Kinh tế thế giới tuần qua
Tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 4% năm 2021
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2021, thấp hơn 0,2% so với dự báo tháng 6/2020.
WB nhận định việc triển khai nhanh chóng hoạt động phân phối và tiêm chủng vaccine ngừa dịch bệnh Covid-19 sẽ đóng vai trò rất quan trọng để thúc đẩy hoạt động kinh tế ở các nền kinh tế phát triển và ngăn chặn sự sụt giảm hơn nữa đối với nền kinh tế của các nước nghèo hơn vào năm 2021. Tuy nhiên, tổ chức tài chính quốc tế này cảnh báo sự gia tăng lây lan của đại dịch Covid-19 và việc chậm trễ phân phối vaccine có thể đẩy mức phục hồi xuống chỉ còn 1,6% trong năm nay. WB đang hợp tác chặt chẽ với hơn 100 quốc gia để giúp họ tiếp cận khoản vay trị giá 12 tỷ USD với lãi suất thấp phục vụ cho việc mua và phân phối vaccine ngừa Covid-19. Các thỏa thuận đầu tiên dự kiến sẽ được thông qua vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2/2021. (WB)
Anh-EU
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch ngày 15/1 duy trì xếp hạng nợ của Anh ở mức AA- với triển vọng tiêu cực, song đưa ra cảnh báo đối với Anh về rủi ro từ tình trạng gia tăng thâm hụt ngân sách, do các ca mắc Covid-19 mới và mối quan hệ thương mại căng thẳng với châu Âu.
Fitch nhận định, triển vọng tiêu cực phản ánh tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế Anh, cũng như nền tài chính công, khi thâm hụt ngân sách của nước này đã tăng lên 16,2% GDP trong năm 2020. Fitch đánh giá thỏa thuận thương mại gần đây giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) sẽ hạn chế sự gián đoạn về biên giới trong ngắn hạn, nhưng vẫn chưa chắc chắn về cách thức tiến hành cũng như tác động đối với quan hệ thương mại giữa Anh và EU. Tiến triển trong sản xuất vaccin ngừa Covid-19 có thể thúc đẩy đà phục hồi bền vững trong nửa cuối năm 2021. Fitch nâng dự báo tăng trưởng GDP cả năm lên 5% so với 4,1% trước đó, tuy nhiên vẫn cảnh báo về triển vọng kinh tế trong ngắn hạn khá yếu trong bối cảnh nước Anh vật lộn với sự gia tăng các ca mắc Covid-19. (AFP)
Kinh tế Mỹ
Tại sao gói kích thích kinh tế của tân Tổng thống Biden trị giá 1.900 tỷ USD? Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 20/1 cho biết, đề xuất của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden về gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD là dựa trên đánh giá về những nhu cầu cụ thể. Bình luận này được bà Psaki đưa ra khi được hỏi về những sự phản đối của phe Cộng hòa về tổng giá trị gói cứu trợ.
Phát biểu với báo giới trong cuộc họp báo đầu tiên của bà sau lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Biden, nữ phát ngôn viên Psaki nêu rõ: "Gói cứu trợ này không được trù tính là 1.900 tỷ USD như ban đầu. Gói này được thiết kế với những nội dung cần thiết để cung cấp cho người dân khoản cứu trợ mà họ cần".
Bà Psaki cho biết thêm ông Biden sẽ liên quan chặt chẽ vào việc đàm phán với Quốc hội về gói cứu trợ này, cũng như thừa nhận, bản cuối cùng của bất cứ dự luật nào hiếm khi giống gần như y hệt bản đề xuất ban đầu.
Trước đó, ngày 14/1, ông Joe Biden công bố bản kế hoạch chi tiết của gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD, được gọi là “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp vượt qua đại dịch, trong đó đáng chú ý có đề xuất các khoản thanh toán trực tiếp cho mỗi người dân Mỹ lên tới 1.400 USD, tăng trợ cấp thất nghiệp mỗi tuần của liên bang lên 400 USD và kéo dài đến cuối tháng 9/2021, tăng mức lương tối thiểu tại mỗi bang lên 15 USD/giờ.
