Kinh tế thế giới
Biến đổi khí hậu có thể làm tiêu tan 18% GDP toàn cầu năm 2050
Ngày 28/6, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) có báo cáo về “Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu như thế nào”. Theo đó, biến đổi khí hậu có thể làm tiêu tan 18% GDP toàn cầu năm 2050 nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 3,2 độ C.
Các nền kinh tế châu Á được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, 5,5% GDP trong trường hợp tốt nhất và 26,5% trong trường hợp xấu nhất.
Các quốc gia chịu tác động tiêu cực nhất là Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia; còn Mỹ, Canada, Đức và Thụy Sỹ nằm trong nhóm nước có khả năng ít bị ảnh hưởng nhất. (WEF)
Giá dầu thế giới tăng tháng thứ bảy liên tiếp
Trong phiên giao dịch ngày 30/6, giá dầu thế giới tăng sau khi lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm tuần thứ sáu liên tiếp, và một báo cáo của Tổ chức các nước cuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự đoán thị trường dầu sẽ thiếu nguồn cung trong năm nay.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc trong hợp đồng giao tháng 8 tăng 37 Cent, hay 0,5%, lên 75,13 USD/thùng, còn giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9 tăng 34 Cent lên 74,62 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 49 Cent, hay 0,7%, và đóng phiên ở mức 73,47 USD/thùng.
Giá cả hai loại dầu trên đều gần bằng các mức cao ghi nhận gần đây nhất vào năm 2018. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp giá dầu đi lên trong 8 tháng qua, với các mức tăng 10% cho dầu WTI và hơn 8% cho dầu Brent.
Một cuộc khảo sát mới đây của hãng tin Reuters cho thấy giá dầu Brent được dự đoán trung bình ở mức 67,48 USD/thùng trong năm nay, còn dầu WTI là 64,54 USD/thùng, cả hai đều cao hơn dự đoán được đưa ra trong cuộc khảo sát hồi tháng 5. (Reuters)
IMF thảo luận về đề xuất mở rộng Quyền rút vốn đặc biệt lên 650 tỷ USD
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 25/6 thảo luận về đề xuất mở rộng quỹ dự trữ khẩu cấp mang tên "Quyền rút vốn đặc biệt - SDRs" của mình lên 650 tỷ USD. Khoản bổ sung này nếu được thông qua sẽ là lớn nhất trong lịch sử của IMF.
Theo người phát ngôn IMF, phần bổ sung này nhằm giúp các thành viên dễ bị tổn thương nhất vượt qua đại dịch Covid-19 và kinh tế suy giảm. (Bloomberg)
Mỹ kêu gọi EU trì hoãn kế hoạch áp thuế kỹ thuật số
Theo một tài liệu ngoại giao của Mỹ, Washington đang khẩn trương thúc giục Liên minh châu Âu (EU) trì hoãn áp thuế kỹ thuật số của khối vì cho rằng kế hoạch này có thể tác động bất lợi tới các cuộc đàm phán quốc tế về cải tổ hệ thống thuế toàn cầu.
Các nhà ngoại giao không công bố danh tính cho biết, yêu cầu này đã được đưa ra trong những ngày gần đây trong một cuộc vận động của Washington với một số nước EU.
Tài liệu của Mỹ cho rằng chính sách thuế kỹ thuật số của EU, dự kiến được Ủy ban châu Âu công bố ngày 14/7, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới "công việc đang được triển khai thông qua cơ chế" của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
EU dự kiến sẽ đánh thuế thu nhập lên tới 23% đối với 5 tập đoàn công nghệ của Mỹ gồm Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft như doanh nghiệp châu Âu thay vì chỉ nộp 9% như hiện nay. (AFP)
Kinh tế Mỹ
Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo, trong năm 2021 và 2022, Mỹ sẽ củng cố vị trí dẫn đầu của mình và Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai về thu hút FDI, khi các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường năng lực để đáp ứng nhu cầu khổng lồ sau đại dịch.
Lý do được đưa ra là sự lạc quan của các nhà đầu tư với triển vọng phục hồi nhanh và bền vững trong chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ và kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỉ USD của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Năm 2020, Mỹ ghi nhận FDI giảm đến 40% nhưng vẫn giữ vững vị trí lâu nay là điểm đến hàng đầu của dòng vốn đầu tư nước ngoài. (UNCTAD)
Theo WSJ, chính sách hỗ trợ kinh tế của chính phủ Mỹ đã thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu ở mức độ chưa từng có trong nhiều thập kỷ và tạo niềm tin cho các doanh nghiệp đầu tư để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của người Mỹ.
