Kosovo tách ra thành một quốc gia độc lập từ Serbia từ năm 2008 và đang tìm kiếm sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế, song những nỗ lực đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Belgrade. Hai bên đã đàm phán kể từ năm 2013 nhằm cải thiện quan hệ để cùng nhau gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và thậm chí còn đề cập đến việc chuyển đổi lãnh thổ như một cách để xoa dịu căng thẳng.
Tuy nhiên, tiến trình này sẽ khó có thể tiếp tục sau khi Serbia vận động hành lang nhiều nước để ngăn Kosovo gia nhập Interpol. Các đại biểu Serbia đã “vỡ òa trong sung sướng” sau khi láng giềng của họ thất bại và gọi đây là một trong những “chiến thắng vĩ đại” nhất.
Ngay lập tức, Phó Thủ tướng Kosovo Enver Hoxhaj đã trả đũa bằng việc áp thuế 100% đối với sản phẩm nhập khẩu từ Serbia, đồng thời khẳng định sẽ có biện pháp mạnh hơn trong thời gian tới. Thủ tướng Ramush Haradinaj khẳng định biện pháp này sẽ được áp dụng cho đến khi Kosovo được chính thức công nhận.
Hiện giới chức Serbia chưa đưa ra phản ứng chính thức đối với động thái tuyên chiến từ phía Kosovo. Tuy nhiên, theo lời của Tổng thống Aleksandar Vucic, nước này đang cố gắng hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Serbia liên quan tới các hoạt động xuất khẩu sang Kosovo. Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào cho đến khi thuế nhập khẩu trên được dỡ bỏ.
Tổng thống Serbia Vucic trả lời phỏng vấn của báo chí xung quanh tuyên bố khơi mào chiến tranh thương mại của Kosovo. (Nguồn: Xinhua) |
Hai bên đã luôn ở trong tình trạng căng thẳng kể từ sau cuộc xung đột vũ trang năm 1999 – 2000, và chỉ kết thúc với sự hiện diện của lực lượng Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sự rút lui của người Serb. Kể từ khi Pristina tuyên bố độc lập, Belgrade, với sự ủng hộ của Moscow và Bắc Kinh, đã liên tục ngăn cản nước láng giềng gia nhập các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc.
Trước diễn biến này, Cao ủy của EU về chính sách đối ngoại Federica Mogherini, người đã làm trung gian hòa giải cho Serbia và Kosovo, đã kêu gọi Pristina lập tức hủy bỏ mức thuế này. Tương tự, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng Liên minh châu Âu (EU) Johannes Hahn khẳng định hành động của Kosovo đi ngược lại với điều khoản trong Hiệp định Thương mại Tự do Trung châu Âu (CEFTA), khối thương mại cho các nước mong muốn gia nhập EU.
Serbia nhà xuất khẩu lớn nhất của Kosovo: Có hơn 2.500 công ty xuất khẩu nhiều mặt hàng các loại như thức ăn, đồ uống, hóa chất và vật liệu xây dựng, với tổng giá trị xuất khẩu năm 2017 đạt mức 450 triệu Euro. Trong khi đó, xuất khẩu của Kosovo sang Serbia chỉ đạt mức 50 triệu Euro.