📞

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (20-26/8): Dấu ấn nhiệm kỳ của Tổng thống Trump bị gọi là 'xấu xí', Mỹ-Trung tung hỏa mù về thỏa thuận thương mại

Chu Văn 14:12 | 26/08/2020
TGVN. Dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump bị gọi là 'xấu xí'; Nhật Bản, Ấn Độ và Australia bàn cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc phòng thảm họa tương tự Covid-19; Mỹ-Trung Quốc tung hỏa mù về tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại...

Kinh tế toàn cầu

Dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump

Các chuyên gia kinh tế hàng đầu cho rằng, xu thế đảo ngược toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng là những dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump.

Kinh tế trưởng của Moody’s Mark Zandi nhận định, kinh tế Mỹ sẽ bị thu hẹp sau đại dịch Covid-19 và không dễ gắn kết trở lại với thế giới. Giáo sư Joseph Stiglitz, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001 phê phán chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump là “xấu xí” và cho rằng, việc hồi hương các nhà máy sẽ không tạo ra việc làm cho người Mỹ, do những công việc này chủ yếu sẽ do robot đảm nhiệm. (CNBC)


Giảm phụ thuộc vào Trung Quốc phòng thảm họa tương tự Covid-19

Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đang hướng tới một nỗ lực ba bên nhằm đảm bảo các chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong trường hợp một thảm họa tương tự như Covid-19 xảy ra trong tương lai.

Nhật Bản đã đề xuất ý tưởng này với Ấn Độ từ một tháng trước và hai bên dự kiến sẽ tiếp tục trao đổi về Sáng kiến Chuỗi cung ứng Bền vững (SCRI) tại Hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tháng 9. Australia cũng đang có nhu cầu tham gia sáng kiến này, nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nhất là khi quan hệ song phương đang trở nên căng thẳng, tuy nhiên, nước này chưa chính thức nhận lời tham gia. Hiện các bên vẫn đang tiếp tục thảo luận về vấn đề này và Canberra chưa đưa ra bình luận cụ thể. (SCMP)


Mỹ-Trung Quốc

Trong cuộc phỏng vấn với Fox News, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố về khả năng tách nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh là bạn hàng lớn mua nhiều sản phẩm của Mỹ.

Ông Trump nhấn mạnh: “Chúng ta không cần phải làm ăn với Trung Quốc. Nếu họ hành xử với chúng ta không đúng, tôi chắc chắn sẽ làm được điều đó”. Đến nay Mỹ-Trung mới đạt được thoả thuận thương mại giai đoạn 1, trong đó Bắc Kinh cam kết tăng mua hàng hoá từ Mỹ. Tuy nhiên Tổng thống Trump chưa muốn đàm phán giai đoạn 2 vì “không hài lòng” với cách Trung Quốc ứng phó với dịch Covid-19, mà theo ông là đã để dịch lan ra toàn cầu. Trước đó vào tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng cho biết Mỹ sẽ tách nền kinh tế khỏi Trung Quốc nếu các công ty Mỹ không được phép cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng và công bằng trong nền kinh tế Trung Quốc. (Fox News)

Phát biểu tại họp báo thường kỳ ngày 19/8, Thư ký Nhà trắng Kayleigh McEnany khẳng định không có ngày cụ thể cho bất kỳ cuộc đàm phán chính thức về thỏa thuận. Tuy nhiên, ngày 20/8, các quan chức Nhà trắng làm rõ rằng phát biểu nói trên của Tổng thống Trump là đề cập đến quan hệ song phương nói chung, không đề cập cụ thể đến thỏa thuận thương mại. Theo Chánh văn phòng Nhà trắng Mark Meadows, hiện chưa có kế hoạch đàm phán cấp cao mới giữa hai bên, nhưng Đại diện thương mại Mỹ Lighthizer vẫn duy trì liên lạc đều đặn với người đồng cấp phía Trung Quốc về việc thực hiện các cam kết.

Trong một thông tin mới nhất, Văn phòng của Đại diện thương mại Mỹ cho biết, trong cuộc điện đàm song phương, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đều nhận thấy những tiến bộ trong tiến trình giải quyết các vướng mắc trong việc thực hiện Giai đoạn 1 của thỏa thuận đạt được hồi tháng 1.

