📞

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Dấu ấn ‘phá bao vây, cấm vận’

ĐỖ PHÚ THỌ 14:52 | 24/11/2022
Tôi may mắn có thời gian khá dài là phóng viên chuyên trách theo dõi hoạt động của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nên đã được chứng kiến và được nghe khá nhiều chuyện về Thủ tướng Võ Văn Kiệt với công cuộc cải cách kinh tế, hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Đặc biệt là dấu ấn của Thủ tướng trong việc phá thế “bao vây, cấm vận”.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trao đổi thân mật với các trí thức Việt kiều. (Nguồn: Tư liệu gia đình).

Chiến thuật “hoa sen nở”

Những ai đã từng sống vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước chắc không thể nào quên những ngày đất nước gian khó vì bị bao vây, cấm vận.

Đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nhớ lại: khi ấy đồng chí là Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao. Để phá thế bao vây cấm vận, đồng chí Võ Văn Kiệt đã gợi ý ngành Ngoại giao nên áp dụng chiến thuật “hoa sen nở”, đi từ trong ra.

Theo đó, trước hết cần cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á vốn có lợi ích sát sườn trong quan hệ với ta, đi đôi với việc bình thường hóa quan hệ với nước láng giềng phương Bắc là Trung Quốc, từ đó tạo ra thế mới để cải thiện, thiết lập quan hệ với các nước ở vòng cung thứ hai thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…; tiếp đó vươn sang vòng cung xa hơn là châu Âu.

Thực hiện chiến thuật “hoa sen nở”, đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu trong những năm đầu thập kỷ 90 đã lần lượt thăm các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đặt nền móng cho việc Việt Nam gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995. Đồng chí Võ Văn Kiệt cũng là Thủ tướng Việt Nam đầu tiên thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Thành công của những bước đi ấy tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy Mỹ chấm dứt chính sách cô lập, cấm vận Việt Nam.

Theo số liệu tổng hợp của Văn phòng Chính phủ, trong nhiệm kỳ Thủ tướng (từ 1992-1997), đồng chí Võ Văn Kiệt đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam đi thăm chính thức 34 nước và Liên minh châu Âu. Đồng chí cũng đã đón tiếp nhiều lãnh đạo cấp cao các nước thăm Việt Nam. Việt Nam phá vây thành công và bước đầu hội nhập với thế giới, công lao lớn thuộc về Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

“Trên lĩnh vực đối ngoại, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trực tiếp tham gia thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991); với Hoa Kỳ (1995); gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN (1995); chỉ đạo thiết lập sự liên kết kinh tế với các nước trong khu vực và các tổ chức kinh tế quốc tế, nhằm khơi dậy và phát huy các nguồn lực bên trong và bên ngoài, từng bước đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, phá vỡ thế bao vây cấm vận, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên hội nhập, phát triển” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Mở cánh cửa hội nhập

Đồng chí Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Việt Nam cho biết, việc mở cửa thị trường viễn thông của Việt Nam có dấu ấn quan trọng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Năm 1994, email đầu tiên của Việt Nam được tạo lập, chính là email của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Đồng chí Mai Liêm Trực cho biết: vào thời điểm đó (năm 1994-1996), ý kiến phản đối đưa Internet vào Việt Nam cũng có nhưng không nhiều.

Tuy nhiên lại lắm ý kiến lo ngại, kể cả ở lãnh đạo cấp cao. Ai cũng nghĩ rằng, Internet sẽ vào Việt Nam, nhưng có điều đưa sớm hay chậm hơn mà thôi. Vì vậy, vấn đề là liệu chúng ta có mất cơ hội lần nữa hay không. Lúc đó, những người đứng đầu ngành bưu điện cảm nhận Internet sẽ vào Việt Nam nhưng có nguy cơ chậm và nếu cho mở sẽ bị nhiều yếu tố hạn chế ảnh hưởng đến tốc độ phát triển.

