Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua |
Kinh tế thế giới
Ký RCEP - FTA có quy mô lớn nhất thế giới
Sáng 15/11, 15 nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đây là FTA có quy mô lớn nhất thế giới giữa ASEAN và 5 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. CNBC nhận định, Hiệp định RCEP sẽ củng cố vị trí của Trung Quốc ở khu vực do nước này sẽ có điều kiện tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc. (CNBC)
IMF kêu gọi các chính phủ không nên dừng các chính sách hỗ trợ tài chính quá sớm
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva mới đây cho biết, con đường phục hồi nền kinh tế toàn cầu phải được củng cố liên tục với chính sách mạnh mẽ, đồng thời kêu gọi các chính phủ không nên dừng các chính sách hỗ trợ tài chính và tiền tệ quá sớm, chính phủ trên khắp thế giới cần “hành động tập thể kiên quyết” để đánh bại đại dịch Covid-19 và có chính sách tài chính hiệu quả để củng cố sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu hậu Covid-19. Trong khi đó, ba trong số các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới gồm Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết thêm, nền kinh tế của họ tiếp tục cần sự hỗ trợ dù có những tiến bộ trong hoạt động phát triển vaccine ngừa Covid-19. (IMF)
Tin Vaccine Covid-19 kích hoạt làn sóng rót tiền vào các quỹ đầu tư chứng khoán
Theo Công ty dữ liệu EPFR Global và Ngân hàng Bank of America, các quỹ đầu tư chứng khoán trên toàn cầu đón nhận tổng cộng 44,5 tỷ USD trong tuần trước, bao gồm 32 tỷ USD được rót vào các quỹ đầu tư chứng khoán ở Mỹ. Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tiếp nhận 38,7 tỷ USD, số còn lại thuộc về các quỹ tương hỗ. Đây là số tiền kỷ lục mà các quỹ đầu tư chứng khoán trên toàn cầu nhận được trong một tuần kể từ khi EPFR Global bắt đầu theo dõi dữ liệu này từ năm 2000. Nguyên nhân là do thông tin tích cực về vaccine Covid-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) và Công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) kích hoạt làn sóng rót tiền của giới đầu tư vào các quỹ chứng khoán trên cầu trong tuần trước với giá trị cao hơn bất kỳ tuần nào trong 20 năm qua. (EPFR Global)
Mỹ-EU
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer bày tỏ thất vọng về quyết định của EU nhằm áp thuế đối với máy bay và các hàng hóa khác của Mỹ, song không đưa ra cảnh báo đáp trả bằng một hành động khác. Trước đó, EU cho biết sẽ thực thi việc áp thuế nhằm vào hàng hóa của Mỹ liên quan đến bất đồng kéo dài về vấn đề trợ cấp cho hai hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ và Airbus của EU. Cao ủy Thương mại EU Valdis Dombrovskis cho hay, Mỹ đã áp thuế đối với hàng hóa của EU sau phán quyết của WTO về vụ kiện Airbus và giờ tổ chức này cũng đã ra phán quyết về vụ kiện Boeing, cho phép EU áp thuế và đây là điều mà khối này sẽ thực thi. (CNBC )
Trung Quốc- Australia
Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu gỗ từ bang Victoria của Australia sau khi phát hiện có sâu bệnh trong loại gỗ này. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Australia cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo cho Bộ này rằng, “tất cả các hoạt động xuất khẩu gỗ tròn từ bang Victoria của Australia sẽ bị đình chỉ kể từ ngày 11/11”. Lệnh cấm được đưa ra một tuần sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu gỗ từ bang Queensland.
Trả lời phỏng vấn báo giới, các nhà nhập khẩu Trung Quốc cho hay, họ đã được gọi đến một cuộc họp và được các quan chức thông báo một cách không chính thức rằng, các sản phẩm của Australia sẽ phải đối mặt với việc gia tăng kiểm tra hải quan sau ngày 6/11. Hiện Bộ Nông nghiệp Australia đang làm việc với ngành công nghiệp gỗ của bang Victoria để nỗ lực xử lý gỗ tròn. Hiệp hội Sản phẩm Lâm nghiệp Australia cho biết, đang tìm kiếm thêm thông tin chi tiết từ các quan chức Trung Quốc liên quan đến vụ việc. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. (Reuters)
Mỹ
Bộ Tài chính Mỹ thông báo chính phủ liên bang ghi nhận mức thâm hụt ngân sách kỷ lục trong tháng 10/2020 là 284,1 tỷ USD, gần gấp hai lần so với mức thâm hụt trong cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh nguồn thu giảm sút, còn chi tiêu để giải quyết những hậu quả do dịch Covid-19 gây ra tăng. Thâm hụt ngân sách trong tài khóa 2020 (kết thúc ngày 30/9/2020), đã lên tới 3.100 tỷ USD, phá vỡ “mốc thâm hụt kỷ lục cũ” 1.400 tỷ USD trong năm 2009. Quốc hội Mỹ đã gặp bế tắc trong việc thông qua gói kích thích kinh tế mới kể từ mùa Hè năm nay khi đảng Dân chủ mong muốn số tiền cứu trợ lớn hơn mức đảng Cộng hòa sẵn sàng chi. Việc ông Joe Biden giành lợi thế trong cuộc bầu cử Mỹ 3/11 cho đến nay vẫn chưa giải tỏa được bế tắc với việc các nghị sỹ đảng Dân chủ kêu gọi đảng Cộng hòa nối lại đàm phán về gói dự thảo 2.400 tỷ USD đã được Hạ viện thông qua hồi tháng 5/2020. (AP)
Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Goldman Sachs nhận định rằng, cuộc bầu cử ở Mỹ, dù chưa có kết quả chính thức, có thể sẽ dẫn đến một chính phủ bị chia rẽ và có thể đẩy các đồng tiền châu Á tăng giá so với đồng USD. Sự chia rẽ có thể dẫn đến việc Mỹ sẽ không có những chính sách kích thích tài chính mới với quy mô quá lớn, đồng nghĩa với việc tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ không quá cao, còn lãi suất sẽ không bị đẩy lên quá nhiều. Nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs viện dẫn rằng, các nhà đầu tư đang đổ tiền vào thị trường trái phiếu của Trung Quốc với dòng vốn lên tới 20 tỷ USD/tháng, qua đó hỗ trợ các đồng tiền trong khu vực tăng giá so với USD. Do vậy, ông khá tin tưởng việc các đồng tiền châu Á tăng giá trong năm tới và có khả năng NDT của Trung Quốc sẽ dẫn dắt làn sóng này. (CNBC)
Trung Quốc
Hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ dự báo, Trung Quốc sẽ mua hơn 8.600 máy bay mới trị giá 1.400 tỷ USD trong hai thập kỷ tới. Mức dự báo này cao hơn so với con số được đưa ra hồi năm ngoái, khi Boeing chỉ ước tính Trung Quốc sẽ cần 8.090 máy bay trị giá 1.300 tỷ USD trong 20 năm tới.
Dự báo trên được đưa ra giữa bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trên đà phục hồi từ cuộc khủng hoảng Covid-19. Boeing cho biết, Trung Quốc sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của ngành hàng không toàn cầu trong vòng 20 năm tới, dựa trên sự “phục hồi mạnh mẽ” của nền kinh tế từ đại dịch Covid-19. Tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh chóng, quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ là những nhân tố chính giúp củng cố niềm tin này. (AFP)
Châu Âu
EU vừa thông qua “lộ trình” xanh trị giá 1.000 tỷ Euro (1.200 tỷ USD) của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), theo đó ngân hàng này sẽ ngừng tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch và mở rộng sân bay. Kế hoạch “Ngân hàng Khí hậu” của EIB đã được thảo luận từ năm 2019 khi kế hoạch này được đưa ra như một tín hiệu cho thấy EU sẽ tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Số tiền 1.000 tỷ Euro sẽ được chi cho các dự án tập trung vào khí hậu, đa dạng sinh học và sự bền vững. EIB cho hay tất cả hoạt động tài trợ cũng sẽ tuân thủ thỏa thuận khí hậu Paris vào cuối năm nay. (Reuters)
Nghị viện châu Âu và các nhà đàm phán của các nước thành viên EU đã nhất trí về chi tiết ngân sách 2021-2027 của EU, một bước quan trọng để kích hoạt quỹ phục hồi trị giá 1.800 tỷ Euro (2.100 tỷ USD) của khối nhằm thúc đẩy nền kinh tế theo hướng xanh hơn và chú trọng hơn vào kỹ thuật số. Thỏa thuận đạt được sau gần bốn tháng đàm phán đã nâng mức chi trong ngân sách 1.100 tỷ Euro của EU cho y tế, giáo dục và an ninh thêm 16 tỷ Euro so với thỏa thuận ban đầu của các nhà lãnh đạo EU hồi tháng Bảy. Thỏa thuận cũng nêu ra các nguồn thu mới để EU có thể thanh toán 750 tỷ Euro dự kiến vay để hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch. Trong những tuần tới, các cuộc đàm phán giữa Nghị viện châu Âu và các chính phủ sẽ tiếp tục diễn ra về chi tiết của khoản vay 750 tỷ Euro nói trên, trong đó 672,5 tỷ Euro sẽ được cấp cho các chính phủ dưới dạng khoản vay và tài trợ trên cơ sở các kế hoạch phục hồi kinh tế quốc gia. (Reuters)
