Nhỏ Bình thường Lớn
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023:

Kinh tế vĩ mô chưa ổn định một cách bền vững; lĩnh vực tiền tệ, tài chính tiềm ẩn rủi ro

Chiều 2/2, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ. Họp báo diễn ra sau phiên họp Chính phủ thường kỳ cùng ngày.
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023. (Ảnh: Gia Thành)
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023. (Ảnh: Gia Thành)

Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội tháng 1/2023 tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể như: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước đạt 11,3% dự toán; xuất siêu 3,6 tỷ USD; an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ chủ động thích ứng với những biến động nhanh và mạnh của thị trường quốc tế. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Số lượng gia súc, gia cầm chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Thủy sản đạt trên 593 nghìn tấn, tăng 0,2% so cùng kỳ. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm đầu tháng 1 tăng 0,2% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 20% so năm 2022. Có trên 871.000 lượt khách quốc tế, tăng 23,3% so tháng trước và gấp 44,2 lần cùng kỳ. Dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác tiếp tục được kiểm soát tốt, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin, các thành viên Chính phủ cho rằng còn không ít khó khăn, thách thức. Đơn cử như: Kinh tế vĩ mô chưa ổn định một cách bền vững; sức ép lạm phát còn cao; lĩnh vực tiền tệ, tài chính tiềm ẩn rủi ro, nhất là trái phiếu doanh nghiệp; thị trường bất động sản còn vướng mắc, bất cập.

Đồng thời, các thị trường lớn, thị trường truyền thống bị thu hẹp; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 8% so cùng kỳ (ngành chế biến, chế tạo giảm 9,1%); giải ngân đầu tư công, hợp tác công tư còn hạn chế; thu hút đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn; việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm, nhiều dự án còn dàn trải, manh mún, kéo dài...

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho rằng, thời gian tới, tình hình có nhiều khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung 10 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; thực hiện đồng thời cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Thứ hai, điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.

Thứ ba, chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật, trong đó, sớm triển khai thanh toán, thu phí, lệ phí, thuế bằng công nghệ số, nhất là dịch vụ ăn uống. Triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không thực sự cần thiết; ưu tiên chi đầu tư phát triển các công trình hạ tầng chiến lược như giao thông, y tế, văn hóa...

Thứ tư, chú trọng khơi thông thị trường gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp, nhất là sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, tận dụng hiệu quả cơ hội nhu cầu lương thực đang tăng trên thế giới và của các thị trường lớn.

Thứ năm, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp chế biến chế tạo ngay sau kỳ nghỉ Tết. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Thứ sáu, chú trọng phát triển và khai thác hiệu quả thị trường trong nước gắn với thực hiện tốt Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại (FTA). Có giải pháp đồng bộ, hiệu quả tận dụng tối đa các cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế.

Thứ bảy, tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

Thứ tám, tập trung nhiều hơn cho công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách, sửa đổi ngay các nghị định, thông tư đang có vướng mắc; đổi mới cách làm, khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia.

Thứ chín, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các mục tiêu, công trình trọng điểm, sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại quan trọng của đất nước, các lễ hội đầu xuân Quý Mão. Theo dõi sát tình hình khu vực và quốc tế, kịp thời tham mưu chiến lược, các biện pháp xử lý các tình huống liên quan đến chủ quyền, quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ đối ngoại, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ.

Thứ mười, đẩy mạnh tuyên truyền về các nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường thông tin về các điển hình tốt, gương người tốt, việc tốt, không khí phấn khởi ra quân triển khai nhiệm vụ đầu năm mới, tạo khí thế mới, năng lượng mới cho đất nước, cho dân tộc.

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo về điều chỉnh giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, về việc điều chỉnh giá điện, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm.

Do giá điện có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân nên tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng đã quy định việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện.

Việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh sẽ được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để kinh tế Việt Nam năm 2023 vượt 'gió ngược', tận dụng tốt những 'cơn gió xuôi'

Để kinh tế Việt Nam năm 2023 vượt 'gió ngược', tận dụng tốt những 'cơn gió xuôi'

Tại Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam (VESF) năm 2023 với chủ đề "Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức" ...

Truyền thông quốc tế: Việt Nam là câu chuyện đầu tư và kinh tế vĩ mô thú vị nhất trong năm 2023

Truyền thông quốc tế: Việt Nam là câu chuyện đầu tư và kinh tế vĩ mô thú vị nhất trong năm 2023

Thông tin trên được ấn bản của tạp chí Forbes tại Kazakhstan đưa tin. Theo các chuyên gia, đến năm 2036, Việt Nam sẽ trở ...

FDI - Lá phiếu tín nhiệm với Việt Nam

FDI - Lá phiếu tín nhiệm với Việt Nam

Bước sang năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những “cơn gió ngược” mạnh. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế nước ...

Giám đốc ADB: Việt Nam vững vàng trước những 'cơn gió ngược'

Giám đốc ADB: Việt Nam vững vàng trước những 'cơn gió ngược'

Với nền tảng vững chắc và sự điều hành hiệu quả, nền kinh tế Việt Nam có thể đương đầu với “những cơn gió ngược” ...

Đại diện UNDP Việt Nam: Niềm tin về một Việt Nam xanh, bao trùm và thịnh vượng

Đại diện UNDP Việt Nam: Niềm tin về một Việt Nam xanh, bao trùm và thịnh vượng

Trả lời báo TG&VN, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, ...