Vì vậy, phải thuyết phục mở càng sớm càng tốt. “Vào những giờ chót thuyết phục cho mở Internet ở cấp cao nhất là Thường vụ Bộ Chính trị, Thủ tướng đã đặt ra câu hỏi: Nếu mở Internet ra có chặn được hết những thông tin độc hại hay không? Lúc đó, tôi đứng lên báo cáo đã có văn bản và thông tư liên tịch giữa các bộ như Tổng cục Bưu điện, Bộ Công an và Bộ Văn hóa Thông tin rất chặt chẽ, nhưng trong triển khai do điều kiện kỹ thuật nghiệp vụ không thể nào chặn được hết. Tuy nhiên, chúng ta sẽ hạn chế được đến mức thấp nhất các thông tin độc hại của Internet. Đến năm 1997 thì chính thức mở Internet tại Việt Nam”, đồng chí Mai Liêm Trực nhớ lại.

Ngày 7/11/2006, lễ kết nạp Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được tổ chức tại trụ sở WTO ở Geneva, Thụy Sỹ. Sau đó, kể từ ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này. Đây là một trong những sự kiện lớn của Việt Nam trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Để có sự kiện này cũng có dấu ấn quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt khi đồng chí còn làm Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Vũ Khoan nhớ lại: Năm 1999, cuộc đàm phán về việc ta gia nhập WTO đã hoàn tất, dự định sẽ ký ở Auckland (New Zealand) nhân Hội nghị cấp cao APEC đang tổ chức tại đây, song bị hoãn do ta vẫn còn băn khoăn về một số điểm. Sang năm 2000, khi trở thành Bộ trưởng Thương mại, nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta giao cho đồng chí Vũ Khoan là “thu xếp để ký hiệp định gia nhập WTO”.

“Trước khi khăn gói lên đường sang Washington, Mỹ, tôi phải xin ý kiến lãnh đạo. Anh Lê Khả Phiêu, lúc này là Tổng Bí thư, yêu cầu tôi xin thêm ý kiến các đồng chí cố vấn Ban Chấp hành Trung ương: Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt.

Khi gặp đồng chí Võ Văn Kiệt, tôi định trình bày các phương án cụ thể để giải quyết từng điểm còn lại thì ông ngắt lời, nói: Tôi chỉ muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp định này đối với quan hệ quốc tế của nước ta và việc mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, còn những điểm cụ thể các anh tự lo liệu rồi xin ý kiến quyết định của Thủ tướng Chính phủ”, đồng chí Vũ Khoan nhớ lại.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại dấu ấn với rất nhiều công trình, dự án lớn của đất nước trong thế kỷ trước, trong đó đường dây 500 kV Bắc-Nam, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đường Láng-Hòa Lạc, đường Hồ Chí Minh, Nhà máy thủy điện Trị An, Nhà máy lọc dầu Dung Quất…

Nhà lãnh đạo gần dân

Thủ tướng Võ Văn Kiệt có tên khai sinh là Phan Văn Hòa. Ông sinh ngày 23/11/1922, tại ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, ông có rất nhiều bí danh và bí danh Sáu Dân được ông dùng nhiều nhất. Ông thích cánh nhà báo chúng tôi gọi là Sáu Dân thay cho “Thủ tướng Chính phủ”. Đi cùng ông đến các địa phương phía Nam, chúng tôi thấy bà con cũng thường gọi ông là bác/chú/anh Sáu Dân. Người con gái mà ông rất yêu quý cũng được ông đặt cho một cái tên rất đặc biệt “Phan Hiếu Dân”.

Tiếp xúc với Thủ tướng không nhiều, nhưng cánh nhà báo chúng tôi đã học hỏi từ ông rất nhiều về đức tính giản dị, gần dân, yêu dân, kính dân, hiếu dân, cái gì có lợi cho dân thì ông hết sức làm. Cái gì có hại cho dân thì ông hết sức tránh, nói và làm, thực tế, sâu sát công việc, thân ái với đồng chí, khoan dung và độ lượng với người dưới... Tôi nhớ mãi chuyến đi công tác đầu tiên của tôi cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào cuối năm 1996 tại Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng không chỉ lắng nghe các chuyên gia, mà còn đến tận nơi khảo sát và hỏi ý kiến của người dân.

Có thể nói, trong gần 70 năm hoạt động cách mạng không mệt mỏi vì dân, vì nước, đồng chí Võ Văn Kiệt xứng đáng là một trong những học trò đặc biệt xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như trong lời điếu văn do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đọc tại lễ truy điệu Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Với tư duy chiến lược, với quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sát, quyết đoán, luôn tìm tòi, trăn trở, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đóng góp xứng đáng vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Tên tuổi của đồng chí gắn liền với những công trình lớn ở khắp mọi miền đất nước”.