Kinh tế thế giới tuần qua 30/4-6/5:
Thế giới bế tắc về việc cấp bằng sáng chế cho vaccine Covid-19
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala ngày 5/5 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực đạt được thỏa thuận về cách đảm bảo tiếp cận bình đẳng hơn cho vaccine ngừa Covid-19, giữa lúc các cuộc đàm phán về đề xuất không cấp bằng sáng chế cho loại vaccine này vẫn bế tắc.
Phát biểu trước đại diện các nước tham gia cuộc họp của Đại hội đồng WTO, cơ quan ra quyết định chính của tổ chức, bà Okonjo-Iweala nhấn mạnh việc đảm bảo tiếp cận công bằng với các công cụ để chống lại đại dịch là “vấn đề đạo đức và kinh tế của thời đại này”.
Trong nhiều tháng qua, WTO đã phải đối mặt với những lời kêu gọi từ Ấn Độ và Nam Phi về việc tạm thời từ bỏ việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 nhằm giúp thúc đẩy sản xuất vaccine ở các nước đang phát triển – vốn nhận được ít vaccine hơn.
Nhưng quan điểm đó lại vấp phải sự phản đối gay gắt từ các đại gia ngành dược phẩm cùng nước sở tại của họ. Phía phản đối khẳng định, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không phải là rào cản chính để mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời cảnh báo động thái này có thể cản trở sự đổi mới sáng tạo. (AFP)
Tỷ trọng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm xuống thấp nhất trong 25 năm
Theo các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ trọng đồng USD trong dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương các nước trên toàn thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 25 năm qua, do những biến động trong tỷ giá và chính sách của ngân hàng trung ương các nước.
Dẫn kết quả khảo sát của IMF có tên Thành phần tiền tệ trong Dự trữ ngoại hối chính thức (COFER), hai chuyên gia của tổ chức này là Serkan Arslanalp và Chima Simpson-Bell cho biết tỷ trọng của đồng USD mà các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nắm giữ đã giảm xuống 59% trong quý IV/2020, mức thấp nhất trong 25 năm qua và giảm 12 điểm phần trăm so với thời điểm đồng Euro ra đời vào năm 1999. Trong khoảng thời gian này, tỷ trọng của đồng Euro dao động quanh mức 20%.
Trong khi đó, tỷ trọng của các đồng tiền khác, như đồng AUD của Australia, CAD của Canada và đồng NDT của Trung Quốc, đã tăng lên 9% trong quý IV năm ngoái.
Cũng theo các chuyên gia của IMF, khoảng 80% sự thay đổi ngắn hạn trong tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu kể từ năm 1999 là do sự biến động tỷ giá và 20% còn lại chủ yếu là do các quyết định mua và bán chủ động của ngân hàng trung ương các nước để hỗ trợ cho nội tệ. (THX)
Thế giới mất 255 triệu việc làm toàn thời gian trong năm 2020
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới đã giảm 8,8% trong năm 2020, đồng nghĩa rằng thế giới mất đi 255 triệu việc làm toàn thời gian, gần gấp 4 lần số việc làm bị giảm sút trong thời kỳ khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu năm 2008. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu trong năm ngoái đã tăng 1,1%, tương đương 33 triệu người mất việc làm, đạt 220 triệu người và tỷ lệ người không có việc làm toàn cầu tăng lên 6,5%. (Ilo.org)
OPEC+ từng bước nới lỏng hạn chế sản lượng dầu
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) đã nhóm họp để thảo luận chính sách sản lượng trong bối cảnh dự báo nhu cầu năng lượng sẽ phục hồi bất chấp dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Ấn Độ, Brazil và Nhật Bản. OPEC+ sẽ từng bước nới lỏng các hạn chế về sản lượng dầu trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 tới trong bối cảnh dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ phục hồi. Trước đó, OPEC+ đã cắt giảm khoảng 8 triệu thùng dầu sản lượng mỗi ngày, tương đương hơn 8% nhu cầu toàn cầu. (CNBC)
Mỹ-Trung Quốc
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai ngày 5/5 cho biết, bà hy vọng sẽ sớm trao đổi với các quan chức thương mại Trung Quốc trong tương lai gần để đánh giá việc thực hiện thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 giữa hai bên.
