Kinh tế thế giới
Kinh tế toàn cầu phục hồi giữa nhiều rào cản, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Omicron. |
Kinh tế toàn cầu phục hồi giữa nhiều rào cản
Kinh tế thế giới trong năm 2021 đã phục hồi sau giai đoạn đình trệ do đại dịch, nhưng lạm phát tăng mạnh, các nút cổ chai trong chuỗi cung ứng toàn cầu và sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 đã làm giảm động lực của sự phục hồi này. Đà tăng trưởng trong năm tới có thể sẽ yếu đi.
Các nước đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng khi nỗ lực thoát khỏi suy thoái sâu trong năm 2020, nhưng một số nước phục hồi mạnh hơn các nước khác, khi các nước giàu tiếp cận vaccine tốt hơn.
Mỹ đã vượt qua được cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái, trong khi nền kinh tế khu vực sử dụng đồng Euro có thể trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 có thể làm cản trở quá trình phục hồi, với sự xuất hiện của biến thể Omicron đang gây ra những quan ngại mới.
Theo các nhà phân tích của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's, đại dịch vẫn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với tỷ lệ tiêm chủng là 2,5%, kinh tế khu vực châu Phi phía nam Sahara đang tăng trưởng với tốc độ chậm hơn.
IMF cho rằng hầu hết các quốc gia mới nổi và đang phát triển vẫn có mức tăng trưởng dự báo thấp hơn nhiều so với trước đại dịch cho đến năm 2024.
Các ngân hàng trung ương tại Brazil, Nga và Hàn Quốc đã tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát, một động thái có thể sẽ cản trở tăng trưởng.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là động lực tăng trưởng của toàn cầu, đang đối mặt với một loạt rủi ro như các ca nhiễm mới Covid-19, khủng hoảng năng lượng và những lo ngại về khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande.
Trong khi đó, lạm phát tăng lên các mức cao kỷ lục nhiều năm trên thế giới, khi người tiêu dùng mua sắm trở lại và các ngành sản xuất đối mặt với sự thiếu hụt hàng hóa.
Giá cả tăng vọt với nhiều hàng hóa như dầu mỏ, khí đốt và nguyên liệu thô.
Các ngân hàng trung ương khẳng định sức ép lạm phát chỉ là hệ quả tạm thời khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường trong năm nay sau khi bị đình trệ trong năm ngoái.
IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 4,9% trong năm tới. (AFP)
Ngành du lịch toàn cầu phục hồi mong manh
Ngày 29/11, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho biết ngành du lịch toàn cầu sẽ thất thu 2.000 tỷ USD trong năm 2021 do đại dịch Covid-19, đồng thời nhận định đà phục hồi của ngành này “mong manh” và “chậm”.
Theo UNWTO, lượng khách du lịch quốc trong năm nay vẫn chỉ ở mức 70-75% so với 1,5 tỷ lượt khách năm 2019 trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Mức này tương tự năm 2020 khi ngành du lịch toàn cầu đã thất thu 2.000 tỷ USD (1.780 tỷ Euro) do đại dịch, trở thành một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng y tế này.
Ngoài ra, 55 quốc gia đóng cửa biên giới một phần đối với khách nước ngoài. Chỉ 4 nước dỡ bỏ biện pháp này là Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Dominica và Mexico.
Ngoài các biện pháp hạn chế đi lại, du lịch còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng kinh tế trì trệ do dịch bệnh, giá dầu tăng và gián đoạn nguồn cung ứng.
Người đứng đầu UNWTO Zurab Pololikashvili nhấn mạnh rằng việc áp dụng các biện pháp hạn chế và phong tỏa mới ở một số nước gần đây cho thấy “tình hình rất khó đoán”. Tuy nhiên, ông bày tỏ hy vọng “tình hình năm 2022 sẽ tốt hơn nhiều so với năm 2021”. (Vietnamplus)
Kinh tế Mỹ
* Trong một phát biểu mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Atlanta Raphael Bostic bày tỏ hy vọng rằng động lực hiện nay của kinh tế Mỹ sẽ giúp nước này vượt qua làn sóng tiếp theo của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, ông Bostic khẳng định ủng hộ quan điểm đẩy nhanh tốc độ thu hẹp chương trình nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed. Theo ông Bostic, nếu có diễn biến tương tự với ở các biến thể trước đó, biến thể mới sẽ ít gây ra suy thoái kinh tế hơn so với biến thể Delta. (Reuters)
* Ngày 1/12, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew nhận định dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ làm giảm lạm phát tại quốc gia này.
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNBC, ông Jacob Lew cho biết, ngay từ đầu ông tin rằng thuế quan là "một cách không hiệu quả" để giải quyết các vấn đề thương mại.
