📞

Kinh tế thế giới nổi bật (31/5-6/6): Ngân hàng Nga lãi khủng, tăng trưởng Mỹ đang ‘nguội’, Trung Quốc hút FDI, Đức quyết ‘dứt tình’ nhiệt điện than

Hải An 13:45 | 06/06/2024
Kim cương đang giảm sức hấp dẫn, lợi nhuận của các ngân hàng Nga tăng vọt, nhà đầu tư nước ngoài lạc quan về thị trường Trung Quốc, tăng trưởng của Mỹ đang “nguội” dần… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Sberbank là ngân hàng lớn nhất nước Nga. (Nguồn: RT)

Kinh tế thế giới

Thách thức lớn đối với ngành kim cương thế giới

Nhu cầu về kim cương đang giảm khi sức hấp dẫn của kim loại quý này suy yếu ở Trung Quốc - một trong những thị trường tiêu dùng quan trọng nhất thế giới.

Công ty nghiên cứu thị trường Daxue Consulting cho biết, tỷ lệ kết hôn giảm cũng như sự phổ biến ngày càng tăng của vàng và các loại đá quý nhân tạo đã làm giảm nhu cầu của người dân Trung Quốc đối với kim cương.

Sau đại dịch Covid-19, thị trường thế giới chứng kiến người tiêu dùng chuyển hướng chi tiêu sang trải nghiệm du lịch thay vì các sản phẩm kim cương. Theo chỉ số kim cương thô của Zimnisky, giá kim cương từ đầu năm tới nay giảm 5,7% và giảm hơn 30% so với mức cao kỷ lục hồi năm 2022.

De Beers, từng thống trị thị trường kim cương thế giới trong hơn nửa thế kỷ, mới đây đã chứng kiến thị phần bị thu hẹp lại. Bloomberg trích dẫn nguồn tin trong ngành cho biết, điều kiện kinh tế khó khăn khiến De Beers phải cắt giảm 10% giá sản phẩm vào đầu năm nay.

Vấn đề cốt lõi là xu hướng tăng trưởng nhanh chóng của kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.

Ông Ankur Daga, người sáng lập và là Giám đốc điều hành (CEO) của công ty thương mại điện tử trang sức cao cấp Angara, chia sẻ, xu hướng ưa chuộng kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đóng một vai trò quan trọng trong việc kim cương tự nhiên bị mất giá.

Kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, hay còn gọi là kim cương nhân tạo, có thể rẻ hơn tới 85% so với kim cương tự nhiên.

Theo dữ liệu do Zimnisky cung cấp, doanh số bán kim cương nhân tạo vào năm 2017 chỉ chiếm 2% trên thị trường trang sức kim cương toàn cầu. Nhưng con số này đã tăng lên 18,4% vào năm 2023.

Ngoài ra, CEO Daga giải thích, xu hướng mua kim cương như một khoản đầu tư đang co lại. Kim cương từng được coi là tài sản phòng ngừa lạm phát trong 50 năm qua. Nhưng lý do đầu tư này ngày càng mờ nhạt khi giá kim cương lao dốc.

Đánh giá về triển vọng giá kim cương trong thời gian tới, ông Daga nói, giá kim cương tự nhiên có thể giảm thêm từ 15-20% trong vòng 12 tháng tới.

Trong khi đó, ông Anish Aggarwal, đồng sáng lập công ty tư vấn kim cương Gemdax nhận định rằng, mặc dù có một số thách thức trong ngành kim cương, nhưng đó không phải là những thách thức không thể giải quyết.

Giống với các mặt hàng thuộc phân khúc hàng xa xỉ, các nhà thương mại hoàn toàn có thể tạo ra nhu cầu cho kim cương, như đồng hồ và túi xách cao cấp.

Mỹ

* Báo cáo của nhà cung cấp phần mềm và dịch vụ quản lý nhân sự ADP (Mỹ) ngày 5/6 cho hay, tăng trưởng việc làm trong khu vực tư nhân của Mỹ chậm lại trong tháng 5/2024, do hoạt động sản xuất giảm. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đang “nguội” lại.

