📞

Kinh tế thế giới nổi bật tuần (17-23/9): Nga phục hồi nhanh hơn dự kiến, FDI không ngừng chảy vào Trung Quốc, Phố Wall sợ 'bom nợ' Evergrande

Hoàng Nam 13:50 | 23/09/2021
Nga phục hồi nhanh hơn dự kiến, OECD hạ triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2021, Mỹ nói Moscow muốn đẩy nhanh vận hành dự án Dòng chảy phương Bắc 2, FDI vào Trung Quốc tăng… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới

Tăng trưởng kinh tế Nga dự báo ở mức 4,2% trong năm nay, tăng so với mức dự kiến 3,8% trước đó. (Nguồn: RT)

Thiếu hụt 10.000 tỷ USD mỗi năm cho các mục tiêu phát triển bền vững

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, nguồn tài chính dành cho SDGs (Mục tiêu phát triển bền vững) thiếu hụt lên tới 10.000 tỷ USD mỗi năm trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tính tới chi phí cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, báo cáo ước tính tổng tài trợ cần thiết từ nay đến năm 2050 sẽ vào khoảng 200.000 – 220.000 tỷ USD.

Cơ cấu vốn cam kết để thực hiện SDGs cũng có sự mất cân bằng, trong khi nhóm mục tiêu liên quan đến biến đổi khí hậu chiếm 20% trong khoản kinh phí thiếu hụt huy động được tới 44% số vốn cam kết, nhóm mục tiêu liên quan đến con người, kinh tế và xã hội chiếm hơn 50% khoản thiếu tài trợ nhưng chỉ huy động được 32% nguồn tài trợ được cam kết. (Reuters)

OECD hạ triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021

Trong báo cáo mới nhất, OECD cho biết kinh tế thế giới đã phục hồi trong năm nay nhờ các biện pháp kích thích, các chương trình triển khai vaccine Covid-19 nhanh chóng và việc nhiều nước có thể nối lại các hoạt động kinh tế.

Theo OECD, GDP toàn cầu đã vượt qua mức trước đại dịch Covid-19. Hiện OECD dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 5,7% trong năm nay, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 5/2021.

Song triển vọng năm 2022 được cải thiện một chút, với mức tăng trưởng dự kiến tăng 0,1 điểm phần trăm lên 4,5%.

Tuy nhiên, OECD lưu ý sự phục hồi vẫn rất không đồng đều, rất khác biệt giữa các quốc gia.

Trong báo cáo mới nhất, OECD hạ triển vọng tăng trưởng của Mỹ từ 6,9% xuống 6,0% trong năm nay. Tuy nhiên, OECD đã điều chỉnh dự báo về Khu vực Eurozone tăng thêm 1 điểm phần trăm lên 5,3%.

Dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về Trung Quốc không đổi ở mức 8,5%. (AFP)

Kinh tế Mỹ

* Mỹ gặp khó khăn nội bộ trong việc thông qua Dự luật chi tiêu 3.500 tỷ USD. Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ John Yarmuth cho biết Hạ viện có thể trì hoãn gửi dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD để Tổng thống Biden ký thành luật, cho tới khi dự luật chi tiêu 3.500 tỷ USD được thông qua. Đây là động thái nhằm đảm bảo các đảng viên Dân chủ ôn hòa ủng hộ dự luật. (TTXVN)

* Lo ngại ngày càng tăng về việc nhà phát triển bất động sản China Evergrande kích hoạt xu hướng bán tháo các tài sản rủi ro và chuyển sang những tài sản an toàn hơn đã tác động tiêu cực đến thị trường tài chính. Chứng khoán Phố Wall giảm mạnh trong ngày 20/9, với chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm mạnh nhất kể từ tháng 5. Toàn bộ 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 giảm điểm với lĩnh vực năng lượng giảm 3%, lĩnh vực tiện ích giảm ít nhất.

Chốt phiên 20/9, chỉ số Dow Jones giảm 614,41 điểm (tương đương 1,78%), chỉ số S&P 500 giảm 75,26 điểm (1,70%) và chỉ số Nasdaq Composite giảm 330,07 điểm (2,19%).

Đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 7 với Dow Jones, S&P 500 hiện giảm khoảng 4% so với mức đỉnh kỷ lục từ ngày 2/9. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* FDI vào Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, trong 8 tháng đầu năm 2021, FDI của Trung Quốc đạt 758,05 tỷ NDT (khoảng 113,78 tỷ USD), tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2020. FDI từ các nước “Vành đai và Con đường”, ASEAN lần lượt tăng 37,6%, 36,8% so với cùng kỳ năm 2020. (Thời báo Hoàn Cầu)

* Ngân hàng phát triển mới (NDB) của Khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS đã phát hành một loạt trái phiếu bằng đồng NDT với tổng trị giá 2 tỷ NDT (khoảng 310 triệu USD) trên thị trường trái phiếu liên ngân hàng của Trung Quốc, có kỳ hạn 5 năm.

Động thái này đã nâng tổng số trái phiếu bằng đồng NDT do ngân hàng phát hành lên 17 tỷ NDT. Số tiền thu được từ phát hành trái phiếu sẽ được sử dụng cho các nguồn lực doanh nghiệp chung của NDB và để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững ở các nước thành viên của NDB. (Tân Hoa xã)

Kinh tế châu Âu

* Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis đã kêu gọi cải tổ khẩn cấp WTO tại buổi tiếp xúc với Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala. Ông Dombrovskis đánh giá bộ mặt thương mại đã thay đổi đáng kể kể từ khi thành lập WTO, song các quy tắc quản lý tổ chức này không thay đổi, đặc biệt ủng hộ việc cải cách các quy tắc tạo thuận lợi đầu tư và trợ cấp. (TTXVN)

Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ Amos Hochstein nói Nga muốn đẩy nhanh việc vận hành đường ống Dòng chảy phương Bắc 2. (Nguồn: elnuevodiario)

Quan chức Mỹ nhận định về vấn đề Nga cung cấp khí đốt cho châu Âu

Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ Amos Hochstein trong một cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin Bloomberg (Mỹ) đã yêu cầu Nga tăng cường cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine.

Quan chức Mỹ mô tả việc tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom của Nga từ chối cung cấp thêm khí đốt theo hệ thống trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine trong tháng 10/2021 là "đáng quan ngại". Đồng thời, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Moscow muốn đẩy nhanh việc vận hành đường ống "Dòng chảy phương Bắc 2".

Gazprom đã nhiều lần nêu tình trạng thiếu hụt lượng khí đốt trong các bể chứa ngầm dưới lòng đất ở châu Âu khi sắp sang mùa Đông. Ngày 17/9, Chủ tịch tập đoàn Gazprom Alexei Miller đã chỉ ra mối liên quan giữa yếu tố này với các mức giá tăng kỷ lục gần đây và không loại trừ trong tương lai gần còn có thêm những mức đỉnh giá mới. (AFP)

Kinh tế Nga phục hồi nhanh hơn dự kiến

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời một quan chức Bộ Phát triển Kinh tế Nga ngày 21/9 cho biết tăng trưởng kinh tế Nga dự báo ở mức 4,2% trong năm nay, tăng so với mức dự kiến 3,8% trước đó, qua đó đẩy lạm phát lên mức ước tính khoảng 5,8% vào cuối năm.

Con số dự báo lạm phát trên cao hơn so với mức 5% đưa ra hồi tháng 7/2021 và cao hơn mục tiêu 4% của Ngân hàng trung ương, trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang phục hồi nhanh hơn dự kiến sau khi sụt giảm mạnh nhất trong hơn một thập kỷ vào năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát.

Trước đó hồi tháng 8/2021, Cơ quan Thống kê Liên bang Nga công bố số liệu cho thấy nền kinh tế nước này đã phục hồi trong quý II/2021 từ những tác động của đại dịch Covid-19. (Interfax)

* Moody’s nâng mức xếp hạng nợ của Bồ Đào Nha từ Baa3 lên Baa2 nhờ sự hỗ trợ của EU giúp nền kinh tế nước này phục hồi mạnh mẽ.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm này cho biết, trong tầm nhìn xa hơn năm 2021, quỹ phục hồi kinh tế châu Âu hậu Covid-19, còn gọi là “Quỹ Thế hệ tiếp theo của EU” (NGEU) sẽ hỗ trợ chính cho tăng trưởng kinh tế Bồ Đào Nha trong trung hạn. (AFP)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng vẫn cao hơn dự báo dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Chính phủ Nhật Bản, kinh tế nước này ghi nhận mức tăng trưởng 1,9% trong quý II/2021, cao hơn mức dự báo 1,6% trước đó. Động lực chính được cho là nhờ tiêu dùng và sản lượng đầu ra của doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất – chế tạo, giúp bù đắp tình trạng sụt giảm doanh số của doanh nghiệp ngành dịch vụ. (Kyodo)

* Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế - WIPO, Hàn Quốc đã vượt Singapore trở thành quốc gia sáng tạo nhất khu vực. Thành tựu của Hàn Quốc được đánh giá xuất phát từ các khoản đầu tư cho công tác nghiên cứu, phát triển công nghệ mới của các tập đoàn hàng đầu, đặc biệt là Samsung. (TTXVN)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Singapore kỳ vọng tăng trưởng kinh tế tích cực. Trong phát biểu tại Quốc hội Singapore, Bộ trưởng phụ trách quan hệ thương mại Singapore S. Iswaran cho biết kinh tế nước này sẽ tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2021 và tiếp tục phục hồi trong năm 2022. Yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu và nỗ lực tăng cường tiêm chủng của các nước trong khu vực.

Bộ Công Thương Singapore (MTI) dự báo kinh tế Singapore tăng trưởng 6-7% trong năm 2021, cao hơn so với dự báo trước đó là 4-6% và dự kiến công bố dự báo tăng trưởng năm 2022 của Singapore vào tháng 11/2021. (TTXVN)

Người dân trên đường phố khu mua sắm Orchard Road ở Singapore, ngày 7/9. (Nguồn: AFP.)

* Indonesia lạc quan về tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto ngày 16/9 dự báo nền kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng 3,7 - 4,5% trong năm 2021 và 5,2% vào năm 2022 trên cơ sở tất cả các lĩnh vực kinh tế đều tăng trưởng tích cực và cho thấy hiệu quả hoạt động được cải thiện cùng với sự cải thiện nhu cầu trong nước và các nước đối tác thương mại.

Ngành công nghiệp sản xuất và thương mại là các ngành đóng góp chính cho nền kinh tế quốc dân. Dự báo lạc quan tương ứng với tình hình dịch bệnh và ca mắc Covid-19 bắt đầu giảm, các hoạt động cộng đồng được nới lỏng. (TTXVN)

* Malaysia cho phép nhiều lĩnh vực kinh tế hoạt động trở lại. Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri cho biết từ ngày 17/9 cho phép mở cửa trở lại các cửa hàng và dịch vụ trước đây không được coi là lĩnh vực kinh tế thiết yếu như chụp ảnh, bán hoa, lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, đồ chơi trẻ em, kinh doanh thảm, mỹ phẩm, thuốc lá.

Theo kế hoạch phục hồi quốc gia 4 giai đoạn của Malaysia, tại giai đoạn I, các doanh nghiệp được phép hoạt động 60% công suất khi hoàn thành tiêm chủng cho 40% số nhân viên, 100% công suất khi hoàn thành tiêm chủng toàn bộ nhân viên; tại giai đoạn II và III, các khu thể thao trong nhà và ngoài trời sẽ được phép hoạt động trở lại. (Reuters)

* Campuchia lên kế hoạch đón du khách quốc tế với thời gian cách ly 7 ngày. Thủ tướng Hun Sen ngày 17/9 đã yêu cầu Bộ Du lịch Campuchia cân nhắc mở cửa trở lại cho du khách quốc tế đã tiêm đủ liều vaccine nhập cảnh vào Campuchia để nhanh chóng hồi phục ngành du lịch và tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Việc khôi phục trở lại ngành công nghiệp du lịch thực hiện theo 2 bước, trong đó bước đầu tiên hướng tới du lịch nội địa, bước thứ hai cho phép du khách nước ngoài đã tiêm đủ liều vaccine được vào với thời gian cách ly 7 ngày. (TTXVN)

* Brazil tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) ngày 15/9 công bố kinh tế Brazil đạt tăng trưởng dương trong 4 tháng liên tiếp và ghi nhận mức GDP cao hơn so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 2/2020.

Theo BCB, tăng trưởng GDP của Brazil đạt 5,53% trong tháng 7/2021, tiếp tục tăng 0,6% so với tháng trước đó và cao gần gấp đôi dự báo của các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó là 0,35%. (TTXVN)