Đây là một trong 2 đề xuất chi tiêu lớn mà ông Biden dự kiến thúc đẩy ngay khi nắm quyền. Sáng kiến thứ 2 dự kiến sẽ được tân Tổng thống Mỹ đưa ra vào tháng 2, tập trung giải quyết các mục tiêu dài hạn, bao gồm tạo việc làm, cải cách cơ sở hạ tầng, chống biến đổi khí hậu và tăng cường công bằng sắc tộc.
Bộ Lao động Mỹ mới đây đã công bố số lượng đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp tuần đầu tháng 1/2021 đã lên tới 965.000, mức cao nhất kể từ tháng 8/2020. (CNBC)
Goldman Sachs dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2021 (hơn 0,2% so với mức 6,4% dự kiến trước đó) và tỷ lệ thất nghiệp vào cuối năm 2021 hiện ở mức 4,5%, (giảm 0,3% so với ước tính trước đó là 4,8%).
Đây là là mức ước tính cao thứ hai trong một cuộc khảo sát của Goldman Sachs với 84 nhà kinh tế; ước tính trung bình là 4,1%. Theo Goldman Sachs, việc nâng dự báo đến từ kỳ vọng, Tổng thống đắc cử Biden sẽ cung cấp một lượng lớn viện trợ tài chính nhà nước, chi tiêu cho giáo dục và y tế công cộng, cũng như trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, để chống lại tác hại từ đại dịch hiện đang ở mức tàn phá nhất cho đến nay. (Bloomberg)
Kinh tế Trung Quốc
Theo thông tin công bố tại Họp báo Tổng kết công tác tài chính Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), tổng vốn huy động toàn xã hội (TSF) trong năm 2020 của nước này đạt 34,86 nghìn tỷ NDT (khoảng 6.645 tỷ USD), tăng 9,19 nghìn tỷ NDT so với năm 2019. Theo đánh giá của PBOC, trong năm 2020, lượng tài chính đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần hỗ trợ hiệu quả nền kinh tế thực, phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội. (THX)
Số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, tổng giá trị xuất nhập khẩu thương mại hàng hóa Trung Quốc năm 2020 đạt 32.160 tỷ NDT, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu đạt 17.930 tỷ NDT, tăng 4%; nhập khẩu 14.230 tỷ NDT, giảm 0,7%. Thặng dư thương mại là 3.700 tỷ NDT, tăng 27,4%. Nền kinh tế Trung Quốc đã giảm mức lịch sử 6,8% so với cùng kỳ năm trước trong ba tháng đầu năm 2020, nhưng đã tránh được một cuộc suy thoái chính thức (suy giảm hai quý liên tiếp) bằng cách duy trì tăng trưởng lần lượt là 3,2% và 4,9% trong quý II và quý III. IMF ước tính, tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2020 là 1,9% và dự báo tăng trưởng 7,9% cho năm 2021. (THX)
Kinh tế châu Âu
Chủ tịch ECB lạc quan về triển vọng phục hồi của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), bày tỏ sự tin tưởng kinh tế Eurozone sẽ phục hồi trong năm 2021, bất chấp việc các nước trong khu vực tái áp đặt các biện pháp hạn chế và khởi đầu gian nan của chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
Tháng 12/2020, ECB dự báo nền kinh tế Eurozone với 19 nước thành viên sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm 2021, sau khi giảm 7,3% trong năm 2020. Chủ tịch ECB khẳng định, những dự báo của ECB về triển vọng kinh tế Eurozone vẫn đáng tin cậy. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh dự báo trên chỉ tính đến trường hợp các biện pháp phong tỏa khống chế dịch bệnh được áp đặt cho đến cuối quý I/2021 và sẽ đáng lo ngại nếu các nước thành viên cần gia hạn lệnh phong tỏa sau thời điểm nói trên. Người đứng đầu ECB cũng đã hoan nghênh thỏa thuận của toàn EU về gói biện pháp phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ Euro (913 tỷ USD), đồng thời cho rằng, chính sách tài khóa cần hỗ trợ cho các biện pháp tiền tệ, duy trì và phân bổ hợp lý gói kích thích để tác động tốt nhất đến tăng trưởng của nền kinh tế (Reuters)
