📞

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (30/10-5/11): Kết quả bầu cử Mỹ gây sức ép lên USD, EU có quyền trả đũa Mỹ, Trung Quốc giãn nợ cho nước nghèo

Chu Văn 10:09 | 05/11/2020
TGVN. Kết quả bầu cử Mỹ gây sức ép lên USD, EU có quyền trả đũa Mỹ liên quan vụ Boeing, kinh tế Mỹ ghi nhận mức phục hồi mạnh nhất, Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm hoi tăng trưởng dương... là các tin kinh tế thế giới nổi bật trong tuần qua.
Kinh tế thế giới nổi bật tuần (30/10-5/11): Kết quả bầu cử Mỹ gây sức ép lên USD, EU có quyền trả đũa Mỹ, Trung Quốc giãn nợ cho nước nghèo.

Nguồn vốn FDI toàn cầu sẽ giảm 40% trong năm 2020

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 dự đoán sẽ kéo nguồn vốn FDI toàn cầu giảm 40% trong năm nay và phải đến năm 2022 mới có thể phục hồi. Theo báo cáo UNCTAC, các biện pháp phong tỏa chống dịch và viễn cảnh suy thoái toàn cầu trầm trọng đã thu hẹp đáng kể nguồn FDI, vốn là thước đo đầu tư xuyên biên giới của khu vực tư nhân. UNCTAD cho biết, trên toàn thế giới, trong 6 tháng đầu năm 2020, FDI đã giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái và tất cả các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài đều bị ảnh hưởng, từ vốn cho cơ sở hạ tầng, cho tới mua bán và sáp nhập. (UNCTAC)


Đại dịch Covid-19 sẽ làm thay đổi trật tự thế giới

Trước tác động to lớn của đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế toàn cầu sau đại dịch sẽ rất khác so với trước đây. Theo cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger, đại dịch Covid-19 sẽ làm thay đổi trật tự thế giới.

IMF chỉ ra rằng, Covid-19 là cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội nghiêm trọng nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây. Mức độ nghiêm trọng đã vượt xa khủng hoảng tài chính 2008, thậm chí vượt cả Đại suy thoái ở Mỹ vào những năm 1930.

Giới phân tích phố Wall đánh giá đại dịch sẽ khiến GDP toàn cầu mất ít nhất hơn 5.000 tỷ USD. Riêng Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới, có khả năng sẽ trải qua một chu kỳ yếu kém trong thời gian dài, khi kết hợp với mức nợ cao và ảnh hưởng đến chi tiêu liên bang. (ASEM Connect Vietnam)


Mỹ-EU

EU đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả Mỹ sau khi WTO xác nhận EU có quyền trả đũa Mỹ vì trợ cấp bất hợp pháp dành cho hãng sản xuất máy bay Boeing. Theo đó, EU có thể tăng thuế đối với khối hàng hóa xuất khẩu của Mỹ với trị giá lên tới 4 tỷ USD.

Ủy viên Thương mại của EC Valdis Dombrovskis cho biết, hiện tại Ủy ban đang hoàn thiện quy trình chuẩn bị các biện pháp trả đũa với sự tham vấn chặt chẽ từ các thành viên EU. Ông Dombrovskis nhấn mạnh ưu tiên của EU là đạt được giải pháp tháo gỡ vấn đề thông qua đàm phán với Mỹ nhưng nếu không đạt được kết quả đàm phán như mong đợi, EU sẵn sàng có hành động tuân thủ phán quyết của WTO. Ông Dombrovskis cũng cho biết thêm, vẫn giữ liên lạc thường xuyên với đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer. (Reuters. 29/10)


Kinh tế Mỹ

Theo số liệu do Bộ Thương mại Mỹ mới công bố, sau khi suy thoái ở mức kỷ lục, kinh tế Mỹ ghi nhận mức phục hồi mạnh nhất từ trước đến nay khi tăng trưởng 33,1% trong Quý III/2020. Đây là mức tăng trưởng hàng quý cao nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1947. Trước đó, kinh tế Mỹ đã giảm 31,4% trong quý II/2020, cũng là giai đoạn nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19, và giảm 5% trong quý I/2020. Theo Bộ Thương mại Mỹ, việc doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng chi tiêu đã góp phần giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng kỷ lục trong quý III/2020. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo phần lớn thành quả này là do gói hỗ trợ trị giá hơn 3.000 tỷ USD của Chính phủ trong thời gian đầu của dịch Covid-19. Các dữ liệu khác cho thấy chi tiêu đã “hạ nhiệt” trong tháng 9/2020 và quá trình phục hồi cũng đang đi xuống. (CNBC)

Chính sách giảm thuế của ông Trump hay chiến lược tăng kích thích tài khóa của ông Biden đều có thể gây sức ép lên đồng bạc xanh. USD đã yếu đi trong phần lớn nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Nguyên nhân là Mỹ giảm thuế, tăng thâm hụt ngân sách và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều lần hạ lãi suất.

Tuy nhiên, kể cả khi ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden thắng cử, USD cũng sẽ khó bật lại sớm. Vì ông Biden có thể sẽ tung ra nhiều gói kích thích hơn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong đại dịch. Việc này sẽ đặc biệt thuận lợi nếu đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện. Ông Biden cũng có thể thúc đẩy tăng chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng, cũng như đầu tư cho các chương trình điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng xanh khác. Số tiền chi ra này sẽ ăn mòn phần nguồn thu tăng lên từ việc xóa bỏ chính sách giảm thuế của Chính phủ tiền nhiệm.

Các khoản chi này có thể sẽ khiến USD còn yếu hơn, hoặc ít nhất là vẫn duy trì ở mức hiện tại. "Việc đảng Dân chủ kiểm soát cả Nhà Trắng và Quốc hội có thể là tin tiêu cực với đồng bạc xanh, do gói kích thích quy mô lớn hơn của họ sẽ làm tăng áp lực lạm phát", Lukman Otunuga - nhà phân tích cấp cao tại FXTM cho biết.

Dù vậy, một số chuyên gia tiền tệ cho biết USD vẫn có thể mạnh lên nếu ông Biden thắng cử và khôi phục lại các chính sách thương mại thông thường. Ông có quan điểm hòa hoãn hơn về thuế nhập khẩu với các đồng minh như châu Âu, Mexico và Canada. Đây sẽ là tin tốt với USD. Ông Biden cũng có thể sử dụng chính sách ngoại giao đa phương với Trung Quốc, coi đây là biện pháp chính để giải quyết các vấn đề kinh tế, ngoài thương mại, như bản quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, thực tế vẫn là tăng chi tiêu công sẽ khiến USD chịu sức ép giảm, dù chính sách ngoại giao của Mỹ là gì. (CNN)


Kinh tế Trung Quốc

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Zou Jiayi cho biết, Bắc Kinh đang tiến hành thực hiện đầy đủ các chương trình giãn nợ của G20 để góp phần giảm bớt gánh nặng nợ của các nước nghèo và đạt mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh đại dịch; đánh giá các tổ chức phát triển đa phương cần đổi mới sáng tạo về các biện pháp hỗ trợ tài chính nhằm cung cấp các nguồn vốn dài hạn, ổn định với chi phí thấp.

Thứ trưởng Zou Jiayi khuyến nghị IMF tăng phân bổ chung của Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) giúp tăng cường dự trữ ngoại hối và sức mua của tất cả các quốc gia thành viên, đặc biệt giúp các nước đang phát triển tăng cường năng lực thanh toán quốc tế và xử lý khủng hoảng gây ra bởi đại dịch. Nguyên Thống đốc ngân hàng Trung ương Trung Quốc Zhou Xiaochuan chia sẻ quan điểm trên nhưng cho rằng, cơ cấu nợ có thể không phải là cách thức tốt để giải quyết vấn đề và việc thiết lập khuôn khổ chung cho tất cả bên cho vay và bên đi vay là điều khó khăn. (China Daily)

Tại Hội nghị cấp Bộ trưởng của OECD tổ chức theo hình thức trực tuyến diễn ra trong 2 ngày 28-29/10, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Du Kiến Hoa khẳng định, Trung Quốc luôn cam kết thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư; thông báo thuế suất trung bình đã giảm từ 9,8% (2017) xuống 7,5% hiện tại và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất đẩy nhanh hình thành một mô hình phát triển mới với tuần hoàn lớn trong nước là chủ đạo, tuần hoàn trong nước và tuần hoàn quốc tế thúc đẩy lẫn nhau.

