Kinh tế thế giới
Giá dầu tăng không ảnh hưởng phục hồi kinh tế toàn cầu
Tờ Wall Street Journal nhận định giá dầu tăng khó có thể ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế toàn cầu; theo đó, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và nhu cầu tiêu dùng khởi sắc ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ giúp thế giới hạn chế tác động từ cú sốc giá dầu tăng cao.
Morgan Stanley cho biết giá dầu toàn cầu đã vượt mức trung bình dài hạn vào năm 2005, nhưng tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ cho phép các nền kinh tế bù đắp những tác động tiêu cực khi giá dầu tăng cao. (Wall Street Journal)
G20 thông qua thỏa thuận đánh thuế tối thiểu các tập đoàn xuyên quốc gia
Sau 2 ngày họp tại Venice, Italy (9-10/7), các Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí thông qua thỏa thuận về đánh thuế tối thiểu toàn cầu với các tập đoàn đa quốc gia, theo đó quy định các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hàng năm trên 750 triệu Euro sẽ phải chịu mức thuế toàn cầu tối thiểu 15%.
Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng nhất trí thông qua đề xuất đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia nếu có doanh thu vượt trội vượt quá 10% sẽ phải chịu mức thuế 20 - 30% vào khoản doanh thu vượt trội này.
Dự tính, hơn 100 tập đoàn đa quốc gia sẽ phải chịu các khoản thuế này và mỗi năm các nước sẽ thu về ít nhất 150 tỷ USD. (New York Times)
Kinh tế Mỹ
Thành viên cấp cao tại Ủy ban Tài chính Thượng viện, Thượng nghị sĩ Mike Crapo và thành viên cấp cao tại Ủy ban Tài chính Hạ viện, Hạ nghị sĩ Kevin Brady đã gửi thư cho Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhằm bày tỏ quan ngại về vấn đề đánh thuế các doanh nghiệp trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Các nghị sĩ cho rằng, chính quyền Mỹ đã nhượng bộ các đối tác nước ngoài và sẽ tổn hại tới nền kinh tế Mỹ; nhấn mạnh việc bất kỳ thỏa thuận thuế quốc tế nào cũng sẽ cần phải được Quốc hội thông qua trước khi có thể có hiệu lực tại Mỹ. (Insider Trade)
* Giá sản xuất tại Mỹ tăng hơn dự kiến trong tháng 6/2021, cho thấy tỷ lệ lạm phát của nước này có thể vẫn ở mức cao do nhu cầu mạnh mẽ (được thúc đẩy bởi sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19) tiếp tục gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Cụ thể, báo cáo ngày 14/7 của Bộ Lao động Mỹ cho hay, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ đã tăng 1,0% trong tháng 6/2021, sau khi tăng 0,8% trong tháng 5.
Tính từ tháng 12/2020 đến tháng 6/2021, chỉ số PPI của Mỹ đã tăng 7,3%. Đó là mức tăng lớn nhất so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 11/2010, và xếp sau là mức tăng 6,6% của tháng 5.
Kết quả này cũng “đánh bại” dự báo của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters khi cho rằng PPI của Mỹ trong tháng 6 sẽ tăng 0,6% so với tháng trước đó và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế Trung Quốc
* Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2021 từ 8,1% lên 8,5%, nhận định Trung Quốc cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 mới có thể thúc đẩy kinh tế phục hồi toàn diện. WB dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể giảm xuống còn 5,4% trong năm 2022.
WB cũng cho rằng trong trung hạn, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với một số thách thức như vấn đề về kết cấu dân số, tăng trưởng năng suất chậm lại. (CCTV)
* Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dịch vụ của Trung Quốc đạt 1.938,06 tỷ NDT (khoảng 302,8 tỷ USD), tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 911,78 tỷ NDT, tăng 20,1%; nhập khẩu đạt 1.026,28 tỷ NDT, giảm 7,5%.
Trong tháng 6/2021, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành chế tạo của Trung Quốc đạt 50,9%, giảm 0,1 điểm% so với tháng 5/2021; chỉ số PMI ngành phi chế tạo đạt 53,5%, giảm 1,7 điểm% so với tháng 5/2021; PMI tổng hợp là 52,9%, giảm 1,3 điểm% so với tháng trước.
Cả 3 chỉ số này duy trì trên mức trung tính (50%), cho thấy kinh tế về tổng thể vẫn duy trì xu hướng phục hồi tăng trưởng. (Mạng kinh tế Trung Quốc)
* Trong lĩnh vực bất động sản, theo báo cáo thường niên của Ủy ban Giám sát Đầu tư Nước ngoài (FIRB) Australia được công bố gần đây, đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực bất động sản nhà ở và thương mại tại Australia tăng 16% trong giai đoạn 2019-2020, từ 6,1 tỷ USD lên 7,1 tỷ USD.
Trung Quốc đã giành lại vị trí thứ 3 về nguồn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản tại Australia, sau Mỹ và Singapore, với giá trị đầu tư lần lượt đạt 13,1 tỷ USD và 9,5 tỷ USD trong năm 2020. (Thời báo Hoàn Cầu)
* Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây công bố dữ liệu cho thấy, tổng dự trữ ngoại hối bằng đồng Nhân dân tệ (NDT) trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã tăng từ 269,49 tỷ USD trong quý IV/2020 lên 287,46 tỷ USD trong quý I/2021, đạt mức tăng trưởng trong 9 quý liên tiếp.
Theo đó, tỷ lệ đồng NDT trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã tăng từ 2,2% của 3 tháng trước đó lên 2,45% trong quý đầu tiên của năm 2021, mức cao mới kể từ khi dữ liệu được ghi nhận vào quý 4/2016.
Dữ liệu của IMF cho thấy, đồng USD vẫn là đồng tiền được các ngân hàng Trung ương toàn cầu nắm giữ nhiều nhất, lên tới 59,54%, tiếp theo là đồng Euro 20,57% và đồng Yên 5,89%. (IMF)
Kinh tế châu Âu
* Ngày 8/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định về mục tiêu lạm phát mới và nhất trí đưa nội dung chống biến đổi khí hậu vào chiến lược chính sách tiền tệ của mình.
ECB đã quyết định nâng mục tiêu lạm phát lên mức 2% trong trung hạn, thay vì mục tiêu trước đây là "thấp hơn hoặc gần 2%".
ECB cũng sẽ bắt đầu thực hiện "các bài kiểm tra về khí hậu" để đánh giá mức độ rủi ro của Eurosystem, cơ quan quản lý tiền tệ của Eurozone, trước tác động của biến đổi khí hậu. (TTXVN)
Báo cáo ngày 9/7 của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho hay, xuất khẩu hàng hóa của Anh sang Liên minh châu Âu (EU) đã tăng lên 14 tỷ Bảng (hơn 19 tỷ USD) trong tháng 5/2021, mức cao nhất kể từ tháng 10/2019 và gần gấp đôi mức tương ứng của tháng 01/2021.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Anh trong tháng 5 là 27,9 tỷ Bảng, không bao gồm kim loại quý, mức cao nhất kể từ tháng 01/2020.
Tuy nhiên, tổng thể thương mại của Anh với EU đã tụt lại so với tốc độ tăng trưởng thương mại với phần còn lại của thế giới, và các nhóm doanh nghiệp cho biết họ vẫn phải đối mặt với những thủ tục phức tạp khi giao thương với khách hàng và nhà cung cấp châu Âu do hậu quả của Brexit. (Reuters)
* Mối quan hệ của Thụy Sỹ với EU đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Bern quyết định rút khỏi đàm phán về dự thảo thỏa thuận khung vào cuối tháng 5/2021. Diễn biến này có thể khiến quan hệ hai bên trở nên căng thẳng, trong bối cảnh EU chiếm hơn 50% lượng hàng hóa xuất khẩu của Thụy Sỹ.
Theo ngân hàng đầu tư Thụy Sỹ UBS Group AG, Thụy Sỹ phụ thuộc vào Liên minh châu Âu (EU) cả về nguồn lao động ổn định và nguồn cung cấp điện… (TTXVN)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng GDP trong năm tài chính 2021 sẽ tăng 3,7%, quay trở lại mức GDP ngay trước đại dịch. Theo ước tính, tiêu dùng tư nhân sẽ tăng 2,8% do chi tiêu trong lĩnh vực dịch vụ dự kiến tăng trưởng; xuất khẩu tăng 14,9% nhờ sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế thế giới. Chính phủ dự đoán nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng 2,2% trong năm tài chính 2022. (The Japan Times)
* Giá bán buôn tại Nhật Bản tiếp tục tăng mạnh trong tháng 6, khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng nhanh chưa từng có. Chỉ số giá hàng hóa doanh nghiệp (CGPI) (đo lường mức giá mà các doanh nghiệp tính với hàng hóa và dịch vụ mua bán của nhau) trong tháng 6 tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức tăng 4,7% theo dự báo, sau khi tăng 5,1% trong tháng 5. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2008 và là tháng tăng thứ tư liên tiếp. (Reuters)
* Các ngân hàng Hàn Quốc có thể siết chặt cho vay trong quý III/2021. Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK), chỉ số đo lường quan điểm của các ngân hàng đối với hoạt động cho vay mới trong quý III ở mức âm 3, trái ngược hoàn toàn với mức 7 của quý trước đó.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh dự báo rủi ro tín dụng hộ gia đình sẽ ngày càng tăng trong quý III, trong khi nền kinh tế tiếp tục suy thoái do đại dịch.
