📞

Kinh tế Trung Quốc sẽ sớm đối diện với những nỗi lo mới

Cẩm Mai 19:13 | 14/11/2023
Theo các tổ chức tài chính nước ngoài, Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực vào cuối năm tới trong việc thực hiện các cải cách kinh tế, khi tác động của 1.000 tỷ NDT (137 tỷ USD) trái phiếu chính phủ bắt đầu giảm dần.
Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều áp lực vào cuối năm tới khi tác động của 1 nghìn tỷ NDT (137 tỷ USD) trái phiếu chính phủ bắt đầu giảm dần. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Tháng trước, Trung Quốc đã phê duyệt phát hành 1.000 tỷ NDT trái phiếu chính phủ mới, đánh dấu lần điều chỉnh ngân sách đầu tiên sau nhiều năm nhằm củng cố niềm tin trong bối cảnh có những dấu hiệu ảm đạm về sự phục hồi kinh tế.

Việc điều chỉnh tài khoá làm mở rộng mục tiêu thâm hụt ngân sách của Trung Quốc năm 2023 từ 3% lên 3,8% GDP.

Capital Economics cho biết, lần gần nhất Bắc Kinh điều chỉnh ngân sách quốc gia là sau trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên năm 2008. Nguồn vốn bổ sung này sẽ được sử dụng để tái thiết các khu vực bị thiên tai và kiểm soát lũ lụt, nhằm giảm bớt khoản nợ ngày càng tăng của chính quyền địa phương và giảm nguồn thu chính từ việc bán đất, dự kiến sẽ duy trì sự ổn định kinh tế cho đến năm 2024.

Dù vậy, các tổ chức tài chính quốc tế nhận định, thị trường bất động sản, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp và nợ chính quyền địa phương có thể sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ năm 2025 trở đi.

Chris Beddor, Phó giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại Công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô Gavekal Dragonomics, nhận định: “Tôi nghĩ đó là tín hiệu rõ ràng về sự thay đổi theo hướng hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho nền kinh tế trong năm tới và có lẽ là tín hiệu rõ ràng nhất mà chúng tôi nhận được trong cả chu kỳ”.

Ông nói thêm, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của Trung Quốc có thể tăng khoảng 1 điểm phần trăm đến từ việc phát hành trái phiếu.

“Các quan chức địa phương có thể sẽ không phải đối mặt với áp lực tương tự khi phải thực hiện cải cách ngay bây giờ vì chính quyền trung ương đang đảm nhận vai trò lớn hơn, nhưng điều đó không phải là dấu hiệu tốt cho tăng trưởng tiềm năng trong trung và dài hạn”, chuyên gia này nhận định.

Nhiều ngân hàng đầu tư và các tổ chức dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sau năm 2024 sẽ còn thấp hơn do việc phát hành trái phiếu sẽ không thể giải quyết được các vấn đề cơ bản.

Heron Lim, Trợ lý giám đốc và là nhà kinh tế tại Moody's Analytics, cho biết: “1.000 tỷ NDT, tuy không đến mức như một giọt nước nhỏ giữa đại dương, nhưng sẽ chỉ xảy ra một lần duy nhất. Việc Trung Quốc điều chỉnh ngân sách giữa kỳ là một điều hiếm khi xảy ra, vì vậy đây giống một biện pháp kích thích tài chính nhiều hơn".

Theo Moody's Analytics, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,9% vào năm 2024 và 2025, nhưng sau đó sẽ giảm xuống chỉ còn 4,3% vào năm 2026. Trong khi đó, Fitch Ratings dự báo mức tăng trưởng là 4,8% trong năm tới và 4,7% vào năm 2025.

Ngân hàng DBS dự đoán mức tăng trưởng 4,5% trong cả năm 2024 và 2025, trong khi triển vọng của HSBC đặt mức tăng trưởng ở mức 4,6% trong năm tới, sau đó là 4,4% vào năm 2025.

Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng đầu tư Pháp Natixis, dự báo trong một báo cáo hồi tháng Sáu rằng tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của Trung Quốc sẽ đạt 4,9% từ năm 2021 đến năm 2025 và 3,6% từ năm 2026 đến năm 2030.

Thị trường bất động sản dự kiến sẽ vẫn tiếp tục trầm lắng và là một trong những thách thức chính đối với nền kinh tế.

Kể từ năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng giảm thiểu rủi ro hệ thống từ các nhà phát triển có mức đòn bẩy quá cao bằng cách loại bỏ những nhà phát triển yếu hơn khỏi thị trường cho vay và trái phiếu. Nhưng những phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, trong đó có Country Garden và Evergrande đều lâm vào cảnh vỡ nợ.

Fitch Ratings cho biết, nợ chính phủ cũng có khả năng “tăng thêm” trong khi tài chính địa phương đang chịu áp lực trong bối cảnh doanh số bán đất “yếu” và nhu cầu chi tiêu nhiều hơn. Tình hình tài chính không ổn định đã thách thức chính quyền địa phương trả nợ, gây lo lắng cho các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư.

Nền kinh tế vốn dựa trên xuất khẩu và đầu tư của Trung Quốc đã tăng trưởng gần 10%, duy trì đà tăng năm cao hơn năm trước suốt trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2011. Tuy nhiên, những tác động của các biện pháp phong toả để phòng chống dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các quan chức cho rằng, kinh tế suy thoái tại nhiều quốc gia - những đối tác mua hàng xuất khẩu chính của Trung Quốc - và các vấn đề bên ngoài là rào cản đối với tăng trưởng GDP.

(theo SCMP)