Kể từ khi Washington áp đặt thuế quan bổ sung đối với hàng tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc vào năm 2018, các doanh nghiệp Mỹ đã phải chịu gánh nặng của mức thuế tăng cao. Theo một báo cáo từ Dịch vụ Các nhà đầu tư của Moody vào tháng 5, các nhà nhập khẩu Mỹ đã phải gánh chịu hơn 90% chi phí bổ sung do thuế quan bổ sung của Mỹ. (CNBC)
Kinh tế Trung Quốc
* Ngày 26/11, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính và Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Andrei Belousov đã đồng chủ trì cuộc họp thứ 8 của Ủy ban Hợp tác Đầu tư Trung Quốc-Nga, cam kết thúc đẩy hợp tác đầu tư để đạt được những thành tựu mới.
Đại diện hai nước đánh giá cao quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai bên, khẳng định sẵn sàng hợp tác để thực hiện đồng thuận quan trọng mà nguyên thủ hai nước đã đạt được và khai thác tiềm năng hợp tác đầu tư để đạt được những thành tựu mới.
Phía Nga nhấn mạnh, hợp tác đầu tư Nga-Trung đã đạt được những bước tiến đáng kể với tiến độ suôn sẻ tại các dự án trọng điểm kể từ đầu năm nay. (THX)
* Ngày 30/11, Cục Thống kê quốc gia (NBS) của Trung Quốc công bố số liệu cho thấy hoạt động sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng mạnh trong tháng 11 do tình trạng thiếu điện được cải thiện và một số chi phí nguyên liệu thô giảm. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc đã tăng lên 50,1, vượt trở lại mốc 50 điểm, "kéo" tăng trưởng khỏi suy giảm sau 2 tháng.
Dữ liệu mà NBS vừa công bố cũng cao hơn mức 49,7 mà các nhà phân tích của Bloomberg dự báo, thể hiện một loạt biện pháp chính sách gần đây nhằm tăng cường đảm bảo nguồn cung năng lượng và ổn định giá cả thị trường đã phát huy hiệu quả. Việc tăng nguồn cung điện trong tháng này đã tạo đà cho sản xuất tăng, trong khi giá một số nguyên liệu thô đầu vào cũng "giảm đáng kể". (THX)
* Ngày 29/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh sẽ cung cấp thêm 1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho châu Phi và khuyến khích các công ty nước này rót không dưới 10 tỷ USD vốn đầu tư vào châu lục này trong 3 năm tới.
Trong số 1 tỷ liều vaccine này, 600 triệu liều sẽ là hàng viện trợ, 400 triệu liều còn lại sẽ được cung cấp qua các kênh khác như hợp tác sản xuất giữa doanh nghiệp Trung Quốc và các nước châu Phi. Trung Quốc cũng sẽ xây dựng 10 dự án y tế ở châu Phi và cử 1.500 chuyên gia y tế tới khu vực này. (VnEconomy)
Kinh tế châu Âu
* Liên minh châu Âu (EU) cần dành thời gian để đánh giá đầy đủ các tác động của biến thể Omicron mới của Covid-19 và chuẩn bị, đặc biệt là bằng cách thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng cao hơn.
Vào tháng 5, Ủy ban tìm cách điều phối phản ứng của EU đối với đại dịch, đã ký kết hợp đồng thứ ba với BionTech/Pfizer cho 1,8 tỷ liều vaccine. Hợp đồng này bao gồm một điều khoản rằng các công ty sẽ điều chỉnh vaccine của họ trong vòng 100 ngày nếu một biến thể trở thành “biến thể thoát ra” chứng tỏ có khả năng kháng với các loại vaccine hiện có. (Reuters)
* Nền kinh tế khu vực đồng Euro tăng trưởng với tốc độ kỷ lục trong quý thứ ba, nhưng đã bị đình trệ khi đối mặt với sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 và những hạn chế mới khó khăn, khiến châu Âu tụt hậu so với Mỹ và châu Á trong quá trình phục hồi sau cuộc khủng hoảng.
Các số liệu do cơ quan thống kê của EU công bố cho thấy tổng sản phẩm quốc nội tổng hợp của 19 thành viên khu vực đồng Euro cao hơn 12,7% trong ba tháng đến tháng 9 so với quý trước, đã giảm 11,8% trong ba tháng tính đến tháng Sáu. (WSJ)
* Ngày 29/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cần một nguồn tài trợ đáng tin cậy với những khoản đóng góp lớn hơn từ các nước thành viên để đối phó với đại dịch Covid-19. Bà khẳng định Đức ủng hộ WHO khởi động các cuộc đàm phán về một thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc liên quan đến việc ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.