Kinh tế Đức suy giảm 5% trong năm 2020. Số liệu do Cơ quan thống kê Liên bang Destatis vừa công bố cho thấy, trong năm ngoái, GDP của Đức giảm 5% bởi "hầu hết các lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19". Tuy nhiên, mức giảm này thấp hơn so với mức giảm 5,7% mà nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải hứng chịu hồi năm 2009 trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Cũng theo số liệu của Destatis, chi tiêu tư nhân trong năm ngoái đã lao dốc 6% trong khi đầu tư doanh nghiệp vào thiết bị mới cũng giảm mạnh. Kim ngạch xuất khẩu giảm tới gần 10%, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 8,6%. Điều này cho thấy, thặng dư thương mại của Đức đã thu hẹp do đại dịch. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách của khu vực công lên tới 158,2 tỷ Euro (192,31 tỷ USD), tương đương 4,8% GDP. Điểm sáng duy nhất trong bức tranh kinh tế ảm đạm của Đức là chi tiêu chính phủ, giúp chi tiêu công tăng 3,4%. Hoạt động xây dựng, lĩnh vực được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Đức, tăng 1,5%. (The Guardian)
Nhật Bản và Hàn Quốc
Nhật Bản đang cố gắng tăng thị phần toàn cầu của các nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn như NEC, FUJITSU thông qua hợp tác với Chính phủ Anh và Mỹ, nhằm tận dụng cơ hội Mỹ đang thực hiện các lệnh trừng phạt đối với tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc. Đây được xem là bước đệm khôi phục vị thế của các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Nhật Bản như NEC, FUJITSU trong cuộc đua công nghệ di động thế hệ thứ 5 (5G) và đón đầu công nghệ di động thế hệ thứ 6 (6G) trong bối cảnh các doanh nghiệp này chỉ chiếm chưa đến 1% thị phần toàn cầu.
Trong khi đó, 80% thị phần thiết bị viễn thông toàn cầu do ba “gã khổng lồ” công nghệ sở hữu, bao gồm Huawei của Trung Quốc (34,4%), Ericsson của Thụy Điển (24,1%) và Nokia của Phần Lan (19,2%). NEC và FUJITSU đang nỗ lực mở rộng đầu tư nhằm gia tăng thị phần viễn thông toàn cầu. NEC đã bắt đầu đầu tư phát triển các trạm phát sóng có khả năng cạnh tranh tầm quốc tế thông qua hình thành liên minh về vốn và kinh doanh với NTT, doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Nhật Bản. Còn FUJITSU đã xác định phương châm kinh doanh vượt khỏi biên giới Nhật Bản, tăng cường đầu tư kinh doanh ở nước ngoài. (Yomiuri Shimbun)
Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc cho biết, đa số các nhà bán lẻ ở nước này cho rằng, điều kiện kinh doanh trong quý I/2021 sẽ khó khăn hơn so với quý IV/2020, do đại dịch Covid-19. Chỉ số khảo sát doanh nghiệp bán lẻ (RBSI) giảm từ 85 trong quý IV/2020 xuống 84 trong quý I/2021. Số liệu được dựa trên khảo sát khoảng 1.000 doanh nghiệp bán lẻ tại Hàn Quốc. Trong khi các nhà bán lẻ trực tuyến lạc quan về triển vọng kinh doanh nhờ tiêu dùng "không tiếp xúc" tăng, các nhà bán lẻ trực tiếp lại bi quan (RBSI của các cửa hàng bách hóa ở mức 98, với các siêu thị là 65, các cửa hàng giảm giá lớn là 43 và các cửa hàng tiện lợi là 61).
