Tác giả (giữa) cùng Tsubaki và các bạn Nhật Bản trước lâu đài cổ Kumamoto. |
Từ sân bay quốc tế Tokyo, chỉ sau hai giờ đồng hồ, tôi đã đặt chân đến thành phố Kumamoto thuộc vùng Kyushu. Tsubaki - người từng được tôi tình nguyện làm hướng dẫn viên khi thăm Việt Nam, đón tôi đến với quê hương của bạn ấy như đã hứa. Trên đường đi, cô bạn không ngớt nói về vẻ đẹp tuyệt mỹ của lâu đài cổ Kumamoto và dãy núi lửa Aso - hai địa điểm nổi tiếng nơi đây.
Niềm kiêu hãnh bậc nhất
Sau khi đóng dấu "con tem đặc biệt" mang biểu tượng lâu đài Kumamoto vào tờ vé, chúng tôi sải bước trên con đường đá lên thăm công trình tuyệt diệu này. Tsubaki nói tôi may mắn vì đến thành phố vào thời điểm "màu nhiệm", tiết trời giao mùa thu đông se mát khiến việc đi bộ rất thoải mái. Gần ba mươi phút sau, Kumamoto vĩ đại hiện lên trước con mắt ngỡ ngàng của tôi.
Lâu đài có chu vi khoảng 12,87 km, gồm một toà tháp chính, một toà tháp phụ, 49 ụ tháp khác và 29 lối vào. Trong giai đoạn 1467 - 1487, Kikuchi là dòng họ đầu tiên xây dựng tòa lâu đài cổ Kumamoto. Đến thời lãnh chúa Hosokawa (1632 - 1871), công trình tiếp tục được mở rộng và trùng tu. Quần thể này có tên gọi khác là thành Ginnan, một trong ba thành nổi tiếng nhất xứ sở hoa anh đào.
Lâu đài mang kiến trúc hình thang, hai bên tường thành rất dốc ở thế đối nhau. Đó chính là những bức tường đá bao quanh kiên cố, nhằm đề phòng kẻ địch tấn công. Những tường thành trùng điệp, được tạo bằng đá phiến, bên ngoài có hào nước, giúp bảo vệ đế chế của lãnh chúa Hosokawa suốt hai thế kỷ. Theo cầu thang, bạn đưa tôi vào căn phòng lớn trưng bày nhiều hiện vật lịch sử của thành Kumamoto, từ áo giáp, kiếm, súng cho đến đồng phục từng sử dụng trong cuộc nổi dậy Seinan xưa.
Mải lắng nghe Tsubaki thuyết minh, tôi không để ý mình đang chuẩn bị bước ra không gian sân thượng cho tới khi ngẩng đầu lên. Trong tôi cảm giác lúc đó thật lạ, lần đầu tiên nhận ra mình quá đỗi nhỏ bé khi đứng giữa thiên nhiên hùng vĩ. Thành phố Kumamoto như đang thu nhỏ dưới chân với những thảm cỏ xanh mềm. Hàng trăm cây anh đào và hạnh ngân vàng rực, chỉ chờ thời điểm trút lá…
Thăm núi lửa, dám không?
Tôi cảm thấy khá run khi cô bạn Tsubaki cương quyết dẫn tôi tới thăm dãy núi lửa "hung dữ" Aso. Tsubaki thỏa thuận rằng sẽ chỉ đến ngắm dãy núi này từ xa, vì gần đây, du khách tạm thời không được ghé thăm khu vực. Thực ra, bất kể ai trong chúng ta khi nghe nói tới núi lửa, sẽ cảm thấy có vẻ nguy hiểm, nhưng đây lại là loại hình du lịch rất phổ biến ở đất nước Mặt trời mọc.
Aso, ngọn núi lửa đang hoạt động lớn nhất Nhật Bản là một trong những núi lửa lâu đời nhất trên thế giới. Tsubaki cho biết miệng núi lửa này hiện vẫn không ngừng toả khói trắng với nhiệt độ bên trong lên tới 1.000-1.200 độ C, xung quanh toàn đá nham thạch và không có sự xuất hiện của thực vật. Có nhiều cách để tham quan Aso như đi ô tô theo đường bộ, ngồi cáp treo... Ngoài ra, nhiều người chọn giải pháp đi bộ để ngắm cảnh và thời gian nghỉ ngơi thư giãn được dài hơn. Tất nhiên, việc du khách được đến sát đỉnh núi lửa hay chỉ được chiêm ngưỡng từ xa còn tùy vào tình hình thời tiết.
Ở Nhật Bản, núi lửa dường như là một phần trong cuộc sống của người dân bản địa. Họ không rời xa nó bởi sự gắn bó tự nhiên lẫn những lợi ích nhận được từ núi lửa không hề nhỏ. Tsubaki cho tôi biết suối nước nóng tự nhiên xuất hiện rất nhiều tại các khu vực có núi lửa chứa vô số khoáng chất tốt cho sức khỏe. Không chỉ vậy, người ta còn khai thác nguồn địa nhiệt của núi lửa để tạo ra điện năng. Người Nhật còn tận dụng khoáng chất núi lửa để sản xuất nhiều mặt hàng công nghệ cao như con chip cho điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số...
Nằm ở vị trí trung tâm vùng phía Nam đảo Kyushu, thành phố Kumamoto mang vẻ đẹp thanh bình và hiện đại. Sự thanh bình đó nằm ở vẻ đẹp thiên nhiên trong trẻo hòa cùng những thảm cỏ xanh, xen lẫn tông vàng rực của hạnh ngân. Nhưng bên cạnh đó lại là vẻ đẹp có phần "đáng sợ" của dãy núi lửa Aso và sự cổ kính của lâu đài mà thành phố mang tên. Tôi gọi đó là vẻ đẹp kiêu hãnh và bản lĩnh mà không phải nơi nào cũng có được…
Hồng Giang