Kinh tế thế giới
Giá vàng tăng vọt trở lại - chứng tỏ lợi thế trong thời kỳ bất ổn
Giá vàng thế giới đột ngột tăng trở lại mức cao nhất sáu tuần, trở lại trên ngưỡng 1.900 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 21/12, sau thông tin cho hay các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ mới trị giá khoảng 900 tỷ USD, liên quan đến đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Trong khi đó, nước Anh đang siết chặt các quy định về phong tỏa xã hội khi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19 được phát hiện có tốc độ lây lan nhanh hơn và đã xuất hiện ở một số nước khác. Nhiều nước đã đóng cửa đi lại với London, càng làm suy yếu nhu cầu đầu tư vào các tài sản rủi ro và hỗ trợ cho đà tăng của giá vàng.
Các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng góp phần nâng đỡ giá vàng. Fed đã cắt giảm lãi suất cho vay chủ chốt về 0% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đã bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế để giúp ổn định thị trường tài chính và duy trì dòng chảy tín dụng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, nước này sẽ cần thêm viện trợ của Chính phủ Mỹ để duy trì sự phục hồi và giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình tồn tại cho đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Ngân hàng này cho biết sẽ mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng "cho đến khi đạt được tiến triển đáng kể hơn nữa đối với mục tiêu ổn định giá và tối ưu việc làm". Fed từ chối thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với thời hạn chương trình mua trái phiếu của mình. Dù vậy, ông Jerome Powell cho biết, Fed sẽ tăng mua tài sản nếu đà phục hồi kinh tế chậm lại.
Vàng một lần nữa chứng tỏ lợi thế trong thời kỳ bất ổn. Giới phân tích nhận định, giá “kim loại quý” này có đủ động lực để đóng cửa trên mức 1.900 USD/ounce vào cuối năm nay. (Reuters)
81 triệu lao động khắp châu Á-Thái Bình Dương mất việc do Covid-19
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, cơn bão kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đã làm 81 triệu người lao động trên khắp châu Á-Thái Bình Dương bị mất việc làm, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên.
Mức độ bao phủ của an sinh xã hội thấp và năng lực hạn chế của các tổ chức ở nhiều nước tại châu Á-Thái Bình Dương khiến các công ty và người lao động khó có thể vươn lên trở lại. Việc làm ở châu Á-Thái Bình Dương đã giảm 4,2% so với xu hướng trước khủng hoảng Covid-19. Thanh niên là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng giảm giờ làm và mất việc làm. Ngoài ra, thu nhập của người lao động đã giảm 9,9% trong quý I/2020, tương đương với mức giảm 3,4% của GDP. (ILO)
EU-Trung Quốc
Trung Quốc sẽ dành cho Liên minh châu Âu (EU) các điều kiện thuận lợi chưa từng có về tiếp cận thị trường, nhằm đạt được Hiệp định đầu tư Trung Quốc-EU trong cuối năm nay.
Động thái này được cho là để ứng phó với việc Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ có các chuyến thăm tới châu Âu và châu Á ngay sau khi nhậm chức để trao đổi về giải pháp đối với các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh của kinh tế Trung Quốc trong thời gian qua. (CNBC)
Trung Quốc-châu Phi
Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc Hà Lập Phong và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat đã ký “Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Trung Quốc và Liên minh châu Phi về việc thúc đẩy xây dựng Vành đai và Con đường”.
Hai bên đánh giá, việc ký kết Kế hoạch hợp tác này sẽ thúc đẩy kết nối hiệu quả Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) và “Chương trình nghị sự 2063” của AU. Kế hoạch hợp tác bao gồm các dự án hợp tác trọng điểm, thời gian biểu và lộ trình triển khai. Hai bên sẽ thành lập cơ chế điều phối để triển khai Kế hoạch hợp tác. Đến nay, Trung Quốc đã ký 202 văn kiện hợp tác xây dựng “Vành đai và Con đường” với 138 quốc gia và 31 tổ chức quốc tế. (TG&VN)
Anh-EU
Anh và EU dự kiến ký một thỏa thuận thương mại lịch sử hậu Brexit vào đúng dịp Giáng sinh sau khi các nhà đàm phán nhất trí dự thảo của thỏa thuận bao gồm một điều khoản về quyền đánh bắt cá.