Trong một thông báo khác, Bộ Thương mại Mỹ xác nhận, hai bên đã có cuộc đối thoại mang tính xây dựng và nhất trí tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận thương mại. Hai bên đã xem xét những bước đi của Trung Quốc nhằm triển khai các cải cách cơ cấu để tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ và dỡ bỏ các rào cản đối với doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và nông nghiệp, cũng như xóa bỏ việc ép buộc chuyển giao công nghệ. (Asia Nikkei)

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho biết, Trung Quốc và Mỹ sẽ tiến hành đàm phán thương mại trong tương lai gần. (Wall Street Journal)


Mỹ

Báo cáo của IHS cho thấy, các công ty của Mỹ đang chứng kiến nhu cầu tăng trở lại sau khi mở cửa trỏz lại nền kinh tế. Số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đã đứng vững sau đợt bùng phát trở lại của Covid-19 trong tháng 7.

Chỉ số PMI, đã tăng từ 50,3 điểm lên 54,7 điểm trong tháng 7, cao nhất trong 18 tháng. Trong đó, sản lượng sản xuất tăng tử 50,9 điểm lên 53,6, cao nhất trong 19 tháng; hoạt động dịch vụ tăng từ 50 lên 54,8 điểm, cao nhất trong 17 tháng. Chuyên gia kinh tế cao cấp Michael Pearce tại Capital Economics nhận định, số liệu này cho thấy một sự chắc chắn, nền kinh tế dường như có đủ sức mạnh để bước tới dù cho trước đó có nhiều lý do để lo lắng. Chỉ số trên PMI 50 là dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng.

Trong một báo cáo khác, Hiệp hội Bất động sản quốc gia cho biết, doanh số bán nhà đã qua sử dụng trong tháng 7 tăng 24,7% so với tháng 6, được tiếp sức bởi mức lãi suất thấp và việc mọi người mong muốn có không gian sống rộng hơn. (Wall Street Journal)


Trung Quốc

Bộ Tài chính Trung Quốc công bố số liệu cho thấy thu ngân sách quốc gia trong tháng 7 tăng 4,3%, cao hơn 1,1% so với tháng 6. Đây là tháng thứ hai liên tiếp kể từ đầu năm 2020, thu ngân sách quốc gia theo tháng của Trung Quốc tăng trưởng dương, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi, dần đi vào ổn định tăng trưởng.

Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm, thu ngân sách quốc gia đạt 11.472,5 tỷ NDT (khoảng 1.638,9 tỷ USD), giảm 8,7% so với cùng kỳ. Đại diện Bộ Tài chính Trung Quốc cho rằng, dịch bệnh đã tác động rất lớn đến thu ngân sách của nước này. Do thu ngân sách những tháng đầu năm bị âm nên thu ngân sách quốc gia trong năm 2020 dự kiến sẽ thấp hơn so với năm trước. (China Times)


Châu Âu

Do tác động của dịch Covid-19, GDP của cả Eurozone giảm 12,1% trong quý II/2020, sau mức giảm 3,6% trong quý trước đó. Đây là con số tồi tệ nhất kể từ khi Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) bắt đầu tổng hợp số liệu liên quan vào năm 1995.

Tại Anh, GDP đã giảm 20,4% trong quý II/2020 sau đà giảm 2,2% trong quý I/2020, quốc gia này ghi nhận đợt suy thoái nghiêm trọng nhất tại châu lục trong hai quý đầu năm 2020. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu ghi nhận GDP giảm 10,1% trong quý II/2020, sau đà giảm 2% trong quý I/2020. Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) ghi nhận GDP giảm mạnh 13,8% trong quý II/2020, sau đà giảm 5,9% trong quý trước đó. GDP của Italy giảm 5,4% trong quý I/2020 và giảm tiếp 12,4% trong quý II/2020. Tây Ban Nha chứng kiến nền kinh tế giảm thêm 18,5% trong quý II/2020, sau khi ghi nhận GDP giảm 5,2% trong quý I/2020. (AFP)


Nhật Bản và Hàn Quốc

Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, kinh tế Nhật Bản trong quý II/2020 sụt giảm chưa từng có, GDP tính theo năm giảm 27,8% so với quý trước theo giá trị thực. Mức sụt giảm này lớn hơn nhiều so với mức sụt giảm 17,8% trong quý 1/2009 do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cao hơn mức dự đoán của các chuyên gia kinh tế trước đó là 26,59%.

