Kinh tế thế giới
Apple tăng trưởng mạnh nhất trong số các nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn với lượng xuất khẩu trong quý II/2023 đạt 6,8 triệu chiếc và thị phần của tập đoàn tăng lên 11% so với mức 6,4% cùng kỳ năm trước. (Nguồn: Reuters) |
Tốc độ giảm xuất khẩu máy tính cá nhân toàn cầu chậm lại
Dữ liệu từ công ty nghiên cứu Canalys cho thấy, tốc độ sụt giảm xuất khẩu máy tính cá nhân toàn cầu đã chậm lại trong quý II/2023.
Trong thời gian này, tập đoàn công nghệ Apple đã vượt trội trên thị trường với mức xuất khẩu máy tính cá nhân tăng 51% nhờ nhu cầu tăng mạnh đối với mẫu laptop MacBook Air 15 inch mới ra mắt gần đây.
Canalys cho biết, thị trường máy tính cá nhân trên toàn thế giới chỉ giảm 12% trong quý II/2023, thấp hơn nhiều so với mức giảm hơn 30% trong hai quý trước do nhu cầu tăng mạnh bởi học sinh quay trở lại trường học.
Theo Ishan Dutt, nhà phân tích hàng đầu của Canalys, có những dấu hiệu cho thấy nhiều vấn đề ảnh hưởng đến lĩnh vực này đang bắt đầu giảm bớt.
Apple tăng trưởng mạnh nhất trong số các nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn với lượng xuất khẩu trong quý II/2023 đạt 6,8 triệu chiếc và thị phần của tập đoàn tăng lên 11% so với mức 6,4% cùng kỳ năm trước do các rào cản về chuỗi cung ứng giảm bớt và được hưởng lợi từ nhu cầu đối với sản phẩm mới MacBook Air tăng mạnh.
Công ty dẫn đầu thị trường Lenovo cũng công bố mức giảm doanh số bán hàng là 18,1%, thấp hơn mức giảm 30,3% trong quý trước. HP và Dell cũng có mức giảm doanh số bán hàng thấp hơn so với quý trước.
Tuy nhiên, Canalys dự báo, xuất khẩu máy tính cá nhân toàn cầu trong năm 2023 sẽ thấp hơn so với năm 2022 do người tiêu dùng ưu tiên chi tiêu các mặt hàng cần thiết trước tình hình lạm phát cao và lãi suất tăng. (Reuters)
Kinh tế Mỹ
* Theo báo cáo Beige Book được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố ngày 12/7, hoạt động kinh tế của nước này đã tăng nhẹ trong những tuần gần đây và tốc độ tăng trưởng chậm có thể tiếp tục duy trì trong những tháng tới.
Báo cáo, được Fed tập hợp từ kết quả khảo sát của 12 chi nhánh ngân hàng trung ương khu vực tính đến ngày 30/6, cho thấy hoạt động kinh tế của Mỹ nói chung tăng nhẹ kể từ cuối tháng 5/2023, trong đó 5 khu vực ghi nhận sự tăng trưởng, 5 khu vực không có sự thay đổi và 2 khu vực giảm nhẹ. Fed cũng kỳ vọng tổng thể nền kinh tế trong những tháng tới nhìn chung sẽ tăng trưởng chậm lại. (AFP)
* Trả lời phỏng vấn trong chương trình "Face the Nation" của đài CBS ngày 9/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, đến giờ, Washington vẫn chưa loại trừ khả năng nền kinh tế số 1 thế giới rơi vào suy thoái.
Theo bà, tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải và lạm phát vẫn quá cao là điều hiện có thể chấp nhận được ở Mỹ. Tăng trưởng việc làm hằng tháng đang chậm lại như dự kiến sau khi duy trì ở mức cao và có cơ sở để tin tưởng vào giải pháp nhằm giảm lạm phát trong bối cảnh thị trường lao động mạnh mẽ.
Trong khi đó, theo phân tích của hãng tin Bloomberg, kịch bản suy thoái kinh tế ở Mỹ sẽ bắt đầu vào cuối năm 2023, trùng với thời điểm tiêu dùng suy giảm vừa phải. (Bloomberg)
Kinh tế Trung Quốc
* Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), từ đầu năm đến nay, lạm phát của nước này chỉ tăng nhẹ, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6/2023 tăng 0,7%.
Tuy vậy, chỉ số CPI của nền kinh tế số 2 thế giới trong tháng 6/2023 không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, chỉ số này tăng 0,2% trong tháng 5/2023. CPI cơ bản, không bao gồm giá lương thực và năng lượng, trong tháng 6/2023 tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. (THX)
* Giá của nhà sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 6/2023 giảm với tốc độ nhanh nhất trong 7 năm rưỡi, trong khi lạm phát giá tiêu dùng thấp nhất kể từ năm 2021, làm tăng khả năng các nhà hoạch định chính sách thực hiện các biện pháp kích thích bổ sung để thúc đẩy nhu cầu.
Đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch đã chậm lại sau khi khởi sắc trong quý I, khi hoạt động chế tạo yếu và lòng tin của người tiêu dùng thấp.
Chỉ số giá của nhà sản xuất tháng 6/2023 giảm tháng thứ 9 liên tiếp, khi giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2015. Mức giảm này mạnh hơn so với con số 4,6% trong tháng 5/2023 và mức giảm dự báo 5% theo khảo sát của Reuters. (Reuters)
Kinh tế châu Âu
* Các doanh nghiệp châu Âu lo ngại về nguy cơ có thể bị cuốn vào cuộc cạnh tranh kinh tế đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó một số quan chức bày tỏ sự thất vọng trước phản ứng chậm chạp của châu Âu.
Florent Menegaux, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất lốp xe Pháp Michelin cho biết: “Chúng tôi đang đặc biệt theo dõi sát sao những căng thẳng hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc. Vấn đề địa chính trị rõ ràng có ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của các công ty”. Michelin đang xem xét nguồn cung một số linh kiện để tránh quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Christel Bories, Giám đốc điều hành của tập đoàn khai khoáng Eramet cho biết việc, Trung Quốc thể hiện sức mạnh đối với chuỗi cung ứng kim loại chủ chốt diễn ra sau nhiều năm đầu tư chiến lược. Trong chuỗi giá trị pin EV, vấn đề không chỉ là kiểm soát chuỗi cung ứng mà còn là kiểm soát chi phí. (Reuters)
* Nghị viện châu Âu ngày 11/7 chính thức thông qua kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) trong việc đẩy mạnh nguồn cung chip, một mục tiêu chiến lược nhằm giảm sự phụ thuộc vào châu Á.
Đa số các nghị sỹ, với 587 phiếu thuận và 10 phiếu chống, ủng hộ Đạo luật Chip của EU, với mục tiêu tăng sản lượng chip của EU lên 4 lần vào năm 2030, chiếm 20% thị phần toàn cầu. (AFP)
* Ngày 11/7, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, EU và Australia đã không thể hoàn tất đàm phán về một hiệp định thương mại tự do theo kế hoạch. Đàm phán đã đạt được tiến triển nhưng còn nhiều việc phải làm để giải quyết các vấn đề nổi cộm chính.
EU và Australia khởi động các cuộc đàm phán từ năm 2018 và hy vọng sẽ kết thúc trong tuần này. Tuy nhiên, các bên vẫn tồn tại những bất đồng, đặc biệt là về mức độ mà EU sẽ mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp của Australia, nhất là thịt bò.
Hai bên sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán về khả năng cho phép EU tiếp cận nhiều hơn đối với các sản phẩm năng lượng, nguyên liệu thô và dịch vụ của Australia. (Reuters)
* Trong báo cáo điều kiện kinh doanh hằng tháng, Ngân hàng trung ương Pháp (BoF) ngày 10/7 cho hay, kinh tế Pháp vẫn đang trên đà tăng nhẹ trong quý II/2023 trong bối cảnh hoạt động dịch vụ và công nghiệp tăng.
Nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự kiến tăng 0,1% trong quý II/2023 so với mức tăng 0,2% trong quý trước đó. Dự báo này không đổi so với dự báo được đưa ra ngày 8/6. (Reuters)
* Hãng tin Interfax ngày 11/7 dẫn nguồn từ Ngân hàng trung ương Nga đưa tin, nước này sẽ bắt đầu thử nghiệm phiên bản kỹ thuật số của đồng Ruble với các khách hàng từ tháng Tám tới.
Trước đó, ngày 16/3, Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Nga đã thông qua trong lần đầu tiên một dự luật tạo cơ sở cho việc sử dụng đồng Ruble kỹ thuật số và triển khai thanh toán không dùng tiền mặt bằng đồng tiền này.
Ngân hàng trung ương Nga đã tiến hành thử nghiệm đồng Ruble kỹ thuật số với một số ngân hàng sau khi Phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan đến xung đột tại Ukraine. (Interfax)
* Công ty DNO của Na Uy ngày 10/7 thông báo đã phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất nước này trong hơn 10 năm qua. Theo Bloomberg, trong bối cảnh đó, giá cổ phiếu của doanh nghiệp này đã tăng gần 15%.
Mỏ trên nằm trong khu vực đã có cơ sở hạ tầng cần thiết, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mỏ. Phát hiện này rất đúng lúc khi Na Uy trong năm qua đã tăng mạnh sản lượng để đáp ứng nhu cầu của châu Âu, nơi đang cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. (TTXVN)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Theo báo Nikkei Asia ngày 11/7, các nhà đầu tư Nhật Bản đã mua số lượng trái phiếu nước ngoài trị giá 14.600 tỷ Yen (103 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay, một kỷ lục trong thời gian sáu tháng do thị trường trái phiếu toàn cầu đang thay đổi.
Số tiền mua trái phiếu nước ngoài của các nhà đầu tư Nhật Bản đạt mức cao nhất trước đó là 13.470 tỷ Yen trong nửa cuối năm 2010. Lần đầu tiên trong hai năm, các nhà đầu tư nước này đã mua các trái phiếu trung hạn và dài hạn ở nước ngoài ở mức kỷ lục trong vòng 6 tháng. Việc mua hàng loạt trái phiếu góp phần làm đồng Yen mất giá. (Nikkei Asia)
Nhật Bản ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai ở mức 1.860 tỷ Yen. (Nguồn: AFP) |
* Theo số liệu vừa công bố của chính phủ Nhật Bản, nước này ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai ở mức 1.860 tỷ Yen (13 tỷ USD) trong tháng 5/2023, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, thặng dư tài khoản vãng lai tăng tháng thứ 4 liên tiếp do thâm hụt thương mại của nước này thu hẹp và lợi nhuận đầu tư ra nước ngoài tăng. Thâm hụt thương mại hàng hóa của Nhật Bản trong tháng 5/2023 đã giảm 38,8% xuống 1.190 tỷ Yen. (THX)
* Ngày 12/7, các nguồn tin sở tại cho hay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của Hàn Quốc năm 2022 ước tính là 1.673 tỷ USD, đứng thứ 13 trên thế giới, tụt 3 bậc so với hạng 10 năm 2021.
Căn cứ vào số liệu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK), xét theo quốc gia, 3 thứ hạng đầu tiên vẫn đang lần lượt thuộc về Mỹ (25.462 tỷ USD), Trung Quốc (17.876 tỷ USD) và Nhật Bản (4.225 tỷ USD). Trước đó, GDP của Hàn Quốc đã lọt vào top 10 vào năm 2018 nhưng năm 2019 đã tụt 2 bậc và rớt xuống vị trí thứ 12 sau đó lấy lại vị trí thứ 10 vào năm 2020 và duy trì vị trí này trong năm 2021. (TTXVN)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Theo trang mạng sbs.com.au, người dân Australia đang phải vật lộn để trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao, trong bối cảnh giá hàng tạp hóa tăng gần 10% và mỗi gia đình phải gánh chịu mức tăng chi phí mua sắm thực phẩm trung bình là 1.565 AUD (1.045 USD) mỗi năm.
Cuộc khảo sát do trang Compare the Market thực hiện cho thấy, 1/3 số người được hỏi cho biết chi phí thực phẩm liên tục tăng đang trở thành gánh nặng tài chính lớn nhất của họ. Các hóa đơn tiền chợ đã vượt qua các mối quan tâm tài chính lớn khác như trả nợ mua nhà, tiền thuê nhà và chi phí năng lượng. Mặc dù các chi phí này lần lượt chiếm 24,1%, 15,2% và 7,7%, nhưng có tới 32% số người được hỏi cho rằng hóa đơn thực phẩm là mối lo lắng tài chính hàng đầu của họ.
Theo cuộc khảo sát, tháng 9/2021, chi phí tiền chợ trung bình ở mức 169,35 AUD (113 USD) mỗi tuần. Tuy nhiên, đến tháng 6/2022, con số này đã tăng lên 184,21 AUD (123 USD) và hiện tăng lên 199,46 AUD (133 USD). (TTXVN)
* Ngày 12/7, Hội nghị thường niên lần thứ sáu Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN) đã khai mạc tại Bali, Indonesia với sự tham dự của đại diện các quốc gia và địa phương trong khu vực.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Indonesia Muhammad Tito Karnavian kêu gọi các chính phủ tiếp tục thúc đẩy triển khai thành phố thông minh bằng cách xây dựng nền tảng vững chắc để đối phó với các thách thức đô thị hóa và phát triển, cũng như xây dựng năng lực thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp. (TTXVN)
* Ngày 10/7, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết, quốc gia này đang nhắm mục tiêu vào các thị trường phi truyền thống ở Nam Á như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Theo ông Zulkifli, các thị trường xuất khẩu phi truyền thống mà Indonesia hướng đến đều là những nước có tiềm năng kinh tế lớn, bao gồm các quốc gia ở Châu Mỹ Latinh, Trung và Đông Âu, châu Phi, Nam và Trung Á, và Thái Bình Dương.
Quan chức trên nhấn mạnh: “Những quốc gia đó có tiềm năng thị trường rất lớn. Châu Phi có 1,4 tỷ người, Nam Á có 2 tỷ người và Trung Đông có 500 triệu người. Chúng tôi sẽ nghiên cứu vấn đề này”. (TTXVN)