Các nhóm đàm phán đã làm việc vào cuối ngày 23/12 để hoàn thiện nội dung của thỏa thuận. Thỏa thuận sẽ chính thức hoàn tất việc tách Anh khỏi EU sau gần 5 năm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2016. Theo một quan chức Anh, nội các nước này cũng đang tổ chức một cuộc họp trực tuyến để nhận thông báo tóm tắt về tình hình các cuộc đàm phán.
Văn kiện vẫn cần được Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chính phủ các nước thành viên EU thông qua, nhưng các quan chức của cả hai bên hy vọng sẽ đưa ra thông báo muộn nhất vào ngày 24/12. (Reuters)
Kinh tế Mỹ
Trong báo cáo Dự báo kinh tế Mỹ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự báo, GDP thực tế của nước này chỉ giảm (-) 2,4% so với mức giảm (-) 3,7% đưa ra hồi tháng 9/2020. Fed cũng dự báo, tăng trưởng GDP thực tế năm 2021 sẽ đạt 4,2%, so với mức dự báo 4% trước đó. Dự báo, tỷ lệ thất nghiệp năm 2020 đạt 6,7% và sẽ giảm xuống 5% năm 2021. Cuối cùng, Fed cam kết sẽ tiếp tục hàng tháng mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu nhằm thực hiện mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng và thị trường lao động. (CNBC)
Đại diện thương mại Mỹ (USTR) đang có ý định công bố kết quả cuộc điều tra theo điều khoản 301 về thuế dịch vụ kĩ thuật số đối với 10 quốc gia (Áo, Brazil, C.zech, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh) vào tháng 1/2021.
Việc công bố kết quả điều tra có thể nằm trong một loạt các động thái thương mại cuối cùng của chính quyền Trump. Mỹ và Tây Ban Nha đã tổ chức các cuộc tham vấn vào thứ Năm tuần trước. Theo đó, Tây Ban Nha đang xem xét áp dụng mức thuế 3% đối với doanh thu từ các dịch vụ kỹ thuật số và quảng cáo có mục tiêu, áp dụng cho các công ty tạo ra ít nhất 750 triệu Euro doanh thu toàn cầu cho tất cả các dịch vụ và 3 triệu Euro "doanh thu trong nước cho các dịch vụ kỹ thuật số được bảo hiểm". (Inside Trade)
Kinh tế Trung Quốc
Theo thông báo của Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu hàng hóa của quốc gia này tăng 21,1% trong tháng 11, từ mức 11,4% trong tháng 10 và cao hơn mức tăng trưởng 12% trong cuộc khảo sát do Bloomberg thực hiện.
Các lô hàng trong tháng 11 có tổng trị giá 268 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 2/2018, khi xuất khẩu tăng 44,5%. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã có 6 tháng tăng trưởng xuất khẩu liên tiếp. Nhập khẩu cũng tăng 4,5% trong tháng 11 so với một năm trước đó. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp Trung Quốc tăng trưởng nhập khẩu. Thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng lên 75,42 tỷ USD vào tháng 11, tăng lên mức 102,9% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức 58,44 tỷ USD trong tháng 10. (Bloomberg)
Châu Âu
Đức sẽ phát hành 469-471 tỷ Euro (khoảng 571-574 tỷ USD) trái phiếu thông qua đấu giá năm 2021, nhằm bổ sung cho ngân sách liên bang và các quỹ đặc biệt.