Hội đồng Chuyên gia Kinh tế Đức (GCEE) cho biết, GDP thực của nước này dự báo sẽ giảm 5,1% trong năm 2020 trước khi phục hồi 3,7% vào năm 2021. Sau sự phục hồi rất mạnh mẽ trong những tháng mùa Hè GCEE đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng thêm 1,4 điểm phần trăm - lạc quan hơn so với dự báo gần đây nhất của chính phủ với dự kiến GDP giảm 5,8% trong năm nay. GCEE lưu ý rằng sự phát triển của các nước khác cũng có ảnh hưởng lớn đến nước Đức. Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh trở lại và sự phục hồi mạnh mẽ trong Quý III/2020 có nghĩa là Mỹ và Khu vực đồng Euro cũng có thể tăng GDP đáng kể. Chủ tịch của GCEE Lars Feld cho biết, ở cấp độ châu Âu, GCEE đề xuất mở rộng phạm vi của các chính sách tiền tệ và tài chính thông qua đầu tư và cải cách nhằm phản ứng thích hợp với các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Theo ông Feld, mặc dù vượt qua đại dịch là trọng tâm chính hiện nay, nhưng thay đổi cấu trúc là một thách thức lớn khác, nhưng nó cũng mang lại nhiều cơ hội đáng kể. (THX)
Nhật Bản và Hàn Quốc
Theo số liệu của Văn phòng Nội các Nhật Bản, GDP của nước này đã tăng 5,0% trong Quý III/2020 so với quý trước liền kề. Kinh tế từ tháng 7-9/2020 tăng trưởng chủ yếu nhờ xuất khẩu, tiêu biểu là như ô tô sang Mỹ và chất bán dẫn sang Trung Quốc. Nhu cầu về chất bán dẫn phục hồi do bởi sự thay đổi cách thức sang làm việc tại nhà và nhu cầu về các dịch vụ điện toán đám mây. Ngoài ra, chương trình hỗ trợ 1.000 USD/người dân đã góp phần thúc đẩy chi tiêu các mặt hàng giá trị cao như điều hòa nhiệt độ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đang phủ bóng ảm đạm lên triển vọng tiếp tục phục hồi. Với việc châu Âu đang đóng cửa 1 lần nữa, các nhà kinh tế dự đoán, xuất khẩu của Nhật Bản sẽ tăng trưởng chậm trong Quý IV/2020. (Nikkei Asia Review)
Các chuyên gia Hàn Quốc đánh giá Hiệp định RCEP sẽ ảnh hưởng tích cực tới nước này do nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc quá nhiều vào thương mại. Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, RCEP với thị trường chiếm 1/3 GDP toàn thế giới sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc khôi phục các hoạt động thương mại và đầu tư của các nước thành viên vốn bị ảnh hưởng bởi Covid-19. (Arirang News)
Theo thống kê của Hải quan Hàn Quốc, xuất khẩu tháng 10 của nước này đạt 44,9 tỷ USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 mới và ít ngày làm việc hơn. Trong khi đó nhập khẩu giảm 5,6% còn 39,1 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 5,8 tỷ USD, đánh dấu tháng thặng dư thương mại thứ sáu liên tiếp. (Yonhap News)
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, trong 10 tháng tính đến 20/10, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,48 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,51 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với 3,42 tỷ USD, chiếm gần 15%. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,17 tỷ USD, chiếm 9,2%. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc). Lũy kế đến ngày 20/10, cả nước có 32.777 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 380 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 227,68 tỷ USD, bằng 60% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. (KHĐT)
Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia, ông Azmin cho biết, nước này có “điều kiện tiên quyết” đối với bất cứ nỗ lực nào nhằm nối lại đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo đó, điều kiện mà Malaysia đưa ra, đó là việc nối lại đàm phán phải mở đường cho một nền “thương mại công bằng” và một sân chơi bình đẳng. Bộ trưởng Azmin cho biết thêm, trước đây các bên tham gia TPP đã thảo luận điều này khá gay gắt bởi có một số điều khoản trong hiệp định được cho là không đảm bảo hoặc không đưa ra được sự bảo vệ đối với các nền công nghiệp nội địa. Malaysia mong muốn có một thị trường lớn hơn, song nước này cũng muốn bảo vệ nền công nghiệp trong nước khỏi sự “bắt nạt” của các cường quốc. (Benar News)
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman vừa công bố gói kích thích trị giá 265.000 Rupee (trên 35 tỷ USD) nhằm thúc đẩy nền kinh tế hiện đang suy thoái do tác động của đại dịch Covid-19. Các biện pháp kích thích mới này nằm trong gói kích thích "Tự lực 3.0" đang được triển khai trong hơn 3 tháng qua, tập trung vào hỗ trợ các ngành hoạt động khó khăn do tác động của đại dịch, nhóm có thu nhập trung bình, các doanh nghiệp siêu nhỏ và vừa.... Các biện pháp mới này chủ yếu tập trung vào tạo việc làm, thúc đẩy các ngành cần nhiều lao động như bất động sản và chế tạo. (Mumbai Mirror)