* Theo BoK, thặng dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc tháng 5/2021 đạt 10,97 tỷ USD, tăng so với mức thặng dư 1,91 tỷ USD tháng trước đó. Kể từ khi Hàn Quốc ghi nhận mức thâm hụt tài khoản vãng lai 3,33 tỷ USD tháng 4/2020, mức lớn nhất trong gần một thập niên do hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tài khoản vãng lai của nước này đã đạt thặng dư trở lại. (Yonhap)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Ngày 8/7, chính phủ Indonesia đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 từ mức 4,5-5,3% xuống còn 3,7-4,5%, tính đến tác động của làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 mới do biến thể Delta và việc triển khai lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp mới đây tại hai đảo đông dân là Java và Bali (chiếm tới 60% GDP của Indonesia).
Động thái hạ dự báo tăng trưởng cả năm xuất phát từ việc tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á được dự báo chỉ đạt 3,7-4% trong quý III/2021. Tuy nhiên, chính phủ vẫn duy trì dự báo lạc quan rằng tăng trưởng kinh tế trong quý II vẫn có thể đạt gần 7%. (Reuters)
* Tại kỳ họp Quốc hội tháng 7/2021, Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong công bố gói hỗ trợ bổ sung trị giá 1,2 tỷ SGD (892,8 triệu USD) nhằm giúp các công ty và người lao động bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế do sự gia tăng đột biến các ca nhiễm Covid-19 biến thể Delta không rõ nguồn lây.
600 triệu SGD sẽ được chi trả bởi các quỹ ban đầu dành cho các dự án Hệ thống thoát nước đường hầm sâu và Hành lang Bắc Nam; 600 triệu SGD còn lại sẽ được tái phân bổ từ chi tiêu phát triển chưa được sử dụng hết do sự gián đoạn bởi dịch Covid-19. (Reuters)
* Cơ quan Thống kê Philippines (PSA) cho biết lạm phát của nước này đã giảm xuống 4,1% trong tháng 6, sau khi chạm mức 4,5% trong ba tháng liên tiếp. Lạm phát tháng 6 đưa lạm phát trung bình của nước trong nửa đầu năm 2021 ở mức 4,4%.
Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) giữ nguyên lãi suất không đổi ở mức thấp kỷ lục 2% trong suốt 5 cuộc họp chính sách liên tiếp đồng thời tìm cách duy trì các chính sách tiền tệ thích hợp để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. (TTXVN)
* Kết quả cuộc họp chính sách mới nhất của Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) cho thấy nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với nguy cơ suy giảm đáng kể do đợt bùng phát đại dịch Covid-19 kéo dài làm giảm tính thanh khoản của doanh nghiệp và khiến thị trường việc làm tăng trưởng chậm lại. BoT đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan năm 2021 xuống 1,8%, từ dự báo trước đó là 3%, đồng thời hạ dự báo kinh tế Thái Lan năm 2022 từ 4,7% xuống 3,9%. (TTXVN)
* Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) ngày 6/7 đã quyết định thu hẹp chương trình mua trái phiếu dài hạn và giữ lãi suất chuẩn không thay đổi ở mức 0,1%. Đây là động thái đầu tiên nhằm thu hẹp quy mô các biện pháp kích thích khẩn cấp cho nền kinh tế.
RBA cho biết khi chương trình nới lỏng định lượng trị giá 5 tỷ AUD (3,8 tỷ USD) mỗi tuần kết thúc vào tháng 9, ngân hàng trung ương này sẽ thu hẹp quy mô xuống 4 tỷ AUD/tuần và xem xét lại chính sách này vào cuộc họp giữa tháng 11. (Bloomberg)