Theo công bố của cơ quan tài chính chịu trách nhiệm quản lý nợ, số lượng trái phiếu được phát hành tính đến nay tương đối cao do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có tác động đáng kể đến việc thu và chi ngân sách liên bang cũng như các quỹ đặc biệt. Năm 2020, Đức đã huy động được 406,5 tỷ Euro từ thị trường tài chính. Trong năm tới, Cơ quan tài chính Đức cũng muốn mở rộng lĩnh vực trái phiếu “xanh” và lần đầu tiên trái phiếu “xanh” kỳ hạn 30 năm sẽ được cung cấp. Tháng 9/2020, Chính phủ Đức lần đầu tiên tung ra trái phiếu “xanh” kỳ hạn 10 năm, nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư trong và ngoài nước. (Reuters)
Anh và Mỹ vừa ký Thỏa thuận hỗ trợ hải quan nhằm bảo đảm dòng chảy thương mại giữa hai nước không bị gián đoạn sau khi Anh chính thức rời EU vào ngày 31/12. Trong thông báo của Bộ Tài chính Anh, Bộ trưởng Jesse Norman khẳng định, đây là một thỏa thuận quan trọng đảm bảo tính liên tục hậu Brexit, minh chứng cho sức mạnh của mối quan hệ hải quan Mỹ-Anh. Thông qua việc chia sẻ thông tin, thỏa thuận này sẽ cho phép hai bên tiếp tục hợp tác trong việc đấu tranh chống các hành vi vi phạm, đồng thời cung cấp cơ sở pháp lý cho các kế hoạch "khơi thông" dòng chảy thương mại cho các công ty xuất - nhập khẩu. (FT)
Các thế mạnh của nền kinh tế Pháp là du lịch và hàng không đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Thâm hụt tài khoản vãng lai của Pháp lên tới mức tương đương 2,3% GDP trong năm nay (điều chưa từng xảy ra kể từ năm 1982). Năm ngoái, ngành công nghiệp hàng không Pháp đã xuất khẩu gần 65 tỷ Euro (hơn 79 tỷ USD) hàng hóa, cho phép tạo ra thặng dư thương mại hơn 30 tỷ Euro. Đến tháng 10/2020, xuất khẩu của ngành này giảm xuống chỉ còn 40 tỷ Euro và thặng dư thu hẹp xuống còn 19 tỷ Euro. Tương tự, doanh thu từ du lịch đạt 57 tỷ Euro vào năm ngoái. Con số này đã giảm xuống còn 22 tỷ Euro trong giai đoạn từ tháng 1-10/2020. Do đó, kế hoạch khôi phục nền kinh tế của Pháp cần hướng đến phát triển các ngành mũi nhọn mới, vì công nghiệp hàng không và du lịch sẽ cần nhiều thời gian để phục hồi. (Reuters)
Nhật Bản và Hàn Quốc
Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ lập quỹ có tổng trị giá 250 tỷ Yen (khoảng 2,4 tỷ USD) để hỗ trợ cho các công ty nước này tham gia các dự án xây dựng thành phố thông minh và cắt giảm khí thải CO2 ở Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác.
Theo kế hoạch, Chính phủ Nhật Bản sẽ khuyến khích các công ty nước này tham gia các dự án xây dựng thành phố thông minh ở 26 thành phố tại 10 nước thành viên ASEAN, trong đó có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Jakarta, Bangkok, Singapore và Kuala Lumpur. Với việc thành lập quỹ trên, Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ cạnh tranh với Trung Quốc và Hàn Quốc trong các dự án thành phố thông minh ở Đông Nam Á. (Nikkei26/12).
Bộ Tài chính và Kinh tế Hàn Quốc cho biết nước này đang lên kế hoạch triển khai chính sách kinh tế năm 2021 với mục tiêu duy trì đà phục hồi kinh tế, cũng như chuẩn bị cho thời kỳ hậu dịch Covid-19.
Cơ quan này dự báo kinh tế Hàn Quốc có thể suy giảm 1,1% trong năm 2020 và tăng trưởng 3,2% trong năm 2021. Đây là lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc suy giảm kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Triển vọng kinh tế mà Bộ Tài chính và Kinh tế Hàn Quốc đưa ra lần này thấp hơn so với mức dự báo lần lượt là 0,1% và 3,6% đưa ra hồi tháng 6, song dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 vẫn cao hơn so với mức dự báo 3% của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) và 2,8% của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Theo đánh giá của Bộ Tài chính và Kinh tế Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á sẽ phục hồi trở lại vào năm 2021 nhờ xuất khẩu và nhu cầu nội địa được cải thiện. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi không chắc chắn của kinh tế vẫn cao, phụ thuộc vào diễn tiến của tình hình dịch Covid, cũng như thời gian triển khai tiêm chủng vaccine ngừa dịch Covid-19. (Market Watch)
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam là gần 3%. WB cho rằng Việt Nam có kết quả như trên nhờ khả năng chịu đựng của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại. Không những kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết định và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng các khóa chính sách và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho các khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi. Chẳng hạn chi tiêu công bắt đầu tăng trở lại sau ba năm thắt chặt tài khóa.
