Khi Ủy ban Ba bên (Trilateral Commission), quy tụ nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức chính trị, nhà báo và học giả họp mặt tại Singapore, nhiều người đã bày tỏ quan ngại về vai trò lãnh đạo đang có phần mờ nhạt của Washington tại châu Á. Nhiều quốc gia tại khu vực này đều có kim ngạch thương mại với Trung Quốc lớn gấp đôi so với Mỹ. Nó cũng phần nào lý giải việc áp đặt thuế quan và thái độ phản đối với các thể chế đa phương của Tổng thống Donald Trump. Điều này khiến không ít người đặt câu hỏi: Liệu vai trò lãnh đạo của Mỹ tại châu Á có được duy trì sau nhiệm kỳ của cựu tỷ phú 72 tuổi?
Những góc nhìn
Hành động của ông Trump, tuy đường đột, song không phải là chưa có tiền lệ. Năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon từng đơn phương áp đặt thuế đối với các đồng minh của Mỹ mà không cảnh báo trước, vi phạm các khuôn khổ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và theo đuổi một cuộc chiến tranh không được ủng hộ tại Việt Nam. Nỗi lo về chủ nghĩa khủng bố bao trùm và không ít chuyên gia đã bi quan về tương lai của một nền dân chủ, song Washington đã vượt qua cơn bĩ cực và tiếp tục duy trì vị thế dẫn dắt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). (Nguồn: CNN) |
Tuy nhiên, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump lại là một câu chuyện khác. Tại cuộc họp của Ủy ban Ba bên tại Singapore, các học giả đã chia sẻ nhiều góc nhìn khác nhau về một châu Á kỷ nguyên Trump. Chuyên gia từ Ấn Độ và Trung Quốc có cách suy nghĩ khác nhau về vai trò của dự án “Vành đai Con đường” của Bắc Kinh. Trong khi đó, chuyên gia từ một số nước châu Á khác và Mỹ lại bất đồng về triển vọng của giải pháp cho vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên, hay thậm chí là khả năng diễn ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Một số học giả từ châu Âu lại băn khoăn liệu những bất ổn toàn cầu hiện nay đang phản ánh sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc hay bởi sự thay đổi của nước Mỹ và Tổng thống Donald Trump.
Cá nhân ông Joseph Nye Jr., cựu Thứ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, cho rằng Washington có thể phục hồi vai trò lãnh đạo của mình sau những năm cầm quyền của ông Trump nếu nước này “học lại” cách sử dụng quyền lực của mình trong tương tác với quốc gia khác. Nói cách khác, Mỹ cần phải sử dụng quyền lực mềm của mình để xây dựng mạng lưới và thể chế nhằm hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, các nước châu Âu… v.v. để tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề xuyên quốc gia như cải thiện độ ổn định của đơn vị tiền tệ, biến đổi khí hậu, khủng bố và tội phạm công nghệ, vốn không một ai có thể đơn phương giải quyết. Điều này sẽ đòi hỏi Washington từ bỏ những chính sách một chiều cùng suy nghĩ có phần vị kỷ, mở rộng vòng tay với những quốc gia đồng minh cũng như “đối địch”.
Ưu thế vượt trội
Đáng chú ý, trái ngược với nhiều quan điểm hiện nay, ông Nye cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục duy trì những lợi thế quan trọng về sức mạnh trong ít nhất hai nhiệm kỳ Tổng thống nữa.
Ưu thế đầu tiên là về dân số, khi Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng dân số toàn cầu tới năm 2050. Trung Quốc, nước có đông dân nhất ở thời điểm hiện tại, sẽ mất vị trí dẫn đầu vào tay Ấn Độ.
Ưu thế thứ hai là về năng lượng, khi cuộc cách mạng về đá phiến đã biến Mỹ thành nước xuất khẩu năng lượng, trong khi Trung Quốc đang trở nên dần phụ thuộc hơn vào năng lượng nhập khẩu.
Ưu thế thứ ba là về công nghệ. Danh sách những công nghệ có thể được chuyển hóa thành sức mạnh trong thế kỷ này gồm công nghệ sinh học, nano, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Theo hầu hết các chuyên gia, trong khi tiềm lực của Trung Quốc đang phát triển, Mỹ vẫn tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong nghiên cứu và thương mại hóa những công nghệ này.
Ưu thế thứ tư là về giáo dục đại học và cao học. Trong bảng xếp hạng do trường Đại học Giao thông Thượng Hải công bố, 16/20 trường Đại học hàng đầu thế giới nằm ở Mỹ và không có trường nào ở Trung Quốc.
Ưu thế thứ năm mà Mỹ nắm giữ là sự lớn mạnh và phổ biến của đồng USD. Trong dự trữ ngoại tệ của các chính phủ, có tới 64% là USD và chỉ có 1,1% là Nhân Dân Tệ (NDT). Một đơn vị tiền tệ dự trữ đáng tin phụ thuộc nhiều vào thị trường nguồn vốn lớn, cùng một chính phủ trung thực và thượng tôn pháp luật, điều mà Trung Quốc vẫn chưa thể đạt được trong tương lai gần.
Cuối cùng, Mỹ có lợi thế về địa lý hơn so với Trung Quốc, khi bao quanh là biển và có đường biên giới tiếp giáp với Canada và Mexico, hai quốc gia vẫn đang có quan hệ tốt với Washington về lâu dài. Trong khi đó, đường biên giới của Trung Quốc tiếp giáp với 14 nước, với nhiều tranh chấp về chủ quyền, nổi bật là Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam.
Quan trọng hơn, giữa Mỹ và Trung Quốc khó có thể xảy ra chiến tranh, khi không nước nào đe dọa đến chủ quyền quốc gia hay sự tồn vong của bên còn lại. Hai bên luôn có thời gian để quản lý và kiểm soát, giải quyết những bất đồng trước khi cân nhắc đến những biện pháp mạnh mẽ hơn.
Khi được hỏi về việc liệu Trung Quốc có thể vượt Mỹ, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã lắc đầu. Ông cho rằng ngay cả khi Bắc Kinh có tiềm năng to lớn với 1,4 tỷ dân, sự cởi mở của Mỹ cho phép họ tận dụng tiềm năng của 7,5 tỷ người còn lại, lớn hơn mọi con số mà Trung Quốc có thể đạt tới. Chừng nào điều này còn tồn tại, vai trò lãnh đạo của Mỹ tại châu Á, hay tại bất kỳ khu vực nào khác, sẽ tiếp tục được duy trì.