Kinh tế thế giới
WTO nâng dự báo tăng trưởng thương mại cho năm 2022 lên 4,7%, cao hơn 0,7 điểm phần trăm so với dự báo công bố vào tháng 3/2021. (Nguồn: iStock) |
WTO nâng dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu
Ngày 4/10, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã công bố dự báo mới nhất về tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay và năm sau. WTO cho rằng trong năm 2021, hoạt động thương mại trên thế giới có thể đạt mức tăng trưởng tới 10,8%, tức tăng thêm 2,8 điểm phần trăm so với mức dự báo công bố hồi tháng 3/2021.
Tương tự, WTO cũng nâng dự báo tăng trưởng thương mại cho năm 2022 lên 4,7%, cao hơn 0,7 điểm phần trăm so với dự báo công bố vào tháng 3/2021.
Cơ sở để các chuyên gia của tổ chức này đưa ra con số dự báo lạc quan trên là nhờ sự gia tăng trở lại của các hoạt động thương mại trên thế giới trong năm 2021 sau một năm đình trệ nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, đặc biệt rơi xuống mức thấp nghiêm trọng trong quý II/2020.
Tuy nhiên, cơ quan này vẫn cảnh báo nguy cơ đà phục hồi của thương mại toàn cầu chững lại do chịu tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 và các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng.
Cũng trong dự báo mới này, WTO cho rằng kim ngạch thương mại thế giới trong năm 2022 sẽ đạt mức tăng trưởng 4,7%, tức tăng 0,7 điểm phần trăm so với dự báo trước đó với mọi hoạt động thương mại sẽ dần quay trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. (Reuters)
Hàn Quốc cân nhắc tham gia CPTPP
Ngày 30/9, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo khẳng định nước này đang cân nhắc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ông cho biết, hiện nước này đang trong quá trình nghiên cứu, tham vấn nội bộ và với các đối tác để đưa ra quyết định cuối cùng.
Seoul được coi là một đối tác lý tưởng của các nước tham gia CPTPP căn cứ trên quy mô thị trường và năng lực trong lĩnh vực công nghệ - thông tin và sản xuất - chế tạo. (Koreaherald)
Kinh tế Mỹ
* Kinh tế Mỹ được dự báo sớm hồi phục. Trước đó, nhiều nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ do suy giảm về tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình và tổng sản lượng đầu ra. Theo đó, tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 3,6% hằng năm trong quý III, giảm hơn một nửa so với dự báo trước đó.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế đã bày tỏ lạc quan đối với sự hồi phục của nền kinh tế số 1 thế giới trong thời gian tới, xuất phát từ việc chính phủ dự kiến tiếp tục triển khai 2 gói trợ cấp, kích cầu kinh tế (tổng trị giá 4,5 nghìn tỷ USD) và cho phép nối lại một số hoạt động sản xuất - kinh doanh. (WSJ)
* Ngày 30/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua dự luật ngân sách tạm thời để chính phủ có thể duy trì hoạt động qua ngày 3/12.
Trong trường hợp chính phủ Mỹ phải đóng cửa vì không còn ngân sách duy trì hoạt động, hàng nghìn công chức sẽ phải nghỉ việc tạm thời, dẫn đến nhiều dịch vụ công sẽ bị đình trệ, gây ảnh hưởng đến quá trình thực thi chính sách của nước này. (AFP)
Kinh tế Trung Quốc
* Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2021 do tình trạng thiếu hụt năng lượng và sản lượng công nghiệp sụt giảm. Theo đó, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7,8% trong năm 2021, giảm so với mức 8,2% được đưa ra trước đó.
Goldman Sachs ước tính có đến 44% hoạt động công nghiệp của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng, khiến tăng trưởng GDP trong quý III/2021 giảm 1 điểm % so với cùng kỳ năm trước. (Economist)
* Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 9 của nước này chỉ đạt 2,5%, thấp hơn nhiều so với mức ước tính 7% theo khảo sát của Bloomberg, chủ yếu là do các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cũng ghi nhận mức giảm về nhu cầu sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong tháng 8.
