📞

Kinh tế Trung Quốc trước nguy cơ 'hạ cánh cứng' do 'bom nợ' Evergrande

Bùi Phóng 14:38 | 20/12/2021
Từ “ổn định” đã được nhắc đến tổng cộng 25 lần, gần gấp đôi so với năm 2020 (13 lần) tại Hội nghị về các vấn đề kinh tế kéo dài 3 ngày của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực nặng nề cả ở trong và ngoài nước.

Trong nước, nền kinh tế đang trải qua thời kỳ tăng trưởng chậm lại mang tính chu kỳ. Các cuộc khủng hoảng nợ bất động sản như trường hợp tập đoàn Evergrande có thể gây nên những rủi ro tài chính, dịch Covid-19 bùng phát và vẫn còn đó mối đe dọa từ các biến thể của loại virus này.

Đồng thời, trước thời điểm diễn ra bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào cuối năm 2022, chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn mơ hồ và chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng có thể khiến lãi suất tăng cao và khả năng đồng USD mạnh lên.

Dư luận đánh giá Hội nghị về các vấn đề kinh tế là nỗ lực của các lãnh đạo Trung Quốc nhằm thể hiện hình ảnh tích cực với thế giới trước khi diễn ra Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh tháng 2/2022. Đồng thời, hội nghị này cũng nhằm chuẩn bị cho sự kiện trọng đại là Đại hội Đảng lần thứ 20 và mở đường cho việc tái cơ cấu nhân sự cấp cao trong nửa cuối năm 2022.

Đối với Trung Quốc, vỡ bong bóng bất động sản liên quan trực tiếp tới sự ổn định chính trị. (Nguồn: Reuters)

Một chi tiết đáng lưu ý trong Hội nghị lần này là việc thông cáo hội nghị nhấn mạnh: “Giữ vững tinh thần của các cam kết, kiểm soát hiệu quả các khoản nợ xấu và hành vi trốn nợ”. Đây được xem là lời cảnh báo ngầm đối với các tập đoàn bất động sản như Evergrande và Fantasia.

Trên thế giới, dù là Mỹ hay Nhật Bản, trong chu kỳ kinh tế, có một giai đoạn gọi là “thời điểm Minsky” và không nước nào có thể thoát khỏi, ví dụ như khủng hoảng thị trường chứng khoán Mỹ năm 1929, vỡ bong bóng bất động sản Mỹ năm 2008, vỡ bong bóng bất động sản Nhật Bản những năm 1990. Suy thoái kinh tế trong vài năm là điều không thể tránh khỏi.

Sau khi khoản nợ được xử lý, một chu kỳ kinh tế mới sẽ bắt đầu. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, vỡ bong bóng bất động sản liên quan trực tiếp tới sự ổn định chính trị.

Evergrande - từ “thiên nga đen” thành “tê giác xám”

Tập đoàn Evergrande cuối cùng tuyên bố không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ 260 triệu USD. Ngay lập tức, chính quyền tỉnh Quảng Đông tuyên bố sẽ cử một nhóm làm việc tới Evergrande.

Vậy là người khổng lồ bất động sản này đã biến từ “thiên nga đen” (sự kiện kinh tế ít xảy ra nhưng xảy ra đột ngột và không thể dự báo trước) thành “tê giác xám” (mối đe dọa hiển nhiên nhưng bị phớt lờ).

Tác động trực tiếp nhất là một vụ việc liên quan đến mạng lưới ngang hàng (P2P) khác. Mạng lưới ngang hàng không là gì khác ngoài tấm đệm đầu tư cá nhân, vốn bị hút sạch và nếu xảy ra đổ vỡ vốn trong ngành bất động sản, nợ sẽ bị treo và không thể được hoàn trả. Có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi sản xuất công nghiệp liên quan đến bất động sản và vấn đề này sẽ mở rộng hơn nữa.

Ngày 8/12, hãng tin Bloomberg đưa ra báo cáo rằng sau khi tập đoàn Evergrande tuyên bố về việc thành lập một ủy ban giảm thiểu rủi ro với các đại diện của chính quyền, việc tái cơ cấu nợ sau cùng có thể sẽ làm tổn hại lợi ích của những người cho vay không có bảo đảm. Theo báo cáo của Bloomberg, các khoản nợ của Evergrande đã giảm khoảng 80% giá trị.

Những người cho vay không có bảo đảm là ai? Ở Trung Quốc, ngành bất động sản thường kéo theo sự phát triển của hơn 70 ngành công nghiệp khác, đặc biệt là thép, xi măng, đồ gia dụng, ô tô và nhiều ngành phụ trợ khác.

Những ngành công nghiệp này về cơ bản ở vị thế phụ thuộc vào những “người cấp vốn” bất động sản và họ thường phải ứng tiền và ứng hàng trước. Sau khi bán được nhà, đại lý bất động sản sẽ thanh toán.

Trong quá trình này, các doanh nghiệp trong chuỗi công nghiệp khổng lồ đó thường cung cấp cho Evergrande mà không có bảo đảm vì thời điểm đó Evergrande đứng đầu trong ngành bất động sản Trung Quốc. Tuy nhiên, đến hiện nay, chuỗi cung ứng này đang đổ vỡ.

Nếu Evergrande phá sản, nó sẽ giống như số phận của tập đoàn đa ngành HNA. Sau khi tài sản của HNA bị các ngân hàng và tổ chức tài chính nắm giữ, những bên cho vay không có bảo đảm này đã trải qua thời gian chờ đợi vô hạn. Trên thực tế, không hề có khả năng được đền bù. Vì vậy, mức độ ảnh hưởng là rất lớn.

Hiện nay, ngành bất động sản phải đàm phán về việc hợp tác với các công ty thực hiện khâu đầu vào như trước kia. Tức là, khi đến công trường và bắt đầu xây dựng, nguyên vật liệu và nhân công được trả tiền trước. Giờ đây, tất cả các công ty thép và xây dựng đều e ngại vụ việc Evergrande và đưa ra yêu cầu là, trừ phi công ty bất động sản trả tiền mặt, không thì sẽ không có bất kỳ thương lượng nào.

Đối với Evergrande, các yêu cầu hiện tại của chính phủ Trung Quốc chủ yếu dựa trên hai điểm. Thứ nhất là trả các khoản nợ của Mỹ vì Trung Quốc vừa mới ký hợp đồng với Apple và Amazon. Trung Quốc muốn thu hút vốn đầu tư quốc tế để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp. Vì vậy, họ không thể nợ Mỹ.

Thứ hai là các tòa nhà đang xây phải được hoàn thành, nếu không thì niềm tin của những người mua nhà sẽ sụp đổ, và việc này sẽ tác động đến doanh thu hàng năm lên tới 10.000 tỷ NDT của ngành bất động sản Trung Quốc.

Vì vậy, trong bất kể trường hợp nào, người đứng đầu các tỉnh thành sẽ chỉ đạo việc này, và chính quyền mỗi tỉnh thành sẽ chịu trách nhiệm hoàn thành các công trình bất động sản của Evergrande ở tỉnh đó.

Ngay cả khi tất cả các tòa nhà của Evergrande được bàn giao, người dân cũng đang bắt đầu nghi ngờ những tòa nhà đó. Họ trao đổi với nhau trên mạng xã hội Weibo rằng các tòa nhà đó được hoàn thành là tốt rồi, đừng kỳ vọng có các quán rượu, cây cối, các tiện ích phụ trợ. “Lòng tin” và “dự đoán” của người mua nhà đã bị giáng một đòn mạnh.

Cuộc khủng hoảng Evergrande đã tiềm ẩn từ lâu, nhưng đến nay đã không còn có thể che đậy và cuối cùng bùng phát. Để duy trì sự ổn định chính trị của Trung Quốc, các tòa nhà của Evergrande sẽ được hoàn thành, nhưng các khoản cho vay của các doanh nghiệp liên quan về cơ bản sẽ không được hoàn trả.

Nguồn tài chính từ đất đai không bền vững

Còn có một ảnh hưởng gián tiếp khác mà trên thực tế là khá lớn, đó là khó có thể duy trì nguồn tài chính từ đất đai.

Mới đây, theo tính toán của Tuần báo Thời đại, từ tháng 9/2021, ít nhất 274 công ty bất động sản ở Đại lục đã tuyên bố phá sản và trung bình mỗi ngày có một công ty bất động sản đóng cửa. Trong năm 2021, có hàng chục công ty bất động sản phải tạm ngừng sản xuất, bao gồm Greenland, Evergrande, Suning Real Estate, Fantasia, Sunshine City…

Ngành bất động sản Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 30% GDP của Trung Quốc, liên tiếp nhận tin xấu.

Cuộc khủng hoảng Evergrande tiềm ẩn từ lâu, nhưng đến nay đã không còn có thể che đậy và cuối cùng đã bùng phát. (Nguồn: Getty)

Trong vài ngày qua, các quan chức cấp cao của Trung Quốc không còn đề cập vấn đề “nhà ở không có đầu cơ”, mà đề xuất “hỗ trợ thị trường nhà ở thương mại để đáp ứng nhu cầu nhà ở phù hợp của người mua”, đồng thời lần đầu tiên đề xuất “thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và vòng tuần hoàn tích cực của ngành bất động sản”.

“Tê giác xám” Evergrande đã tạo nên một tình thế khó xử cho chính phủ Trung Quốc, và cuối cùng chính sách của Trung Quốc đã quay lưng với tập đoàn này.

Ngày 7/12, theo kênh truyền thông tài chính Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Bất động sản E-house đã công bố “báo cáo về giao dịch nhà ở thương mại mới ở 40 thành phố trên cả nước tháng 11/2021.

Báo cáo cho thấy khối lượng giao dịch trong cùng giai đoạn đã giảm xuống mức thấp mới trong vòng 10 năm qua. Theo một báo cáo ngày 5/12 của tờ Tin tức Tài chính Nhật Bản, hiện tượng giá nhà sụt giảm ở Trung Quốc đã lan từ các thành phố nhỏ sang một số thành phố lớn. Tứ Xuyên, Thiên Tân, Nam Kinh... đều đã đưa ra các biện pháp hạn chế giá nhà từ tháng 11 nhằm tránh gây hại tới nền kinh tế.

Ngày 10/12, thông cáo của Hội nghị tổng kết công tác kinh tế năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc đề cập từ “ổn định” 25 lần. “Duy trì ổn định” luôn là nền tảng của Trung Quốc.

(theo Tiếng nói hy vọng, Bloomberg)