📞

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (20/11-26/11): Doanh nghiệp Mỹ lạc quan với cách tiếp cận Trung Quốc, Không diệt xong Covid-19 khó khôi phục kinh tế

Chu Văn 10:49 | 26/11/2020
TGVN. Doanh nghiệp Mỹ lạc quan hơn với cách tiếp cận Trung Quốc của chính quyền Mỹ mới, Giám đốc IMF khẳng định không diệt xong Covid-19 khó khôi phục kinh tế toàn cầu, EU kêu gọi các nước thành viên thông qua các gói kích thích tài chính phục hồi kinh tế hậu Covid-19... là tin kinh tế thế giới nổi bật trong tuần qua.
Phục hồi kinh tế thế giới bền vững sẽ không thể đạt được trừ phi thế giới "đánh bại" được đại dịch Covid-19 ở mọi nơi

Kinh tế thế giới

Không diệt xong Covid-19 khó khôi phục nền kinh tế toàn cầu

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định, kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi từ cuộc khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, song có những dấu hiệu cho thấy đà phục hồi bị chậm lại do số ca mắc Covid-19 gia tăng trở lại tại một số nước.

Theo bà Georgieva, việc dịch bệnh tái bùng phát là lời nhắc nhở quan trọng rằng, phục hồi kinh tế bền vững sẽ không thể đạt được trừ phi thế giới "đánh bại" được đại dịch Covid-19 ở mọi nơi. Do đó, bà kêu gọi các nước hợp tác để đảm bảo nguồn cung vaccine ngừa Covid-19, xét nghiệm và thuốc điều trị Covid-19, cũng như tăng cường nỗ lực đa phương trong công tác sản xuất, đặt mua, phân phối, đặc biệt là tại những nước nghèo. Điều này đồng nghĩa với việc phải dỡ bỏ các hạn chế thương mại gần đây đối với các hàng hóa và dịch vụ y tế, bao gồm cả rào cản liên quan đến vaccine ngừa Covid-19. (IMF)


Hội nghị G20 mong muốn "Hiện thực hóa cơ hội của thế kỷ XXI cho tất cả mọi người"

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) theo hình thức trực tuyến đã diễn ra trong hai ngày 21-22/11/2020.

Tham dự Hội nghị thượng đỉnh có lãnh đạo cấp cao của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Nga, Thủ tướng Đức...) và khách mời (Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và một số lãnh đạo các nước), cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Với chủ đề “Hiện thực hóa cơ hội của thế kỷ XXI cho tất cả mọi người”, Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã tập trung thảo luận các biện pháp để vượt qua đại dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế bền vững, bao trùm và có sức kháng chịu cao. (G20)


APEC tiếp tục hướng tới tự do hóa thương mại và đầu tư

Ngày 20/11, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27 đã diễn ra trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên trong khu vực. Chủ đề của năm APEC 2020 là “Tận dụng tiềm năng con người vì một tương lai tự cường, thịnh vượng chung”, tập trung vào 3 ưu tiên gồm: (i) Cải thiện thương mại và đầu tư; (ii) Kinh tế bao trùm thông qua kỹ thuật và kinh tế số; (iii) Thúc đẩy bền vững sáng tạo.

Với dân số 3 tỷ người, 21 nền kinh tế APEC chiếm khoảng 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và gần 50% thương mại toàn cầu, APEC tiếp tục hướng tới tự do hóa thương mại và đầu tư nhằm đạt được sự tăng trưởng và thịnh vượng bền vững ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. (APEC)


Mỹ-Trung Quốc

Theo một báo cáo khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham) tiến hành với 124 công ty thành viên từ ngày 11-15/11/2020, 54,8% doanh nghiệp được hỏi cho biết có thái độ “lạc quan hơn” về khả năng có sự thay đổi trong cách tiếp cận về Trung Quốc của chính quyền Mỹ mới, trong khi chỉ 5,6% doanh nghiệp tin rằng, sẽ có thêm thuế giữa hai nước.

Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Trung Quốc không nhất thiết quay trở lại như giai đoạn trước khi xảy ra cuộc chiến tranh thương mại. Thay vào đó, 70,2% lãnh đạo doanh nghiệp dự đoán, lãnh đạo mới ở Mỹ sẽ tăng cường phối hợp với các nước khác gây áp lực lên quan hệ thương mại với Trung Quốc, thay vì áp dụng cách tiếp cận đơn phương như dưới thời chính quyền Tổng thống Trump. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh từ đại dịch, gần một nửa số doanh nghiệp khảo sát (47,6%) cho rằng, doanh thu năm 2020 sẽ vượt năm 2019, tăng từ mức 32,5% trong cuộc khảo sát tháng 7/2020; phần lớn doanh nghiệp sẽ duy trì hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong vòng 3 năm tới, trong khi chỉ có 3 doanh nghiệp cho biết, sẽ chuyển 30% hoạt động chế tạo ra khỏi Trung Quốc, cho thấy sức dẻo dai trong chuỗi cung của Trung Quốc. (AmCham)


Mỹ

Bộ Lao động Mỹ mới đây cho biết, số lượng đăng ký trợ cấp thất nghiệp tuần 2 tháng 11 là 742.000, tăng 31.000 so với tuần trước, lần đầu tiên tăng trở lại sau 5 tuần và vẫn ở mức cao hơn so với trước thời điểm đại dịch Covid-19.

Thị trường lao động Mỹ đang hứng chịu một làn sóng bùng phát lây nhiễm Covid-19 mới, khiến nhiều bang trên cả nước Mỹ buộc phải đưa ra các quy định hạn chế mới đối với các doanh nghiệp, trong đó các nhà hàng sẽ là nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh, số lượng khách đặt bàn giảm do thời tiết đang trở nên lạnh hơn. Việc thiếu hụt các gói kích thích mới cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi trong thời gian chờ phân phối vaccine tới người dân.

Nhà kinh tế trưởng của PGIM Fixed Income, cựu quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Nathan Sheets cho rằng, con đường phục hồi sẽ còn nhiều trở ngại, việc virus lây lan mạnh và các biện pháp hạn chế phòng ngừa lây lan có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong vòng ba hoặc bốn tháng tới. (Labour Department).

Ngày 19/11, Bộ trưởng kinh tế Mỹ Mnuchin yêu cầu Fed chấm dứt 5 chương trình cho vay khẩn cấp và hoàn lại 455 tỷ USD chưa sử dụng được phân bổ cho những chương trình này.

Trong thư gửi Chủ tịch Fed, Bộ trưởng Mnuchin khẳng định, các chương trình trên (vốn hết hạn vào ngày 31/12) "rõ ràng đã đạt được các mục tiêu đề ra". Theo Bộ trưởng Mnuchin, Quốc hội lưỡng viện Mỹ đã thể hiện "rất rõ" ý định về việc để các chương trình cho vay khẩn cấp hết hạn vào cuối tháng 12 tới và thị trường tài chính đã ổn định đáng kể so với tình trạng hỗn loạn vào thời điểm các chương trình này được triển khai. Fed ra tuyên bố bày tỏ thất vọng, đồng thời nhấn mạnh mong muốn tất cả các chương trình khẩn cấp được thực hiện nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 và tiếp tục đóng vai trò quan trọng hỗ trợ nền kinh tế vẫn dễ bị tổn thương .(The Hill)


Trung Quốc

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài phi tài chính (ODI) của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 10/2020 giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 ở mức 602 tỷ NDT (tương đương 86,38 tỷ USD). Trong đó, ODI của Trung Quốc tại các nước tham gia Sáng kiến “Vành đai, Con đường” đạt 14,1 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 16,3% tổng số ODI 10 tháng đầu năm. Số dự án xây dựng công nghiệp lớn ở nước ngoài tăng, với tổng giá trị các dự án được ký kết mới đạt 1.160 tỷ NDT (giảm 4,4% so với 10 tháng đầu năm 2019). Số dự án ký mới với giá trị hợp đồng trên 50 triệu USD là 590, trong đó 331 dự án có giá trị hợp đồng trên 100 triệu USD. (CGTN)

Ngày 18/11, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, thu ngân sách của nước này trong 10 tháng đầu năm giảm 5,5% đạt khoảng 15.850 tỷ NDT (~2.420 tỷ USD). Thu thuế giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2019 đạt 15.500 tỷ NDT; thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng - nguồn thu ngân sách lớn nhất của cả nước - giảm 11,4% đạt 4.820 tỷ NDT. Về phân bổ cụ thể, Chính phủ trung ương thu ngân sách gần 7.360 tỷ NDT, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi thu ngân sách của các chính quyền địa phương giảm 2,4% đạt 8.490 tỷ NDT. Chi ngân sách của Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2019 ở mức 18.940 tỷ NDT. (Global Times, THX)


Châu Âu

Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Rishi Sunak cảnh báo nền kinh tế nước này đang chịu "sức ép lớn" do đại dịch Covid-19 và phản đối khả năng áp đặt trở lại các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”.

Anh là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid-19 tại châu Âu, với 1,4 triệu ca mắc bệnh, trong đó có hơn 54.000 ca tử vong, thâm hụt ngân sách quốc gia lên tới 2.000 tỷ bảng Anh (~2.700 tỷ USD). Chính phủ Anh đầu tháng này đã áp đặt lệnh phong tỏa trong bốn tuần tại vùng England nhằm đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ hai. Theo kế hoạch, lệnh phong tỏa này sẽ được dỡ bỏ một phần vào ngày 2/12, giúp một số cơ sở kinh doanh có thể trở lại hoạt động. Sau khi dỡ bỏ phong tỏa, Chính phủ Anh sẽ áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế gồm 3 cấp tại England trong khuôn khổ "Kế hoạch phòng Covid-19 mùa Đông". (AFP)

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Legarde ngày 19/11 cho biết, Quỹ phục hồi kinh tế đại dịch viêm đường hô hấp Covid-19 cần phải được thông qua mà không có bất kỳ sự trì hoãn nào. Đây là khuyến cáo được Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đưa ra sau khi Ba Lan và Hungary phủ quyết việc thông qua kế hoạch trên của EU.

Phát biểu tại Ủy ban các vấn đề kinh tế và tiền tệ của Nghị viện châu Âu (EP), bà Lagarde nêu rõ quỹ phục hồi kinh tế của EU, trị giá 750 tỷ Euro (887 tỷ USD) cần sớm được triển khai. Theo bà, các nguồn lực bổ sung của quỹ này có thể tạo điều kiện cho các chính sách tài khóa mở rộng, chủ yếu là ở các nước thuộc Khu vực sử đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có nguồn lực tài chính hạn chế. Bà Lagarde cho biết, bản thân ECB cũng đã phải áp dụng các biện pháp chưa từng có tiền lệ để giữ dòng chảy tín dụng, cũng như giúp các nước Eurozone vượt qua tác động của dịch Covid-19, trong đó có các khoản vay siêu rẻ cho các ngân hàng, cùng kế hoạch mua trái phiếu khẩn cấp, trị giá 1.350 tỷ Euro. Bà cũng kêu gọi các chính phủ châu Âu chia sẻ gánh nặng thông qua các gói kích thích tài chính. (TTXVN)


Nhật Bản và Hàn Quốc

Hơn 30 công ty của Nhật Bản sẽ bắt đầu hợp tác phát triển một loại tiền kỹ thuật số chung có khả năng liên kết với các loại tiền kỹ thuật số đang được lưu hành trên thị trường hiện nay.

Nhóm nghiên cứu phát triển bao gồm các tập đoàn lớn của Nhật Bản như Megabank, JR East, NTT Group, Aeon, Kansai Electric Power, Nomura Holdings, Internet Initiative Japan (IIJ). Tiền kỹ thuật số chung sẽ được ngân hàng phát hành và bắt đầu thử nghiệm trong năm 2021. Tiền kỹ thuật số chung sẽ được ngân hàng phát hành và bắt đầu thử nghiệm trong năm 2021. Trước đó, Bank of Japan (BoJ) đã lên kế hoạch thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số (CBDC) vào đầu tài khóa 2021. BoJ dự định sẽ thiết lập một hệ thống trên Internet để thử nghiệm các chức năng cơ bản của CBDC theo 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn cuối cùng có sự tham gia của các cơ sở kinh doanh tư nhân và người tiêu dùng nhằm kiểm tra tính khả thi và độ an toàn của đồng tiền kỹ thuật số với tư cách là một phương tiện thanh toán song song với tiền mặt. Trong thử nghiệm, BoJ giả định các tổ chức tài chính tư nhân sẽ thực hiện chức năng trung gian đối với CBDC và đồng tiền kỹ thuật số này sẽ được sử dụng rộng rãi bởi người tiêu dùng, các công ty, các tổ chức và cá nhân khác. (Nikkei)

Nhằm hỗ trợ giới doanh nghiệp hàng không và thúc đẩy tiêu dùng trong nước, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định triển khai loại hình sản phẩm mới có tên gọi "Bay du lịch quốc tế không hạ cánh" và bắt đầu thực hiện từ tháng 12/2020.

Chính phủ sẽ cho phép vận hành loại hình dịch vụ bay mới này trong thời hạn một năm trên các chặng bay quốc tế tới nước khác. Ước tính nếu mỗi chuyến bay thực hiện thành công với số lượng khoảng 70% ghế ngồi thì doanh thu của hãng hàng không đạt mức từ 20-90 triệu Won (~ 20.000-90.000 USD) và chỉ cần 1/2 số hành khách mua hàng miễn thuế thì mỗi chuyến bay cũng mang lại khoản thu từ 40-90 triệu Won (~40.000-90.000 USD). Đây được coi là biện pháp thời vụ nhằm hỗ trợ ngành hàng không và dịch vụ hàng miễn thuế trong thời điểm đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Korea Herald)


ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

Nhà sản xuất điện tử hàng đầu Foxconn, một trong những nhà cung ứng, sản xuất linh kiện chính cho Tập đoàn công nghệ Apple, vừa xuất xưởng lô màn hình đầu tiên tại tỉnh Quảng Ninh.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, nhà máy của Foxconn tại Quảng Ninh sẽ sản xuất khoảng 20.000 màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao. Tất cả sản phẩm của nhà máy này sẽ được xuất khẩu với tổng giá trị khoảng 250.000 USD. Foxconn sẽ mở rộng nhà máy Quảng Ninh để nâng công suất sản xuất đạt một triệu màn hình hiển thị và tivi, với tổng doanh thu xuất khẩu khoảng 250 triệu USD vào năm 2021 và tăng lên 1 tỉ USD trong những năm tiếp theo.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi ngày 20/11 cho biết đã đệ trình đề xuất đàm phán và yêu cầu EU chấm dứt phân biệt đối xử đối với xuất khẩu dầu cọ của Indonesia. Bà Retno cũng cho biết, trước đó đã trao đổi với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện cấp cao EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell về tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn và giải quyết vấn đề phân biệt đối xử với dầu cọ Indonesia. Bà Marsudi cho biết thêm, không chỉ trong lĩnh vực cọ dầu, Indonesia cũng muốn đối xử công bằng với tất cả mặt hàng hàng đầu như cà phê, chè và một số mặt hàng khác. Giá trị xuất khẩu dầu cọ của Indonesia trong năm 2019 đạt 23 tỷ USD. Đây là một nguồn thu nhập của các nông dân nhỏ ở Indonesia và là một trong những hàng hóa trụ cột của nền kinh tế Indonesia.(The Jakarta Post)

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã điều chỉnh dự báo về GDP của Ấn Độ trong tài khóa 2020-2021, từ mức giảm 11,5% theo ước tính trước đó xuống còn giảm 10,6%. Tuyên bố ngày 19/11 của Moody’s nêu rõ: “Niềm tin của người tiêu dùng ở Ấn Độ vẫn tương đối thấp trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày tiếp tục tăng, mặc dù con số này đã giảm so với mức đỉnh điểm hồi tháng 9/2020.

Ước tính của Trung tâm theo dõi kinh tế Ấn Độ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại nước này vẫn cao, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở cả khu vực thành thị và nông thôn đều đã phục hồi từ mức cao nhất vào tháng 4/2020 và tháng 5/2020 trong thời gian phong tỏa toàn quốc”. Bên cạnh đó, Moody’s kỳ vọng kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 10,8% trong tài khóa 2021-2022 (kết thúc vào tháng 3/2022), so với dự báo trước đó là tăng trưởng 10,6% và ổn định ở mức khoảng 6% trong trung hạn. (Hindu)

Ngân hàng Trung ương Philippines, Bangko Sentralng Pilipinas (BSP), đã quyết định hạ lãi suất theo hợp đồng mua lại đảo ngược qua đêm 25 điểm cơ bản, xuống 2%, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay xuống các mức tương ứng 1,5% và 2,5%.

Quyết định này sẽ được thực hiện từ ngày 20/11. Lần gần đây nhất BSP điều chỉnh lãi suất là vào tháng 6/2020, với quyết định hạ 50 điểm cơ bản, khi có những lo ngại rằng, nền kinh tế sẽ giảm kỷ lục do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Trong thông báo, BSP cho biết, các dự báo mới nhất tiếp tục cho thấy tình hình lạm phát vẫn thuận lợi, với các dự báo vẫn phù hợp với khoảng mục tiêu 2-4%. Mức lạm phát trung bình được cho là sẽ thuộc nửa dưới của khoảng mục tiêu trong năm 2020 cho đến năm 2022, khi hoạt động kinh tế trong nước chậm lại, giá dầu thế giới giảm và đồng Peso lên giá. (AFP)