Ông Du Kiến Hoa cho biết, Trung Quốc sẽ mở cửa sâu rộng hơn, mang lại nhiều cơ hội hơn cho thương mại, dịch vụ và đầu tư nước ngoài; cam kết tổ chức thành công Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ 3 (CIIE-2020). Trung Quốc hiện chưa là thành viên của OECD và đã bắt đầu đối thoại và hợp tác với OECD với tư cách là đối tác vào năm 2012. (TGVN)


Châu Âu

Chính phủ Italy thông qua kế hoạch cứu trợ mới trị giá khoảng 5 tỷ Euro cho các khu vực kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những biện pháp kiềm chế dịch Covid-19.

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Italy cho biết, kế hoạch mới nói trên được đưa ra nhằm cung cấp các khoản hỗ trợ không hoàn lại cho các doanh nghiệp, thực hiện một số chương trình miễn giảm thuế và bổ sung quỹ cho các chương trình hỗ trợ người lao động bị mất việc làm tạm thời. Khoảng 2,4 tỷ Euro trong khoản cứu trợ trọn gói này sẽ được dành để bù đắp cho 460.000 doanh nghiệp, thực hiện chương trình tín dụng thuế cho các đối tượng thuê nhà và hủy bỏ khoản thanh toán thuế nhà ở dự kiến vào tháng 12. (AFP).

Ngày 29/10, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) quyết định không thay đổi lãi suất chủ chốt và “đánh tiếng” sẵn sàng tăng cường các biện pháp kích thích để ứng phó với đại dịch Covid-19 trong cuộc họp vào tháng 12 tới. ECB quyết định vẫn duy trì lãi suất cơ bản là 0%, với lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi lần lượt là 0,25% và âm 0,5%. ECB đưa ra cam kết một ngày sau khi Pháp, Đức cùng với Italy và Tây Ban Nha áp đặt các biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, mà theo dự báo sẽ gây thêm thiệt hại kinh tế đối với các nước này. (AFP).

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW), đợt phong tỏa thứ hai để ngăn chặn sự lây lan mạnh của dịch Covid-19 sẽ khiến kinh tế Đức thiệt hại khoảng 19,3 tỷ Euro (22,53 tỷ USD). Theo DIW, ngành nhà hàng và khách sạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất với thiệt hại khoảng 5,8 tỷ Euro, các lĩnh vực thể thao, văn hóa và giải trí sẽ phải đối phó với mức sụt giảm 2,1 tỷ Euro và ngành bán lẻ khoảng 1,3 tỷ Euro, ngành công nghiệp Đức thiệt hại khoảng 5,2 tỷ Euro. Để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 thời gian gần đây, Chính phủ Đức đã quyết định phong tỏa có giới hạn lần thứ hai bắt đầu từ ngày 2/11. Chính phủ Đức cũng dự kiến chi 10 tỷ Euro để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đợt phong tỏa lần này. (DIW).

IMF dự báo, đà phục hồi của kinh tế Anh sẽ yếu hơn dự kiến giữa bối cảnh châu Âu đang hứng chịu làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 và đàm phán thương mại giữa nước này với Liên minh châu Âu vẫn gặp trở ngại. Theo IMF, kinh tế Anh sẽ giảm 10,4% trong năm 2020 và tăng trưởng trở lại 5,7% vào năm 2021. IMF nhận định đà phục hồi mạnh mẽ hồi mùa hè đang phải đối mặt với những trận “gió ngược” từ làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19, sự thiếu bất ổn liên quan đến tiến trình Brexit, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và sức ép trên bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp (Reuters)


