📞
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023:

Kinh tế-xã hội tiếp xu hướng phục hồi, khu vực dịch vụ phát triển tốt

Gia Thành 18:00 | 03/03/2023
Chiều 3/3, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì họp báo.
Toàn cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023. (Ảnh: Gia Thành)

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng cùng ngày.

Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, tình hình kinh tế-xã hội tháng 2/2023 và 2 tháng đầu năm 2023 nhìn chung tiếp tục xu hướng phục hồi và đạt kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể:

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,45% so với tháng 1 và tăng 0,97% so với tháng 12/2022. Thu ngân sách nhà nước tháng 2 đạt 124,6 nghìn tỷ đồng. Xuất khẩu tháng 2 là 25,9 tỷ USD, lũy kế 2 tháng đạt 49,4 tỷ USD, nhập khẩu 46,2 tỷ USD, xuất siêu 2,82 tỷ USD.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục phát triển ổn định. Sản xuất nông nghiệp với thời tiết thuận lợi, diện tích gieo trồng tăng, trồng rừng mới tăng 4,8%, sản lượng thủy sản tăng 1,3 %.

Sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 5,1% so với tháng 1. Khu vực dịch vụ phát triển tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 02 tháng tăng 13% so với cùng kỳ; khách quốc tế đạt 1,8 triệu lượt, gấp 36,6 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, trong tháng 2/2023, các lĩnh vực văn hóa xã hội được chú trọng; an sinh xã hội, đời sống người dân được đảm bảo, tỉ lệ hộ đánh giá thu nhập không đổi hoặc tăng so với cùng kỳ đạt 93,9%.

Các sự kiện văn hóa, lễ hội dịp Tết Nguyên đán được tổ chức an toàn, lành mạnh; nhiều sự kiện tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là chuỗi sự kiện kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Thêm vào đó, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai tích cực, chuyển đổi số được tăng cường. Trong 2 tháng đã tổ chức các hội nghị triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị, đồng thời xúc tiến đầu tư; môi trường đầu tư của Việt Nam được cải thiện và được đánh giá tốt trong khu vực.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023. (Ảnh: Gia Thành)

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, đạt được những kết quả nêu trên là nhờ sự tích cực, chủ động của các bộ, ngành, địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt. Điển hình như: Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, sức ép về lạm phát còn cao; tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng; lạm phát, cạnh tranh chiến lược, tăng giá dầu, giá khí, an ninh lương thực, an ninh thông tin tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, nhất là ngành chế biến, chế tạo.

Song song với đó, các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp; việc triển khai một số chính sách của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; Số vốn FDI thực hiện giảm; Thị trường vốn, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được khắc phục triệt để ở một số bệnh viện; Tình hình an ninh trật tự, nhất là tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các địa bàn ở vùng Tây Bắc.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh: "Trước những khó khăn, thách thức, áp lực điều hành kinh tế vĩ mô rất lớn, Thủ tướng nhấn mạnh cần nhất quán, kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; các bộ ngành, địa phương cần chủ động bám sát, nắm chắc, phân tích, đánh giá tình hình, có các giải pháp phù hợp để điều hành cân bằng, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa tỉ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước".