Kinh tế toàn cầu
Thương mại thế giới sẽ phục hồi hình chữ V, nhanh hơn cuộc khủng hoảng 2008-2009
Theo Viện nghiên cứu Kinh tế thế giới Kiel, thương mại toàn cầu đang phục hồi nhanh hơn cuộc khủng hoảng 2008-2009, đặt hi vọng cho khả năng thương mại thế giới sẽ phục hồi theo hình chữ V. Cụ thể theo Viện nghiên cứu, chỉ số thương mại toàn cầu sau 4 tháng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 đã quay trở lại mức 90 điểm, điều mà phải mất 1 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2008 thương mại thế giới mới đạt được. (Bloomberg)
Kịch bản xấu nhất
Theo Báo cáo mới nhất của Đại học Quốc gia Australia, nếu vaccine covid-19 không sớm được phổ biến rộng rãi, nền kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại 17,3 nghìn tỷ USD trong năm nay.
Theo Báo cáo này, với kịch bản vaccine tiêm phòng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi vào năm 2025, đại dịch Covid-19 có thể gây thiệt hại kinh tế thế giới lên đến 35,3 nghìn tỷ USD. Đây được coi là kịch bản xấu nhất của nền kinh tế toàn cầu, khi các làn sóng dịch bệnh vẫn tiếp tục nổi lên cho đến năm 2025. Đối với kịch bản tốt nhất, khi các quốc gia trên thế giới chỉ trải qua một đợt dịch bệnh duy nhất vào năm 2020 và bùng phát nhẹ vào đầu năm 2021, kinh tế toàn cầu sẽ phải chịu thiệt hại là 17,6 nghìn tỷ USD tính đến năm 2025. Trong đó, con số này vào năm 2020 ước tính là 14,7 nghìn tỷ USD. Kịch bản này dựa trên ước tính các quốc gia hiện đang ở trong giai đo ạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19, sau đó các làn sóng dịch bệnh sẽ được loại bỏ nhờ vào vaccine sau năm 2021. (ANU)
Mỹ-Trung Quốc
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 1/9 cho biết, đã gia hạn miễn thuế đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có đồng hồ thông minh và khẩu trang y tế, chỉ tới cuối năm 2020, thay vì tiếp tục gia hạn 1 năm như trước đây.
Quyết định gia hạn chỉ trong 4 tháng sẽ có thể duy trì một số tác động đối với việc thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 từ phía Trung Quốc, song có thể làm gia tăng tình trạng không chắc chắn đối với các nhà nhập khẩu những mặt hàng từ thiết bị Bluetooth đến đàn piano đứng.
Trong Công báo Liên bang, USTR cho biết, quyết định gia hạn được áp dụng cho những sản phẩm được miễn các khoản thuế trong “Mục 301”, vốn bị Tổng thống Donald Trump áp đặt 1 năm trước đối với hàng loạt sản phẩm tiêu dùng của Trung Quốc trong bối cảnh diễn ra những cuộc đàm phán căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mức thuế đối với khoảng 125 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc được đặt ra là 15%, nhưng sau đó đã được hạ xuống 7,5% theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, được ký kết hồi tháng 1/2020. Các sản phẩm này bao gồm một số thiết bị Bluetooth và thiết bị truyền dữ liệu có thể đeo trên người, như những sản phẩm được Apple Inc, FitBit, Sonos và các công ty công nghệ khác nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cũng nằm trong danh sách miễn trừ được gia hạn trên là một số mặt hàng khẩu trang, máy thở và các sản phẩm y tế khác, trong đó có hộp đựng ống nghe, gạc cotton và vòng bít đo huyết áp. Ngoài ra, các mặt hàng từ đàn piano đứng đến module màn hình tinh thể lỏng và vỏ đồng hồ bằng thép không gỉ cũng được miễn thuế cho tới cuối năm 2020. (Reuters)
Mỹ
Theo số liệu của Cục Phân tích Kinh tế (BEA), chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ đã tăng tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 7 nhưng chậm lại đáng kể trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 gia tăng trên khắp nước Mỹ. Chi tiêu tiêu dùng cá nhân - số tiền người Mỹ chi cho hàng hóa và dịch vụ dành cho mục đích gia dụng hoặc cá nhân tăng 1,9% trong tháng 7, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,2% của tháng 6 và mức tăng 8,6% của tháng 5.
Theo Bộ Lao động Mỹ, tốc độ tăng việc làm cũng chậm lại: Mỹ đã lấy lại 1,8 triệu việc làm trong tháng 7 sau khi phục hồi 2,7 triệu vào tháng 5 và 4,8 triệu vào tháng 6, khiến hơn 12 triệu người Mỹ vẫn thất nghiệp sau khi mất việc làm do đại dịch. Các nhà kinh tế lo ngại rằng việc hết hạn trợ cấp thất nghiệp cũng có thể hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng trong tháng 8 khi những người Mỹ gặp khó khăn trong trang trải các chi phí cơ bản mà không có sự hỗ trợ thêm của liên bang trong bối cảnh Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đang bế tắc trong đàm phán về gói cứu trợ kinh tế mới. ( ĐSQVN tại Mỹ)
Ngày 27/8, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã thông báo về một sự thay đổi lớn trong cách mà Fed đặt mục tiêu đạt được việc làm tối đa và giá cả ổn định dựa trên cơ sở các bài học kinh nghiệm gần nhất mà Ngân hàng Trung ương này có được từ sự mở rộng của nền kinh tế. Cách tiếp cận mới báo hiệu rằng, Fed sẽ không tăng và tiếp tục giữ mức lãi suất gần bằng 0 như hiện nay trong một khoảng thời gian dài để ứng phó với các mức thất nghiệp thấp, nhằm tránh việc nền kinh tế trở nên quá nóng, cũng như sẽ không lo lắng nhiều về việc lãi suất thấp sẽ gây ra lạm phát.
Chủ tịch Fed cho biết, tuyên bố điều chỉnh này của Fed phản ánh sự đánh giá cao của Tổ chức tài chính quan trọng này đối với những lợi ích của một thị trường lao động mạnh mẽ, đặc biệt là đối với nhiều người trong các cộng đồng có thu nhập thấp và trung bình và rằng, một thị trường việc làm mạnh mẽ có thể được duy trì mà không gây ra sự gia tăng lạm phát không mong muốn. (Washington Post)
Trung Quốc
Theo ngân hàng Jefferies (Mỹ), sau sự bùng phát của đại dịch Covid-19, khiến tốc độ số hóa tiếp tục tăng nhanh và sự chuyển dịch từ ngoại tuyến sang trực tuyến, đặc biệt là mua sắm cá nhân, đang trở thành thói quen của người tiêu dùng.
Meituan Dianping, công ty cung cấp dịch vụ giao hàng theo yêu cầu lớn nhất Trung Quốc, đã thông báo đạt lợi nhuận ròng 2,2 tỷ NDT (319,5 triệu USD) trong quý II, tăng hơn 152% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Alibaba báo cáo doanh thu đạt 153,75 tỷ NDT trong quý II/2020, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. JD.com, đối thủ của Alibaba, cũng công bố doanh thu tăng vọt. Công ty này cho biết thu nhập ròng trong quý II là 16,45 tỷ NDT (2,32 tỷ USD), tăng hơn 2.500% so với cùng kỳ năm ngoái. Richard Liu, Giám đốc điều hành của JD.com, cho biết, kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, JD đã tận dụng năng lực về công nghệ cũng như chuỗi cung ứng đặc biệt của công ty này để đóng góp cho xã hội, đảm bảo sự ổn định cho nguồn cung cấp và phân phối nhu yếu phẩm cho người tiêu dùng. (SCMP)
Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất được dự báo tăng trưởng trong năm nay. J.P. Morgan gần đây nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2020 từ mức 1,3% đưa ra hồi tháng 4/2020 lên 2,5%. Các chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức khác cũng đồng loạt nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. (WSJ)
Châu Âu
Uỷ ban châu Âu (EC) trả trước 336 triệu Euro để mua 300 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Theo thỏa thuận, 27 nước thành viên EU có thể mua vaccine phòng Covid-19 ở giai đoạn tiếp theo nếu loại vắc-xin này được phát triển thành công.
Số tiền các nước EU sẽ chi trả để mua số liều vaccine nói trên hiện chưa được tiết lộ, song theo một thỏa thuận được ký hồi tháng 6/2020 với AstraZeneca, Đức, Pháp, Italy, Hà Lan và toàn bộ thành viên EU sẽ được mua 300 triệu liều vaccine Covid-19 với mức giá 750 triệu Euro (843 triệu USD). Đây là thỏa thuận đầu tiên mà EU ký với nhà sản xuất này. AstraZeneca cũng đã đồng ý cung cấp 300 triệu liều vaccine tương tự cho Mỹ với giá 1,2 tỷ USD và 30 triệu liều cho Anh với giá 66,5 triệu bảng Anh (86,5 triệu USD). (Reuters)
Kinh tế Đức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1970. Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) trong quý II/2020, GDP của Đức giảm tới 9,7%, cao hơn rất nhiều so với mức đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính hơn 10 năm trước.
Theo giới chức Đức, trong quý II, mặc dù chi tiêu của Chính phủ đã tăng lên nhưng xuất - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ lại giảm mạnh, trong khi chi tiêu của hộ gia đình và đầu tư vào trang thiết bị của doanh nghiệp cũng bị đình trệ. Số người thất nghiệp trong tháng 7 tại Đức tăng cao, với 2,91 triệu người không có việc làm. Theo Destatis, việc tung ra các gói kích thích nhằm hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch đã dẫn đến việc Đức thâm hụt ngân sách 51,6 tỷ Euro trong nửa đầu năm 2020. Chính phủ Đức dự báo nước này sẽ phải đối mặt với cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. (Businessinsider)
Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 26/8 cho biết, Chính phủ nước này sẽ công bố kế hoạch phục hồi kinh tế vào ngày mai (3/9) với gói hỗ trợ tài chính bao gồm 2 tỷ Euro (~2,4 tỷ USD). Tuần trước, Chính phủ Pháp cho biết, họ sẽ trình bày chi tiết về kế hoạch 100 tỷ Euro (118 tỷ USD) trong tuần đầu tiên của tháng Chín, thay vì vào ngày 25/8. Thủ tướng Castex cũng cho biết, các nhà chức trách sẽ làm tất cả những gì có thể để tránh trường hợp đóng cửa hạn chế sự lan rộng của dịch bệnh. Người phát ngôn của Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết, Pháp đang bám sát mục tiêu đưa GDP trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2022. (Reuters)
Nhật Bản và Hàn Quốc
Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ chi hơn 20.000 tỷ Won (16,9 tỷ USD) trong kế hoạch ngân sách năm 2021 để tài trợ cho dự án kích thích kinh tế mới. Dự án kích thích kinh tế của Hàn Quốc mang tên "Thỏa thuận mới" (New Deal) nhằm vực dậy nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Theo dự án này, 160.000 tỷ Won sẽ được bơm vào nền kinh tế Hàn Quốc tới năm 2025 để giúp tạo ra 1,9 triệu việc làm và giúp hồi sinh nền kinh tế bị đại dịch Covid-19 tàn phá. Dự án cũng đặt mục tiêu tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong dài hạn.
Theo kế hoạch ngân sách trên, Chính phủ Hàn Quốc sẽ miễn phí hệ giáo dục trung học phổ thông cho học sinh nước này, bắt đầu từ năm 2021, sớm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ dành 190.000 căn nhà cộng đồng để dành cho thanh niên và các cặp vợ chồng mới cưới được thuê với giá ưu đãi. (Korea Herald)
Trong báo cáo hàng tháng về tình hình kinh tế, Văn phòng Nội các Nhật Bản đánh giá nền kinh tế Nhật Bản vẫn trong tình trạng nghiêm trọng do dịch Covid-19, song đang cho thấy những chuyển động khởi sắc trong thời gian gần đây." Trong số 11 nội dung chính để đánh giá, chính phủ Nhật Bản đã nâng mức đánh giá về xuất khẩu và sản xuất công nghiệp, cả hai lĩnh vực đều được điều chỉnh trong tháng thứ hai liên tiếp. Báo cáo cũng dự báo những chuyển động tích cực hướng tới sự phục hồi vẫn sẽ được duy trì trong ngắn hạn, khi nền kinh tế bên ngoài có sự cải thiện, trong khi hoạt động kinh tế-xã hội trong nước được phục hồi. Trong khi đó, báo cáo vẫn nhận định, tiêu dùng tư nhân "đi lên trong thời gian gần đây," dù chi tiêu không tăng trong giai đoạn nghỉ Hè như từng được ghi nhận trong 3 năm qua (Japan Times)
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
Bộ Tài chính Mỹ đã gửi báo cáo đánh giá xác định Việt Nam chủ động định giá VND thấp hơn USD khoảng 4,7% trong năm 2019, trong đó có sự can thiệp của Chính phủ với mức mua vào trị giá 22 tỷ USD. Động thái này cho thấy Mỹ có thể viện dẫn Việt Nam vi phạm lần thứ 2 trong báo cáo bán niên về chính sách ngoại hối của các đối tác thương mại lớn. Về phía Việt Nam, Bộ Công thương cho biết, sẽ hợp tác với các nhà điều tra của Mỹ về vấn đề này, cung cấp tất cả những thông tin cần thiết về việc trợ giá và định giá thấp tiền tệ cho phía Mỹ để có đủ cơ sở và dữ liệu trước khi đưa ra kết luận. (Bộ Công thương)
Ấn Độ tiếp tục là quốc gia cung cấp dịch vụ dữ liệu di động rẻ nhất thế giới, với chi phí trung bình cho 1GB dữ liệu đã được giảm mạnh kể từ tháng 11/2018 khi các nhà mạng cung cấp những gói dữ liệu cỡ lớn. Theo báo cáo về Giá dữ liệu di động toàn cầu (WMDP) năm 2020 của công ty nghiên cứu thị trường Cable.co.uk ở Anh, hiện 1GB dữ liệu di động tại Ấn Độ có giá trung bình 6,7 rupee (0,09 USD), mức rẻ nhất thế giới, và thấp hơn khoảng 65% so với 18,5 rupee (0,3 USD)/1GB ở nước này hồi năm 2018. Chi phí trung bình cho 1 GB dữ liệu trên thế giới hiện là hơn 5 USD/1GB. (Times of India)
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã phê duyệt khoản vay trị giá 125 triệu USD nhằm hỗ trợ Chính phủ Philippines tăng cường khả năng ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19. Phó Chủ tịch ADB Ahmed Saeed cho biết, dự án này sẽ giúp nâng cao khả năng sẵn sàng của hệ thống y tế Philippines ở cấp quốc gia và địa phương trong việc xử lý các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng hiện tại và tương lai. Theo ADB, Chính phủ Philippines đang tìm cách tăng hơn gấp hai lần khả năng xét nghiệm Covid-19 hàng ngày lên 75.000 lượt vào cuối năm 2020, so với mức 31.000 lượt tính đến ngày 15/8. Philippines đã ghi nhận 194.252 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.010 trường hợp tử vong. (ADB)