Các nhà kinh tế cho rằng, nền kinh tế Mỹ được đẩy mạnh nhờ gói kích thích trị giá gần 6 nghìn tỷ USD và hiện thiếu hàng hóa, đang đóng vai trò kích thích kinh tế thế giới. Kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng 6,9% năm 2021; và dự kiến sẽ nhập khẩu thêm 170 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2026, so với 140 tỷ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự phục hồi này cũng tạo sức ép khiến giá hàng hóa ở các nước tăng cao, gây khó khăn cho nhiều ngân hàng trung ương, xáo trộn thị trường tài chính và nguy cơ lạm phát có thể xảy ra ở nhiều nước. (WSJ)
Ngày 30/6, Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) nối lại các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Thỏa thuận khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA). Theo Bộ trưởng Deng (Đài Loan), hai bên có thể sẽ sử dụng các cuộc hội đàm như một cơ hội để giải quyết các vướng mắc còn tồn tại ở các cuộc họp TIFA trước đây cũng như các vấn đề hiện tại khác như an ninh chuỗi cung ứng, thương mại kỹ thuật số, khí thải carbon, quyền và phúc lợi lao động. (TG&VN)
Kinh tế Trung Quốc
Đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc sau đại dịch hiện đang phụ thuộc vào những động lực tăng trưởng giống hệt với những gì đã tạo nên sức mạnh cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ở thời điểm trước dịch; đồng thời vẫn phải đối mặt với những rủi ro cố hữu.
Dữ liệu kinh tế tháng 5 của Trung Quốc cho thấy mức tăng trưởng yếu hơn so với dự báo được đưa ra trước đó. Sản lượng công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng trưởng 13,6% so với cùng kỳ năm 2019, doanh số bán lẻ tăng 9,3%, đầu tư tài sản cố định tăng 8,5% và đầu tư bất động sản tăng 17,9%. (WSJ)
Theo Báo cáo “Triển vọng đầu tư châu Á-Thái Bình Dương” của Ngân hàng UBS, chính sách của chính phủ Trung Quốc thời gian tới sẽ chuyển sang hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế thực một cách có mục tiêu hơn. Những biện pháp đã công bố hoặc có thể ban hành bao gồm: Ngân hàng trung ương bơm thanh khoản cho thị trường để kiểm soát lãi suất tăng đột ngột, mở rộng tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, kiểm soát giá hàng hóa chiến lược.
Chính phủ có thể sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách bất động sản và các nền tảng tài chính của chính quyền địa phương để ổn định nợ và duy trì tỷ lệ đòn bẩy dưới 300% vào cuối năm nay. (CCTV, Mạng tin Kinh tế Trung Quốc)
Ngày 27/6, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp tăng mạnh, đạt 3.424,7 tỷ NDT (khoảng 535,1 tỷ USD), tăng 83,4% so với cùng kỳ 2020, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2019, bình quân hai năm 2019 và 2020 tăng 21,7%, tiếp tục duy trì xu thế tăng trưởng tương đối nhanh kể từ nửa cuối năm 2020.
Tính đến cuối tháng 5/2021, tổng tài sản của các doanh nghiệp công nghiệp là 131,41 nghìn tỷ NDT, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2020. (Mạng Kinh tế Trung Quốc)
Kinh tế châu Âu
Theo số liệu do Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat ngày 25/6, hoạt động du lịch tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong năm dịch Covid-19 bùng phát đã sụt giảm tới 61%. Sự sụt giảm được phản ánh qua tổng số đêm du khách nghỉ tại các cơ sở lưu trú du lịch ở EU.
Trong số các quốc gia thành viên EU có dữ liệu thống kê, Malta ghi nhận mức giảm lớn nhất 80%, tiếp đó là Tây Ban Nha với 78%, Hy Lạp 74%, Bồ Đào Nha 70%... Sự sụt giảm này chủ yếu do các hạn chế đi lại cũng như các biện pháp phòng ngừa khác mà nhiều quốc gia triển khai để đối phó với dịch bệnh. (THX)
Ngày 28/6, Anh và Singapore khởi động tiến trình đàm phán về thỏa thuận thương mại số. Thỏa thuận này là một phần trong cuộc chạy đua của London nhằm trở thành một “trung tâm công nghệ toàn cầu” hậu Brexit.