Trong 9 tháng của năm 2020, giải ngân đầu tư công đã nâng cao đến 40% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo cũng cho thấy, khu vực kinh tế đối ngoại - động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam trong thập kỷ qua đạt kết quả rất tốt khi khủng hoảng Covid-19 bắt đầu. Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức xuất khẩu hàng hóa lớn nhất từ trước đến nay đồng thời dự trữ ngoại hối tăng. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng cường đã bù đắp cho thất thu về ngoại tệ do hoạt động du lịch suy giảm và nguồn kiều hối bị thu hồi. (TG&VN)
Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) cho biết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ mang lại lợi ích cho nước này khi giúp tăng cường khả năng hội nhập kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi giữa các nước thành viên ASEAN và các đối tác của khối.
Theo MITI, mỗi quốc gia thành viên RCEP đều có lợi thế riêng về nguyên liệu, chuyên môn và công nghệ, nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cũng như thị trường rộng lớn. MITI cho rằng hiệp định kinh tế này sẽ mở ra khả năng tiếp cận thị trường rộng rãi hơn thông qua việc xóa bỏ và cắt giảm thuế quan và phi thuế quan, hài hòa hóa các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật cũng như hoạt động hợp tác kinh tế, đồng thời nhấn mạnh những nhân tố trên sẽ tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới đối với các sản phẩm sản xuất tại Malaysia và hiệp định RCEP vừa được ký kết vào tháng 11/2020 cũng giúp tăng cường các hoạt động trong chuỗi giá trị khu vực thông qua các quy tắc xuất xứ dễ sử dụng hơn. (The Edge Market).
Indonesia cho biết, tiềm năng kinh tế biển của nước này lên tới 1.330 tỷ USD. Trong chiến lược phát triển quốc gia, vai trò của ngành biển là rất lớn, là nguồn thu nhập chính của 327 huyện, thành phố ven biển. Kinh doanh thủy sản biển có vai trò: tăng trưởng kinh tế và tăng phúc lợi. Với tốc độ phát triển kinh tế, ngành kinh doanh thủy sản đóng vai trò là nhà cung cấp thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cho người dân Indonesia và thế giới. Ngoài ra, thủy sản còn đóng vai trò là nguồn cung cấp nguyên liệu chế biến thủy sản cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu. (Jakarta Post)
Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) cho rằng, việc nước này bị đưa vào danh sách giám sát tiền tệ của Mỹ sẽ không có tác động lớn đến ngoại thương và đầu tư nước ngoài, đồng thời nói rằng điều đó không cản trở khả năng thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô của BoT để bảo vệ sự ổn định trong nước. Trợ lý Thống đốc BoT phụ trách truyền thông và quan hệ với doanh nghiệp Chantavarn Sucharitakul cho biết, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Thái Lan vào danh sách các nền kinh tế bị theo dõi vì có thặng dư thương mại song phương đáng kể với Mỹ, ở mức trên 20 tỷ USD (600 tỷ baht) và thặng dư tài khoản vãng lai trên 2% GDP. (Bangkok Post)
Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) thuộc EU vừa thông báo sẽ đầu tư 80 triệu Euro (khoảng 97 triệu USD) vào Dự án cải thiện hệ thống tưới tiêu nông nghiệp (IAIP) nhằm mở rộng nguồn cung nước và hệ thống tưới tiêu tại một số tỉnh ở Campuchia. Theo đó, IAIP sẽ cải thiện hiệu quả của hệ thống tưới tiêu, tăng khả năng thích ứng của nông nghiệp Campuchia với biến đổi khí hậu. Về dài hạn, dự án sẽ góp phần quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên nước, tăng tính hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, từ đó giúp giảm nghèo ở khu vực nông thôn Campuchia, đồng thời hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đối với nguồn cung nước và nền nông nghiệp Campuchia. Phó Thủ tướng kiêm Campuchia Aun Pornmoniroth đánh giá đây là bước quan trọng hướng tới cải thiện điều kiện sống và sản xuất nông nghiệp tại Campuchia. (Khmer Times)
Ấn Độ đã ký thỏa thuận vay 400 triệu USD với Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm hỗ trợ người nghèo và những người dễ bị tổn thương đang bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc khủng Covid-19.
Trước đó, WB cũng đã phê chuẩn khoản cho vay trị giá 750 triệu USD vào tháng 5/2020 dành cho Ấn Độ để hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Theo các quan chức, gói tín dụng mới sẽ giúp tăng cường khả năng của chính phủ trung ương và chính quyền các bang ở Ấn Độ trong việc cung cấp bảo trợ xã hội đầy đủ và có phối hợp cho những người nghèo và dễ bị tổn thương trước những cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra. (Economic Times)