Trước đó, tất cả 194 thành viên WHO đã nhất trí khởi động đàm phán về “hiệp ước đại dịch” hoặc một dạng thỏa thuận tương tự nhằm ngăn chặn các đại dịch trong tương lai. Quyết định này được xem là giúp thu hẹp khoảng cách giữa châu Âu và Mỹ trong vấn đề xử lý đại dịch. (TTXVN)
* Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 29/11 cho biết, nước này nhận thấy không cần phải hành động khẩn cấp đối với thị trường dầu mỏ do xuất hiện biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19, qua đó giảm bớt khả năng thay đổi thỏa thuận dầu mỏ toàn cầu.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh (OPEC+) sẽ tổ chức các cuộc họp trực tuyến trong tuần này để ra quyết định về chính sách sản xuất dầu mỏ. (Reuters)
* Công ty năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga hôm 29/11 đã báo cáo lợi nhuận ròng hằng quý kỷ lục là 581,8 tỷ Ruble (7,8 tỷ USD) cho quý III/2021, phản ánh giá khí đốt tự nhiên tăng cao. Thậm chí, Gazprom còn dự kiến lợi nhuận có thể còn cao hơn trong ba tháng cuối năm.
Doanh thu từ tháng 7-9/2021 của công ty cũng đã tăng mạnh từ mức 1.400 tỷ Ruble hồi cùng kỳ năm ngoái lên 2.400 tỷ Ruble - một kỷ lục mới.
Gazprom cho biết giá khí đốt trung bình của họ ở châu Âu và các khu vực khác trong quý III đã tăng từ mức 117,2 USD/1.000 m3 hồi cùng kỳ năm 2020 lên 313,40 USD/1.000 m3. (Reuters)
Du khách xếp hàng tại quầy vé ở sân bay quốc tế tại Johannesburg, Nam Phi, ngày 26/11, nhanh chóng rời nơi phát hiện các ca mắc Covid-19 mang biến thể Omicron. (Nguồn: Reuters). |
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Tối 29/11, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo, từ 0h ngày 30/11, chính thức áp dụng biện pháp hạn chế nhập cảnh để phòng ngừa sự xâm nhập biến thế Omicron, hiện có nguy cơ làm bùng phát làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với người đã xuất phát từ sân bay nước ngoài trước thời điểm trên để đến Nhật Bản. (Bnews)
* Trong cuộc điện đàm ngày 29/11, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel đã nhất trí hợp tác trong nỗ lực hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút này, hai bên đã trao đổi quan điểm các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiên, đồng thời khẳng định sẽ hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu. (Kyodo News)
* Xuất khẩu nông sản, thủy sản của Hàn Quốc trong giai đoạn từ 1/1-25/11/2021 đạt 10,13 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu lần đầu tiên xuất khẩu mặt hàng này tại Hàn Quốc vượt 10 tỷ USD. Kết quả này là nhờ sự phổ biến của làn sóng văn hóa Hàn Quốc trên thế giới. (Yonhap News)
* Trong báo cáo triển vọng kinh tế sửa đổi được công bố ngày 25/11, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức 4%. Điều này cũng đồng nghĩa với suy đoán sẽ không có biện pháp bổ sung nào để hạn chế hoạt động kinh tế được áp đặt ngay cả khi số lượng ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng lên. (Arirang News)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Chính phủ Indonesia đang cân nhắc kế hoạch phân bổ gói ngân sách nhỏ hơn nhiều dành cho công tác ứng phó với đại dịch Covid-19 vào năm tới trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang trên đà phục hồi.
Bộ Tài chính dự kiến sẽ dành 414.000 tỷ Rupiah (2,89 tỷ USD) cho ba hạng mục chi gồm chăm sóc y tế, bảo trợ xã hội và phục hồi kinh tế vào năm tới, thấp hơn 44,35% so với gói ngân sách năm nay với năm hạng mục chi. (TTXVN)
* Canada và Ấn Độ đang “âm thầm” chuẩn bị để khởi động lại các cuộc đàm phán chính thức về một FTA song phương. Các nhà đàm phán thương mại của hai nước đã tổ chức 4 cuộc họp tham vấn dưới hình thức trực tuyến trong năm ngoái, và tại cuộc họp gần đây nhất vào tháng 10/2021, hai bên đã đưa ra các đề xuất sơ bộ về FTA. (TTXVN)
* Kim ngạch xuất khẩu tháng 10/2021 của Malaysia đã lập kỷ lục mới, đạt 114 tỷ RM và dự kiến cả năm 2021 sẽ đạt 1.200 tỷ RM (hơn 283 tỷ USD), vượt chỉ tiêu đề ra trước 4 năm.
Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 12 (12MP) đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 1.240 tỷ RM vào năm 2025. Tuy nhiên, Malaysia có thể hoàn thành mục tiêu trên trước 4 năm, khi dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm nay của nước này có thể đạt 1.200 tỷ RM. (TTXVN)
| Biến thể Omicron: Bốn lý do để lạc quan Còn quá sớm khi cho rằng sự xuất hiện và lây lan mạnh mẽ của Omicron, biến thể mới đáng lo ngại của SARS-CoV-2, sẽ ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần (19-25/11): Dự trữ ngoại hối của Nga cao kỷ lục, Gazprom-Moldova bớt căng về khoản nợ khí đốt, Ukraine chấp nhận hạ phí Nga sẵn sàng cung cấp liên tiếp khí đốt cho châu Âu, đồng ý gia hạn nợ cho Moldova, giao thương toàn cầu đang chậm ... |