📞

Kinh tế Trung Quốc: Nhiều chỉ số 'ấm lên', người dân vẫn ưu tiên tiết kiệm, Zero Covid có thể trở lại bất cứ lúc nào

Linh Chi 14:25 | 01/07/2022
Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu cải thiện trong tháng 6/2022, với sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực dịch vụ và xây dựng, khi các đợt bùng phát và biện pháp hạn chế vì Covid-19 dần được nới lỏng.
Công nhân lắp ráp loa tại một nhà máy điện tử ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Nguồn: CNN)

Phục hồi kinh tế đang tăng tốc

Theo Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo (chỉ số này chủ yếu khảo sát các doanh nghiệp lớn và các công ty nhà nước) đã tăng lên 50,2 điểm trong tháng 6, đánh dấu lần đầu tiên vượt mốc 50 kể từ tháng 2/2022.

Chỉ số PMI trên 50 điểm cho thấy, ngành/lĩnh vực được khảo sát đang tăng trưởng.

Ngoài ra, chỉ số PMI chính thức đối với lĩnh vực phi chế tạo, bao gồm các ngành xây dựng và dịch vụ, đã tăng lên 54,7 điểm trong tháng 6, bỏ xa kết quả 47,8 điểm của tháng trước.

Đây cũng là lần đầu tiên chỉ số này quay trở lại vùng tăng điểm trong 4 tháng qua, đồng thời đánh dấu mức điểm cao nhất kể từ tháng 5/2021.

Theo một tuyên bố từ Trung tâm thông tin Logistics Trung Quốc - nơi công bố số liệu PMI: “Sự phục hồi kinh tế Trung Quốc về cơ bản là cố định, mặc dù vẫn cần chú ý đến sự mất cân bằng giữa sự phục hồi của cung và cầu”.

Chỉ số thị trường chứng khoán có trọng số vốn hóa được thiết kế để tái tạo hiệu suất của 300 cổ phiếu hàng đầu (CSI 300) chuẩn của Trung Quốc tăng 1,6%, trong khi đó, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đang giao dịch thấp hơn.

Chứng khoán Trung Quốc được thúc đẩy bởi tin tức về việc nới lỏng hơn nữa các hạn chế về du lịch liên quan đến Covid-19.

Các hạn chế của chính phủ nhằm ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19 đã dần được nới lỏng trong tháng 5. Trung tâm tài chính Thượng Hải đã dỡ bỏ lệnh cấm vận kéo dài hai tháng vào đầu tháng 6 bằng cách cho phép nhiều cửa hàng mở cửa trở lại, các nhà máy hoạt động trở lại sản xuất và khai thác cảng.

Peiqian Liu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại NatWest Group Plc nhận định, dữ liệu trên cho thấy, tốc độ phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng tốc khi tình hình Covid-19 ổn định.

Theo một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, các công ty Mỹ tại Trung Quốc đã có sự cải thiện về sản lượng và hậu cần trong tháng 6 so với tháng 5, nhưng tình hình vẫn chưa trở lại bình thường.

Trên tất cả các lĩnh vực, tháng 6, có 46% số người được hỏi cho biết, khả năng sản xuất bị giảm hoặc chậm hơn vì thiếu nhân viên. Con số này giảm từ mức 59% trong cuộc khảo sát vào tháng 5. Sự bùng phát gần đây của Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của 45% công ty, nhưng con số này cũng giảm so với mức 61% vào tháng 5.

Nhà phân tích Zhao Qinghe của NBS thông tin, ngành dịch vụ cũng “ấm” lên vào tháng 6 khi tác động của đợt bùng phát dịch bệnh giảm dần và tâm lý các công ty trong ngành được cải thiện.

Chi tiêu của người tiêu dùng có thể cải thiện hơn nữa trong tháng 7, khi chính phủ tiếp tục nới lỏng biện pháp hạn chế liên quan đến Covid-19 trước kỳ nghỉ Hè.

Thách thức vẫn còn

Tuy nhiên, sự phục hồi vẫn còn mong manh khi quốc gia này đang bám sát chiến lược “Zero Covid”. Các hạn chế vì đại dịch có thể được thắt chặt một lần nữa nếu dịch bùng phát trở lại.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái khẳng định chính sách đó trong tuần này và nhấn mạnh rằng đây là chính sách kinh tế hiệu quả nhất đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

NBS cũng lưu ý rằng, 49,3% nhà sản xuất được khảo sát cho biết, đơn đặt hàng của họ không đủ trong khi lợi nhuận của một số công ty đang bị siết chặt do giá đầu ra tiếp tục giảm.

Nhà phân tích Zhao nói: “Nhu cầu thị trường tương đối yếu vẫn là một vấn đề lớn mà ngành sản xuất phải đối mặt”.

Thêm vào đó, tính bền vững của sự phục hồi trong ngành dịch vụ còn nhiều nghi vấn do cái nhìn ngày càng tiêu cực của người dân về thu nhập và thị trường việc làm ảm đạm.

Theo một cuộc khảo sát của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC), niềm tin của người dân vào thu nhập trong tương lai của họ giảm xuống mức tồi tệ nhất kể từ quý I/2020, khi đại dịch bùng phát lần đầu tiên. Khoảng 58% người được hỏi cho biết, họ sẵn sàng chi tiêu tiết kiệm hơn.

Ngoài ra, những dấu hiệu về suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt cũng là lo ngại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường liên tục gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng thất nghiệp gia tăng trong những tháng gần đây và thúc giục chính phủ thực hiện các bước mạnh mẽ hơn để hỗ trợ kinh doanh và ổn định tăng trưởng.

(theo Bloomberg)