TTXVN)

* Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh cho biết, chính phủ nước này đang xem xét áp đặt giới hạn đối với một số mặt hàng nhập khẩu nhằm giảm thiểu hoặc cắt giảm việc sử dụng ngoại tệ đối với những mặt hàng không thiết yếu, trong bối cảnh dự trữ ngoại hối của Lào ngày càng cạn kiệt.

Lào đang thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng, điều khiến chính phủ nước này đang phải vật lộn để mua và nhập khẩu đủ các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là nhiên liệu. (TTXVN)