📞

Kinh tế thế giới nổi bật tuần (15-21/10): Đường sắt Nga gặp khó vì hàng từ Trung Quốc, ‘bóng ma’ lạm phát ở Mỹ, FDI toàn cầu phục hồi nhanh

Hoàng Nam 13:50 | 21/10/2021
Đường sắt Nga tắc nghẽn vì lượng hàng từ Trung Quốc tăng cao, khả năng lạm phát tại Mỹ kéo dài, FDI toàn cầu nửa đầu 2021 phục hồi nhanh hơn dự kiến, khu công nghiệp xanh đầu tiên trên thế giới… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới

IMF cảnh báo việc thắt chặt chính sách tiền tệ đột ngột ở Mỹ hoặc châu Âu có thể khiến dòng tiền chảy khỏi các nước đang phát triển. (Nguồn: Reuters)

FDI toàn cầu nửa đầu năm 2021 phục hồi mạnh hơn dự kiến

Theo Giám sát Xu hướng Đầu tư của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) được công bố ngày 19/10, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu trong nửa đầu năm 2021 ước đạt 852 tỷ USD cho thấy đà phục hồi mạnh hơn dự kiến.

Các nền kinh tế phát triển ghi nhận mức tăng lớn nhất với FDI ước tính đạt 424 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, gấp hơn ba lần so với mức đặc biệt thấp vào năm 2020. Trong tổng “mức tăng phục hồi” của dòng vốn FDI toàn cầu trong nửa đầu năm 2021 là 373 tỷ USD, 75% được ghi nhận ở các nền kinh tế phát triển.

Ở châu Âu một số nền kinh tế lớn đã có mức tăng đáng kể, trong khi dòng vốn vào Mỹ đã tăng 90% hoàn toàn là do sự gia tăng của các vụ mua bán và sáp nhập xuyên biên giới.

Dòng vốn FDI vào các nền kinh tế đang phát triển cũng tăng đáng kể, đạt tổng cộng 427 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021 với tốc độ tăng trưởng ở Đông và Đông Nam Á (tăng 25%), phục hồi về mức gần như trước đại dịch ở Trung và Nam Mỹ, và tăng ở một số nền kinh tế khác trên khắp châu Phi, Tây và Trung Á.

Niềm tin ngày càng tăng của nhà đầu tư thể hiện rõ nhất ở cơ sở hạ tầng, được thúc đẩy bởi các điều kiện tài chính dài hạn thuận lợi, các gói kích thích phục hồi và các chương trình đầu tư ra nước ngoài.

Triển vọng FDI toàn cầu trong cả năm đã được cải thiện so với những dự báo trước đó. Tuy nhiên, thời gian của cuộc khủng hoảng y tế và tốc độ tiêm chủng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, cũng như tốc độ thực hiện kích thích đầu tư cơ sở hạ tầng, vẫn là những yếu tố không chắc chắn quan trọng.

Các yếu tố rủi ro quan trọng khác, bao gồm tắc nghẽn về lao động và chuỗi cung ứng, giá năng lượng và áp lực lạm phát, cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả cuối năm. (Reuters)

IMF kêu gọi theo dõi chặt biến động giá cả

Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC) thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 14/10 đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu theo dõi chặt chẽ biến động giá cả.

Theo IMFC, cơ quan này sẽ tiếp tục ưu tiên chi tiêu cho y tế và bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đồng thời chuyển trọng tâm từ ứng phó với khủng hoảng sang thúc đẩy tăng trưởng và duy trì tính bền vững của tài khóa trong dài hạn.

Các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia phát triển đang phải đối mặt với đà tăng nhanh của lạm phát trong khi các nền kinh tế đang phát triển gặp khó khăn với các biến thể gây dịch Covid-19, khả năng tiếp cận vaccine thấp và thiếu nguồn lực.