Trước tình hình kinh tế không mấy lạc quan như hiện tại, nhiều nhà kinh tế kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp tín dụng, khoản vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. (SCMP)
Kinh tế châu Âu
* Ủy viên về năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson cho biết, các nước EU có đủ khí đốt dự trữ để duy trì hết mùa Đông năm nay, nhưng giá khí đốt tăng mạnh cho thấy sự cần thiết phải nhanh chóng chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo và cải cách thị trường khí đốt châu Âu.
Bà Simson cũng cho biết sẽ đề xuất một kế hoạch cải cách thị trường khí đốt châu Âu trước cuối năm nay và xem xét các vấn đề về dự trữ và an ninh nguồn cung trong bối cảnh này.
Giá khí đốt tăng mạnh cho thấy sự cần thiết phải nhanh chóng chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo và cải cách thị trường khí đốt châu Âu. (Nguồn: Getty Images) |
* Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 6/10 cho biết kinh tế Nga sẽ phục hồi mạnh hơn dự kiến trong năm nay. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ, tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp và việc ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ đều gây sức ép lên triển vọng tăng trưởng.
WB dự kiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ tăng khoảng 4,3% trong năm 2021 và 2,8% vào năm 2022, tăng so với dự báo lần lượt là 3,2% và 3,2% đưa ra hồi tháng 6/2021. (TTXVN)
* Hội đồng châu Âu nhất trí thông qua quỹ khẩn cấp trị giá 5,4 tỷ Euro để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các tác động ngắn hạn của Brexit. Số tiền này sẽ chi trả các chi phí phát sinh và đền bù những mất mát hậu Brexit. Ireland, quốc gia EU duy nhất chia sẻ đường biên giới với Anh, sẽ nhận 1,1 tỷ Euro, trong khi Pháp nhận 735 tỷ Euro. (Euronews)
* Ngày 3/10, phát biểu khai mạc Đại hội toàn quốc Đảng Bảo thủ cầm quyền, được tổ chức tại thành phố Manchester, Thủ tướng Anh Boris Johnson bảo vệ những biện pháp của chính phủ trong bối cảnh ngày càng nhiều người than phiền về tình trạng thiếu nhiên liệu, hàng hóa dịp Giáng sinh trong khi các công ty cung cấp khí đốt phải vật lộn với tình trạng giá bán buôn khí đốt tăng mạnh đột biến.
Ông khẳng định sẽ tiếp tục duy trì các quy định khắt khe về nhập cư ngay cả khi nước này thiếu hụt lao động trong nước (trong khi, vấn đề thiếu hụt lao động được cho là một phần nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung hàng hóa). (TTXVN)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Với trọng tâm là khôi phục kinh tế, tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhận định, tăng thu nhập là cách duy nhất giúp vực dậy nền kinh tế nước này.
Ông cho rằng, các biện pháp phân phối lại của cải, thu nhập theo hướng công bằng hơn sẽ giúp các hộ gia đình Nhật Bản tăng tiêu dùng, tạo cơ sở để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, ông Kishida dự kiến sẽ sớm đệ trình lên Quốc hội nước này gói kích thích kinh tế trị giá hàng trăm tỷ USD. (AP)
* Một cuộc thăm dò mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) công bố ngày 5/10 cho thấy, niềm tin của các nhà bán lẻ đã giảm xuống cho quý IV/2021, chủ yếu vì lo ngại các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt để ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19 tại quốc gia này.
KCCI cho biết chỉ số khảo sát kinh doanh bán lẻ (RBSI) do tổ chức này tổng hợp đứng mức 99 cho giai đoạn tháng 10-12/2021, giảm 7 điểm so với ba tháng trước đó. Đây là mức giảm theo quý đầu tiên trong ba quý vừa qua.