Nhật Bản và Hàn Quốc

Trong báo cáo hàng quý, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ giảm 5,5% so với dự báo giảm 4,7% đưa ra hồi tháng 7/2020. Chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản dự kiến sẽ giảm 0,6% trong tài khóa 2020, thay vì giảm 0,5% trong dự báo tháng 7/2020. Tuy nhiên, đối với tài khóa 2021, BoJ đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế từ 3,3% lên 3,6% và lạm phát từ 0,3% lên 0,4%. Đối với chính sách tiền tệ, BoJ giữ nguyên lãi suất âm 0,1% đối với tiền gửi ngân hàng, cũng như chính sách mua trái phiếu Chính phủ Nhật Bản không giới hạn, để đảm bảo lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm vẫn ở mức 0%. (Kyodo)

Ngày 29/10, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết sẽ gia hạn chương trình cho vay đặc biệt cho các tổ chức tài chính nước này thêm ba tháng đến ngày 3/2/2021 để đối phó với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. BoK đã khởi động chương trình cho vay trị giá 10 nghìn tỷ won (tương đương 8,82 tỷ USD) để cho phép các ngân hàng, các công ty môi giới và công ty bảo hiểm nhận những khoản vay từ BoK đối với tài sản thế chấp và là lần đầu tiên BoK quyết định cung cấp các khoản vay trực tiếp cho các công ty môi giới và công ty bảo hiểm.

Chỉ số lòng tin kinh doanh (BSI) của các nhà sản xuất trong nước của Hàn Quốc đã tăng lên mức 76 trong tháng 11/2020, tăng từ mức 68 của tháng 10/2020 và đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 2/2020, cho thấy lòng tin vào kinh doanh của các nhà sản xuất nước này đã cải thiện trong bối cảnh những biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng sau khi số ca mắc Covid-19 bắt đầu tăng chậm lại. (Yonhap News)


ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

Theo Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2020 của IMF, trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, vượt Singapore và Malaysia. GDP Việt Nam năm 2020 ước tính sẽ đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore với 337,5 tỷ USD, Malaysia với 336,3 tỷ USD.

Cũng theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 là 1,8%, cao hơn so với dự báo của IMF. ADB phân tích, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Trong khi đó, bản cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định, trong tương lai kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh hơn. Các dẫn chứng của WB cho thấy, Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm hoi tăng trưởng dương trong khi cả thế giới đang phải gánh chịu tăng trưởng tồi tệ chưa từng có. Theo đó, lạm phát được giữ vững dưới 4%, thặng dư thương mại lớn gần 17 tỷ USD, đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn cao.

Theo ông Nitin Gupta, Phó Chủ tịch phụ trách lúa gạo của Olam India, xuất khẩu gạo của Ấn Độ năm 2020 sẽ tăng nhờ nhu cầu về gạo non basmati tăng mạnh từ các nước châu Phi do giá bán hấp dẫn, trong khi cầu về gạo basmati tương đối ổn định. Ấn Độ còn có thể giành thêm thị phần xuất khẩu gạo năm 2020 với dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng gần 42%, ước đạt 14 triệu tấn (năm 2019 là 9,9 triệu tấn). Xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể sẽ đạt mốc kỷ lục trong năm nay do giảm cung của các nước xuất khẩu gạo đối thủ tại châu Á, cũng như việc đồng Rupi giảm giá, giúp tăng khả năng cạnh tranh của gạo nước này

Theo Bộ trưởng Kinh tế Tài chính Campuchia Aun Porn Moniroth tại Diễn đàn giữa lĩnh vực tư nhân và Chính phủ, dự luật Đầu tư mới của nước này dự kiến hoàn thiện vào cuối tháng 11 năm nay. Dự luật mới tập trung vào những điều kiện ưu đãi và thu hút đầu tư, thiết lập môi trường cạnh tranh, đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Luật Đầu tư mới này sẽ bao quát và thu hút nhiều nhà đầu tư hơn do Campuchia đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Trung Quốc và đang tiến hành đàm phán FTA với Hàn Quốc. (The Khmer Times)