IMF cảnh báo việc thắt chặt chính sách tiền tệ đột ngột ở Mỹ hoặc châu Âu có thể khiến dòng tiền chảy khỏi các nước đang phát triển. (Reuters)

Kinh tế Mỹ

* Chỉ số tiêu dùng tất cả các mặt hàng trong tháng 9 đã tăng 0,4% so với ước tính 0,3% của Down Jones. Giá ô tô đã qua sử dụng, vốn là tâm điểm của áp lực lạm phát trong những tháng gần đây đã giảm 0,7%, kéo mức tăng cả năm xuống 24,4%.

Việc giá cả vẫn tăng ngay cả khi chi phí phương tiện giảm cho thấy lạm phát sẽ kéo dài hơn dự kiến. Ngày 12/10, IMF cảnh báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nên chuẩn bị các kế hoạch dự phòng nếu như lạm phát vẫn còn dai dẳng, có thể là tăng lãi suất sớm hơn dự kiến để kiểm soát mức tăng. (CNBC)

* Chính quyền Tổng thống Biden nỗ lực giải quyết điểm nghẽn tại các cảng Los Angeles và Long Beach để lưu thông hàng hóa. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp như Walmart, UPS, FedEx,… công bố các cam kết đảm bảo vận chuyển hàng hóa nhanh hơn và nhiều hơn, tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, tăng ca, bố trí nhân viên làm thêm ngoài giờ và làm đêm, tăng cường chia sẻ dữ liệu với các cảng, làm việc liên tục 24/7… (White House)

Kinh tế Trung Quốc

* Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), hoạt động sản xuất chế tạo của Trung Quốc trong tháng 9/2021 đã bất ngờ sụt giảm. Cụ thể, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chỉ đạt 49,6 điểm, giảm 0,5 điểm so với tháng 8 và là lần đầu tiên kể từ hồi tháng 2/2020 giảm dưới ngưỡng 50 điểm.

Sự sụt giảm chỉ số PMI chủ yếu do tình trạng thiếu hụt năng lượng, mất điện diện rộng khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Việc thiếu điện đang gây tác động đến hầu hết các ngành kinh tế, bao gồm hai lĩnh vực chủ chốt là xây dựng và sản xuất.

Theo NBS, hai ngành trên chiếm gần 70% tiêu thụ điện của Trung Quốc trong năm 2020 và giữ vai trò trụ cột đối với sự phục hồi của nền kinh tế trong năm nay. (Nhân dân nhật báo)

* Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt 28,33 nghìn tỷ NDT, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2020, tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tương đối nhanh. Ở chiều ngược lại, trong tháng 9/2021, nhập khẩu giảm tốc còn 17,6%, đạt 238,98 tỷ USD, thấp hơn mức dự báo trước đó là 20,9%.

Kết quả, thặng dư thương mại của Trung Quốc là 66,76 tỷ USD, tăng 8,43 tỷ USD so với tháng 8/2021. (Mạng kinh tế Trung Quốc)

Kinh tế châu Âu

* Chi phí vận chuyển đường biển tăng mạnh đang thúc đẩy các nhà sản xuất Trung Quốc chuyển hàng hóa sang châu Âu bằng đường sắt qua Nga. Tuy nhiên, nhu cầu gia tăng đang tạo ra tình trạng tắc nghẽn và gây căng thẳng cho hệ thống đường sắt của Nga.

Công ty đường sắt nhà nước Nga Russian Railways cho hay vào đầu năm nay, chi phí vận chuyển hàng hóa bằng container đường sắt giữa châu Á và châu Âu thấp hơn hai lần so với đường biển và hiện nay là thấp hơn 3,5 lần.

Russian Railways cho biết, tổng lưu lượng container quá cảnh nước này đã tăng 40% trong thời gian từ tháng 1-9/2021 lên 782.000 TEU (đơn vị tương đương 20 feet) và có thể đạt kỷ lục 1 triệu TEU trong năm nay. Phần lớn mức tăng này đến từ tuyến Trung Quốc-Nga-châu Âu, nơi khối lượng vận chuyển trong thời gian từ tháng 1-9/2021 tăng 47% lên 568.700 TEU. (TTXVN)

* Phát biểu trên kênh truyền hình Rossya-1 ngày 16/10, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho rằng đằng sau lời kêu gọi từ chối khí đốt của các chính trị gia châu Âu là sự miễn cưỡng thừa nhận những sai lầm dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng trong khu vực.