Chỉ số RBSI dưới 100 có nghĩa là những người bi quan nhiều hơn những người lạc quan. Trước đó, RBSI của KCCI đạt 106 trong quý III và 103 vào quý đầu tiên của năm nay. KCCI tổng hợp chỉ số này dựa trên cuộc khảo sát khoảng 1.000 doanh nghiệp bán lẻ trên toàn quốc. (Yonhap)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Indonesia cam kết đẩy nhanh tốc độ phát triển các lĩnh vực công nghiệp sử dụng năng lượng xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Indonesia có tiềm năng rất lớn về phát triển năng lượng tái tạo do nước này sở hữu 25% trữ lượng niken của thế giới, một trong những nguyên liệu chính để chế tạo pin xe điện.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Indonesia cam kết tạo điều kiện ưu đãi về thuế, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng cho các nhà công ty nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để phát triển lĩnh vực năng lượng sạch. (TTXVN)
* Campuchia nỗ lực hướng tới mở cửa trở lại tất cả các lĩnh vực. Ngày 3/10, chính phủ Campuchia đã ban hành chỉ thị quy định về các biện pháp phòng, chống dịch đối với lao động quay trở lại làm việc.
Theo đó, các cơ quan của chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức cần xét nghiệm nhanh Covid-19 đối với người lao động quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Lễ Pchum Ben. Nội dung Chỉ thị cũng thắt chặt hơn các quy định về phòng, chống dịch và chế tài xử phạt hành chính. (TTXVN)
Đảo Phuket của Thái Lan đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ tháng 7/2021. (Nguồn: Bangkok Post) |
* Malaysia cân nhắc điều kiện mở cửa biên giới đón du khách nước ngoài. Ngày 30/9, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Hamzah Zainudin cho biết quyết định mở cửa biên giới đón khách du lịch nước ngoài chỉ được đưa ra sau khi Malaysia chuyển sang giai đoạn sống chung với dịch bệnh.
Hiện nay, Malaysia vẫn duy trì lệnh cấm đi lại giữa các bang, chỉ cho phép đi lại trong thành phố và thực hiện “bong bóng du lịch” ở đảo Langkawi đối với những người đã hoàn thành tiêm chủng ngừa Covid-19. (TTXVN)
* Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đã sẵn sàng bắt đầu thu phí du lịch 500 Baht (khoảng 15 USD) cho "quỹ chuyển đổi du lịch" vào năm tới với mục tiêu tạo ra nhiều địa điểm an toàn. Quỹ được sử dụng để trợ cấp cho các dự án du lịch có giá trị cao, xanh, bền vững, thân thiện với môi trường.
Thái Lan đã áp dụng thí điểm mở cửa theo các mô hình “hộp cát” ở Phuket và Koh Samui từ 1/7. Trong vòng ba tháng triển khai, các chương trình “hộp cát du lịch” đã thu hút được hơn 38.000 lượt khách du lịch nước ngoài và tạo ra doanh thu 2,33 tỷ Baht (tương đương 69 triệu USD). (TTXVN)
* Hạ viện Philippines ngày 1/10 đã phê duyệt dự thảo ngân sách năm 2022 do Tổng thống Rodrigo Duterte đệ trình với tổng giá trị 5.020 tỷ Peso (tương đương 98,64 tỷ USD) cho năm 2022, tăng 11,5% so với ngân sách 2011.
Ngân sách dự kiến được sử dụng để thực hiện các biện pháp trợ cấp, hỗ trợ nền kinh tế đang chịu thiệt hại do đại dịch Covid-19.
Ngân sách dự kiến chi hơn 1.000 tỷ Peso cho phát triển hạ tầng, 17 tỷ Peso cho tuyến dụng, đào tạo mới, đào tạo nâng cao nhân viên y tế, 19,6 tỷ Peso nâng cấp cơ sở y tế và một phần cho các chương trình tiêm vaccine Covid-19. (Reuters)