Phát biểu trên được đưa ra tại một sự kiện trực tuyến do tờ Financial Times tổ chức. Trong sự kiện, bà Katherine Tai cho rằng, cần đảm bảo tính liên tục trong chính sách thương mại Mỹ-Trung, bao gồm thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 có thời hạn 2 năm được chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump thực hiện từ năm ngoái.
Theo Đại diện Thương mại Mỹ, thỏa thuận đã đạt được giữa Washington và Bắc Kinh là nền tảng để hai bên cùng hợp tác và đạt được thành quả. Bà Katherine Tai bày tỏ mong muốn sẽ tiếp xúc chính thức với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Trưởng đoàn đàm phán thỏa thuận Giai đoạn 1 của Bắc Kinh, cũng như giới chức thương mại Trung Quốc "trong tương lai gần".
Khi được hỏi liệu khoản thuế quan của Mỹ đối với khoảng 370 tỷ USD hàng nhập khẩu hàng năm của Trung Quốc do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt có được chính quyền của Tổng thống Joe Biden dỡ bỏ trong thời gian tới hay không, bà Katherine Tai cho biết phần lớn còn phụ thuộc vào các cuộc đàm phán với giới chức Trung Quốc và tính hiệu quả của thỏa thuận Giai đoạn 1. (Reuters)
Anh-EU
Anh mới đây đã bày tỏ hoan nghênh việc Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn thỏa thuận thương mại hậu Brexit.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đánh giá việc phê chuẩn này là "bước cuối cùng trong một hành trình dài". Theo Thủ tướng Johnson, việc EP thông qua thỏa thuận này sẽ tạo ra "sự ổn định" trong quan hệ giữa Anh và EU".
Về phía châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel nhấn mạnh,Anh vẫn là "người bạn và đối tác quan trọng" của EU. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng hoan nghênh việc EP thông qua TCA, đồng thời nhấn mạnh việc thực thi thỏa thuận này là rất quan trọng. Thỏa thuận này bao gồm những quy định về quan hệ song phương trên quy mô rộng, trong đó bảo đảm tự do thương mại với hàng hóa sản xuất tại Anh xuất sang EU và ngược lại, thiết lập các quy định về hợp tác trong một số lĩnh vực, bao gồm đánh bắt cá, hàng không và vận tải hàng hóa cùng một số dịch vụ khác.
Kinh tế Mỹ
Ngày 30/4, WSJ dẫn số liệu của Bộ Thương mại cho biết thu nhập hộ gia đình Mỹ trong tháng 3/2021 đã tăng lên mức kỷ lục 21,1%. Điều này phản ánh kết quả triển khai gói cứu trợ kinh tế 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Biden, trong đó mỗi người dân nhận được séc thanh toán 1.400 USD. Người dân Mỹ cũng đã chi tiêu nhiều hơn vào mua sắm, nhất là nhóm các mặt hàng có giá trị lớn như ô tô, đồ nội thất, đưa mức chi tiêu tháng 3 tăng mạnh lên 4,2%, mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ giữa năm 2020. (WSJ)
Viện Quản lý nguồn cung (ISM) cho biết chỉ số về mức tăng trưởng sản xuất của Mỹ trong tháng 4/2021 là 60,7%, giảm nhẹ so với tháng 3/2021 là 64,7% và thấp hơn dự đoán của các nhà kinh tế là 65%. Các công ty và nhà cung ứng của Mỹ đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong bối cảnh dịch Covid-19. Nguồn nguyên vật liệu khan hiếm, giá hàng hóa tăng và khó khăn trong việc vận chuyển sản phẩm đang tiếp tục ảnh hưởng đến tất cả các phân khúc của nền kinh tế sản xuất. (The Hill)
Kinh tế Trung Quốc
Theo sách trắng Phát triển kinh tế kỹ thuật số ở Trung Quốc (2021), nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc chiếm 38,6% GDP vào năm ngoái, tăng 2,4 điểm % tương đương 3,3 nghìn tỷ NDT so với năm 2019, bao gồm các lĩnh vực như sản xuất điện tử, viễn thông, internet và các dịch vụ phần mềm, đạt mức 39,2 nghìn tỷ NDT (khoảng 6 nghìn tỷ USD). (Caixin)