Trước khi đại dịch bùng phát, kinh tế Nhật Bản đã bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung, tác động của việc gia tăng thuế tiêu dùng; Từ tháng 4/2020, Chính phủ ban hành tình trạng khẩn cấp, mở rộng dần trên quy mô toàn quốc và kéo dài đến gần cuối tháng 5/2020 càng khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tiêu dùng cá nhân, đóng góp 1 nửa cho kinh tế Nhật Bản, giảm mạnh ở mức 8,2%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ cũng giảm 18,5%, số lượng khách du lịch quốc tế sụt giảm mạnh do các hạn chế đi lại được áp dụng nhằm kiểm soát dịch bệnh. (Japan Times)

Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK), tâm lý người tiêu dùng Hàn Quốc đạt mức cao nhất trong 6 tháng gần đây vào tháng 8/2020 do hy vọng hồi phục nền kinh tế. Theo đó, Chỉ số tâm lý người tiêu dùng tổng hợp (CCSI) ở mức 88,2 trong tháng 8, tăng so với mức 84,2 của tháng trước, cải thiện đáng kể so với mức thấp kỷ lục 11 năm của tháng 4 năm nay. (Yonhap News)


ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

Theo Ủy ban Châu Âu (EC), khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, mỗi năm Việt Nam sẽ có khoảng 80.000 tấn gạo được xuất sang EU, bao gồm 20.000 tấn gạo chưa xay xát, gạo xay xát và gạo thơm là 30.000 tấn.

Hiện nay, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp. Năm 2019, lượng xuất khẩu gạo Việt Nam sang EU chỉ đạt khoảng 20.000 tấn, trong khi mức tiêu thụ trung bình của EU là 2,5 triệu tấn/năm. Nguyên nhân là do trước đó Việt Nam chưa được EU dành hạn ngạch thuế quan nên khó cạnh tranh với gạo của các nước khác được phân bổ hạn ngạch thuế quan hoặc được miễn thuế và không bị áp dụng hạn ngạch. Hiệp định EVFTA đã giúp Việt Nam dành được lượng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn mỗi năm, lượng gạo trong phạm vi này được hưởng thuế suất 0%, tức là dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan. (VOV)


GDP của Ấn Độ trong quý I của năm tài khóa 2020 có thể giảm đến 25,5% do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Dữ liệu về tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ tháng 4-6 được công bố hôm 31/8 nhiều khả năng sẽ cho thấy các biện pháp kiềm chế Covid đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế.

Hầu hết các hoạt động kinh tế đã bị đình trệ khi nước này áp dụng những biện pháp cách ly gắt gao. Nông nghiệp, chi tiêu chính phủ và hàng thiết yếu là những lĩnh vực hiếm hoi hạn chế được phần nào tác động này. Mặc dù nước này đã chấm dứt cách ly toàn quốc từ tháng 6 và một số chỉ số như tiêu thụ năng lượng và vận tải biển bắt đầu khả quan hơn, báo cáo của Barclays cho rằng tăng trưởng sẽ chỉ thực sự hồi phục từ tháng 12. Ngoài ra, tăng trưởng trong chi tiêu chính phủ sẽ khó lòng bù đắp được việc cắt giảm toàn bộ chi tiêu trong hầu hết các lĩnh vực khác. (Financial Express)


Indonesia đã quyết định tạm hoãn kế hoạch đầy tham vọng trị giá 33 tỉ USD của Tổng thống Widodo về việc chuyển thủ đô sang đảo Borneo trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19.

Theo Bộ trưởng Suharso Monoarfa, việc xây dựng các công trình hành chính nhà nước cho thủ đô mới sẽ phải tạm gác lại cho tới khi Indonesia “nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm” trong dịch bệnh, vì phục hồi kinh tế và vượt qua đại dịch đang là ưu tiên số một của chính quyền. Ông này cũng thừa nhận những khó khăn hiện nay đối với dự án và cho biết, việc động thổ sẽ có thể bị hoãn đến 2022 hoặc 2023, khi Chính phủ đang tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển và phân phối vaccine cho dân số 270 triệu người ở nước này. (Reuter)