Theo ông Novak, Nga thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình trong tất cả các hợp đồng. Ngoài ra, năm nay lượng khí đốt được bán trên các thị trường toàn cầu nhiều hơn 15% so với năm ngoái.

Phó Thủ tướng Novak không loại trừ khả năng lặp lại cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, nếu không có biện pháp xử lý, vì hiện trong các kho chứa dưới lòng đất đang thiếu khoảng 25 tỷ m3 khí đốt. (TTXVN)

* Pháp công bố kế hoạch 30 tỷ Euro cho "Nước Pháp 2030" vào 10 lĩnh vực ưu tiên, nhằm "xác định con đường dẫn đến sự độc lập về kinh tế của Pháp và Liên minh châu Âu (EU)", đồng thời "để ứng phó với những thách thức lớn của thời đại".

Trọng tâm trong kế hoạch 2030 của Tổng thống Macron tập trung vào những lĩnh vực phát thải khí nhà kính, coi đây là điều cần thiết để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. (Le Parisien)

Pháp công bố kế hoạch 30 tỷ Euro cho "Nước Pháp 2030" vào 10 lĩnh vực ưu tiên. (Nguồn: Reuters)

* Nhằm hỗ trợ người tiêu dùng và các ngành công nghiệp, ngày 13/10, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một loạt biện pháp nhằm kiềm chế giá năng lượng với điều kiện về nguyên tắc đảm bảo tôn trọng thị trường tự do và không vi phạm quy định về cạnh tranh công bằng. Theo đó, các nước hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các hộ gia đình, trợ cấp cho doanh nghiệp, và giảm thuế có trọng điểm.

Các biện pháp mang tính trung hạn bao gồm hỗ trợ đầu tư vào năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, các biện pháp khả thi trong việc dự trữ cũng như mua khí đốt dự trữ, đánh giá thị trường điện năng hiện nay. (France24)

* Chính phủ Đức ngày 15/10 thông báo sẽ cắt giảm mạnh thuế tiêu thụ điện từ năm 2022 nhằm giảm bớt gánh nặng đối với người tiêu dùng, trong bối cảnh châu Âu phải đối mặt với giá năng lượng đang tăng cao.

Khoản phụ phí theo Đạo luật năng lượng tái tạo (EEG), vốn được sử dụng để tài trợ cho các dự án điện Mặt trời và điện gió, sẽ giảm hơn 40% xuống còn 3,723 xu Euro (0,043 xu Mỹ) cho mỗi kilowatt giờ kể từ ngày 1/1/2022. Đây được xem là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2000, nhằm giúp nền kinh tế đầu tàu châu Âu chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch hơn. (DW)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Ngày 14/10, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố, sau cuộc bầu cử sẽ ban hành một gói chính sách kinh tế bao gồm việc hỗ trợ phát triển và sản xuất vaccine phòng bệnh truyền nhiễm và cho công ty sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan (Trung Quốc) - công ty có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất chip ở Nhật Bản. (Kyodo)

* Trong bài phát biểu ngày 17/10, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Daishiro Yamagiwa nhấn mạnh nước này sẽ xem xét gỡ bỏ hoàn toàn yêu cầu rút ngắn thời gian hoạt động của nhà hàng, quán bar và một số loại hình kinh doanh khác trong trường hợp số ca mắc mới không tăng trở lại kể từ tháng 11. Theo thống kê, hiện có 74,96% dân số nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine Covid-19. (TTXVN)

* Phát biểu tại buổi họp báo bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm 20 nền kinh tế lớn thế giới (G20), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết, nước này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc gia nhập CPTPP vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11.

