Kinh tế thế giới
Một tàu chở dầu neo tại cảng Kozmino, vịnh Nakhodka, gần thành phố Nakhodka, Nga, tháng 12/2022. (Nguồn: Reuters) |
OPEC nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu
Báo Arab News của Saudi Arabia ngày 10/7 dẫn báo cáo hằng tháng vừa công bố của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết, liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ này đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 lên 2,9%, từ mức dự báo 2,8% được đưa ra trước đó.
Báo cáo tháng 7/2024 của OPEC lưu ý rằng, đà tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn vẫn ổn định trong nửa đầu năm 2024 và xu hướng này có thể tiếp tục trong những tháng tới.
Mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới của OPEC cao hơn so với dự báo gần đây của Ngân hàng thế giới (WB). Hồi tháng 6/2024, WB dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ổn định ở mức 2,6% năm 2024.
Trong báo cáo phân tích mới nhất, OPEC nhấn mạnh nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức 2,9% vào năm 2025, không thay đổi so với dự báo được đưa ra vào tháng trước.
Tổ chức này cho biết thêm, nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng lần lượt 2,25 triệu thùng/ngày và 1,85 triệu thùng/ngày trong năm 2024 và năm 2025, không thay đổi so với dự báo trong báo cáo tháng trước.
Báo cáo của OPEC đánh giá các thị trường bao gồm Trung Quốc, Trung Đông, Ấn Độ và Mỹ Latinh sẽ là lực đẩy cho tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới.
Mỹ
* Các nhà lãnh đạo của Goldman Sachs Asset Management (GSAM) dự đoán kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc và tăng trưởng khoảng 2% trong nửa cuối năm 2024. Theo GSAM, các chỉ số chứng khoán sẽ hầu như “đứng yên” do tăng trưởng thu nhập chậm lại và tâm lý lo ngại về những diễn biến trên chính trường Mỹ và quốc tế.
Trong một báo cáo, GSAM cho rằng dự đoán trên khiến bối cảnh đầu tư trở nên phức tạp hơn, nhưng vẫn mang lại nhiều cơ hội, trong đó phải kể đến cổ phiếu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Trung Quốc
* Theo các chuyên gia kinh tế, số liệu thương mại dự kiến công bố ngày 12/7 có thể cho thấy xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 15 tháng trong tháng 6/2024, do các nhà sản xuất tăng cường xuất hàng trước khi các thị trường xuất khẩu lớn của nước này tiến hành các đợt áp thuế mới.
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6/2024 dự kiến tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023, theo dự báo trung bình của 31 nhà kinh tế do hãng tin Reuters thăm dò, tăng từ mức 7,6% trong tháng 5/2024 và là tốc độ tốt nhất kể từ khi đạt mức tăng 10,9% vào tháng 3/2023.
Xuất khẩu tăng mạnh dự kiến là một trong những điểm sáng đối với kinh tế Trung Quốc.
* Thông báo mới đây trên trang web chính thức của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, bộ này sẽ khởi động cuộc điều tra chính thức về rào cản thương mại và đầu tư đối với các quy định liên quan mà Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng trong cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các công ty của Trung Quốc.
Theo bộ trên, cuộc điều tra được tiến hành theo kiến nghị của Phòng Thương mại quốc gia về xuất nhập khẩu máy móc và thiết bị điện tử. Khiếu nại này chủ yếu đề cập các sản phẩm như đầu máy xe lửa, thiết bị quang điện, điện gió và kiểm tra an ninh.
Cuộc điều tra có thể sẽ kéo dài đến ngày 10/1/2025, song có thể thêm ba tháng trong những trường hợp đặc biệt.
Châu Âu
* Ngày 10/7, thành phố cảng Rotterdam của Hà Lan đã ra mắt con tàu vận chuyển container đầu tiên chạy bằng methanol. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong "hành trình xanh" hướng tới giảm thiểu lượng khí thải carbon khổng lồ của ngành vận tải biển.
Theo lịch trình, Eco-Maestro, tàu vận chuyển container có trọng tải 13.675 tấn, sẽ khởi hành đến Antwerp (Bỉ) trong vài ngày tới, trước khi tiếp tục hành trình đến Klaipeda ở Lithuania (Lít-va) và Riga ở Latvia (Lát-vi-a). Với khả năng vận chuyển hơn 1.200 container tiêu chuẩn, Eco-Maestro là một trong số ít tàu trên toàn cầu có thể sử dụng linh hoạt cả hai loại nhiên liệu: methanol sinh học và nhiên liệu thông thường vốn gây ô nhiễm hơn.
* Các tập đoàn năng lượng Eni của Italy và Repsol của Tây Ban Nha hôm 8/7 thông báo vừa phát hiện thêm một mỏ dầu tại khu vực ngoài khơi bờ biển phía Nam Mexico với trữ lượng lên tới 400 triệu thùng.
Theo đó, mỏ có độ sâu 525m, được khoan thăm dò ở độ sâu 2.931m nằm ở khu vực lô số 9- giếng thăm dò Yopaat 1, vùng nước sâu ngoài khơi Vịnh Mexico và cách bờ biển khoảng 63 km.
Tập đoàn Eni cho biết doanh nghiệp tìm thấy mỏ dầu trên trong quá trình thăm dò các lô 7 và 10 ở lưu vực Đông Nam Vịnh Mexico.
* Lượng dầu thô xuất khẩu của Nga trong tuần kết thúc ngày 7/7 giảm mạnh nhất kể từ trước khi nổ ra xung đột với Ukraine vào năm 2022.
Theo số liệu từ việc theo dõi các tàu và báo cáo của các đại lý tàu biển, tổng cộng 25 tàu vận chuyển 18,7 triệu thùng dầu thô xuất khẩu của Nga trong tuần trước, giảm mạnh so với 25,66 triệu thùng của tuần trước đó.
Lượng dầu thô xuất khẩu được vận chuyển bằng đường biển của Nga trong tuần trước giảm khoảng 990.000/ngày, xuống 2,67 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tuần cuối cùng của tháng 1/2024, khi các cơn bão cản trở hoạt động xuất khẩu từ cảng Kozmino ở Thái Bình Dương.
Lượng xuất khẩu trung bình bốn tuần cũng giảm khoảng 215.000 thùng/ngày, xuống mức thấp nhất trong 20 tuần là 3,27 triệu thùng.
Sau khi giảm trong tuần trước, xuất khẩu dầu thô của Nga kể từ đầu năm nay gần như không đổi so với mức trung bình của cả năm ngoái.
* Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khoản tiền Ukraine nợ IMF sau khi nhận được đợt cho vay mới đã tăng lên 13,8 tỷ USD, đưa Ukraine trở thành nước vay nợ lớn thứ hai của thể chế tài chính này thay vì Ai Cập.
Ngày 28/6, ban lãnh đạo IMF đã hoàn thành đợt đánh giá lần thứ tư về chương trình hỗ trợ tài chính cho Ukraine và phê duyệt phân bổ đợt hỗ trợ mới cho nước này với số tiền 2,2 tỷ USD.
Khoản tiền Ukraine nợ IMF đứng ở mức 11,6 tỷ USD tính đến ngày 28/6, trở thành nước vay lớn thứ ba của quỹ này. Tuy nhiên, sau đợt vay mới, khoản nợ của nước này đã tăng lên 13,8 tỷ USD, khiến Ukraine trở thành con nợ lớn thứ hai và Ai Cập tụt xuống vị trí thứ ba với khoản nợ 13,6 tỷ USD.
Con nợ lớn nhất của IMF nhiều năm nay là Argentina, nước năm 2018 đã nhận được hạn mức tín dụng lớn nhất trong lịch sử của IMF với số tiền 57 tỷ USD. Ba con nợ lớn nhất hiện chiếm 46% tổng dư nợ của IMF.
* Theo phân tích của Viện nghiên cứu kinh tế vĩ mô và chu kỳ kinh doanh (IMK) có quan hệ gần gũi với các công đoàn, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Đức khá ổn định xét theo chi phí tiền lương.
Theo nghiên cứu, chi phí lao động mỗi giờ làm việc trong khu vực tư nhân ở Đức tăng trung bình hằng năm là 5% vào năm 2023. IMK đánh giá, đây là con số tương đối cao so với nhiều năm, nhưng thấp hơn đáng kể mức 6,5% của năm 2022.
* Theo kết quả khảo sát được công bố ngày 9/7, chi tiêu tiêu dùng tại Anh đã giảm trong tháng 6/2024 do thời tiết xấu. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy đà tăng trưởng kinh tế chậm chạp của nước này.
Barclays cho biết, chi tiêu trên thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của ngân hàng này đã giảm 0,6% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2021.
Tương tự, Hội đồng Bán lẻ Anh (BRC) cũng cho rằng, thời tiết lạnh giá là nguyên nhân khiến doanh số bán hàng giảm 0,2% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 0,7% vào tháng 5.
Những số liệu này phù hợp với các dấu hiệu khác cho thấy kinh tế Anh đang tăng trưởng chậm lại, sau khi phục hồi trong quý đầu tiên từ đợt suy thoái vào nửa cuối năm 2023.
Nhật Bản và Hàn Quốc
* Theo tờ Nikkei Shimbun ngày 8/7, 8 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản đang đẩy mạnh kế hoạch đầu tư vào ngành bán dẫn, với giá trị lên tới 5.000 tỷ Yen (khoảng 31 tỷ USD) cho đến năm 2029. Với quyết tâm cao và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, các doanh nghiệp này đang trở thành động lực chính để thúc đẩy đầu tư trong nước.
Tờ báo trên đã tổng hợp kế hoạch đầu tư vốn cho giai đoạn 2021-2029 do 8 nhà sản xuất chất bán dẫn lớn trong nước gồm Fuji Electric, Rapidus, Renesas Electronics, Toshiba, Kioxia Holdings, ROHM, Sony, Mitsubishi Electric với tổng số vốn lên tới 5.000 tỷ Yen.
* Tiền lương thực tế của Nhật Bản trong tháng 5/2024 đã giảm 1,4% so với một năm trước đó, với mức giảm kéo dài đến tháng thứ 26 liên tiếp do mức tăng lương cao nhất trong hơn ba thập niên vẫn chưa vượt qua lạm phát.
Dữ liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cho thấy, mức giảm trong tháng 5/2024 lớn hơn mức giảm 1,2% đã điều chỉnh trong tháng 4/2024, với chi phí nguyên vật liệu cao hơn và đồng Yen suy yếu đã đẩy chi phí nhập khẩu lên cao.
* Mạng tuyển dụng việc làm trực tuyến hàng đầu Hàn Quốc Job Korea ngày 9/7 đã công bố ra mắt trang “Kickstart Life in Korea” (KliK), chức năng tuyển dụng dành riêng cho người nước ngoài.
Với số lượng người nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc đạt 1 triệu, mức cao nhất từ trước đến nay, cổng thông tin tìm kiếm việc làm trực tuyến Job Korea đã bắt đầu nhắm đến thị trường tuyển dụng người nước ngoài.
Thông qua trang KliK mới này, Job Korea sẽ đóng vai trò như người hướng dẫn cho những lao động nước ngoài tìm việc ngay trong giai đoạn đầu khi họ mới đến Hàn Quốc.
* Số liệu tạm thời từ Bộ Công nghiệp và Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc công bố hôm 7/7 cho biết, xuất khẩu ô tô của nước này trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay ước tính đã tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước đạt 37,01 tỷ USD, đánh dấu mức cao nhất trong nửa đầu năm.
Kim ngạch xuất khẩu ô tô năm 2023 của Hàn Quốc đạt kỷ lục 35,65 tỷ USD, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2022. Kể từ năm 2021, xuất khẩu ô tô đã chứng kiến mức tăng trưởng dương trong nửa đầu năm tính trên cơ sở hàng năm trong bốn năm liên tiếp.
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Trong báo cáo phân tích vừa công bố, Ngân hàng Quốc gia Qatar (QNB) cho rằng, dòng vốn và khả năng phục hồi kinh tế đã đưa thị trường tài chính của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào trạng thái tương đối ổn định.
Báo cáo của QNB nêu bật khả năng phục hồi của các nền kinh tế lớn trong ASEAN, gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines, trước những thay đổi đột ngột trong tâm lý rủi ro và dòng vốn.
QNB lưu ý rằng dự trữ ngoại hối mạnh đóng vai trò như một lớp đệm quan trọng để hấp thụ những cú sốc bên ngoài, cho rằng nguồn dự trữ này cần được đánh giá dựa trên các yêu cầu về dòng vốn bên ngoài ngắn hạn cũng như những chỉ số kinh tế vĩ mô khác.
* Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia đang cân nhắc kế hoạch xuất khẩu quặng bauxite trở lại, sau lời kêu gọi của Hạ viện về việc bãi bỏ lệnh cấm này như một phần trong nỗ lực phát triển kinh tế tại các khu vực khai thác.
Trong phiên điều trần mới đây, ông Maman Abdurrahman, Phó Chủ tịch Ủy ban Hạ viện VII giám sát năng lượng và tài nguyên khoáng sản, cho biết Hạ viện "khuyến khích mạnh mẽ" việc hủy bỏ quy định này, đồng thời đề xuất Bộ Năng lượng và Khoáng sản nên chuyển thành hạn chế hạn ngạch xuất khẩu.
Trước đó, Indonesia đã cấm xuất khẩu bauxite và đồng từ tháng 6/2023, sau khi áp dụng chính sách tương tự với các công ty khai thác nickel vào đầu năm 2020.
* Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim ngày 9/7 cho biết, nước này có thể trở thành quốc gia đối tác của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) trước khi hoàn tất quá trình tham gia nhóm này.
Tại phiên họp Quốc hội, Thủ tướng Anwar phát biểu, quá trình gia nhập BRICS của Malaysia sẽ cần thêm một thời gian trước khi hoàn tất, song mối quan hệ tốt đẹp giữa Malaysia với các quốc gia thành viên BRICS sẽ giúp nước này trở thành quốc gia đối tác của nhóm này, đồng thời khẳng định việc tham gia BRICS không xung đột với chính sách đối ngoại của Malaysia.