Kể từ khi hoàn thành kế hoạch rời khỏi EU cuối năm 2020, Anh đã tích cực thúc đẩy các thỏa thuận thương mại mới, đặc biệt là với những quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có thỏa thuận gần đây nhất với Australia. (AFP)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
Ngày 29/6, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã công bố Sách Trắng về Kinh tế và Thương mại quốc tế năm 2021.
Theo Sách Trắng, Nhật Bản cần đa dạng hóa các nhà cung cấp và hợp tác với các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, để bảo vệ chuỗi cung ứng như một cách để cải thiện an ninh kinh tế; tiến hành các biện pháp triệt để nhằm ngăn chặn rò rỉ công nghệ nhạy cảm; đặt ưu tiên cho thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ; đầu tư vốn vào công nghệ chiến lược nhằm tăng cường sản xuất trong nước và đảm bảo lợi thế cạnh tranh. (METI)
Ngày 25/6, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo nước này phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp định với sự tham gia của 10 thành viên của ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Australia. Chính phủ Nhật Bản ước tính RCEP có thể nâng GDP nước này thêm khoảng 2,7%. (BNews)
Hàn Quốc nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 lên 4,2%; cao hơn 1% so với dự báo thực hiện cuối năm 2020. Lạm phát dự kiến khoảng 1,8%; xuất khẩu dự kiến tăng 18,5% năm 2021 lên mức kỷ lục 607,5 tỷ USD. (Bloomberg)
Bộ Tài chính Hàn Quốc thông tin kế hoạch tạo hơn 150.000 việc làm mới thông qua ngân sách bổ sung theo kế hoạch để đạt được sự bình thường hóa sớm trên thị trường lao động của đất nước. (The Economics Times)
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
Ngày 25/6, tại thủ đô Brasilia, Brazil, đã diễn ra cuộc họp trực tuyến giữa Đại sứ, Đại diện Văn phòng thương mại các nước ASEAN với 40 nhà nhập khẩu, xuất khẩu và cung cấp dịch vụ Brazil nhằm đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại giữa ASEAN và Brazil.
Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Brazil, Đại sứ Việt Nam Phạm Thị Kim Hoa đã giới thiệu về ASEAN và các lĩnh vực có thể hợp tác với Brazil trong đó có thương mại và đầu tư, nông nghiệp và an ninh lương thực. Trong năm 2020, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Brazil với thương mại hai chiều là 21 tỷ USD. (TTXVN)
Chính phủ Thái Lan đã thông qua kế hoạch cho phép hoạt động du lịch miễn cách ly tại địa điểm nghỉ dưỡng Phuket, có hiệu lực từ ngày 1/7. Kế hoạch này được gọi là "Hộp cát Phuket" sẽ cho phép du khách quốc tế (đã tiêm vaccine Covid-19 và đến từ những nước mà chính phủ Thái Lan coi là có nguy cơ lây nhiễm thấp hoặc trung bình) đến và tự do đi lại trên đảo Phuket mà không phải trải qua cách ly. (TTXVN)
Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 2% nhằm duy trì các chính sách tiền tệ thích hợp để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Thống đốc BSP Benjamin Diokno cho biết hoạt động kinh tế đã cải thiện trong những tuần gần đây, song đà phục hồi kinh tế vẫn còn yếu do số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng, có khả năng làm trì hoãn kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế và làm giảm triển vọng đối với tăng trưởng kinh tế trong nước. (Reuters)
Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia cho biết đang đẩy nhanh chiến lược chuyển đổi 6,1 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa gia nhập thị trường kỹ thuật số trong năm 2021. Để đạt được mục tiêu, Indonesia sẽ hỗ trợ chương trình e-Smart IKM nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh, mở rộng năng lực tiếp cận thị trường, giúp các thành viên IKM tiếp cận các đối tác có thể giúp phát triển kỹ thuật số. (TTXVN)
Bộ trưởng phụ trách vấn đề kinh tế thuộc Văn phòng Thủ tướng Malaysia Mustapa Mohamed cho biết, nước này đang trên đà phục hồi vững chắc với mức tăng trưởng GDP tốt trong quý I/2021 và sự phục hồi mạnh mẽ của các chỉ số kinh tế.
Ngân hàng thế giới (World Bank) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Malaysia trong năm nay xuống 4,5% từ mức 6% trước đó do tác động của đại dịch Covid-19 đang diễn ra và các hạn chế di chuyển sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Malaysia trong thời gian tới. (TTXVN)