Theo đó, các nhà tuyển dụng tư nhân đã tạo thêm 152.000 việc làm trong tháng trước, giảm so với con số đã qua điều chỉnh là 188.000 việc làm tạo được trong tháng 4/2024 và thấp hơn dự đoán của các nhà phân tích.

Trung Quốc

* Các nhà đầu tư nước ngoài đang tăng cường sự hiện diện tại Trung Quốc bằng cách mở các cửa hàng mới, ra mắt các sản phẩm sáng tạo, ký thêm nhiều hợp đồng hợp tác và xây dựng các nhà máy sản xuất và trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).

Theo số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm 2024, số lượng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành lập mới tại nước này đã tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 16.805 doanh nghiệp.

Một cuộc khảo sát của Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc với hơn 600 công ty FDI cho thấy, hơn 70% trong số các công ty lạc quan về triển vọng phát triển của thị trường này trong 5 năm tới và hơn 50% tin rằng thị trường đã trở nên hấp dẫn hơn.

* Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), ngành sản xuất ô tô sử dụng năng lượng mới của nước này đã thiết lập một hệ thống dây chuyền công nghiệp hoàn chỉnh, tự động và có thể kiểm soát được, đồng thời pin có khả năng tự động và điều khiển 100%.

Từ đầu năm 2024 đến nay, quá trình thương mại hóa pin thể rắn không ngừng tăng nhanh. Từ tháng 1-4/2024, số lượng pin bán rắn được lắp đặt gần như tăng gấp đôi mỗi tháng. CAAM cho biết, trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh công tác nghiên cứu và phát triển ô tô sử dụng năng lượng mới.

Châu Âu

* Theo nhóm chuyên gia về năng lượng Ember (Anh), sản lượng điện gió và Mặt trời ở Liên minh châu Âu (EU) tăng 46% kể từ năm 2019 đến năm 2023, thay thế 20% nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch của khối.

Ủy ban châu Âu đã đề xuất mục tiêu các nguồn năng lượng tái tạo chiếm 45% tổng các nguồn năng lượng của EU vào năm 2030.

Công suất điện gió và Mặt trời ở EU đã tăng 65% kể từ năm 2019. Công suất điện gió tăng 31%, lên 219 GW vào năm 2023, trong khi công suất năng lượng Mặt trời tăng hơn gấp đôi lên 257 GW, tương đương với hơn 230.000 tấm pin năng lượng Mặt trời được lắp đặt mỗi ngày trong suốt 4 năm.

* Hội đồng EU đã thông qua quyết định về thuế hải quan bảo hộ đối với ngũ cốc nhập khẩu từ Nga và Belarus. Theo đó, kể từ ngày 1/7/2024, ngũ cốc nhập khẩu vào EU từ hai nước này sẽ bị áp thuế bảo hộ ở mức 95 Euro (102,8 USD)/tấn hoặc tăng 50% thuế hiện áp tuỳ từng sản phẩm. Quyết định này sẽ ảnh hưởng đến ngũ cốc, cây có dầu và các sản phẩm chế biến từ chúng.

EU cho biết biện pháp này chỉ liên quan đến hàng nhập khẩu trực tiếp vào EU, không ảnh hưởng đến hàng quá cảnh qua EU của Moscow và Minsk đi các nước thứ ba.

* Báo cáo của Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức mới đây nhấn mạnh, việc ngừng sản xuất nhiệt điện than ở các khu vực công nghiệp than miền Đông nước Đức, đã được thống nhất về mặt pháp lý vào năm 2038 vẫn có hiệu lực. Chính phủ liên bang sẽ không thực hiện bất kỳ nỗ lực chính trị nào để thay đổi thời hạn pháp lý này.

Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Robert Habeck (đảng Xanh), trong phát biểu sáng ngày 3/6 tại Diễn đàn Kinh tế Đông Đức ở Bad Saarow, Brandenburg, đã lên tiếng ủng hộ việc loại bỏ than sớm hơn dự kiến ở phía Đông nước Đức.

* Ngày 31/5, Cơ quan xếp hạng S&P Global Ratings đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Pháp từ "AA" xuống còn "AA-", với lý do vị thế ngân sách của nước này suy giảm. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2013, S&P hạ bậc xếp hạng tín nhiệm đối với nền kinh tế lớn thứ hai EU.

S&P cho biết đã đưa ra quyết định trên do thâm hụt ngân sách của Pháp được dự báo sẽ duy trì trên 3% GDP vào năm 2027. Hãng này nêu rõ, thâm hụt ngân sách của Pháp trong năm 2023, chiếm khoảng 5,5% GDP, cao hơn dự báo. Trong khi đó, nợ công cũng có thể đi ngược dự báo, tăng lên khoảng 112% GDP vào năm 2027, từ mức khoảng 109% GDP vào năm 2023.

* Lợi nhuận ròng của tất cả các ngân hàng Nga trong năm 2023 đã đạt mức kỷ lục 3.300 tỷ Ruble (33,17 tỷ USD), gấp 16,5 lần so với năm 2022 khi con số này chỉ là 200 triệu Ruble.

Các số liệu thống kê ngân hàng cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 25% vào năm 2013. Đây cũng là sự cải thiện đáng kể so với những năm trước.

Để so sánh, năm 2021 tỷ suất sinh lời của tất cả các ngân hàng Nga là 21,1% và năm 2020 là 15,7%. Các chuyên gia dự đoán lợi nhuận ròng của các ngân hàng sẽ tăng hơn nữa trong năm 2024, với dự kiến sẽ tăng 6% so với năm trước lên mức 3.500 tỷ ruble.

Nhật Bản và Hàn Quốc

* Theo dự báo mới nhất do Airbus Europe tổng hợp, Nhật Bản có thể sẽ tụt từ vị trí thứ 5 xuống thứ 7 vào năm 2025 trên bảng xếp hạng thị trường hàng không.

Năm 2019, trước khi bùng phát đại dịch Covid-19, hàng không Nhật Bản có số lượng du khách là 149,13 triệu lượt người - đứng thứ 5 thế giới, xếp sau Trung Quốc đứng đầu với 701,08 triệu lượt, Mỹ đứng thứ 2 với 683,07 triệu lượt khách, Ấn Độ - 165,4 triệu lượt khách và Vương quốc Anh ở vị trí thứ 4 với 150,8 triệu lượt khách.

Dự báo tới năm 2025, ba vị trí đầu tiên vẫn giữ nguyên, trong khi Nhật Bản sẽ tụt xuống vị trí thứ 7 sau khi bị Indonesia và Thổ Nhỹ Kỳ vượt qua. Vương quốc Anh cũng có thể để mất vị trí thứ 4 vào tay Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhật Bản đã chi 9.790 tỷ Yen trong khoảng thời gian từ ngày 26/4 đến ngày 29/5, vượt xa đợt mua Yen - bán USD trước đó vào năm 2022, với tổng trị giá khoảng 9.200 tỷ Yen. (Nguồn: AFP)

* Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki ngày 4/6 cho biết, việc chính phủ nước này can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối trong giai đoạn giữa tháng 4 và tháng 5 năm nay nhằm kiềm chế sự biến động quá mức của đồng Yen do giới đầu cơ gây ra đã chứng tỏ hiệu quả "ở một mức độ nhất định".

Nhật Bản đã chi 9.790 tỷ Yen trong khoảng thời gian từ ngày 26/4 đến ngày 29/5, vượt xa đợt mua Yen - bán USD trước đó vào năm 2022, với tổng trị giá khoảng 9.200 tỷ Yen. Đồng USD đã tăng lên trên 160 yen/USD, mức cao nhất trong 34 năm, trước khi Chính phủ Nhật Bản dường như đã can thiệp để làm chậm đà tăng của đồng bạc xanh vào ngày 29/4.

Một lần can thiệp khả nghi khác diễn ra vào ngày 1/5 tại thị trường New York, khi đồng USD lao dốc trong một khoảng thời gian ngắn.

* Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 5/6 công bố số liệu cho thấy, trong quý I năm nay, nền kinh tế nước này tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong hơn hai năm qua do xuất khẩu tiếp tục phục hồi và chi tiêu tư nhân vẫn ổn định.

Theo đó, GDP thực tế của Hàn Quốc đã tăng 1,3% so với quý trước trong giai đoạn từ tháng 1-3/2024, phù hợp với dự đoán trước đó của BoK. Mức tăng trưởng trong quý đầu tiên năm nay cao hơn nhiều so với mức tăng 0,5% trong quý IV năm ngoái và là mức cao nhất kể từ quý IV/2021, khi nền kinh tế Hàn Quốc bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19.

So với cùng kỳ năm 2023, nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 3,3% trong quý I/2024, cao hơn mức tăng trưởng 2,1% trong quý cuối cùng của năm 2023.

* BoK hôm 4/6 cho biết, dự trữ ngoại hối của nước này giảm mạnh trong tháng 5/2024 do tiền gửi giảm và ngân hàng này đã cung cấp USD cho quỹ hưu trí quốc gia theo thỏa thuận hoán đổi ngoại tệ.

Cụ thể, dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đạt 412,83 tỷ USD tính đến cuối tháng 5/2024, giảm 3,51 tỷ USD so với tháng trước đó, trong đó, giá trị tiền gửi đạt 18,5 tỷ USD, giảm 350 triệu USD so với tháng 4. Còn chứng khoán nước ngoài, chiếm 89,7% dự trữ ngoại hối, được định giá ở mức 370,41 tỷ USD, giảm 200 triệu USD so với một tháng trước đó.

ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Nghiên cứu Toàn cầu của Ngân hàng HSBC cho biết, người tiêu dùng Philippines hiện đang chi tiêu ít hơn cho hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, đồng thời tiêu thụ nhiều mặt hàng không thiết yếu hơn. Theo HSBC, sự thay đổi này không có gì đáng ngạc nhiên khi Philippines tiến gần hơn đến trạng thái nền kinh tế “thu nhập trung bình cao”.

Trong báo cáo ngày 30/5, HSBC ghi nhận “sự giảm tốc đáng kể” về mức tăng trưởng trung bình của chi tiêu thực phẩm, quần áo và trang trí nội thất gia đình trong năm 2023. Ngược lại, chi tiêu của người tiêu dùng Philippines vào nhà hàng, khách sạn và hàng hóa giải trí cũng như đồ chơi, dụng cụ, sách và dịch vụ như phòng tập thể dục tăng trưởng hơn 10%. Chi phí cho vận tải cũng tăng trưởng ở mức “hai con số”.

* Nội các Thái Lan ngày 4/6 đã phê duyệt về nguyên tắc đề xuất của Bộ Tài chính về việc thu thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu có giá trị trên 1 Baht (0,027 USD) trong nỗ lực ngăn chặn hàng nhập khẩu giá rẻ đang tràn ngập thị trường nội địa.

Ngưỡng thu thuế VAT mới sẽ có hiệu lực 15 ngày sau khi được công bố chính thức trên Công báo Hoàng gia, sau đó sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31/12/2024.

* Trong cuộc làm việc với Hạ viện Indonesia (DPR) ở Jakarta ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này Sri Mulyani Indrawati nhấn mạnh, việc quản lý nợ trong năm 2025 cần phải được xử lý thận trọng.

Bộ trưởng dự báo lãi suất sẽ tiếp tục ở mức cao trong thời gian dài nên sẽ có tác động đến ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc quản lý nợ thận trọng là điều cần thiết.

Bộ Tài chính Indonesia đã đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách nhà nước (APBN) năm 2025 trong khoảng từ 2,45% đến 2,82%.