Phiên khai mạc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII, ngày 20/5/2009. |
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII đã khai mạc sáng 20/5, dự kiến bế mạc sau 1 tháng làm việc, ngày 20/6/2009.
Mối quan tâm hàng đầu
Mối quan tâm hàng đầu mà cử tri quan tâm là Quốc hội sẽ xem xét tờ trình của Chính phủ đề nghị cho phép tiến hành đầu tư khai thác quặng bô xít ở khu vực Tây Nguyên. Đây cũng được coi là “tiêu điểm” của kỳ họp, một sự lựa chọn lịch sử, được coi là sẽ rất khó khăn với Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội, trước một chủ trương kinh tế lớn của Chính phủ. Có thể so sánh lựa chọn lần này với quyết định vô cùng khó khăn tại Quốc hội khóa VIII (1992-1997), khi xem xét quyết định đầu tư xây dựng đường dây 500KV, kéo điện từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình vào TP. Hồ Chí Minh, khắc phục tình trạng thiếu điện triền miên ở vùng kinh tế năng động nhất cả nước. Hồi đó, quyết định này cũng gây nhiều tranh luận kéo dài từ trước kỳ họp, bởi các yếu tố tài chính, khoa học kỹ thuật, tính lịch sử và khả năng dám chịu trách nhiệm của nội các Chính phủ hồi đó, do Thủ tướng Võ Văn Kiệt đứng đầu.
Giờ đây, cần một sự đồng thuận với Chính phủ từ Quốc hội. Cử tri, đặc biệt là giới khoa học, nhà nghiên cứu môi trường, các chuyên gia kinh tế đang chờ đợi những thảo luận, phân tích, phản biện kỹ lưỡng, rõ ràng, chuyên sâu với dự án Bô xít Tây Nguyên. Đồng ý với chủ trương, nhưng không đồng nghĩa với việc Quốc hội vẫn lại nhanh chóng “bấm nút” thông qua các chỉ tiêu KT-XH chung của quốc gia, cũng như dự án Bô xít tại Tây Nguyên.
Quyết định lịch sử
Nói đây là một lựa chọn, quyết định lịch sử rất khó khăn với Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội là như vậy. Để có quyết định đúng đắn đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ, và sự dũng cảm của Quốc hội và từng Đại biểu – những người đã được cử tri gửi gắm qua lá phiều bầu.
Tuy vậy, bản thân các đại biểu quốc hội gặp không ít khó khăn khi xem xét báo cáo, thảo luận tờ trình của Chính phủ, vì thiếu thông tin để so sánh, phản biện trước những nhóm vấn đề, chỉ tiêu KT-XH dự kiến được thông qua tại kỳ họp, trong đó có dự án bô xít nói trên.
Nhìn từ thực tế, không phải tất cả các ĐBQH đều có trình độ hiểu biết, khả năng chuyên sâu về các lĩnh vực như kinh tế. Dẫn đến việc không tránh khỏi chuyện thảo luận các vấn đề KT-XH vĩ mô quốc gia, nhưng có ĐBQH lại đề xuất những vấn đề kinh tế vi mô ở địa phương mình, do chính địa phương mình tự điều hành tháo gỡ chứ không phải do Chính phủ phụ trách. “Không có đủ thông tin, thì không thể có những phản biện, lập luận sắc sảo trước các nhóm chỉ tiêu KT-XH do Chính phủ đưa ra”- Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại QH khóa XI, ĐBQH An Giang, ông Nguyễn Ngọc Trân bình luận.
Và do vậy, dự án bô xít ở Tây Nguyên có trở thành một “quyết định mang tính lịch sử” như dự án đường dây 500KV trước kia hay không, câu trả lời vẫn đang nằm trên bàn nghị sự.
Hoàng Minh