Năm 2024, xuất khẩu dầu thô của Nga sẽ đạt 239,9 triệu tấn, tương đương 4,8 triệu thùng/ngày, tăng nhẹ so với mức 238,3 triệu tấn năm ngoái. (Nguồn: The Moscow Times) |
Kinh tế thế giới
FAO hạ dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm 2024
Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) mới đây công bố số liệu cho thấy chỉ số giá lương thực thế giới đã giảm nhẹ trong tháng 8/2024, do mức giảm của giá đường, thịt và ngũ cốc lấn át đà tăng giá của các sản phẩm sữa và dầu thực vật.
Cụ thể, chỉ số giá, do FAO thực hiện để theo dõi các mặt hàng lương thực được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, giảm xuống còn 120,7 điểm trong tháng trước, từ mức 121 điểm (đã được điều chỉnh) của tháng 7. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này giảm 1,1% và giảm tới 24,7% so với mức đỉnh đạt được hồi tháng 3/2022.
Chỉ số này đã chạm mức thấp nhất 3 năm trong tháng 2 năm nay, khi giá lương thực giảm từ mức cao kỷ lục ghi nhận hồi tháng 3/2022 sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Trong một báo cáo khác, FAO đã giảm 2,8 triệu tấn trong dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm nay về 2.851 tỷ tấn, gần bằng mức sản lượng của năm ngoái. Việc hạ dự báo này chủ yếu là do dự báo sản lượng ngũ cốc thô tại Liên minh châu Âu (EU), Mexico và Ukraine giảm xuống do thời tiết khô nóng.
Ngoài ra, dự báo lượng tiêu thụ ngũ cốc của thế giới trong mùa vụ 2024/2025 cũng được giảm 4,7 triệu tấn so với tháng 7 xuống còn 2.852 tỷ tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ trong mùa vụ 2023/24. Trong khi đó, FAO cũng giảm 4,5 triệu tấn trong dự báo về lượng ngũ cốc dự trữ vào thời điểm kết thúc mùa vụ 2025 xuống còn 890 triệu tấn.
Mỹ
* Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 11/9, chỉ số giá tiêu dùng của nước này đã tăng nhẹ trong tháng 8/2024, trong khi lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao do giá thuê nhà và chi phí cho một số dịch vụ tăng cao, làm gia gia tăng khả năng Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ không cắt giảm lãi suất mạnh mẽ trong tuần tới.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,2% trong tháng 8/2024, tương đương với mức tăng của tháng 7. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 8, CPI tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 2/2021, sau khi tăng 2,9% vào tháng 7.
Trung Quốc
* Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 10/9, tính theo đồng Nhân dân tệ (NDT), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thương mại hàng hóa của nước này trong 8 tháng kể từ đầu năm 2024 đạt 28.580 tỷ NDT (khoảng 4.013 tỷ USD), tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 16.450 tỷ NDT (khoảng 2.310 tỷ USD), nhập khẩu đạt 12.130 tỷ NDT (khoảng 1.703 tỷ USD), tăng lần lượt là 6,9% và 4,7% so với cùng kỳ năm trước; thặng dư thương mại tăng 13,6%.
Chỉ tính riêng trong tháng 8/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt là 3.750 tỷ NDT (khoảng 526,6 tỷ USD), tăng 4,8% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 8,4%, cao hơn 1,9 điểm phần trăm so với tháng 7/2024; kim ngạch nhập khẩu không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.
* Tờ Global Times ngày 7/9 dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nước ngoài Trung Quốc, He Zhenwei, nói rằng "tiềm năng hợp tác giữa Trung Quốc và Nga ở Viễn Đông là rất lớn", trong đó đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực sản xuất của Nga đã trở thành điểm sáng mới.
Theo quan chức trên, tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 9 tổ chức tại thành phố Vladivostock, Nga, kết thúc hôm 6/9, ba công ty thành viên của Hiệp hội đã trao đổi với các đối tác Nga về việc xây dựng nhà thông minh và sản xuất robot, dự kiến sẽ hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực mới nổi.
Châu Âu
* Bộ Kinh tế Nga đã nâng dự báo kim ngạch xuất dầu khẩu dầu khí năm nay thêm 17,4 tỷ USD so với ước tính trước đó lên 257,1 tỷ USD do giá nhiên liệu có triển vọng tăng. Dầu mỏ và khí đốt hiện là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nước này.
Tài liệu của Bộ Kinh tế Nga cho thấy, năm nay, xuất khẩu dầu thô của Nga sẽ đạt 239,9 triệu tấn, tương đương 4,8 triệu thùng/ngày, tăng nhẹ so với mức 238,3 triệu tấn năm ngoái.
Bộ Kinh tế Nga cũng dự báo giá dầu xuất khẩu trung bình năm nay là 70 USD/thùng, tăng 5 USD so với ước tính hồi tháng 4. Con số này cao hơn mức 64,5 USD/thùng năm ngoái và giá trần 60 USD/thùng mà Phương Tây áp lên dầu Nga. Giá khí đốt tự nhiên cũng tăng, với cả khách hàng châu Âu và Trung Quốc.
Các dự báo trên đi ngược với mục tiêu của phương Tây là giáng đòn lên kinh tế Nga sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine. Nga cho biết lệnh trừng phạt của phương Tây lên các ngành kinh tế chủ chốt chỉ giúp nước này tự chủ hơn.
* Ngân hàng lớn nhất châu Âu HSBC đang cân nhắc sáp nhập hai trong ba bộ phận chính là ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư nhằm cắt giảm chi phí.
Theo đề xuất, bộ phận ngân hàng thương mại sẽ sáp nhập với bộ phận thị trường và ngân hàng toàn cầu. Nếu được thực hiện, kế hoạch sáp nhập này sẽ tạo ra một bộ phận mới siêu lớn của HSBC, được dự đoán sẽ tạo ra khoảng 40 tỷ USD doanh thu hàng năm, qua đó trở thành bộ phận lớn nhất của HSBC.
* Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ hạ lãi suất một lần nữa trong tuần này khi lạm phát có xu hướng giảm trở lại mức mục tiêu 2%, nhưng các nhà hoạch định chính sách chưa bình luận thêm về các động thái trong tương lai.
Đây sẽ là lần cắt giảm lãi suất thứ hai của ECB kể từ năm 2019. Theo số liệu chính thức, lạm phát của Khu vực đồng Euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm vào tháng 8/2024. Niềm tin của các nhà hoạch định chính sách vào việc cắt giảm lãi suất đã được củng cố bởi các dấu hiệu cho thấy lạm phát, vốn đã biến động mạnh trong năm qua, hiện đang trên đà giảm liên tục.
* Lạm phát của Đức trong tháng 8/2024 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm. Thông tin này có thể sẽ giúp ECB dễ dàng cắt giảm lãi suất trong tuần này, theo dự báo của các chuyên gia.
Lạm phát tại Đức đã giảm xuống 2,0% trong tháng 8/2024, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021 nhờ giá năng lượng giảm. Trong khi lạm phát trong tháng 7/2024 đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
* Theo tổ chức Fresh Produce Consortium, Anh đang đề xuất hoãn kiểm tra các loại trái cây và rau quả nhập khẩu từ EU thêm 6 tháng nữa cho đến tháng 7/2025.
Giai đoạn tiếp theo, sẽ bao gồm mặt hàng trái cây và rau quả, đã được hoãn lại cho đến ngày 31/1/2025, và theo Fresh Produce Consortium, Bộ Môi trường Anh Defra đang đề xuất tiếp tục hoãn giai đoạn này đến ngày 1/7/2025.
* Ngày 8/9, Bộ trưởng Năng lượng Italy Gilberto Pichetto Fratin cho biết nước này có kế hoạch soạn thảo các quy định cho phép sử dụng các công nghệ điện hạt nhân mới vào đầu năm 2025, báo hiệu khả năng đảo ngược lệnh cấm sản xuất điện hạt nhân hiện tại của nước này.
Bộ trưởng Pichetto Fratin gần đây đã phân công cho Giáo sư Giovanni Guzzetta nghiên cứu cách thức các nhà máy điện dựa trên công nghệ hạt nhân mới có thể được miễn lệnh cấm. Những công nghệ này bao gồm lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) và lò phản ứng mô-đun tiên tiến (AMR) mà chính phủ tin rằng có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của mình.
Trong kế hoạch năng lượng và khí hậu (PNIEC), chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Giorgia Meloni ước tính năng lượng hạt nhân có thể đáp ứng tới 11% nhu cầu năng lượng trong nước vào năm 2050.
Nhật Bản và Hàn Quốc
* Bà Junko Nakagawa, một quan chức của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), vừa nhắc lại quan điểm của ngân hàng này về việc sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu diễn biến kinh tế và lạm phát của Nhật Bản phù hợp với dự kiến.
Những phát biểu của bà Junko Nakagawa đã đẩy đồng Yen tăng lên mức cao nhất so với đồng USD kể từ tháng 12/2023 lên hơn 140 Yen đổi 1 USD tại thị trường Tokyo, đồng thời cho thấy BoJ đang chuẩn bị cho việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa sau khi tăng lãi suất hai lần kể từ đầu năm 2024 đến nay.
BoJ dự kiến tổ chức một cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày bắt đầu từ ngày 19/9 để xác định xem có cần tăng lãi suất tiếp hay không.
* Tập đoàn hóa chất Nhật Bản Nippon Shokubai sẽ xây dựng một nhà máy trị giá 37,5 tỷ Yen (263 triệu USD) để sản xuất một loại vật liệu có thể kéo dài tuổi thọ của pin xe điện (EV) thêm khoảng 60%.
Dự kiến, nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất lithium bis (fluorosulfonyl) imide (LiFSI) - một loại chất điện phân pin lithium-ion mới vào năm 2028.
* Lần đầu tiên Hàn Quốc có hơn 10 công ty phi tài chính dự kiến nhận được xếp hạng tín dụng hạng A (A-, A3 hoặc cao hơn) từ ba cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới - Standard & Poor's (S&P), Moody's và Fitch Ratings.
Một phân tích của tờ The Dong-A I lbo ngày 10/9 về dữ liệu từ hệ thống công bố thông tin điện tử của Cơ quan Giám sát tài chính cho thấy, tính đến nửa đầu năm 2024, có 9 công ty, không bao gồm các công ty tài chính, bảo hiểm và đầu tư, đã được ba cơ quan tín dụng nói trên hàng đầu xếp hạng A. 5 năm trước, chỉ có 7 công ty được xếp hạng như vậy.
Sự gia tăng này là do các công ty như Hyundai Motor, Kia, Hyundai Mobis và POSCO Holdings được nâng mức xếp hạng. Các chuyên gia cho rằng thành tích này là nhờ khả năng quản lý khủng hoảng của các công ty Hàn Quốc trong bối cảnh đại dịch, gián đoạn chuỗi cung ứng và bất ổn địa chính trị.
Vì các công ty được xếp hạng A lâu năm như Korea Electric Power Corporation (KEPCO) và Korea Gas Corporation dự kiến sẽ được đánh giá vào nửa cuối năm, con số này có khả năng sẽ lần đầu tiên tăng lên hơn 10 công ty. Cho đến nay, số lượng các công ty Hàn Quốc được xếp hạng A vẫn luôn ở mức dưới 10, dao động từ 7 công ty vào năm 2014 đến 9 công ty vào năm 2023.
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Chính phủ Indonesia dự kiến sẽ mở lại hoạt động xuất khẩu cát biển vào tháng 10/2024, sau khi Bộ Thương mại sửa đổi hai quy định cấp bộ, cho phép các công ty khai thác được cấp giấy phép vận chuyển loại hàng hóa này ra nước ngoài.
Tổng cục trưởng Ngoại thương, Bộ Thương mại, Isy Karim, cho biết bản sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày 8/10 tới, do Bộ Hàng hải và Thủy sản đề xuất. Quy định này đã dỡ bỏ lệnh cấm kéo dài hàng thập niên. Theo ông, việc xuất khẩu trầm tích biển, bao gồm cát biển, chỉ có thể tiến hành sau khi đảm bảo đủ nguồn cung cho nhu cầu trong nước và tuân thủ các luật liên quan.
* Cục Thuế Thái Lan đang có kế hoạch áp đặt thuế bổ sung 15% đối với các công ty xuyên quốc gia hoạt động tại nước này bắt đầu từ năm 2025. Đây là yêu cầu cần thiết để đáp ứng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (GMT). Tuy nhiên, chính sách thuế mới sẽ đặt ra một thách thức lớn cho chính phủ Thái Lan, trong bối cảnh nước này tiếp tục nỗ lực tìm cách duy trì khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu Thái Lan không áp dụng quy định trên, các công ty đa quốc gia hoạt động tại nước này này vẫn phải trả GMT tại quốc gia "quê hương" của họ hoặc tại các nước khác nơi họ đăng ký tư cách pháp nhân. Điều này có thể khiến Thái Lan mất đi nguồn thu thuế tiềm năng, vì thuế bổ sung sẽ được thu ở nơi khác thay vì mang lại lợi ích cho nền kinh tế Thái Lan.
* Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Philippines, nhập khẩu gạo của nước này từ tháng 1-8/2024 đạt tổng cộng 2,8 triệu tấn, cao hơn 19% so với mức 2,3 triệu tấn cùng kỳ năm 2023.
Trong báo cáo mới nhất, Cục Thực vật Philippines (BPI) thuộc bộ trên cho biết, chỉ riêng trong tháng 8/2024, lượng gạo nhập khẩu của quốc gia này đã tăng lên 296.350 tấn từ mức 167.403 tấn của tháng 7/2024. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức trung bình hằng tháng là 400.000 tấn được ghi nhận trong những tháng trước đó.