Ngoài ra, theo một khảo sát của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc, nhu cầu vay tại nước này được dự báo tăng trong quý I/2021, khi nhu cầu vay mua nhà và đầu tư chứng khoán lớn. Chỉ số nhu cầu vay thế chấp của các gia đình ở mức 3 trong quý I/2021 (so với 24 trong quý IV/2020), nhưng vẫn trên 0, cho thấy số ngân hàng trong nước nhận định nhu cầu vay sẽ tăng vượt số ngân hàng dự báo nhu cầu giảm. Chỉ số vay theo hình thức tín dụng của các gia đình giảm từ 44 xuống 18. Kết quả trên được đưa ra dựa trên khảo sát với 201 ngân hàng, trong đó có 17 ngân hàng thương mại.
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,7% trong năm 2021, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó hồi tháng 12/2020. Tuy nhiên, dự báo GDP cho năm 2022 của WB vẫn được giữ nguyên ở mức 6,5% như trong báo cáo trước. Theo WB, Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 với tổn thất về người ít nhất và chi phí hợp lý, đạt được mức xuất khẩu ấn tượng bất chấp những sóng gió toàn cầu. (TG&VN)
Báo cáo Di cư và Kiều hối của Ngân hàng Thế giới công bố với dự báo lượng kiều hối năm 2020 của Việt Nam sẽ giảm hơn 7% còn 15,7 tỷ USD - chiếm tỷ trọng 5,8% GDP. Đây là lần đầu tiên kiều hối về Việt Nam giảm kể từ năm 2010. Tuy nhiên, theo báo cáo này thì Việt Nam vẫn tiếp tục có tên trong danh sách các nước nhận kiều hối lớn nhất năm 2020, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Ngân hàng Thế giới dự báo kiều hối toàn cầu năm 2021 có thể sụt giảm tới 14%, gấp đôi mức sụt giảm đã dự báo đưa ra trước đó cho năm 2020. (Cafef)
Phát biểu tại buổi hội thảo về đại dịch Covid-19 và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với chủ đề “Thúc đẩy sự phục hồi của Indonesia và nền kinh tế thế giới 2021-2022” diễn ra ngày 20/1, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Mahendra Siregar cho biết, xuất khẩu của nước này có tiềm năng tăng tới 11% trong 5 năm tời nhờ RCEP.
Cũng theo ông Mahendra, RCEP giúp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Indonesia trong xuất khẩu và các doanh nghiệp nước này chỉ cần sử dụng một loại giấy chứng nhận xuất xứ là có thể xuất khẩu sản phẩm sang tất cả các nước thành viên RCEP. RCEP sẽ là động lực chính của nền kinh tế thế giới trong 10 - 20 năm tới. Do đó, Indonesia phải tận dụng tối đa hiệp định này để tăng cường xuất khẩu, vì cho đến nay, phần lớn xuất khẩu của Indonesia là sang các nước thành viên RCEP.
Ngoài việc tác động tích cực đối lĩnh vực xuất khẩu, RCEP sẽ giúp đầu tư tại Indonesia tăng hơn 20% và GDP của nước này trong 10 năm tới cũng tăng theo. Ngoài ra, 60 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ được hưởng lợi nhờ hiệp định này. RCEP là phương tiện để nâng cao vai trò, đóng góp và sự hiện diện của Indonesia trong thương mại và đầu tư thế giới. Chính phủ Indonesia cũng đã thông qua Luật tạo việc làm, một yếu tố quan trọng trong việc tăng cường thu hút đầu tư. Do đó, RCEP và Luật tạo việc làm phải tạo động lực cho sự phục hồi kinh tế bền vững trong năm 2021.
Chính phủ Thái Lan đã bắt đầu các công việc chuẩn bị cho Năm APEC 2022 với việc thành lập một ủy ban quốc gia do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đứng đầu và chuẩn bị cơ sở vật chất để tổ chức Hội nghị Cấp cao các nền kinh tế APEC vào cuối năm chủ tịch.
Hội nghị Cấp cao APEC dự kiến diễn ra tại Thái Lan vào cuối năm 2022 sẽ là hội nghị gặp mặt trực tiếp đầu tiên trong 3 năm, sau khi sự kiện này năm 2019 ở Chile bị hủy và hội nghị do Malaysia đăng cai năm 2020 diễn ra theo hình thức trực tuyến do dịch Covid-19. Nhiều khả năng nước Chủ tịch APEC 2021 là New Zealand cũng sẽ tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến.