📞

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (16-22/4): Mỹ có đối tác hàng đầu khác, Trung Quốc bị ‘thay thế’ trong chuỗi cung ứng mới, IMF phân bổ quyền rút vốn

Chu Văn 14:45 | 22/04/2021
IMF phân bổ quyền rút vốn lớn nhất lịch sử; nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu tăng tốc vào mùa Xuân nhờ niềm tin; Sự trỗi dậy của Mexico với tư cách là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ; Malaysia đẩy nhanh quá trình phê chuẩn RCEP và CPTPP... là các tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới tuần qua 16-22/4

IMF phân bổ lượng SDR mới lớn nhất trong lịch sử

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Kristalina Georgieva cho biết, IMF sẽ tiến hành đợt phân bổ mới quyền rút vốn đặc biệt (SDR) cho các nước thành viên vào giữa tháng 8/2021, trong đó các thành viên IMF đã nhất trí phân bổ lượng SDR mới là 650 tỷ USD, mức lớn nhất trong lịch sử của tổ chức này.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các nước thành viên đã được phân bổ 250 tỷ USD để ứng phó với những tác động của cuộc khủng hoảng. Người đứng đầu IMF cho rằng, việc phân bổ sắp tới sẽ cung cấp nguồn lực mà các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước thu nhập thấp, rất cần, khi nguồn dự trữ đã giảm sút mạnh do các biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19. (Reuters)

Tốc độ tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2021 đạt tối thiểu 6,5%

Theo báo cáo được công bố tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA), tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á vào năm 2021 dự báo sẽ đạt tối thiểu 6,5%. Khu vực Nam Á sẽ chứng kiến tăng trưởng đạt 9,7% trong năm nay - tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Trong khi đó, các nền kinh tế Đông Á dự kiến sẽ tăng trưởng 6,5%.

Báo cáo trích dẫn số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết, tính đến tháng 2/2021, 186 hiệp định thương mại khu vực đã có hiệu lực, chiếm 54,9% tổng số hiệp định thương mại trên toàn cầu. Đặc biệt, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11/2020 sẽ thúc đẩy hơn nữa quá trình hội nhập kinh tế châu Á. (SCMP)


Mỹ-Trung Quốc

Tổng kim ngạch thương mại song phương Mỹ-Mexico dự kiến ​​sẽ tăng đáng kể trong Quý II/2021 tới so với cùng kỳ năm ngoái. Bắt đầu từ tháng tới, dự đoán thương mại Mỹ-Mexico sẽ bắt đầu tăng trưởng so với năm ngoái do chính sách tiêm chủng của Mỹ bắt đầu tăng tốc.

Mexico sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung như một sự lựa chọn thay thế và sẽ tạo ra chuỗi cung ứng mới cho các công ty hiện đang nhập khẩu sản phẩm cho thị trường Mỹ từ châu Á. Sự trỗi dậy của Mexico với tư cách là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ là hệ quả trực tiếp của sự sụt giảm của Trung Quốc và vị trí này sẽ bị ảnh hưởng chủ yếu bởi hoạt động thương mại Mỹ-Trung. (Mexico Today)


Kinh tế Mỹ

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhận định nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu tăng tốc vào mùa Xuân nhờ niềm tin ngày càng tăng của người tiêu dùng. Theo báo cáo mới công bố của Fed, hoạt động kinh tế từ cuối tháng 2/2021 đến đầu tháng 4/2021 đã được thúc đẩy nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng và gói hỗ trợ tài chính mạnh mẽ. Bên cạnh đó, thị trường lao động cũng được cải thiện khi nhiều người trở lại làm việc hơn, với tốc độ tuyển dụng tăng mạnh nhất trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, giải trí và khách sạn. (CNBC)

Doanh số bán lẻ của Mỹ đã phục hồi mạnh trong tháng 3/2021 trong bối cảnh người dân Mỹ được nhận thêm hỗ trợ tài chính từ chính phủ và việc tăng cường tiêm chủng đã giúp nối lại các hoạt động kinh tế nhanh chóng, qua đó củng cố dự báo nền kinh tế sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong quý I/2021. Ngày 15/4, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 3/2021 đã tăng 9,8%, cao hơn so với mức dự báo tăng 5,9% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra. Tăng trưởng dự kiến đạt 7% trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 1984, sau khi giảm 3,5% trong năm 2020, mức tăng trưởng tồi tệ nhất ghi nhận được trong 74 năm qua. (WSJ).

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ chi 1,7 tỷ USD để tăng cường khả năng nghiên cứu hệ gen của các biến thể của virus corona, khi các biến thể mới và nguy hiểm hơn được dự báo sẽ xuất hiện phổ biến hơn. Khoản tài trợ mới bao gồm 1 tỷ USD để mở rộng năng lực của liên bang và tiểu bang trong giám sát các bộ gen của virus; 400 triệu USD để thành lập sáu trung tâm nghiên cứu tiên tiến; và 300 triệu USD để xây dựng một hệ thống công nghệ thông tin quốc gia để chia sẻ và phân tích dữ liệu về bộ gen virus corona (Washington Post)


Trung Quốc

Theo kết quả khảo sát triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2021 được tờ Nikkei Review công bố mới đây, kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng từ 12-20,8% trong quý 1/2021 và khoảng 8,5% trong cả năm 2021, cao hơn mức dự báo 8,2% tại cuộc khảo sát tháng 12/2020. Đối tượng tham gia cuộc khảo sát lần này là 32 nhà kinh tế học nổi tiếng và lãnh đạo một số doanh nghiệp, tổ chức tài chính Nhật Bản. Theo số liệu được Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc (CASME) công bố ngày 10/4, chỉ số phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc trong quý 1 năm 2021 đạt 87,5 điểm, tăng 0,5 điểm so với quý 4/2020, duy trì xu thế tăng trong 4 tháng liên tiếp và là mức cao nhất kể từ quí 1/2020 - thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn quốc. (Economic Times)

Theo CNNBloomberg, thương mại của Trung Quốc đã tăng vọt vào tháng 3/2021, một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch Covid-19 đang diễn ra thuận lợi khi việc triển khai tiêm vaccine trên khắp thế giới đang được đẩy mạnh.

Số liệu cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 30,6% trong tháng 3/2021 so với cùng kỳ năm trước, dù thấp hơn mức dự báo 38% trong một cuộc khảo sát của Bloomberg trước đó. Tuy nhiên, nhập khẩu tăng 38,1%, cao hơn mức kỳ vọng và thặng dư thương mại đạt 13,8 tỷ USD. Sự gia tăng nhập khẩu phản ánh hoạt động sản xuất trong nước mạnh mẽ và giá cả hàng hóa tăng, tạo thêm dấu hiệu cho thấy sự phục hồi vững chắc của Trung Quốc sau đại dịch năm ngoái. (People's Daily)


Châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ công bố đề xuất về các quy định đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm thể hiện nỗ lực của EU trong việc quản lý lĩnh vực AI và để bắt kịp Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực từ nhận diện giọng nói đến bảo hiểm và thi hành luật pháp. Các hành vi vi phạm quy định nói trên, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, có thể khiến các doanh nghiệp bị phạt lên đến 4% doanh thu toàn cầu. Để khuyến khích đổi mới, EU cũng muốn cung cấp một khung pháp lý rõ ràng cho các công ty ở cả 27 nước thành viên. Dự thảo quy định nói trên phải được các nước thành viên phê chuẩn và có được sự chấp thuận của Nghị viện châu Âu mới có thể được áp dụng. (Bloomberg)

Ủy ban châu Âu (EC) có kế hoạch phát hành trái phiếu đến năm 2026, với giá trị khoảng 150 tỷ euro (179 tỷ USD) mỗi năm để tài trợ cho kế hoạch thúc đẩy nền kinh tế xanh hơn và số hóa hơn. Theo EC, nguồn tài chính cho kế hoạch kinh tế của EU, được thống nhất ở mức 750 tỷ euro theo thời giá năm 2018 và khoảng 800 tỷ euro theo thời giá hiện nay sẽ được huy động bằng đấu giá và phân phối qua mạng giao dịch. Tài liệu nêu rõ cơ quan điều hành EU sẽ phát hành trái phiếu với các kỳ hạn chuẩn là 3, 5, 7, 10, 15, 20, 25 và 30 năm và kỳ hạn thanh toán dưới 1 năm. EC sẽ bắt đầu phát hành trái phiếu ngay khi toàn bộ 27 nghị viện các nước thành viên EU phê chuẩn Quyết định các nguồn lực riêng của EU. Giới phân tích cho rằng việc phê chuẩn đạo luật này là cần thiết vì việc ngân sách EU được đảm bảo sẽ cho phép liên minh này vay với mức giá thấp nhất có thể trên thị trường. (TTXVN)

Theo IMF, các nền kinh tế châu Âu cần sự hỗ trợ tài chính bổ sung trong năm nay và năm tới để ứng phó với những tác động dài hạn của cuộc khủng hoảng Covid-19. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực mới nhất của IMF được công bố ngày 14/4, kinh tế châu Âu được dự báo tăng trưởng 4,5% trong năm nay, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái, trước khi tăng trưởng 3,9% trong năm tới. IMF khuyến nghị sự hỗ trợ bổ sung để hạn chế tác động lâu dài đối với hoạt động kinh tế của khu vực. IMF cảnh báo đà phục hồi chậm hơn có thể gây ra nhiều tác động trong trung hạn với các nền kinh tế nếu cuộc khủng hoảng kéo dài và các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các gia đình và doanh nghiệp. (AFP)


Nhật Bản và Hàn Quốc

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda cho biết, nền kinh tế nước này đang có xu hướng phục hồi bất chấp tác động của đại dịch Covid-19. Ông Kuroda dự kiến đà phục hồi của kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục dù với tốc độ vừa phải, nhờ sự gia tăng nhu cầu nước ngoài, điều kiện tài chính phù hợp và các biện pháp kích thích của chính phủ. Dù vậy, ông lưu ý lĩnh vực dịch vụ sẽ vẫn chịu sức ép. Trong cuộc họp chính sách tháng 3/2021, BoJ đã điều chỉnh khung chính sách để chuẩn bị cho việc kéo dài chính sách nới lỏng tiền tệ, đồng thời đang nỗ lực giữ lãi suất cả ngắn hạn và dài hạn ở mức thấp và ổn định để hỗ trợ nền kinh tế Nhật Bản. (Kyodo News)

Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KERI) dự báo, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á có khả năng đạt 3,5% trong năm 2021, nhờ sự phục hồi của lĩnh vực xuất khẩu, tăng mạnh so với mức suy giảm 1% của năm ngoái, mức giảm mạnh nhất trong hai thập kỷ. Theo tổ chức tư vấn trực thuộc Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI), triển vọng tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc được dự báo khả quan do xuất khẩu tăng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi. KERI cũng cho biết, các biện pháp của Chính phủ Hàn Quốc nhằm đối phó với dịch Covid-19 và tốc độ triển khai tiêm vaccine là những nhân tố chính quyết định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. (Korea Herald)


ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

Ngày 16/4, Quỹ ASEAN đã khởi động Chương trình phát triển doanh nghiệp xã hội ASEAN (ASEAN SEDP) và hội thảo trực tuyến thảo luận về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp xã hội trong khu vực. Với sự hỗ trợ của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Tập đoàn SAP, ASEAN SEDP được triển khai nhằm khuyến khích các doanh nghiệp xã hội do thanh niên lãnh đạo vươn lên dẫn dắt các nỗ lực giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra đối với các cộng đồng trong toàn khu vực. (ASEAN)

Nghị định 28/2021/NĐ-CP về cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP mà Chính phủ Việt Nam vừa ban hành chi tiết hóa các quy định thực hiện các nội dung liên quan đến phát hành trái phiếu của doanh nghiệp dự án PPP (đã được luật hóa tại Điều 78 Luật Đầu tư theo hình thức PPP) là một trong những bước tiến đáng kể để các dự án hạ tầng có thể mở rộng khả năng huy động vốn xã hội hóa. Theo đánh giá, đây là một trong những văn bản pháp lý quan trọng, tháo gỡ được những nút thắt về vốn đối với hàng nghìn dự án xây dựng hạ tầng và giao thông trọng điểm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI), tổng nợ nước ngoài của Indonesia đạt 422,6 tỷ USD vào tháng 2/2021, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Việc tăng nợ nước ngoài nhằm mục tiêu đáp ứng nguồn tài chính cho Ngân sách Nhà nước năm 2021. Các biện pháp huy động vốn trong và ngoài nước đã được thực hiện thông qua chính sách ưu tiên các khoản vay trung và dài hạn, đồng thời quản lý danh mục nợ để kiểm soát chi phí và rủi ro. (Jakarta Post)

Hiệp hội các nhà sản xuất Malaysia (FMM) đã kêu gọi Chính phủ nước này đẩy nhanh quá trình phê chuẩn hai hiệp định tự do thương mại (FTA) lớn gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm giúp các nhà sản xuất và xuất khẩu của Malaysia nhanh chóng phục hồi trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19. (Malay Mail)

Trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ không ngừng gia tăng buộc nhiều bang phải hạn chế các hoạt động đi lại và kinh doanh, Công ty tài chính Barclays (Anh) nhận định, những lệnh phong tỏa cục bộ và giới nghiêm ban đêm ở các trung tâm kinh tế quan trọng trên cả nước có thể khiến kinh tế Ấn Độ thiệt hại trung bình 1,25 tỷ USD/tuần và GDP danh nghĩa của quý I tài khóa hiện tại (từ tháng 4-6/2021) thu hẹp 1,4%. (Times of India)

Kinh tế Brunei dự báo tăng trưởng 3,2% năm 2021. Quỹ Tiền tệ thế giới IMF dự báo kinh tế Brunei sẽ tăng trưởng khoảng 3,2%, Ngân hàng phát triển châu Á ADB cũng đưa dự báo khoảng 3%. Kinh tế Brunei được cho là có khả năng khởi sắc nhờ các ngành hàng hóa, dịch vụ phi dầu mỏ đang dần được quan tâm đầu tư, một số dự án công nghiệp lớn có nhiều triển vọng. Các ngành kinh tế ghi nhận tăng trưởng tốt gồm: nông lâm thủy sản (5,4%), công nghiệp (1,9%), dịch vụ (0,3-1%).

Thách thức lớn nhất của kinh tế Brunei là giảm phụ thuộc vào dầu thô và khí đốt, trong ngắn hạn, những dấu hiệu phục hồi kinh tế sau đại dịch có thể đem lại tác động tích cực. Tuy nhiên, về dài hạn, kinh tế Brunei vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần chuyển đổi mạnh mẽ sang các ngành sản xuất có tiềm năng như sản xuất phân bón và các sản phẩm từ dầu khí. Hội đồng Lập pháp Brunei dự kiến nguồn thu ngân sách năm 2021/2022 sẽ bao gồm 1,52 tỷ Đô la Brunei từ dầu mỏ và khí đốt, 1,09 tỷ Đô la Brunei từ các ngành phi dầu mỏ. (Borneo Bulletin)

Thái Lan đẩy nhanh nghiên cứu khả năng tham gia CPTPP. Bộ Thương mại nước này đang đẩy nhanh nghiên cứu tác động của việc tham gia CPTPP cũng như các biện pháp phòng vệ nhằm ứng phó với các tác động đó.

Bộ trưởng Thương mại Arkhom Termpittayapaisith cho biết, ngành xuất khẩu sẽ có nhiều cơ hội nếu Thái Lan gia nhập CPTPP, các kết luận cuối cùng sẽ được đệ trình lên Ủy ban Chính sách Thương mại Quốc tế và Nội các xem xét. Vào tháng 3/2021, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu các cơ quan liên quan đệ trình các nghiên cứu cuối cùng về CPTPP vào giữa tháng 4 để Chính phủ ra quyết định về việc Thái Lan tham gia Hiệp định. Phó Thủ tướng Don Pramudwinai, Chủ tịch Ủy ban Chính sách Kinh tế Quốc tế, ngày 5/2 cho biết Chính phủ yêu cầu tất cả các cơ quan liên quan tự tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu, và quá trình trình này sẽ mất khoảng ba tháng, sau đó Thái Lan có thể quyết định có nộp đơn tham gia CPTPP hay không. (Bangkok Post)