Ông Hong cho biết nếu Hàn Quốc tham gia CPTPP, nước này cần phải bổ sung, hoàn thiện hệ thống thuế quan nhằm tránh tình trạng thất thu thuế trong các lĩnh vực kinh tế số. (TTXVN)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Tổng thống Joko Widodo cho biết vào tháng 11/2021, chính phủ Indonesia sẽ khởi công xây dựng khu công nghiệp (KCN) xanh tại tỉnh Bắc Kalimantan, là KCN xanh đầu tiên trên thế giới.

Với diện tích 20.000 ha, KCN này sẽ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có nhà máy thủy điện trên sông Kayan, để tạo ra các sản phẩm và năng lượng xanh. Xây dựng KCN xanh là một trong những nỗ lực của Indonesia hướng tới mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2060. (TTXVN)

* Campuchia tiến gần đến mục tiêu mở cửa trở lại toàn bộ nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Ủy ban liên bộ về phòng chống dịch Covid-19 đã sửa đổi các điều kiện về đi lại và quy định về cách ly phòng dịch theo hướng nới lỏng so với trước đây kể từ ngày 18/10.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen nhận định Campuchia hoàn toàn có khả năng mở cửa trở lại tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế nếu tình hình lây nhiễm dịch Covid-19 ở mức ổn định. (Khmer Times)

* Thái Lan dự báo gia tăng giá trị thương mại điện tử năm 2021. Cơ quan Phát triển Giao dịch Điện tử (ETDA) cho biết giá trị thương mại điện tử của Thái Lan dự kiến sẽ tăng 6,1% lên 4.000 tỷ Baht (120 tỷ USD) trong năm 2021, nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp đang tăng cường tập trung vào mô hình giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) sau đại dịch Covid-19. (TTXVN)

Pfizer sẽ thực hiện các cam kết đã ký, trong đó có các cam kết với Việt Nam. (Nguồn: Iamexpat)

* ASEAN mở rộng hợp tác ứng phó với đại dịch Covid-19 với công ty dược Pfizer. Ngày 17/10, Ủy ban ASEAN đã có buổi làm việc với ông Stephen Claeys, Giám đốc Cấp cao về Chính sách Thương mại của công ty dược Pfizer về hợp tác giữa Pfizer với các nước khu vực Đông Nam Á.

Ông Stephen Clayes cho biết, Pfizer cam kết tạo sự tiếp cận bình đẳng với giá cả hợp lý cho tất cả mọi người. Pfizer sẽ thực hiện các cam kết đã ký, trong đó có các cam kết với Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc đánh giá cao sự hỗ trợ của Pfizer đối với Việt Nam, đề nghị Pfizer thực hiện cam kết cung cấp đủ 51 triệu liều vaccine trong năm 2021 và tiếp tục trao đổi với các cơ quan Việt Nam về việc cung cấp vaccine trong năm 2022; đề nghị Pfizer hợp tác với Việt Nam trong việc sản xuất thuốc điều trị Covid-19 và thúc đẩy để có vaccine hiệu quả và an toàn cho trẻ em. (TTXVN)

* ASEAN đẩy nhanh nỗ lực nâng cấp nền kinh tế số để vượt qua những thách thức kỹ thuật số đến từ đại dịch Covid-19.

Ngày 18/10, Hội nghị Hội đồng Kinh tế ASEAN (AEC) lần thứ 20 đã họp dưới hình thức trực tuyến, thảo luận về cách thức tạo ra sức mạnh tổng hợp lớn hơn giữa các các lĩnh vực để khu vực chuẩn bị cho kỉ nguyên kỹ thuật số. Đây là lần đầu tiên Hội đồng AEC họp với các bộ trưởng phụ trách kỹ thuật số của ASEAN để tìm cách thúc đẩy Hiệp hội hướng tới chuyển đổi số.

Hội nghị đã thông qua dự thảo tuyên bố chung về Tăng cường chuyển đổi số ở ASEAN và Khuôn khổ phát triển nền kinh tế tuần hoàn cho AEC nhằm áp dụng nền kinh tế tuần hoàn cho phát triển kinh tế bền vững và lộ trình hỗ trợ chuyển đổi số của ASEAN. (TTXVN)