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) nhận định, lực lượng lao động nhập cư của Trung Quốc đang thu hẹp và già đi, phản ánh xu hướng lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Lần đầu tiên kể từ năm 2008, số lượng lao động nhập cư ở Trung Quốc giảm vào năm ngoái, giảm 5,17 triệu người so với năm 2019 xuống còn 285 triệu người, theo số liệu khảo sát của Cục Thống kê Quốc gia (NBS). Sự sụt giảm phần lớn được cho là do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế vào đầu năm 2020, buộc nhiều công nhân phải ở lại quê hương vì những hạn chế về đi lại. Các lĩnh vực xây dựng, khách sạn, nhà hàng mất nhiều lao động nhập cư nhất, những bộ phận của nền kinh tế bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong thời kì đầu của đại dịch. (SCMP)
Kinh tế châu Âu
Chính phủ Đức đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ mức 3% như được ước tính trong triển vọng tháng 1 lên 3,5%. Quyết định này xuất phát từ kỳ vọng chi tiêu hộ gia đình sẽ hỗ trợ nền kinh tế, phục hồi ngay khi các biện pháp hạn chế nhằm ứng phó với dịch Covid-19 được gỡ bỏ.
Đức đang phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 3 do biến thể B117 của virus SARS-CoV-2 đã khiến những nỗ lực ứng phó gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó là sự chậm trễ trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm chủng. Bất chấp tình trạng này, báo cáo mới nhất về dự báo tăng trưởng do Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier trình bày cho thấy, GDP của Đức được dự báo sẽ tăng 3,6% vào năm 2022 và nền kinh tế quốc gia này sẽ phục hồi. Chính phủ Đức dự báo lạm phát giá tiêu dùng sẽ tăng lên 2,2% trong năm 2021 và giảm xuống mức 1,5% ở năm kế tiếp. (Bloomberg)
Theo Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), GDP đã giảm 0,6% trên toàn Khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) trong quý I/2021 và giảm 0,4% trên toàn 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (hay còn gọi là EU27).
Điều này khiến nền kinh tế châu Âu suy giảm quý thứ hai liên tiếp và rơi vào cuộc suy thoái kép sau khi phục hồi tăng trưởng vào mùa Thu năm ngoái. Mặc dù sản lượng kinh tế châu Âu sụt giảm ít hơn mức dự đoán 1% của giới chuyên gia, nhưng vẫn còn kém xa so với mức phục hồi của Mỹ và Trung Quốc, hai trụ cột của nền kinh tế toàn cầu. Các nhà kinh tế kỳ vọng kinh tế châu Âu cũng sẽ tăng trưởng trong thời gian tới, khi việc triển khai tiêm chủng vaccine của châu lục này tăng tốc và các biện pháp phong tỏa được nới lỏng. (Euronew)
Nhật Bản và Hàn Quốc
Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 30/4, 12/12 viện nghiên cứu đều dự báo trong quý I/2021, GDP của Nhật Bản sẽ sụt giảm mạnh sau hai quý phục hồi liên tiếp, với mức giảm từ 3,5% tới 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do việc Chính phủ tái ban bố tình trạng khẩn cấp đã ảnh hưởng tiêu cực tới tiêu dùng cá nhân – một trong hai trụ cột tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này. Mức sụt giảm tiêu dùng cá nhân dự báo nằm vào khoảng từ 1% đến 3%, chủ yếu do sự sụt giảm trong lĩnh vực nhà hàng và khách sạn. Mặc dù vậy, xuất khẩu có thể vẫn tiếp tục đà phục hồi quý thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản có thể sẽ chỉ tăng 2% trong quý I/2021, chủ yếu do đà phục hồi của xuất khẩu ô tô sang thị trường Mỹ vẫn còn yếu. (Nikkei)
Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết, nước này sẽ triển khai giấy phép đi lại điện tử (K-ETA) đối với công dân từ một số quốc gia được miễn thị thực vào nước này. Theo hệ thống mới sẽ được triển khai từ ngày 3/5, du khách đến từ các quốc gia được miễn thị thực sẽ cần có ETA ít nhất 24 giờ trước khi lên máy bay hoặc tàu đến Hàn Quốc, bằng cách gửi các thông tin được yêu cầu thông qua trang web hoặc ứng dụng di động. Bộ Tư pháp Hàn Quốc nêu rõ, hệ thống K-ETA nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình làm thủ tục nhập cảnh tại các sân bay và giải quyết các vấn đề phát sinh từ quy trình kiểm soát lỏng lẻo, chẳng hạn như lưu trú bất hợp pháp. Hệ thống K-ETA sẽ được triển khai đối với công dân của 21 trong tổng số 112 quốc gia được miễn thị thực với Hàn Quốc, trong đó bao gồm Mỹ, Anh, Mexico và Ireland… (Korea News)
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
Ban thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại ASEAN đã công bố Báo cáo đánh giá giữa kỳ (MTR) về Kế hoạch chi tiết Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) 2025. MTR được tiến hành nhằm đánh giá tiến độ thực hiện Kế hoạch chi tiết AEC 2025 trong 5 năm đầu. Các bài học kinh nghiệm và khuyến nghị từ MTR sẽ cung cấp thông tin về hội nhập kinh tế ASEAN đến năm 2025 và xa hơn nữa, hướng tới một cộng đồng kinh tế ASEAN hội nhập hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn trong một môi trường ngày càng phức tạp. (ASEAN)
Theo dự đoán của Google, Temasek và Bain & Company, tới năm 2025, thương mại điện tử của Việt Nam có thể sẽ đạt quy mô thị trường khoảng 29 tỷ USD, tăng trưởng 34%, mức cao nhất trong khu vực. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô với mức doanh thu đạt 7 tỷ USD trong năm 2020, chỉ đứng sau Indonesia (32 tỷ USD) và Thái Lan (9 tỷ USD). (TG&VN)
Theo báo cáo của ADB, nền kinh tế Indonesia sẽ trở lại mức tăng trưởng cao của giai đoạn trước đại dịch Covid-19, với dự báo nền kinh tế này sẽ mở rộng lần lượt là 4,5% trong năm 2021 và 5% vào năm 2022 nhờ sự phục hồi thương mại bền vững, sự hồi sinh trong lĩnh vực sản xuất và ngân sách hỗ trợ nền kinh tế quốc gia lớn cho năm 2021. Lạm phát của Indonesia dự kiến đạt mức trung bình 1,6% vào năm 2020 và 2,4% vào năm 2021. Tỷ lệ lạm phát này sẽ vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Indonesia, vì áp lực lạm phát do đồng tiền giảm giá và nhu cầu lương thực cao hơn sẽ được bù đắp một phần bởi sự sụt giảm giá hàng hóa do chính phủ đặt ra. (Jakarta Post)
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Malaysia, kim ngạch thương mại của quốc gia Đông Nam Á này trong tháng 3/2021 đã tăng đáng kể, với mức tăng 25,6% so với tháng 3/2020, lên 185,7 tỷ RM. Trong tháng 3/2021, kim ngạch xuất khẩu tăng 31% so với tháng 3/2020, lên 104,9 tỷ RM (25,6 tỷ USD) và là mức tăng trưởng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 5/2017. Trong tháng 2/2021, xuất khẩu cũng tăng 19,2%. Ở chiều ngược lại, lượng hàng hóa Malaysia nhập khẩu trong tháng 3/2021 đạt trị giá 80,8 tỷ RM, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2020. Thặng dư thương mại của quốc gia Hồi giáo này trong tháng 3/2021 tiếp tục mở rộng, đạt 24,2 tỷ RM (5,9 tỷ USD) so với mức 17,6 tỷ RM (4,29 tỷ USD) của tháng 2/2021. (Malaymail)
Theo đánh giá của Bộ Nhân lực (MOM) Singapore, thị trường lao động nước này trong ba tháng đầu năm 2021 đã tiếp tục phục hồi trước những tác động của đại dịch Covid-19, với tổng số việc làm tăng lần đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Số lượng việc làm gia tăng chủ yếu trong các ngành dịch vụ bao gồm thông tin và truyền thông, dịch vụ tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp. (BBC)