IMF cho rằng các bước đi quyết định để ngăn chặn thất bại về kinh tế và y tế do Covid-19 đã mang lại thành công cho Việt Nam. Ảnh: Một nhà máy may mặc ở Việt Nam. (Nguồn: Getty Images) |
Theo số liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay.
IMF ghi nhận “các bước đi quyết định để ngăn chặn thất bại về kinh tế và y tế do Covid-19” đã mang lại sự thành công cho đất nước này.
Cho đến nay, Việt Nam chỉ có tổng cộng 1.288 ca nhiễm Covid-19 và 35 ca tử vong.
IMF đang dự đoán về một sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến sẽ tăng lên 6,5% “khi hoạt động kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục được bình thường hóa”.
Mặc dù Việt Nam còn thiếu cơ sở hạ tầng y tế so với các quốc gia giàu có hơn, nhưng nước này đã được ca ngợi rộng rãi về các biện pháp y tế công cộng, nhanh chóng đưa các con số vào tầm kiểm soát.
Nước này đã nhanh chóng phát triển các bộ xét nghiệm (test kit) và sử dụng kết hợp các biện pháp xét nghiệm cơ bản cùng với truy dấu tiếp xúc một cách quyết liệt để kiểm soát số ca lây nhiễm.
Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm nay đã chậm hơn, và lĩnh vực du lịch từng phát triển mạnh mẽ cũng đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Tuy nhiên, quốc gia này đã tránh được những ảnh hưởng kinh tế tồi tệ nhất do đại dịch.
Theo Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của Vinacapital, có lẽ tăng trưởng của Việt Nam là do sự gia tăng mạnh mẽ của số lượng người làm việc tại nhà trên toàn cầu.
“Nhiều người mua máy tính xách tay mới hoặc mua đồ nội thất văn phòng mới để vừa làm việc vừa dành nhiều thời gian hơn ở nhà. Và rất nhiều sản phẩm đó được sản xuất tại Việt Nam”, ông nói.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng 23% trong 3 quý đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2019, với xuất khẩu điện tử tăng 26%.
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam cũng có sự phát triển vượt bậc trong thập kỷ qua vì các doanh nghiệp đã bắt đầu tìm kiếm thị trường khác khi chi phí lao động ở Trung Quốc tăng.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra cũng khiến Trung Quốc trở thành địa điểm kém hấp dẫn hơn, với nhiều mức thuế áp dụng đối với hàng xuất khẩu.
Nhiều công ty đa quốc gia đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, trong đó có các công ty hàng đầu về công nghệ toàn cầu như Apple và Samsung. Apple hiện đã có kế hoạch sản xuất tai nghe Airpods cao cấp của mình tại Việt Nam.
Ông Kokalari cho biết, đại dịch cũng đã thúc đẩy nhiều công ty xem xét sản xuất ở Việt Nam vì nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.
“Khi Covid-19 đến, bạn vẫn nghĩ là có một chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng bạn phát hiện ra rằng chỉ có một chuỗi cung ứng Trung Quốc và bạn không thể sản xuất. Đó quả thực là một vấn đề cấp bách hơn nhiều”, ông nói thêm.
| Báo Nga lại ‘mổ xẻ’ nguyên nhân khiến Việt Nam là ‘ngôi sao’ chống Covid-19 và điểm tựa từ lòng yêu nước TGVN. Tờ Sputnik của Nga cho rằng, không ngẫu nhiên mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lấy Việt Nam làm tấm gương ... |
| Việt Nam - 'ngôi sao đang lên', tỏa sáng với vai trò dẫn dắt ASEAN Báo The ASEAN Post mới đây có bài viết đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. Theo ... |
| Truyền thông quốc tế ca ngợi Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi trên thế giới trước tác động ‘đau đớn’ của Covid-19 TGVN. Ngày 29/9, một số trang mạng quốc tế đưa tin về những tín hiệu tích cực của kinh tế Việt Nam, trong đó có ... |